Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Ba, 5 tháng 4, 2011

Các hình thức cơ bản của thế giới quan

1. Thế giới quan và các hình thức cơ bản của thế giới quan
1.1. Khái niệm thế giới quan
Nhận thức về thế giới, về bản thân trong mối quan hệ với thế giới để điểu chỉnh hoạt động của mình là một nhu cầu nhận thức của con người. Đó cũng quá trình hình thành thế giới quan.
Thế giới quan là hệ thống những quan điểm, quan niệm của con người về thế giới, về cuộc sống và vai trò của con người đối với thế giới.
Sự hình thành và phát triển thế giới quan đều thông qua hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn xã hội.
Nội dung của thế giới quan phản ánh thế giới và vai trò của con người ở ba phương diện:
1). Khách thể (các đối tượng bên ngoài chủ thể - đối tượng nhận thức);
2). Chủ thể (con người dưới các hình thức là cá nhân hoặc cộng đồng xã hội – chủ thể nhận thức);
3). Mối quan hệ giữa khách thể và chủ thể.
Nội dung của thế giới quan, một mặt phản ánh hệ thống những quan điểm, quan niệm của con người về thế giới; mặt khác cũng phản ánh vai trò của con người đối với thế giới. Nội dung cơ bản của thế giới quan cũng là việc giải quyết mối quan hệ giữa vật chất và ý thức.
Xét về cấu trúc, thế giới quan bao gồm nhiều yếu tố: tình cảm, niềm tin, lý tưởng, tư tưởng, tri thức. Trong đó có hai yếu tố cơ bản là tri thức và niềm tin. Tri thức là cơ sở trực tiếp hình thành thế giới quan, khi nó là niềm tin để hình thành lý tưởng, động cơ thôi thúc con người hành động.
Như vậy, một thế giới quan khoa học là thế giới quan có sự thống nhất giữa tri thức và niềm tin có ý nghĩa định hướng cho hoạt động của con người khi phản ánh thế giới, khi xác định thái độ, cách thức hoạt động và hình thành nhân sinh quan nói chung của con người.
Thế giới quan có các chức năng: chức năng nhận thức, đánh giá, xác định giá trị, điều chỉnh hành vi…  Khái quát lại, chức năng quan trọng nhất của thế giới  quan là chức năng định hướng cho toàn bộ hoạt động sống của con người.
1.2. Những hình thức cơ bản của thế giới quan
Sự hình thành và phát triển của thế giới quan về cơ bản có ba hình thức: thế giới quan huyền thoại[1], thế giới quan tôn giáo và thế giới quan triết học.
- Thế giới quan huyền thoại là thế giới quan có nội dung kết hợp một cách tự nhiên (không tự giác) giữa thực và ảo.
Thế giới quan huyền thoại đặc trưng nhận thức về thế giới, đánh giá giá trị của xã hội, được thể hiện thông qua các chuyện thần thoại của công xã nguyên thủy. Thế giới quan huyền thoại chứa đựng sự kết hợp một cách tự nhiên[2] giữa thực và ảo, giữa người và thần. Sự kết hợp này, như Ph. Ăngghen nhận định, là kết quả tất yếu của trình độ nhận thức thấp, khi con người chưa hiểu nguồn gốc, bản chất và qui luật của các sự vật, hiện tượng của thế giới và chính bản thân con người nên họ đã nhân cách hoá các vị thần hoặc bán thần trong thần thoại[3]. Các vị thần trong thần thoại Hy Lạp, Trung Quốc hoặc Ấn Độ… là kết quả của sự nhân cách hoá đó.
Yếu tố thực và ảo của thế giới quan huyền thoại thoại không chỉ nhân cách hoá thần, với tính cách là các lực lượng siêu nhiên có sức mạnh và quyền năng huyền bí, mà còn thể hiện ý thức về cội nguồn để hình thành lý tưởng xã hội của người nguyên thủy ở trong thần thoại[4].  Đó là các thiên thần thoại anh hùng ca tối cổ đã thể hiện lý tưởng hướng về mẫu người chiến thắng muốn tách mình ra khỏi giới tự nhiên, chinh phục lại tự nhiên. Chẳng hạn, hình mẫu người công dân anh hùng như Hécto, như Axin, vinh quang như thần chiến thắng. Biểu tượng con người giành được ngọn lửa thiêng trong tay thần linh[5], con người không còn run rẩy trước tự nhiên mà có khả năng chinh phục tự nhiên. Tuy muốn tách mình ra khỏi tự nhiên, người nguyên thủy không muốn đổi lấy sức mạnh của mình với sức mạnh của tự nhiên, mà chỉ đem sức mạnh của mình gia nhập vào tự nhiên.
