Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2022

Một người

 

Một người nhớ

Một người thương

Một người dạo ấy vẫn thường qua đây

Một người ngoảnh mặt là ngơ

Một người đau đáu như chờ đợi ai?

Tình thơ

 Vì tình anh phải lụy tình

Vì yêu anh chỉ yêu mình em thôi

Vì đời phải biết khóc cười

Vì duyên anh phải ngậm ngùi se duyên

Vì trái tim khổ trái tim

Vì hồn mơ mộng phải tìm mộng mơ

Vì mộng mơ lụy nàng thơ

Vì thơ anh phải tôn thờ tình em

Vì em chia sẻ riêng chung

Vì anh em hóa thiên thần tình yêu


Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2022

Hạt cát

 

Em là hạt cát 
ngập vùi nơi biển mặn, 
Vẫn khát khao 
mơ ước những bến bờ. 
Dấu chân anh 
vô tình làm tung sóng cả, 
Chợt thấy 
cát vàng lóng lánh nét hoang sơ.

Cố hương

Con đã lang thang

hơn nửa cuộc đời

Dọc ngang phiêu lưu buồn vui lận đận...

Con vẫn nghe trái tim mình thầm nhắc

Tiếng mẹ hiền – hai chữ cố hương

 

Hành trình cuộc đời

trong mỗi bước tha hương

Trong cõi nhân gian gian ai còn ai mất

Một nén nhang cho những người đã mất

Cõi tâm linh trong kiếp con người.

 

Con đã về đây

– nơi con khóc chào đời

Vẫn trắng đôi tay –  tình đời đen bạc

Vòng tay mẹ vẫn muôn đời ấm áp

Xin được hôn người – hai chữ cố hương. 

Nhố nhăng

 

Nhố nhăng

cái thói ở đời

Dựa hơi lên mặt đua đòi bon chen.

Một lời chị một lời anh

Kiếp này tôi mọi cũng đành đưa chân.

Nợ

 

Nợ nghĩa tình

xin hẹn ngày sau trả

Nợ ái tình xin giữ mãi trong tim

Anh và em như những kẻ trốn tìm

Chợt đến chợt đi còn tình yêu trở lại

Luẩn quẩn


Muôn ngả đường đời

– muôn ngả đường sông.

Như dòng chảy

trôi vào trong vô tận…

Ta vẫn còn em

như tình đời chân thật

Chuyện chúng mình

luẩn quẩn cái yêu đương…

 

Nỗi niềm tâm sự

     Yêu nhà giáo

nên thương nhà giáo

Kỹ sư tâm hồn

tâm hồn nghĩa là thơ

Nên phải yêu ước mơ

Nên phải yêu trí tuệ

Qúi những giọt mồ hôi và thương giọt lệ

Đã từng rơi trên trang giấy học trò

Yêu những bến bờ

yêu những con đường phải đến

Yêu cái phải nhớ yêu nỗi nên quên...

 

Cây phượng sân trường

bông nắng rung rinh

Nghe tiếng trống nhớ giờ lên lớp học

Trên giảngđường hôm nay những ai vắng mặt

Nỗi buồn vui ai đó ở trong ai?

 

Hiện tại nói gì

với cuộc sống ngày mai

Niềm tin nói gì ới ước mơ tuổi trẻ

Trang giấy học trò theo dòng đời muôn ngả

Hạnh phúc ở gần hay hạnh phúc ở xa?

 

Yêu cái của riêng tôi

yêu cái của chúng ta

Phấn trắng bảng đen tình đời nhân nghĩa

Nghĩ suy những gì những gì cấn suy nghĩa

Riêng tôi vẫn yêu nghề yêu tuổi tre và thơ.

Thứ Tư, 24 tháng 11, 2021

Bây giờ điên nữa cho đời điên thêm...

Trong những thi sĩ Việt Nam thế kỷ XX, Bùi Giáng có lẽ là người duy nhất xứng với hai từ “quái kiệt”. 

