Sự đối chiếu phương thức phản ánh nghệ thuật với phương thức phản ánh khoa học là một tiêu chí chung để khẳng định tính đặc thù của phản ánh nghệ thuật.
- Ngôn ngữ đặc thù của nghệ thuật là hướng vào tính hình tượng, nó khác với các hình thái phạm trù và khái niệm tổng quát của khoa học. Đặc trưng của ngôn ngữ nghệ thuật thường được miêu tả chủ yếu qua hình tượng nghệ thuật, với các thủ pháp như ẩn dụ, ước lệ, tượng trưng, huyền thoại, v.v... Với ý nghĩa chung nhất có thể xác định đặc trưng của các thủ pháp nghệ thuật được thực hiện nhờ vào hình tượng còn giữ lại, tính hiển nhiên trực tiếp của hiện tượng mà nó phản ánh.
Thật vậy, nếu đi sâu vào ngôn ngữ đặc thù của các loại hình nghệ thuật khác nhau để từ đó người ta có phân nhóm nghệ thuật và cũng nhóm nghệ thuật chúng ta sẽ hiểu thấu đáo hơn ngôn ngữ đặc thù của nghệ thuật.
Nhóm nghệ thuật không gian: kiến trúc - trang trí, điêu khắc, hội họa – đồ họa, nhiếp ảnh nghệ thuật, mỹ thuật công nghiệp. Đặc điểm chung của nhóm nghệ thuât này là nghệ thuật không gian, - đó là nghệ thuật tĩnh hay nghệ thuật tạo hình, có sở trường diễn đạt sự vật một cách cụ thể – theo nghĩa nhìn thấy được trước mắt và đứng im. Khả năng này giúp cho con người tạo nên môi trường không gian đẹp quanh mình, giúp cho con người chiêm ngưỡng tác phẩm và hình tượng nghệ thuật trong sự tĩnh tại và mang lại cho con nguời một sự lắng đọng cảm xúc. Hơn thế nũa, hình tượng nghệ thuât được xây dựng theo ấn tượng thị giác, phù hợp vói sư hấp dẫn của cảm thụ thị giác. Tuy nhiên do tính không gian tĩnh tại lại có những hạn chế nhất định về sự thể hiện tính phát triển, sự hoạt động, v.v..
Vì vậy, các nghệ sỹ thường tìm mọi cách tạo nên ảo giác chuyển động trong hình thái đứng yên của tác phẩm, của hình tượng được xây dựng tác phẩm. Chẳng hạn, hội họa là hình thức không gian mặt phẳng, nghệ sỹ phải tìm cách tạo ảo giác về chiều sâu, về không gian ba chiều, dựa vào thấu thị học và sắc độ. Và cũng như vậy, ở điêu khắc – nghệ thuật tạo hình – nghệ thuật tượng trưng, nhất là khuynh hướng tôn thờ sự phồn thực chung của tự nhiên, rằng nó tôn thờ không chỉ giới hạn ở yếu tố tinh thần và sức mạnh của ham muốn tình dục của ý chí mà tôn thờ sức mạnh sản sinh để duy trì nòi giống tôn tại người. Sự tôn thờ này vốn là đặc biệt phổ biến ở An Độ cũng được mở rộng các quốc gia Trung Đông như Ai Cập, dưới những nét của vị nữ thần vĩ đại của sự sinh đẻ và vị nữ thần này cũng được Hy Lạp chấp nhận. Nhưng chủ yếu người ta biểu hiện và quan niệm sức mạnh sản sinh chung theo qui luật tự nhiên xét dưới góc độ sinh học của con người là những sinh lực khí(có ẩn chứa dấu ấn động vật) là dương vật và âm vật.