Tóm lại, thế giới quan huyền thoại nguyên thủy đều giải thích vai trò các lực lượng siêu nhiên trong tưởng tượng và nhờ trí tưởng tượng; và đều truy tìm nguồn gốc thị tộc đã có trước thần thoại do chinh bản thân thị tộc sáng tạo ra với các vị thần và bán thần; cũng đều là cái hiện thực cuộc sống đã qua phản ánh hoang tưởng vào những câu chuyện của người nguyên thủy.
 Huyền thoại không do suy luận trừu tượng, cũng không phải là một nhận thức thuần tuý nhưng là một thái độ sống cụ thể, một quan niệm về cuộc đời sống động mà không hề biết có quan niệm đó. Người cổ xưa đồng hoá với những quan niệm về cuộc đời. Và bởi vì cuộc đời thần thoại có tính chất thần linh nên thái độ sống này có tính chất tôn giáo. Người ta sống niềm tin thần thoại và biểu lộ nó bằng một nghi lễ có tính chất tôn giáo.
Cố nhiên, trí tưởng tượng trong thế giới quan huyền thoại, không tách khỏi thần thoại và thông qua thần thoại nó có ý nghĩa đối với quá trình hình thành phong tục tập quán truyền thống văn hoá của các dân tộc.
- Thế giới quan tôn giáo là thế giới quan có niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của lực lượng siêu nhiên đối với thế giới, đối với con người, được thể hiện thông qua hoạt động có tổ chức để suy tôn, sùng bái các lực lượng siêu nhiên.
Sự ra đời của thế giới quan tôn giáo có nguồn gốc xã hội và nguồn gốc nhận thức. Nguồn gốc xã hội do sự bất lực của con người trước những lực lượng xã hội gây ra nhiều tai họa cho con người làm nảy sinh ra tín ngưỡng tôn giáo[6] với những ước mơ, khát vọng vào cuộc sống sau khi đã chết. Nguồn gốc về mặt nhận thức, do tuyệt đối hóa vai trò của ý thức, tách ý thức ra khỏi con người, mặt khác còn do sự bất lực của con người trước các hiện tượng tự nhiên dẫn đến thần thánh hóa các hiện tượng tự nhiên, hình thành biểu tượng và tình cảm, niềm tin và lý tưởng tôn giáo. Những hình thức sơ khai của thế giới quan tôn giáo như Bái vật giáo[7], Tôtem giáo[8], Ma thuật giáo[9], Linh vật giáo[10]
Sự hình thành và phát triển của thế giới quan tôn giáo đều gắn liền với với quá trình hình thành và phát triển của tôn giáo.
Tôn giáo xuất hiện rất sớm trong xã hội nguyên thủy, lúc đầu nó gắn liền với đạo đức và nghệ thuật, thần thọai và các truyền thuyết… Ở các thời đại về sau, tư tưởng tôn giáo phát triển thành những giáo lý tôn giáo trở thành thế giới quan tôn giáo được thể hiện theo quan điểm của những giai cấp khác nhau. Sự tồn tại và phát triển của tôn giáo tương ứng với những nhu cầu tinh thần của con người. Tuy nhiên, tính khách quan của bản thân nhu cầu đó không có nghĩa là tính chân lý của những phương tiện tôn giáo nhờ đó mà nhu cầu được thỏa mãn. Ph.Ăngghen đã nêu ra một định nghĩa kinh điển về tôn giáo: “tất cả mọi tôn giáo chẳng qua chỉ là sự phản ánh hư ảo - vào trong đầu óc của người – của những lực lượng bên ngoài chi phối cuộc sống hàng ngày của họ; chỉ là sự phản ánh mà trong đó những sức mạnh ở trần thế đã mang hình thức sức mạnh siêu trần thế”[11].