§  Xì phé với Bùi Giáng

§  "Chuyện tình" của thi sĩ Bùi Giáng và "kỳ nữ Kim Cương: Lãng mạn dị thường

§  Thi nhân Bùi Giáng: Một tiếng lá rơi dội trong sương mù

Vừa là học giả, là nhà nghiên cứu, là dịch giả, là thầy giáo... nhưng sau hết ông là một thi sĩ đã để lại cho đời vô số giai thoại nửa thực nửa hư, bi hài trộn lẫn.

Nhiều người đương thời không hề ngần ngại gọi ông là nhà thơ điên, thế nhưng cái điên của ông lại quá đỗi đặc biệt, như một tỷ lệ thuận với những lao động sáng tạo mà ông để lại cho đời.

Cuộc đời của Bùi Giáng được công nhận như một kỳ tích đặc biệt, hiếm có: “Viết đôi lời hay nhiều lời về Bùi Giáng không bằng đọc Bùi Giáng. Đọc Bùi Giáng không bằng giao du với Bùi Giáng. Giao du với Bùi Giáng không bằng sống như Bùi Giáng. Mà sống như Bùi Giáng thì thật vui và thật khó vậy” (Bùi Văn Nam Sơn). Bản thân thi sĩ tự bạch về mình qua mấy chữ: Điên rồ lừng lẫy chết đi sống lại vẻ vang.

Điên trong đời

Bùi Giáng ngay từ hồi trẻ đã có những biểu hiện kì dị, khác thường khiến mọi người xung quanh vô cùng “ấn tượng”. Nhiều người cho rằng, gien “điên” của Bùi Giáng ít nhiều ảnh hưởng từ cụ thân sinh là ông Bùi Thuyên, thường được gọi là ông Cửu Tý. 

Tương truyền, ông Cửu Tý bị chứng cuồng nhẹ, hằng ngày thường làm bộ cưỡi ngựa bằng mo cau đi từ làng Trung Phước đến làng Cà Tang đọc thơ, làm câu đối và đặc biệt rất thích chọc ghẹo... các cô gái có nhan sắc. 

Bùi Giáng lấy vợ năm 1945, đến năm 1948 thì vợ sinh non và qua đời cả mẹ lẫn con. Giai thoại kể rằng, ông đã làm thịt 21 con gà, lại còn thành tâm bỏ thịt con gà còn sống vào quan tài tẩm liệm người vợ thân yêu. 

Từ năm 1948 đến khoảng 1951, Bùi Giáng mua đàn dê hàng trăm con và đi chăn dê ở miền đồi núi Trung Phước (Quảng Nam). Ông lang thang lên các quả đồi hái hoa, hái lá về kết vòng đeo vào cổ cho dê. Ông gọi dê là các em dê, mỗi con dê được ông đặt cho một cái tên.

Những ngày tháng chăn dê đã đi vào trong nhiều bài thơ của ông mà tiêu biểu là Nỗi lòng Tô Vũ: “Này em Đen chiếc vòng vàng tươi lắm/ Này em Vàng chiếc trắng há mờ đâu/ Này em Trắng chiếc hồng càng lóng lánh/ Này em Hoa Cà hỡi! Chiếc nâu/ Ngẩng đầu lên! Dê ơi anh thong thả/ Đeo vòng vào em nghển cổ cong xinh/ Ngẩng đầu lên! Đây lòng anh vàng đá/ Gửi gắm vào vòng mây nhuộm tơ duyên”. 

Những năm 1952 đến 1960, Bùi Giáng từng đi dạy Việt văn ở một số trường trung học tỉnh lỵ. Một hôm, giảng Kiều, đến chỗ Kiều phải hồng trần lưu lạc, thầy Giáng khóc òa. Thế là nhảy phóc qua cửa sổ lớp học, đi bộ ra bến xe rồi về thẳng Sài Gòn. Học trò cứ thế ngồi chờ thầy mãi vì trên mặt bàn, sách vở và bao thuốc lá vẫn còn. 

