Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Tư, 28 tháng 10, 2009

Chủ thể thẩm mỹ và các hình thức của chủ thể thẩm mỹ

1. Chủ thể thẩm mỹ
Trong lịch sử mỹ học, mỹ học duy tâm khách quan Platông, Hêghen đều coi ý niệm và ý niệm tuyệt đối là chủ thể của mọi hoạt động thẩm mỹ của con người, hay nói một cách khác con người là chủ thể thẩm mỹ với tư cách là hiện thân của “ý niệm”, “ý niệm tuyệt đối”. Platông coi sáng tạo nghệ thuật là hoạt động linh cảm. Còn Hêghen coi sáng tạo nghệ thuật là sự vận động của ý niệm tuyệt đối ở trong hoạt động tinh thần của con người. Còn mỹ học duy tâm chủ quan của Cantơ coi hoạt động thẩm mỹ là chủ thể con người nhưng nó mang tính chủ quan.
Mỹ học duy vật trước thế kỷ XIX với khuynh hướng “vị thiên nhiên” coi chủ thể thẩm mỹ không chỉ là con người, mà còn những động vật. Ví dụ tiếng hót của con chim họa mi, con nhện giăng tơ, con ong làm tổ, con công múa cũng là chủ thể thẩm mỹ.
C. Mác đã nêu bật những đặc điểm phổ quát trong lao động của con người là lao động sản xuất nhằm thỏa mãn những nhu cầu sinh tồn, ăn, mặc, ở, đi lại. Khi con người, chân đi đất, cởi trần, đầu đội lốt thú thì một Homoesthéticque chưa hề xuất hiện.
Để chuyển từ một Homosapiens[1], Homofabe sang các Homoesthéticque là một quá trình rất lâu dài của lịch sử. Đó là quá trình chuyển hoá con người tự nhiên thành con người xã hội, chuyển hoá các giác quan tự nhiên thành các giác quan có tính chất xã hội.
C. Mác đã khẳng định hoạt động có mục đích của con người đã dẫn con người biết sáng tạo trong toàn bộ cuộc sống của mình để con người thoát khỏi tình trạng động vật. Đó cũng chỉ ra sự khác biệt của con người với hoạt động bản năng của động vật là ở chỗ “súc vật chỉ nhào nặn vật chất theo thước đo và nhu cầu của giống loài của nó, còn con người thì có thể sản xuất theo thước đo của bất cứ giống loài nào và ở đâu cũng có thể ứng dụng cho đối tượng; do đó con người cũng nhào nặn vật chất theo qui luật của cái đẹp”[2].
Về vấn đề này Ph. Ăngghen cũng nói rằng: “Chỗ khác nhau chủ yếu và cuối cùng giữa con người và các loài động vật khác” là: “động vật chỉ lợi dụng tự nhiên bên ngoài và chỉ gây ra những sự biến đổi trong tự nhiên đơn thuần bằng sự có mặt của chúng, còn con người lại do đã tạo ra những biến đổi trong tự nhiên mà bắt tự nhiên phải phục vụ cho những mục đích của mình và thống trị tự nhiên”[3].
Lúc đầu con người chỉ tồn tại với tư cách là con người thực dụng, chỉ biết sản xuất ra thức ăn, đồ mặc. Mặc dầu con người biết sáng tạo ra công cụ lao động, biết biến đổi hiện thực khách quan nhằm thỏa mãn những nhu cầu vật chất tối thiểu. Phải trải qua một quá trình sáng tạo lâu dài ở con người mới hình thành các giác quan thẩm mỹ, - tức các giác quan có khả năng thụ cảm, đánh giá và sáng tạo thẩm mỹ. C. Mác viết: “thông qua sự phong phú, đã được phát triển về mặt vật chất, của bản chất con người, thì sự phong phú của tính cảm giác chủ quan của con người mới phát triển một phần thậm chí lần đầu tiên mới được sản sinh ra; lỗ tai thính âm nhạc, con mắt nhận thấy cái đẹp của hình thức, - nói tóm lại là những cảm giác có khả năng về sự hưởng thụ có tính chất người và tự khẳng định mình như những lực lượng bản chất của con người”[4].