Đặc trưng chủ yếu của thế giới quan tôn giáo là niềm tin cao hơn lý trí, trong đó niềm tin vào một thế giới “siêu trần thế” hoàn thiện, hoàn mỹ mà con người sau khi chết. Đó cũng là niềm tin về tâm linh, đời sống tâm linh của con người.  Cho nên, tôn giáo ảnh hưởng rất lớn đến đối với đời sống xã hội. Sự ảnh hưởng đó là sự phủ nhận khả năng nhận thức và vai trò của con người đối với hiện thực khách quan. Làm cho con người sống theo an phận, thủ tiêu đấu tranh xã hội và nó bị lạm dụng bởi lợi ích của các thế lực phản động và của các giai cấp bóc lột trong lịch sử. Tuy nhiên, mặt khác tôn giáo cũng có khả năng “định hướng” cái thiện và làm việc thiện của con người trong một chừng mực nhất định nào đó khi nó quan hệ với đạo đức, quan hệ giữa cái thiện và cái ác dù là ở trong tư tưởng của tôn giáo. Và hơn thế nữa, thế giới quan tôn giáo là một trong những nguồn gốc hình thành phong tục tập, truyền thống văn hoá của các dân tộc.
- Thế giới quan triết học là hệ thống những quan điểm có tính khái quát về thế giới về vai trò của con người đối với thế giới thông qua hệ thống các khái niệm, phạm trù, qui luật.
Quá trình hình thành và phát triển của thế giới quan triết học gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của triết học.
Phân biệt thế giới quan triết học khác với thế giới quan khác, nhất là thế giới quan tôn giáo, C.Mác viết: “… các vị hướng về tình cảm, triết học hướng về lý trí, các vị nguyền rủa, than vãn,  triết học dạy bảo; các vị hứa hẹn thiên đường và toàn bộ thế giới, triết học không hứa hẹn gì cả ngoài chân lý; các vị đòi hỏi tin tưởng tín ngưỡng của các vị, triết học không đòi hỏi tin tưởng vào kết luận của nó, nó đòi hỏi kiểm nghiệm các điều hoài nghi; các vị doạ dẫm, triết học an ủi. Và thật thế, triết học biết cuộc sống khá đầy đủ để rằng những kết luận của nó không bao dung sự khao khát hưởng lạc và lòng vị kỷ - của cả thiên giới lẫn thế giới trần tục”[12].
Thế giới quan triết học có thể phân chia thành thế giới quan duy vật, duy tâm, thế giới quan khoa học và phản khoa học. Trong đó, thế giới quan khoa học có ý nghĩa định hướng cho hoạt động của con người trên cơ sở tổng kết những thành tựu của quá trình nghiên cứu khoa học, thực nghiệm khoa học và dự báo khoa học.
Triết học là cơ sở lý luận, hạt nhân của thế giới quan. Bởi vì, vấn đề chủ yếu của mọi thế giới quan cũng là vấn đề cơ bản của triết học, đó là giải quyết mối quan hệ giữa vật chất và ý thức dưới các quan điểm, quan niệm khác nhau. Triết học làm cho thế giới quan phát triển như một quá trình tự giác dựa trên sự tổng kết kinh nghiệm thực tiễn và tri thức do các khoa học đưa lại. Đó là chức năng thế giới quan của triết học. Chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa duy tâm là cơ sở lý luận của hai thế giới quan triết học đối lập nhau.
2. Thế giới quan duy tâm, thế giới quan duy vật và lịch sử phát triển của thế giới quan duy vật
2.1. Thế giới quan duy tâm và thế giới quan duy vật
- Thế giới quan duy tâm thừa nhận bản chất của thế giới là tinh thần, - cái có trước, cái có vai trò quyết định đối với thế giới vật chất và con người.
Thế giới quan duy tâm được thể hiện thông quan hai hình thức. Đó là thế giới quan duy tâm chủ quan và thế giới quan duy tâm khách quan. Sự khác nhau giữa hai hình thức này là sự khác nhau trong quan niệm về tinh thần. Thế giới quan duy tâm chủ quan coi tinh thần là tình cảm, ý chí, tư tưởng; ngược lại thế giới quan duy tâm khách quan coi tinh thần là một bản nguyên tinh thần như “ý niệm”, “ý niệm tuyệt đối”.