Thế mà hóa ra thầy đi một mạch, bỏ lớp bỏ trường, bỏ cả tỉnh lỵ nhiều năm sau đó. Sau này hỏi lại, thầy mới nói lý do rằng không thể trở lại nơi em Kiều đã một lần hy sinh cho cái trò chơi nhân gian kỳ ảo chỗ liên tồn. 

Năm 1965, nhà Bùi Giáng gặp cơn hỏa hoạn, cháy rụi nhiều sách quý và các bản thảo. Thi sĩ bị chấn động mạnh, nổi cơn điên và cho đến tháng 5-1969 thì gia đình phải gửi vào Bệnh viện Biên Hòa để điều trị. Một thời gian sau, ra khỏi viện, Bùi Giáng bắt đầu một hành trình... điên mới, sống lang thang nay đây mai đó, lúc ngủ quán này, mai ngủ bãi hoang kia. 

Người đương thời kể lại, ông thường xuất hiện một cách lạ mắt trong trang phục thùng thình trên hè phố, mái tóc dài đạo sĩ, cái túi vải lại còn thêm cây gậy, trên cổ có khi đeo toòng teng đủ thứ như hộp lon, nón rách, giày rách, áo quần, rơm rạ. 

Có khi ông đứng giữa ngã ba, ngã tư để hò hét chỉ huy giao thông. Có khi ông chơi cùng bọn trẻ con ở những bãi đất trống, hát hò, đọc thơ với chúng. 

Có khi ông đến gõ cửa nhà nghệ sĩ Kim Cương - nàng thơ, người trong mộng mà ông hết sức tôn thờ: “Nếu ngày mai tôi chết đi, mà cô không thể rỏ cho một giọt nước mắt/ Thì cô có thể rỏ cho một giọt nước tiểu cũng được/ (Nhớ rỏ ngay trên mồ)/ Ở dưới suối vàng tôi sẽ ngậm cười đón nhận”. 

Bùi Giáng còn nổi tiếng với những câu chuyện về nuôi heo đất, vịt đất bằng rau, gạo như heo vịt thật, hoặc về thói quen ăn uống: Phạm Công Thiện gọi một ly café. Tôi gọi một ly trà đá. Riêng Bùi Giáng gọi một tô hủ tiếu, một tô mì, một ly café sữa và một ly đá chanh (...) 

Ông ăn một miếng mì, rồi lại ăn một miếng hủ tiếu, uống một chút nước chanh, rồi lại nhấm nháp một chút café. Cái lối ăn uống của Bùi Giáng thật là quái đản. Nhưng ông ăn và uống đều ngon lành. Cả café sữa và chút chanh đường. Cả những sợi mì và cả những sợi hủ tiếu. Ông gắp cái này một chút, uống cái kia một chút, như người nhạc trưởng uyển chuyển trước một dàn nhạc. 

Ngay cả đồ gia vị cũng vậy. Ông rắc một chút tiêu lên tô này, lại thêm một chút ớt vào tô nọ. Xúc một muỗng đường. Xin vài hạt muối. Muối cho vào ly đá chanh. Đường cho vào tô mì. Lung linh trộn lộn. 

Có lẽ, chỉ có ông trời xanh hay bà trời trắng mới biết được ông đang ăn uống hay đang chơi dạo giữa mùa trăng châu thổ? (Tuấn Huy - Những ngọn cỏ sầu của Bùi Giáng).

Điên trong thơ

Ở phần trên, chúng tôi vừa lược thuật lại vài câu chuyện đời dị thường của Trung niên thi sĩ. Chất điên ở Bùi Giáng, rõ là không giống ai, đã gợi lên trong mỗi chúng ta một tâm hồn rất đỗi nhạy cảm trước cái đẹp, trước cuộc sống, trước những câu chuyện nhân sinh. 

Và khi đi vào trong thơ để điên trở thành một hình tượng nghệ thuật, thiết tưởng cũng không có thi sĩ nào tạo ra một mật độ dày đặc như Bùi Giáng.