Ở Ấn Độ, sự tôn thờ sức mạnh sinh sản dưới hình thức những sinh lực khí đã làm xuất hiện nhưng công trình kiến trúc mang dấu ấn đậm nét tượng trưng của chủ nghĩa phồn thực. Đó là những công trình đồ sộ mang hình thức những cột đá to lớn như những cái tháp. Hẳn lúc đầu, các vật thể thiên liêng này chỉ có ý nghĩa tượng trưng cho sức mạnh tự thân, nhưng về sau yếu tố tâm linh lại được đề cao hơn làm nảy sinh các vị thần và việc thờ cúng các vị thần sinh sản trở thành phong tục, tập quán truyền thống của người An Độ. Theo đó, chúng ta cũng không khỏi lấy làm ngạc nhiên về các tác phẩm nghệ thuật Ai Cập
Nhóm nghệ thuật thời gian(âm nhạc – múa, văn chương). Đặc điểm chung của nhóm nghệ thuật này là nghệ thuật thời gian có sở trường là diễn đat sự biến đổi và phát triển, diễn đạt được tính quá trình của tâm trạng và hành động của nhân vật thông qua nghệ sỹ biểu hiện. Chính vì vậy, từ phương thức xây dựng hình tượng đến cấu trúc và tác phẩm, kể cả ngôn ngữ đặc trưng của nhóm nghệ thuât này theo nguyên tắc quy luật thời gian mang tính chất quá trình và tính phát triển. Nhưng cũng vì mang tính thời gian, sở trường lại đi liền với sở đoản bởi dường như thiếu đi sự đứng yên, tĩnh tại trong không gian, nên các nghệ sỹ khắc phục bằng cách tạo ảo giác về không gian, về sự tĩnh tại. Đó là lối xây dựng hình tượng kiểu nhắc lại(dạng điệp khúc, v.v…), trùng lập theo hình xoáy ốc và dùng ngôn ngữ đa thanh.
Nhóm nghệ thuật tổng hợp(sân khấu, điện ảnh). Nghệ thuật tổng hợp vận dụng tất cả các phương thức và phương tiện thể hiện của nghệ thuật độc lập: Văn học, âm nhạc, múa, hội họa, trang trí, kiến trúc, v.v… Trong điện ảnh có quay phim, dựng phim, nhiếp ảnh, v.v…
- Phương diện diễn đạt mang dấu ấn cá nhân khác với phong cách phi nhân cách của khoa học. Ở đây, khác với các hình thái của ý thức xã hội khác, nghệ thuật sử dụng loại hình khái quát hiện thực đặc thù – sự phản ánh đặc thù, nhưng lại có ý nghĩa phổ biến, chính vì vậy đây là loại hình khái quát mang hình thức cảm quan cá nhân. Bởi vì, nghệ thuật diễn đạt ý nghĩa chung thông qua biểu hiện cái đơn nhất, cho nên bao giờ nó cũng mang tính cá nhân. Chính vì vậy trong nghệ thuật tác phẩm càng có ý nghĩa, thì tư tưởng và bút pháp cá nhân (cá tính) của tác giả càng thể hiện rõ trong tác phẩm. Về tầm quan trọng của cá tính và phong cách đã được C. Mác đặc biệt quan tâm, khi C. Mác phê phán nội dung tác phẩm “Của tư hữu là gì ?” của Pruđông, dù là một tác phẩm kinh tế học, nhưng C.Mác cũng cho rằng : “Nó đã nổi tiếng, nếu không phải vì nội dung mới mẻ của nó, thì ít nhất cũng là vì phương pháp mới mẻ và bạo dạn của nó trong việc nói lại những điều đã cũ”. Hoặc, nó “còn thể hiện thêm một bút pháp thật gân guốc, nếu tôi có thể nói như thế. Và tôi cho rằng bút pháp của cuốn sách đó là phẩm chất chính của nó”.
- Hư cấu nghệ thuật (điều này bị cấm trong khoa học). Nếu trong thực tế tất cả các loại hình khác nhau của đời sống tinh thần (ví dụ như trong khoa học), hư cấu là trái với mục đích hoạt động, thì ngược lại, trong nghệ thuật hư cấu là một trong những thủ pháp hữu hiệu nhất. Bởi vì, phân biệt hư cấu với tính cách là thủ pháp nghệ thuật với sự khái quát sai lầm trong khoa học; thì trong nghệ thuật hư cấu như một sự liên hệ tự nhiên, nhưng không nhất thiết phải có mối liên hệ thực tế giữa những sự kiện đơn nhất của phần lớn các hiện tượng tồn tại một cách thực tế.