Chủ thể thẩm mỹ là chủ thể xã hội có năng lực cảm thụ, sáng tạo và đánh giá thẩm mỹ theo những qui luật của cái đẹp thông qua các giác quan tay, mắt và tai được rèn luyện để đồng hoá thế giới về mặt thẩm mỹ.
Đôi bàn tay con người không chỉ biết thể hiện những hoạt động bản năng sinh tồn, mà còn biết lao động; biết sáng tạo – nhất là sáng tạo thẩm mỹ, sáng tạo nghệ thuật theo qui luật của cái đẹp. Đôi mắt con người là “cửa sổ của tâm hồn”. Vì, không chỉ thấy mà còn để biết; không chỉ ngắm nhìn mà còn biết khám phá, biết sáng tạo; không chỉ tiếp thu mà còn phản ứng; không chỉ biết lựa chọn, mà còn biết vâng lời, biết từ chối… Đôi tai của con người không chỉ nghe mà còn phải hiểu; không chỉ biết lắng nghe mà phải nghe cho rõ; không chỉ biết khám phá, mà còn biết sáng tạo…
2. Các hình thức cơ bản của chủ thể thẩm mỹ
Thứ nhất – Chủ thể thưởng thức[5]thẩm mỹ là nhóm chủ thể rộng lớn nhất. Đây là nhóm chủ thể tiêu thụ các giá trị thẩm mỹ. Nhóm chủ thể này cần được giáo dục về mặt thẩm mỹ để có thể thâm nhập sâu hơn vào thế giới thẩm mỹ, nhất là thế giới nghệ thuật. Một chủ thể thưởng thức nếu được rèn luyện về mặt thẩm mỹ thì phát hiện ra đâu là những cái đẹp cần cổ vũ, đâu là cái xấu cần xoá bỏ. Không được giáo dục thẩm mỹ về nghệ thuật thì chủ thể tiêu thụ không có khả năng cảm thụ và đánh giá thẩm mỹ, không thấy được giá trị nghệ thuật chân chính và phản giá trị trong nghệ thuật.
Trong hoạt động đánh giá nghệ thuật, với tính cách là công chúng - chủ thể đánh giá nghệ thuật thì trước hết ở đây sự đánh giá với tinh thần chủ động, tự giác, mang tính tích cực và tự do lựa chọn tác phẩm nghệ thuật cho phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ - lý tưởng thẩm mỹ của mình, thông qua kinh nghiệm thẩm mỹ của bản thân và xã hội.
Đánh giá dưới sự soi sáng của tính tư tưởng theo những nhu cầu thẩm mỹ cụ thể tập trung vào một mặt nào đó theo yêu cầu về nội dung của các tư tưởng xã hội như : chính trị, đạo đức, triết học, khoa học và tôn giáo… Trên thực tế giá trị thẩm mỹ, giá trị nghệ thuật thường được sử dụng như là cái chuyển tải hoặc như là phương tiện để thực hiện những mục đích nào đó của những tư tưởng xã hội nhất định.
Đánh giá nghệ thuật theo nhu cầu tư tưởng ngoài thẩm mỹ với khuynh hướng có phần tuyệt đối hóa nội dung của các tư tưởng xã hội, phục vụ mục tiêu chính trị - xã hội trong các tác phẩm nghệ thuật. Ở đây ý nghĩa thẩm mỹ và giá trị thẩm mỹ của tác phẩm nghệ thuật có thể bị xem nhẹ hoặc cũng có thể bị gạt bỏ.
Đánh giá nghệ thuật theo nhu cầu tâm sinh lý là sự đòi hỏi thỏa mãn nhu cầu giải trí thẩm mỹ thông thường. Dưới hình thức này, công chúng không có khả năng tiếp nhận có hiệu qủa đích thực giá trị thẩm mỹ và giá trị nghệ thuật.