Sự hình hành, phát triển của thế giới quan duy tâm gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của chủ nghĩa duy tâm trong lịch sử triết học. Về cơ bản, thế giới quan duy tâm phủ nhận tính khách quan và qui luật khách quan của thế giới vật chất và con người; ngược lại thế giới quan duy tâm thừa nhận ý thức, tư tưởng hoặc “ý niệm”, “ý niệm tuyệt đối” là cái có trước, cái quyết định đối với thế giới vật chất và con người. Theo đó, thế giới quan duy tâm phủ nhận tính năng động, tích cực của con người trong cuộc sống.
Như vậy, thế giới quan duy tâm có khuynh hướng đối lập với thế giới quan khoa học, phụ thuộc nhận thức của con người và điều kiện lịch sử nhất định. Theo nhận định của C.Mác và Ph.Ăngghen: “Tất cả các nhà duy tâm, cả về triết học lẫn tôn giáo, cả cũ và mới, đều tin vào linh cảm, khải thị, chúa cứu thế, người sáng tạo kỳ diệu; sự tín ngưỡng ấy mang hình thức thô sơ, tôn giáo hay hình thức văn minh, triết học, thì điều đó phụ thuộc vào trình độ giáo dục của họ…”[13].
- Thế giới quan duy vật thừa nhận bản chất của thế là vật chất, vật chất quyết định ý thức và thừa nhận vai trò của con người trong cuộc sống hiện thực.
Thế giới quan duy vật định khẳng định thế giới thống nhất ở tính vật chất, thế giới vật chất không do lực lượng siêu nhiên hoặc tinh thần của con người sinh ra và không tự mất đi, nó tồn tại vĩnh viễn, vô hạn, vô tận.
Thế giới quan duy vật cũng khẳng định sự hình thành, vận động và phát triển của xã hội đều phụ thuộc vào các qui luật khách quan, ý thức, tinh thần là sự phản ánh của bộ não con người về hiện thực khách quan; ý thức, tinh thần có nguồn gốc vật chất, bị quyết định bởi vật chất, nhưng nó có tính naa8ng động và sáng tạo…
Như vậy, cơ sở lý luận để xác định thế giới quan duy tâm, thế giới quan duy vật và sự khác nhau giữa thế giới quan duy tâm và thế giới quan duy vật, xét cho cùng đều thông qua việc giải quyết vấn đề cơ bản của triết học của chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật.
2.2. Lịch sử hình thành, phát triển của thế giới quan duy vật
Căn cứ quá trình hình thành và phát triển của chủ nghĩa duy vật, về cơ bản có ba hình thức: Chủ nghĩa duy vật chất phác, chủ nghĩa duy vật siêu hình và chủ nghĩa duy vật biện chứng. Vì vậy, lịch sử hình thành và phát triển của thế giới quan duy vật cũng có ba hình thức cơ bản: thế giới quan duy vật chất phác, thế giới quan duy vật siêu hình và thế giới quan duy vật biện chứng.
- Thế giới quan duy vật chất phác
Thế giới quan duy vật chất phác là thế giới quan duy vật cổ đại. Đây là thời kỳ trình độ nhận thức còn thấp. Lao động từng bước được phân chia thành lao động trí óc và lao động chân tay, nhưng lao động trí óc mới chỉ tạo phôi thai của khoa học. Cho nên, trong khi thừa nhận bản chất của thế giới là vật chất, các nhà duy vật đã quan niệm vật chất là một hay một số chất, là bản nguyên đầu tiên hình thành vũ trụ.
Ở phương Đông, trong triết học Trung Hoa bản nguyên của thế giới là kim, mộc, thủy, hoả, thổ (Ngũ hành); còn triết học Ấn Độ là đất, lửa, không khí; v,v…
Ở phương Tây, trong triết học Hy Lạp bản nguyên của thế giới cũng là nước (Talét), không khí (Anaximan), lửa (Hêracơlít), nguyên tử (Lơxíp và Đêmôcơrít).