Điên trong thơ Bùi Giáng giống như một hệ hình thẩm mỹ, đi từ tâm thân ra tới ngoại cảnh, có thể bao trùm hết không gian và thời gian, từ cái cụ thể đến cái trừu tượng, và được dẫn dắt, kéo đi bằng một dòng cảm xúc ngập tràn: Tờ điên trang điểm thêu thùa/Chữ điên càng viết càng đùa giỡn suông/Tình điên đổi ngọn thay nguồn/Mộng điên trút lục giũ hường đổ sông/Một điên cuồng tưởng vời trông/Hai điên tường dại hư không đặt lời/Ba điên dại niệm dài hơi/Bốn điên mê tưởng về nơi phiêu bồng/Năm điên chuốc não bỗng không/Sáu điên sầu tỏa chùm bông giữa hàng/Bảy điên thụ động đầu trang/Tám điên đầu lá nhặt khoan tự tình/Chín điên trường dạ dặm nghìn/Mười điên vĩnh viễn theo bình minh điên (Quà nguyên đán). 

Vậy là thi sĩ thậm chí còn coi điên như một món quà mà Tạo hóa, trời đất, cuộc đời đã tặng cho mình, để mà mình vui thú khoái hoạt triền miên. Điên không có mở đầu, không có kết thúc. 

Điên cũng tự nhiên như hơi thở: Mẹ về ngủ giấc bình yên/Con đi suốt xứ còn điên như thường (Thơ điên tái điệp), Sơ sinh phát tiết muộn lời/Tâm hồn như lộc trang đời như điên (Muôn tâu bệ hạ).

Hình như ở thời kỳ đầu, cụ thể là trong tập Mưa nguồn – tập thơ thứ nhất của Bùi Giáng, cái điên đôi khi còn gắn với những xót xa, day dứt. 

Tâm và cảnh vẫn còn là hai khoảng tách rời nhau: Anh qua miền cao nguyên/Nhìn mây trời bữa nọ/Đêm cuồng mưa khóc điên/Trăng cuồng khuya  trốn gió (Bờ lúa). 

Nhưng càng về sau này, cái điên đã đi hết một hành trình trong thơ Bùi Giáng để tâm và cảnh cùng tan chảy nhuyễn vào nhau thành một. Điên được thụ hưởng như một khoái cảm, được chở che như một hạnh phúc. 

Liệu có phải đó chính là một cách thức để Bùi Giáng tự đo đi suốt một cuộc đời của riêng ông: Nắng trưa nắng xế đầy trời/Bóng cây râm mát che đời ta điên (Thơ tặng)

Bùi Giáng không ngần ngại nhắc đến cái chết, điên không chỉ gắn với từng phút giây của đời sống mà còn theo con người tận tới khi giã từ trần gian. 

Nhưng khi ấy, điên hình như cũng vẫn không mất đi mà lại tiếp tục tái sinh trong một hành trình khác: Cuộc điên đã chấm dứt rồi/Bây giờ điên nữa cho đời điên thêm (Nỗi buồn). 

Có được điều ấy là bởi điên được coi như một tiên thiên, một khởi nguyên xuất phát tự trời xanh: “Một cô hàng xóm nghịch đùa/ Gọi tôi như gọi già nua ông trời/ Thật ra có lẽ lầm rồi/ Ông trời muôn thuở ông trời đã điên” (Lẩm cẩm).

Bùi Giáng rong chơi với tháng ngày bất tận, “phóng túng hình hài, ngang tàng định mệnh”. Ông đùa cợt giễu nhại, mỉa mai tự trào. Cái người ta coi là quan trọng thì đối với ông chẳng hề quan trọng. Cái người ta vứt đi thì đối với ông có khi lại như một báu vật. Cái điên trong thơ Bùi Giáng vì thế thường gắn với một tinh thần hài hước. 