- Ý nghĩa của hình thức được đề cao (không có hình thức thì không có nghệ thuật). Tính hoàn thiện của các hình thức trong nghệ thuật thường cũng được vận dụng vào trong các lĩnh vực khác của đời sống tinh thần. Những tính qui luật của hình thức sử dụng trong nghệ thuật như kết cấu, nhịp điệu, bố cục, sự hài hòa, v.v... là những yếu tố góp phần thúc đẩy những phát kiến khoa học và tư duy sáng tạo, đồng thời thể hiện sức mạnh gợi mở to lớn của nghệ thuật.
Hình thức là cách thể hiện nội dung của tác phẩm nghệ thuật. Nội dung và hình thức của một tác phẩm nghệ thuật là mặt thống nhất qui định lẫn nhau. Hình thức là tổ chức, là cơ cấu bên trong của nội dung tác phẩm. Cho nên hình thức là cách thể hiện nội dung và cách thức thể hiện đó bao gồm hai đặc điểm cơ bản. Một là nội dung của tác phẩm thể hiện bằng gì; hai là nó được thể hiện như thế nào?
Để vật chất hoá và khách thể hoá nội dung của tác phẩm nghệ thuât, cần phải sử dụng những phương tiện vật chất kỹ thuật, đó là phương tiện tạo hình – biểu hiện mà nghệ sỹ dùng để thực hiện ý đồ sáng tác của mình. Để xây dựng hình thức cho một tác phẩm nghệ thuật thì nghệ sỹ có thể chỉ sử dụng một vài phương tiện vật chất – kỹ thuật phù hợp với những loại hình nghệ thuật nhất định và nó chỉ thành yếu tố của hình thức tác phẩm khi chúng được sắp xếp, tổ chức thành kết cấu thành những nội dung nhất định trong tác phẩm nghệ thuật. Chính vì vậy, mỗi một loại hình của nghệ thuật đều có một hệ thống các phương tiện tạo hình – biểu hiện riêng như là ngôn ngữ đặc trưng của mình.
Ngôn ngữ đặc trưng của Am nhạc và múa có chung yếu tố ngôn ngữ là nhịp điệu. Kết cấu của nhịp điệu của âm nhạc là giai điệu, múa là động tác và nó đều mang tính ước lệ, không mô phỏng theo âm thanh hay động tác có thật trong hiện thực. Ngôn ngữ đặc trưng của sân khấu là hành động (hành động hình thể, hành động tâm lý và hành động ngôn ngữ), thông qua diễn xuất của diễn viên. Hành động sân khấu là hành động kịch, hành động xung đột, nhằm biểu hiện tư tưởng của kịch. Ngoài ra nghệ thuật sân khấu còn có các phương tiện vật chất – kỹ thuật khác như: âm nhạc, múa, trang trí, đạo cụ, v.v… hỗ trợ cho diễn xuất của các diễn viên. Ngôn ngữ đặc trưng của hội họa, đồ họa là dựng hình dựa trên cơ sở cơ thể học và thấu thị học bởi đặc điểm về thị giác, về điểm nhìn khi quan sát và cảm thụ; là đường nét để tạo hình và biểu cảm; là màu sắc để miêu tả. Ngôn ngữ đặc trưng của điện ảnh là hành động, nhưng đồng thời nghệ thuật quay phim, dựng phim và kỹ thuật(kỹ xảo điện ảnh) là những yếu tố ngôn ngữ quan trọng của điện ảnh, v.v…
Ngoài những yếu tố vật chất kỹ thuật, ngôn ngữ, chất liệu để tạo hình – biểu hiện tác phẩm còn có sự liên kết chúng lại để tạo thành bố cục của tác phẩm phản ánh nội dung của nó. Hình thức của tác phẩm không chỉ là tạo dáng bên ngoài, mà còn là cơ cấu bên trong của nội dung. Chính vì vậy, yếu tố quan trọng và phổ biến của hình thức tác phẩm là bố cục, tức là cấu trúc bên trong của tác phẩm để thông qua đó bộc lộ nội dung như: sự phân bố, sắp xếp các bộ phận của tạo hình – biểu hiện theo một hệ thống nhất định.