Vấn đề con người cũng được các nhà triết học duy vật giải thích quan niệm vật chất là một hay một số chất, là bản nguyên đầu tiên hình thành vũ trụ. Con người là hiện thân của ngũ hành, của đất, nguyên tử…
Với quan niệm về thế giới, về con người như vậy, nhìn chung thế giới quan duy vật chất phác cổ đại do những nguyên nhân về mặt lịch sử, còn nhiều hạn chế:
+ Nhận thức của các nhà triết học duy vật còn mang tính trực quan, cảm tính, phỏng đoán chưa có căn cứ khoa học vững chắc;
+ Quan niệm bản nguyên của thế giới là một chất hoặc nhiều chất cụ thể đã đồng nhất vật chất với vật thể cụ thể;
+ Đồng nhất vật chất với vật thể cụ thể các nhà triết học duy vật không giải thích đúng bản chất của các hiện tượng tinh thần cũng như mối quan hệ giữa tinh thần với vật chất; không có cơ sở khoa học khi xác định giải thích đời sống vật chất của xã hội. Điều đó, tất yếu dẫn đến quan điểm duy vật về tự nhiên, nhưng lại duy tâm khi giải thích bản chất của tinh thần và những vấn đề xã hội.
+ Thế giới quan duy vật chất phác cổ đại, về cơ bản cũng chỉ dừng lại ở việc giải thích thế giới và rất hạn chế trong vai trò cải tạo thế giới.
Tuy còn nhiều hạn chế, nhưng thế giới quan duy vật chấc phác cổ đại có những mặt tính cực, tiến bộ. Điều đó được thể hiện ở chỗ, sự ra đời của thế giới quan duy vật chất phác cổ đại đã đánh dấu bước chuyển hoá từ giải thích thế giới dựa trên thần linh sang giải thích thế giới dựa vào giới tự nhiên, nó có ý nghĩa định hướng cho con người nhận thức thế giới phải xuất phát chính bản thân thế giới và nó cũng đặt ra nhiều vấn đề để thế giới quan duy vật ở các giai đoạn sau tiếp tục phát triển, hoàn thiện.
- Thế giới quan duy vật siêu hình biểu hiện rõ nét ở thế kỷ XVII XVIII ở các nước Tây Âu. Thời kỳ này phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã được xác lập ở nhiều nước và tự thân nó đòi hỏi khoa học tự nhiên phải có những bước phát triển mới; nhưng hoá học, sinh vật học vẫn còn trong trạng thái phôi thai.
Trong tất cả các khoa học tự nhiên, sự phát triển của khoa học vật lý với những định luật cơ học được coi là duy nhất đúng với hoạt động nhận thức. Với phương phương pháp phân tích – phương pháp tách cái toàn thể thành những bộ phận để nhận thức và tạm gạt bỏ mối liên hệ giữa các bộ phận ấy – đã đem lại hiệu quả to lớn trong việc nghiên cứu các lĩnh vực cụ thể của hiện thực.
Hầu hết các nhà triết học duy vật Tây Âu thời kỳ này đều chịu ảnh hưởng của phương pháp cơ học. Cho nên, thế giới quan của họ là thế giới quan duy vật siêu hình. Đó là thế giới quan của Bêcơn[14], Hốpxơ[15], Xpinôda[16], Đềcáctơ[17], Đidrô[18], v.v…
Các nhà duy vật siêu hình thừa nhận bản chất của thế giới là vật chất, nhưng vẫn chưa thoát khỏi quan niệm coi vật chất là chất đầu tiên tiên tạo thành vũ trụ của thế giới quan duy vật chất phác cổ đại chỉ khác chất đầu tiên là vô số các sự vật cụ thể tồn tại cạnh nhau trong một không gian trống rỗng, vô tận.
Các nhà duy vật siêu hình đề cao con người, các giá trị con người, song cũng chưa lý giải đúng vể con người và vai trò của con người đối với thế giới. Bởi vì, họ quan niệm con người như một cỗ máy. Hốpxơ coi trái tim con người như chiếc lò xo, thần kinh như sợi chỉ còn các khớp xương như bánh xe; Bêcơn coi ý thức con người là “linh hồn biết cảm giác” tồn tại trong óc và luôn chảy theo các dây thần kinh và mạch máu, v.v…
Thế giới quan duy vật siêu hình thời cận đại tuy góp phần chống thế giới quan duy tâm, tôn giáo giúp con người đạt một số hiệu quả trong nhận thức từng lĩnh vực, song vì phát triển tư tưởng về vật chất của các nhà duy vật cổ đại và phương pháp nhận thức siêu hình, máy móc; nên họ đã không giải thích quá trình biện chứng của thế giới, xã hội và tư duy con người.