Ông đem mình ra để mà trào lộng: “Giáng bao nhiêu tuổi Giáng già/ Điên bao nhiêu tuổi gọi là điên non/ Người còn thì của hãy còn/ Còn thằng Bùi Giáng hãy còn cái điên” (Bùi Văn Giáng). Có lúc, ta ngỡ ngàng bối rối không biết ông nói đùa hay nói thật: “Bình sinh ta, bình sinh ta/ Vì mê gái đẹp mà ra điên rồ”.

Sinh thời, có một câu nói luôn đồng hành với Bùi Giáng trong mọi cuộc gặp gỡ với anh em bè bạn, trong mọi việc ông làm, dù việc đó có thể được coi là kì tích hay giống như một khoảnh khắc phiêu bồng: “Vui thôi mà!”. Chỉ có ba chữ giản đơn ấy thôi. 

Chất điên trong thơ Bùi Giáng vì thế, hướng tới một cảm giác phiêu thoát và giải phóng, là một tương phản đối đỉnh với chất điên trong thơ một thi sĩ tài danh khác - Hàn Mặc Tử, vốn gắn với những bi kịch đau đớn của một thân phận con người. 

Bùi Giáng đã để lại một cảm hứng đặc biệt cho thi ca Việt, làm cho chúng ta có một cảm giác ông vẫn còn rong chơi quanh đây mỗi ngày, thật gần gũi với chúng ta, như chính những câu thơ mà ông để lại: “Điên duỗi dọc, điên ngửa nghiêng/ Điên là hạnh phúc thần tiên ở đời...”.

 

Đỗ Anh Vũ

 

Trịnh Công Sơn với Văn Cao

Văn Cao, Trịnh Công Sơn, hai nhạc sĩ, hai thế hệ. Nhạc sĩ Văn Cao sinh năm 1923, còn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh năm 1939. Hơn Trịnh Công Sơn 16 tuổi, Văn Cao coi Sơn như một người bạn vong niên, bạn nghề, bạn rượu, bạn đời. Họ thương nhau, họ yêu nhau và kính trọng nhau.

§  Có một con đường mang tên Trịnh Công Sơn

Tôi nhớ lần đầu tiên hai người gặp nhau. Vào khoảng đầu năm 1980, tôi từ Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp về thăm ông. Hai cha con đang ngồi tâm sự với nhau thì thấy nhạc sĩ Hồng Đăng cùng nhạc sĩ Trần Tiến mở cửa vào, đằng sau là một thanh niên đội chiếc mũ vải mềm, một chiếc kính trắng gọng đồi mồi to ngự trên khuôn mặt bé nhỏ. Dáng vóc gầy gò khép nép, chàng trai chắp tay cúi gập người chào cha tôi với chất giọng Huế nhỏ nhẹ: "Dạ! Con chào chú". Nhạc sĩ Hồng Đăng vội giới thiệu: "Thưa anh Văn. Đây là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở trong Nam ra. Sơn rất ngưỡng mộ anh, bọn em đưa Sơn đến thăm anh".

Cha tôi chăm chú nhìn Trịnh Công Sơn giây lát rồi nhổm người lên bắt tay: "Trịnh Công Sơn đây hả? Tớ gặp cậu rồi...”. Thấy mọi người có vẻ ngạc nhiên, cha tôi cười nói: “Gặp qua tác phẩm! Tớ đã nghe nhạc của cậu từ lâu, từ ngày đất nước còn chưa thống nhất". Trầm ngâm giây lát, ông nói: "Một lần có mấy anh bạn trẻ rủ mình đến nhà uống rượu, vui lên, họ hát cho mình nghe những ca khúc của Sơn mà họ học được qua những buổi phát thanh của đài Sài Gòn. Họ hát say sưa, hát thâu đêm. Âm nhạc và lời ca của Sơn đi vào lòng mọi người như thế đấy".

Trịnh Công Sơn gỡ kính ra, lấy mùi xoa thấm mắt, rồi chắp tay cúi đầu: "Dạ! Con cám ơn chú".