Thứ haiChủ thể sáng tạo thẩm mỹ là những chủ thể tiếp nối quá trình tiêu thụ, quan sát của nhóm chủ thể thưởng thức chuyển sang một quá trình mới sáng tạo ra những giá trị thẩm mỹ, giá trị nghệ thuật.
Về hình thức chủ thể sáng tạo thẩm mỹ về cơ bản là các chủ thể sau:
- Nhà thiết kế mỹ thuật công nghiệp được thể hiện trong hoạt động mỹ học lao động, họ đưa cái đẹp vào sản xuất và đời sống xã hội, tạo ra sự hài hoà trong môi trường, phương tiện, điểu kiện lao động, sản phẩm lao động.
- Nhà tạo mẫu thời trang thể hiện trong hoạt động mỹ học hành vi, mỹ học sinh hoạt góp phần tạo ra những giá trị thẩm mỹ từ hành vi đến nếp sinh hoạt và cả vẻ đẹp trong trang trí, trang phục ăn mặc của con người.
- Nghệ nhân làm vườn, thợ thủ công mỹ nghệ;
- Nghệ nhân thẩm mỹ viện là những người chăm sóc, nuôi dưỡng và sáng tạo cái đẹp cho con người;
- Nghệ sỹ trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật.
Thứ ba – Chủ thể thể biểu hiện thẩm mỹ là nhóm chủ thể thực hiện việc truyền đạt sản phẩm của chủ thể sáng tạo tới chủ thể thưởng thức, tiêu thụ giá trị thẩm mỹ. Sản phẩm sáng tạo là tổng hợp phong phú các giá trị thẩm mỹ đòi hỏi chủ thể biểu hiện là phải truyền đạt đúng và đẹp các giá trị đó. Trên thực tế có ba khuynh hướng biểu hiện: Đúng giá trị; thấp hơn giá trị và có thể cao hơn giá trị của chủ thể sáng tạo.
Vì vậy, chúng ta không thấy làm lạ khi có những sáng tạo nghệ thuật đã tồn tại nhiều thế kỷ, nhưng ở mỗi thời đại lại có khả năng biểu đạt của nó khác nhau. Cùng một bản nhạc, một vở kịch có nhiều chủ thể khác nhau biểu hiện, nhưng cũng có những sự thành công, thất bại và do tính chất mở của nghệ thuật đã mang lại tính vô tận trong sáng tạo của chủ thể biểu hiện dưới các hình thức không gian, thời gian, hình tượng nghệ thuật khác nhau.
Xét về hình thức thì chủ thể biểu hiện, có thể sử dụng chính bản thân mình làm phương tiện biểu hiện (diễn viên múa, sân khấu, điện ảnh). Cũng có chủ thể biểu hiện sử dụng các phương tiện kỹ thuật để truyền đạt các giá trị do chủ thể sáng tạo (trong âm nhạc là các nhạc công).
Việc làm chủ các phương tiện kỹ thuật và các cách thức biểu hiện là hoạt động thẩm mỹ quan trọng của nhóm chủ thể này. Bởi lẽ tự nhiên, nó gắn liền với thể chất sinh học của chủ thể biểu hiện là năng khiếu bẩm sinh, cái đẹp về ngoại hình. Vấn đề quan trọng hơn là khả năng tự rèn luyện, học tập của các chủ thể biểu hiện để có thể làm chủ được các phương tiện kỹ thuật biểu hiện và cách thức biểu hiện. Cũng cần nhấn mạnh rằng chủ thể biểu hiện cũng là chủ thể sáng tạo. Đó là sự sáng tạo trong biểu hiện những giá trị thẩm mỹ ở tính đa dạng, sinh động và phong phú của các hiện tượng thẩm mỹ trong hoạt động thẩm mỹ của con người[6].
Thứ tư – Chủ thể tổng hợp các giá trị thẩm mỹ là nhóm chủ thể mà trong hình thái học nghệ thuật (các loại hình nghệ thuật) gọi là nhóm chủ thể tổng hợp các giá trị nghệ thuật. Chủ thể này vừa là người thụ cảm, sáng tạo, người biểu hiện và là người phê bình. Chẳng hạn, như đạo diễn, nhạc trưởng, biên tập múa. Đạo diễn là người am hiểu cả nghệ thuật không gian đến nghệ thuật thời gian, nghệ thuật thính giác lẫn nghệ thuật thị giác trong tính đa dạng, nhiều tầng, nhiều lớp của các loại hình nghệ thuật của các hình tượng nghệ thuật.