- Thế giới quan duy vật biện chứng
Sự ra đời của phép biện chứng duy vật do C.Mác và Ph.Ăngghen xây dựng, sau đó được Lênin phát triển là kết quả của sự kế thừa mang tính phê phán các quan niệm về thế giới trước đó, trực tiếp là quan điểm duy vật của Phoiơbách, phép biện chứng của Hêghen và khái quát những thành tựu của khoa học, trước hết là thành tựu của vật lý và sinh học. Như Ph.Ăngghen nhận định: thành tựu của khoa học tự nhiên giữa thế kỷ XIX cho con người không những khắc phục hoàn toàn tính siêu hình máy móc của thế kỷ XVIII, mà ngay bản thân khoa học tự nhiên, nhờ chứng minh được những mối liên hệ tồn tại trong bản thân giới tự nhiên đã tạo ra bước chuyển từ khoa học kinh nghiệm chủ nghĩa thành khoa học lý luận và nhờ những kết quả đã đạt được mà đã trở thành một hệ thống nhận thức duy vật về thế giới trong sự vận động, biến đổi không ngừng của nó[19].


[1] Huyền hoại (mythe): Đối với chúng ta bây giờ, huyền thoại hay thần thoại là một câu chuyện, một lời nói huyền hoặc, hão huyền và có tác dụng huyền diệu người khác. Huyền thoại là cái không thật, hoang đường, bịa đặt, tưởng tượng. Nhưng đối với người sơ khai, huyền thoại là chân lý của trí tưởng tượng, có nguồn gốc thế giới, vũ trụ, nhân vật: Thần linh, ma quỷ, siêu nhiên, hoặc là những anh hùng của bộ tộc đã được thành thánh hoá.
[2] Có nghĩa là hoà hợp, hoà đồng, đơn thuần, chưa có phân ly, phân biệt giữa tự nhiên – xã hội, giữa thần linh và con người; vì con người chưa có ý thức phản tỉnh. Với con người sơ khai, tư tưởng, suy nghĩ, cảm nghĩ, cảm xúc chỉ là một.
[3] Xem: C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.21, tr. 404 – 405.
[4] Thần thoại (mythologie) là một khái niệm dùng để chỉ toàn bộ những huyền thoại thời xư­a của mỗi dân tộc, do hầu hết các nhân vật trong huyền thoại cổ là thần thánh hoặc anh hùng đã được thần thánh hóa.
[5] Prômêtê đã lấy lửa của thần Hêphaistôt mang cho loài người (trong thần thoại Hy Lạp).
[6]Tôn giáo hay đạo, đôi khi đồng nghĩa với tín ngưỡng, thường được định nghĩa là niềm tin vào những gì siêu nhiên, thiêng liêng hay thần thánh, cũng như những đạo lý, lễ nghi, tục lệ và tổ chức liên quan đến niềm tin đó.
[7] Bái vật giáo: Bái vật theo tiếng Bồ Đào Nha là bùa hộ mệnh, phép lạ. Bái vật giáo xuất hiện vào lúc mới hình thành tôn giáo và sự thờ cúng. Bái vật giáo đặt lòng tin vào những thuộc tính siêu nhiên của các vật thể như hòn đá, gốc cây, bùa, tượng… Họ cho rằng có một lực lượng siêu nhiên, thần bí trú ngụ trong vật đó. Bái vật giáo là thành tố tất yếu của sự thờ cúng tôn giáo. Đó là sự thờ cúng các tượng gỗ, cây thánh giá… hoặc lòng tin vào sức mạnh kỳ quái của các lá bùa
[8] Tô tem giáo (thờ vật tổ): Tô tem theo ngôn ngữ của thổ dân Bắc Mỹ nghĩa là giống loài. Đây là hình thức tôn giáo cổ xưa nhất, thể hiện niềm tin vào mối quan hệ gần gũi, huyết thống giữa một cộng đồng người (thị tộc, bộ lạc) với một loài động thực vật hoặc một đối tượng nào đó. Tô tem giáo thể hiện hình thức nhận biết đầu tiên về mối liên hệ của con người với các hiện tượng xung quanh. Chẳng hạn: một bộ lạc tồn tại được nhờ săn bắt một loài động vật nào đó dẫn đến xuất hiện một ảo tưởng về mối quan hệ giữa loài vật đó với cộng đồng người săn nó và cuối cùng con vật này lại trở thành tổ tiên chung – là một tô tem của một tập thể nào đó.