- Mình là thế hệ trước, cậu là thế hệ sau. Chúng ta cùng nghề không phân biệt tuổi tác làm gì, từ giờ hãy gọi nhau là anh em cho thân mật.

Trịnh Công Sơn cảm động chắp tay: "Dạ! Dạ!... Cháu... à... em, em cám ơn anh".

Buổi gặp gỡ giữa cha tôi với  nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng nhạc sĩ Hồng Đăng, nhạc sĩ Trần Tiến ngày hôm đó diễn ra vui vẻ và ấm áp. Họ nói với nhau nhiều chuyện, bàn luận sôi nổi về nghệ thuật. Không còn khái niệm của tuổi tác. Tôi cảm nhận được cha tôi và Trịnh Công Sơn đã trở thành đôi bạn tri kỷ theo đúng nghĩa của nó. Tôi ngồi nhìn mọi người nói, chỉ biết nghe và nghe.

Từ đấy, hằng năm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đều ra Hà Nội thăm nhạc sĩ Văn Cao. Không những thế, Trịnh Công Sơn còn đưa những người bạn của mình là các nhạc sĩ Tự Huy, Trần Long Ẩn, Nguyễn Văn Hiên, Tôn Thất Lập... đến với Văn Cao. Ngôi nhà 108 Yết Kiêu trở thành nơi tụ hội của anh em nhạc sĩ trẻ miền Nam. Mỗi lần ra Hà Nội, Trịnh Công Sơn thường thuê những khách sạn ở gần nhà Văn Cao để bất cứ lúc nào rỗi là có thể đi bộ đến thăm và uống rượu cùng ông. Với Trịnh Công Sơn, Văn Cao bao giờ cũng dành những loại rượu đặc biệt và ngon nhất để uống cùng. Nhạc sĩ Văn Cao có một loại rượu "quốc lủi" nút lá chuối trong vắt được nấu bằng gạo nếp cái hoa vàng, mỗi khi rót ra tăm nổi lên như mắt cua đóng vòng quanh chén như một chiếc đai ngọc. Trịnh Công Sơn rất mê loại rượu này, ông gọi nó là "Rượu Văn Cao".

 Sau khi cha tôi mất, mỗi lần có dịp đi Sài Gòn, tôi đều mang "Rượu Văn Cao" vào biếu nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ông trân trọng đặt lên ban thờ thắp hương cẩn thận xong rồi mới gọi bạn bè đến uống. Ông ôm lấy tôi: "Mình nhớ anh Văn quá, Thao ơi...".

Cả nhà tôi đều yêu quý Trịnh Công Sơn, coi anh như một thành viên trong gia đình.

 Một ngày thu năm 1985, cửa nhà tôi bật mở. Trịnh Công Sơn ôm cây đàn guitar bước vào, reo lên: "Anh Văn! Em vừa sáng tác xong một bài hát về mùa thu Hà Nội. Vội sang đây đàn và hát cho anh nghe thử". Nói xong, Trịnh Công Sơn vừa đàn vừa hát:

Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ/ Nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu/ Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội/ Mùa hoa sữa về thơm từng ngọn gió/ Mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ/ Cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua/ Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay, bờ xa mời gọi/ Màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời...”.

Trịnh Công Sơn hát. Hát một cách say sưa. Chiếc kính rơi ra khỏi mắt, hai bàn tay gầy guộc lướt trên dây đàn...

Hà Nội mùa thu đi giữa mọi người/ lòng như thầm hỏi, tôi đang nhớ ai/ Sẽ có một ngày trời thu Hà Nội trả lời cho tôi/ Sẽ có một ngày từng con đường nhỏ trả lời cho tôi...”.

Cho đến lúc ấy, chén rượu vẫn lửng lơ trên tay cha tôi. Ông lặng đi nghe Trịnh Công Sơn hát. Nghe tới đây, chợt ông bừng tỉnh, đưa mắt nhìn Trịnh Công Sơn. Hình như ông định nói điều gì đó thì bất chợt giọng hát của Sơn lại khe khẽ vang lên

Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội/ Nhớ đến một người... để nhớ mọi người”.