Đạo diễn sử dụng một số lượng phương tiện công cụ nghệ thuật phong phú, gồm: các sản phẩm của người sáng tạo, các thủ pháp và các công cụ sáng tạo của chủ thể biểu hiện (diễn viên, nhạc công) và cả bản thân chủ thể biểu hiện. Ý đồ điện ảnh của nhà đạo diễn chỉ có thể thực hiện thông qua diễn viên và toàn bộ năng lực biểu hiện của họ. Ý đồ của người nhạc trưởng cũng chỉ có thể thực hiện được khi phát động toàn bộ năng lực của các nhạc công và phối hợp tốt các phương tiện của họ. Vì vậy, năng lực của chủ thể tổng hợp các giá trị thẩm mỹ là rộng lớn, bao quát nhiều lĩnh vực thẩm mỹ, nhiều lĩnh vực nghệ thuật.
Thứ năm – Chủ thể định hướng thẩm mỹ là nhóm chủ thể định hướng giá trị trong hoạt động đánh giá thẩm mỹ, đánh giá nghệ thuật. Họ có vai trò quan trọng trong việc liên kết các sản phẩm sáng tạo nghệ thuật với người tiêu thụ nghệ thuật. Giá trị thẩm mỹ của chủ thể sáng tạo sẽ được đối chiếu, được phản ánh thông qua chủ thể thưởng thức và nhất là chủ thể định hướng giá trị.
Sản phẩm của sáng tạo thẩm mỹ có thể là những sản phẩm tốt hoặc xấu, vì thế trách nhiệm của chủ thể định hướng thẩm mỹ có nội dung trước hết là đánh giá thẩm mỹ. Chủ thể định hướng cố gắng nêu lên một cách chính xác đâu là giá trị thẩm mỹ, đâu là phản giá trị, rút ra những qui luật tồn tại của các sản phẩm sáng tạo, đưa ra những định hướng cần thiết cho cả chủ thể sáng tạo.
Trong nghệ thuật chủ thể định hướng thẩm mỹ là nghiên cứu lý luận, thông tin, phê bình các tác phẩm nghệ thuật. Thông qua chủ thể đánh giá lý luận, chỉ số giá trị thẩm mỹ của tác phẩm nghệ thuật, thông qua cái đẹp, cái bi, cái hài thể hiện sự xung đột giữa các lực lượng xã hội đại diện cho giá trị thẩm mỹ đích thực và phản giá trị thẩm mỹ trong hệ qui chiếu: giữa chủ thể đánh giá – sáng tạo với chủ thể đánh giá – tiếp nhận. Trên cơ sở đó, chủ thể đánh giá lý luận có thể đưa ra những dự báo, định hướng về sự vận động và phát triển của nghệ thuật, cũng như định hướng chung cho những chuẩn mực mới của hoạt động đánh giá tiếp nhận.


[1] Homosapiens: người vượn, Homofabe: người lao động, Homoesthéticque: người thẩm mỹ.
[2] C. Mác, Bản thảo kinh tế – triết học 1844, Nxb Sự thật, Hà Nội 1962, tr. 93 – 94.
[3] Ph.Ăngghen, Biện chứng của tự nhiên, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1963, tr. 283.
[4]C. Mác, Bản thảo kinh tế – triết học 1844, Nxb Sự thật, Hà Nội 1962, tr. 137.
[5] Thưởng thức, thưởng ngoạn, chiêm ngưỡng, hưởng thụ, tiêu thụ giá trị thẩm mỹ.
[6] Tính cách và tài năng cá nhân của nghệ sỹ biểu hiện.

2 nhận xét :

Unknown nói...

bài viết rất hay.đã cho tôi thêm hiểu biết về chủ thể thẩm mĩ.Đầu tiên tôi tưởng chủ thể thẩm mĩ chỉ là người sáng tạo thoi.

Nặc danh nói...

Bạn có thể tham khảo thêm tại https://tampacific.com/ban-chat-cua-y-thuc-tham-my-la-gi.html