[9] Ma thuật giáo: Ma thuật theo tiếng Hi lạp cổ là phép phù thủy. Đây là biểu hiện của việc người nguyên thủy tin vào khả năng tác động đến tự nhiên bằng những hành động tượng trưng (cầu khấn, phù phép, thần chú…) nghĩa là bằng con đường siêu nhiên. Nhờ các biện pháp ma thuật, người nguyên thủy cố gắng tác động đến những sự kiện và làm cho nó diễn ra theo ý mình mong muốn. Về sau, ma thuật trở thành một thành tố quan trọng không thể thiếu được của các tôn giáo phát triển. Việc thờ cúng của bất kỳ tôn giáo nào cũng phải có ma thuật (cầu nguyện, làm phép…). Tàn dư của ma thuật là các hiện tượng bói toán, tướng số ngày nay.
[10] Linh vật giáo: Là hình thức tôn giáo xuất hiện muộn hơn, khi mà ý thức của con người đã đủ khả năng hình thành nên những khái niệm. Vật linh giáo là lòng tin ở linh hồn. Lòng tin này là cơ sở quan trọng để hình thành nên quan niệm về cái siêu nhiên của người cổ xưa. Giai đoạn này đã có ảo tưởng cho rằng có hai thế giới: một thế giới tồn tại thực sự và một thế giới siêu nhiên, trong đó thế giới siêu nhiên thống trị thế giới thực tại. Thế giới siêu nhiên này của người nguyên thủy cũng đầy đủ động vật, thực vật, các đối tượng do tinh thần tưởng tượng ra và không khác biệt gì lắm so với thế giới thực tại.
[11] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.20, tr. 437.
[12] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.1, tr. 159.
[13] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 780.

[14] Bacon Francis (1561-1626). Theo Mác, Bêcơn là ông tổ của chủ nghĩa duy vật Anh và khoa học thực nghiệm. Bắt đầu từ ông, lịch sử triết học Tây Âu bước sang một giai đoạn mới với những những đặc điểm riêng biệt.
[15] Thomas Hobbs (1588-1679), là nhà triết học duy vật Anh, người kế tục và hệ thống hóa triết học của Bêcơn. Ông là người tạo ra hệ thống đầu tiên của chủ nghĩa duy vật siêu hình trong lịch sử triết học.
[16] Spinoza (1632-1677) là nhà triết học người Hà Lan, Trong quan niệm về thực thể, ông cho rằng mọi thực thể đều có thuộc tính. Thuộc tính là đặc trưng chất lượng của thực thể và số thuộc tính của thực thể là vô tận. Cũng vì vậy, thế giới theo ông là thế giới của các sự vật riêng lẻ.
[17] Rene Descartes (1596-1650), là nhà triết học, bách khoa toàn thư vĩ đại người Pháp. Đêcáctơ  là nhà duy vật. Nhưng ông lại giải thích sự tồn tại của giới tự nhiên theo những quy luật cơ học.
[18] Diderot Denis (1713-1784), là nhà duy vật điển hình của triết học khai sáng Pháp, người chủ biên bộ Bách khoa toàn thư, một trong những di sản văn hóa vĩ đại không chỉ của nước Pháp, mà cả Tây-Âu thế kỷ thứ XVIII nói chung. Đidrô bảo vệ quan điểm về tính vật chất của thế giới, sự đa dạng và phong phú của sự vật và hiện tượng chỉ là hình thức khác nhau của tồn tại vật chất do các phân tử cấu thành.
[19] Xem:  C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, t.20, tr.673 – 678.


0 nhận xét :