Tiếng đàn rung lên run rẩy trôi vào hư vô. Trịnh Công Sơn từ từ buông tay khỏi hộp đàn. Ông nhặt kính lên đeo trở lại, rồi nhìn cha tôi "lòng như thầm hỏi"...

Cha tôi lặng lẽ nhấp một ngụm rượu rồi nhìn Sơn: "Bài hát của Sơn viết về mùa thu Hà Nội hay quá, mình nghĩ câu kết ở câu "Sẽ có một ngày từng con đường nhỏ trả lời cho tôi" là được rồi, sao lại còn thêm mấy câu vĩ thanh vào làm gì?”.

Trịnh Công Sơn cười: "Đúng là em đã định kết ở đó rồi nhưng lại nhớ đến anh nên em đã làm thêm câu vĩ thanh "Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội, nhớ đến một người... để nhớ mọi người". Câu "Nhớ đến một người" là nhớ đến anh đã... Anh thấy có được không?

Cha tôi nhìn Sơn cười: "Thế thì được!".

Bài hát “Nhớ mùa thu Hà Nội” của Trịnh Công Sơn sáng tác năm đó chưa được trình diễn. Sau này, khi Trịnh Công Sơn xuất bản tập nhạc “Em còn nhớ hay em đã quên”, nhạc sĩ Văn Cao đã viết lời bạt cho Sơn: "Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người thơ ca (Chantre) bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ. Và bởi Sơn đã hát về quê hương đất nước bằng cả tấm lòng của một đứa con biết vui tận cùng những niềm vui và đau tận cùng những nỗi đau của Tổ quốc mẹ hiền... Trong âm nhạc của Sơn ta không thấy dấu vết của âm nhạc cổ điển theo cấu trúc bác học phương Tây. Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc tự nó trào ra. Nói như nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, người bạn già của tôi, "Trịnh Công Sơn viết dễ như lấy chữ từ trong túi ra". Cái quyến rũ của nhạc Trịnh Công Sơn có lẽ chính là ở chỗ đó, ở chỗ không định ra một trường phái nào, một triết học nào, mà vẫn thấm vào lòng người như suối tưới. Với những lời, ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ hôn phối cùng một kết cấu đặc biệt như một hình thức của dân ca hầu như không thay đổi, Trịnh Công Sơn đã chinh phục hàng triệu con tim không chỉ ở trong nước mà cả ở ngoài biên giới nữa...".

Ngày lễ tang của cha tôi, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bay ra Hà Nội từ hôm trước. Xuống sân bay, ông đến thẳng nhà tôi. Ông chạy lên cầu thang ôm lấy mẹ tôi khóc tức tưởi...

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết về nhạc sĩ Văn Cao như sau: "Trong âm nhạc, Văn Cao sang trọng như một ông hoàng,

Trên cánh đồng ca khúc, tôi như một đứa bé ước mơ mặt trời là con diều giấy thả chơi.

Âm nhạc của anh Văn là âm nhạc của thần tiên bay bổng. Tôi la đà đi giữa cõi người. Anh cứ bay và tôi cứ chìm khuất. Bay và chìm trong thân phận riêng tư.

Quanh anh Văn là tranh. Là thơ. Là nhạc.

Vốn liếng cạnh tôi cũng là tranh, là thơ, là nhạc.

Anh và tôi đi trên cùng một con đường. Nhưng, anh là anh mà tôi vẫn là tôi. Cái lớn vô cùng và cái nhỏ cũng vô cùng...

Anh đã từng nhiều năm nặng nợ với âm nhạc, thi ca, hội họa. điều ấy có thật nhưng nhiều khi tôi vẫn băn khoăn và tự hỏi: Anh là ai mà lưu lạc giữa chốn Thiên Thai này?”.

Tháng 12-2020

                               Văn Thao

 

Thứ Ba, 23 tháng 11, 2021

Nghiệp


Nửa đời người 
bỗng vướng nghiệp văn chương,
Tôi làm thơ về nhân tình thế thái.
Có kẻ chê đồ ngông cuồng ngu dại,
Có người khen chuyện ấy cũng hay hay!

Đêm qua đêm 
ngày lại qua ngày,
Tôi lang thang đi rình nguồn cảm xúc.
Chợt bắt gặp có người cười kẻ khóc,
Hỏi mới hay: chuyện sướng – khổ trên đời.

Sướng ở đây 
không phải chuyện lứa đôi,
Sướng của người phận danh kẻ sĩ,
Vác một chữ “Quyền” khoa trương ầm ĩ
Nhận chức mấy lần – tổ chức ở mấy nơi…

Khổ mấy người 
cứ chạy tới chạy lui,
Gióng trống thổi kèn khiêng hoa khiêng dấu.
Tội cho ai hiếu kỳ nhón chân chen lấn,
Ngước mắt xem chúng nó diễn hát tuồng!

Chuyện cuộc đời 
sao lắm cảnh nhiễu nhương,
Chuyện chức quyền biết ai vinh ai nhục?
Đi khất sĩ ăn mày nơi cửa Phật.
Tôi xin đốt bằng tiến sĩ văn chương
.

Trái cấm

 

Ngày xưa,
Anh ở bên kia,
Em ở bên này.
Trái cấm có gai ở giữa.
Con tim luôn để ngỏ,
Linh hồn lơ đãng bay…

Để rồi,

Trong cơn tỉnh cơn say.
Thần ái tình ngờ ngệch.
Làm rơi mũi tên định mệnh
Mũi tên cắm vào trái cấm…

Tiền kiếp,
Nhân duyên chợt đến,
Để cái nhìn hoang dại.
Cái nhìn con trai con gái,
Đắm chìm, sợ hãi, ngất ngây…

Để rồi,
Từ đó đến nay,
Trái cấm không còn ở giữa.
Hai đứa mỗi người một nửa,
Một nửa của ái tình,
Một nửa của tình yêu.
Tội lỗi bơ vơ nằm giữa…

Tình em vội trốn

 

Lẳng lơ

giỡn ánh trăng vàng

Buông mình đón gió mơ màng suy tư

Vườn xuân mơn mởn non tơ

Nụ tình e ấp đợi chờ khát khao

Bơ vơ một dải yếm đào

Tiếng thu ngân lệ chảy vào trong đêm

Bóng khuya mờ tỏ vai mền

Bóng thơ lơi lả trước thềm xanh xao

Bóng trăng tân ngẩn mời chào

Tình em vộn trốn đi vào lãng du

Thôi thì một chút lẳng lơ

Biết đâu ai đó vu vơ kiếm tìm?

Tình nỡ phiêu du

     Trong không gian 

trái đất thả trôi mình

Như mê ngủ treo đường cong vô định

Trong cuộc đời con tim nào câm lặng

Trong phiêu du ai lơ đãng riêng mình?

 

Ta với đời

như kẻ trốn tìm

Như mộng du lang thang hoang dại

Như bâng khuâng mong tình trở lại

Như chạnh lòng thương nhớ cái vu vơ.

 

Mối tình nào

nuôi những giấc mơ

Mối tình nào men say ngập nắng

Mối tình nào ngây thơ trong trắng

Mối tình nào lệ ướt vầng trăng?

 

Tình cho tình

nồng say hay cay đắng,

Tình chở tình có đến bến trăng thơ.

Tình theo tình có bối rối ngẩn ngơ,

Tình trốn tình có trôi vào quên lãng?

 

Tình phiêu du

tình ai trống vắng,

Tình say tình chao đảo những bờ môi

Tình nương tình như hơi thở cuộc đời

Tình nợ tình trào dâng lên mầm sống…