Xây dựng bố cục, tức là tìm thủ pháp và giải pháp thích hợp với tư tưởng nhằm thể hiện nội dung của tác phẩm một cách tốt nhất có hiệu quả nhất và cũng vì vậy nếu như bố cục không phù hợp sẽ làm phần quan trọng của nội dung hoặc không thể hiện đúng nội dung và ý nghĩa của tác phẩm. Bố cục trong hội họa bị chi phối bởi đặc điểm về thị giác, về điểm nhìn khi xem tranh, tức là phụ thuộc vào yêu cầu có tính chất tâm – sinh lý. Do vậy sự sắp xếp hình và màu sắc, sắc độ đậm, nhạt trên tranh nhằm làm rõ tính tư tưởng và ý đồ sáng tạo của họa sỹ là một quy tắc thông thường của hội họa. Tuy nhiên, tùy theo những điều kiện lịch sử nhất định, từng trường phái và từng nghệ sỹ lại có lại có cách bố cục riêng, bởi một ngôn ngữ đặc thù riêng. Chẳng hạn, phép bố cục cân xứng, hài hòa của hội họa Phục hưng, lối tả thực chính xác theo thấu thị học của hội họa hiện thực, chủ nghĩa cổ điển. Sự đảo lộn những trật tự bố cục truyền thống, đi vào biểu hiện chủ quan là trào lưu hội họa hiện đại như: chủ nghĩa ấn tượng, siêu thực, trừu tượng, v.v… mà kết cấu, bố cục tuân theo nội tâm, đó mới chính là nguồn gốc của nhu cầu và khả năng sáng tạo hoặc phải vẽ cái tồn tại trong tâm hồn“Tôi”, để thoả mãn những nhu cầu thấu triệt mối liên hệ đích thực giữa con người và vũ trụ. Các nhà trừu tượng muốn đưa hội họa lên siêu việt và đem thần trí con người tạo ra một vũ trụ khác, một cõi thực thứ hai.
Tính tích cực của hình thức nghệ thuật vốn là sức mạnh tiềm ẩn của trong ngôn ngữ đặc trưng mang tính đa dạng, phong phú của các loại hình, loại thể của nghệ thuật và cả những chất liệu vật chất – kỹ thuật được sử dụng trong thủ pháp của nghệ thuật. Chẳng hạn, để diễn tả tính nhậy cảm, tinh tế nhất trong thế giới tình cảm của con người thông qua năng lực phản ánh của thính giác thì có lẽ âm nhạc là thích hợp hơn cả; nhưng ngược lại nếu miêu tả tính không gian, sinh động cụ thể về thế giới của màu sắc thông qua năng lực phản ánh của thị giác thì không có gì sánh bằng hội họa.
Trong sáng tạo nghệ thuật, bao giờ nghệ sỹ cũng đi từ nội dung đến hình thức, xuất phát từ nội dung là cái tương đối ổn định và tìm kiếm những hình thức đa dạng tương ứng để biểu hiện. Trong quá trình sáng tạo của người nghệ sỹ, khi tác phẩm mới được hình thành thì nội dung đó còn nằm trong trí tưởng tượng sáng tạo, ý đồ sáng tạo của nghệ sỹ chứ chưa phải là nội dung hoàn chỉnh và nó chỉ hoàn chỉnh khi đã được thể hiện ở những hình thức thích hợp với nó. Cho nên trong một tác phẩm nghệ thuât nội dung và hình thức thống nhất với nhau.
- Phương thức khái quát đặc thù (cái chung thông qua cái bộ phận, cá thể). Ý nghĩa nhận thức của sự khát quát nghệ thuật không mâu thuẫn với bản chất của hình tượng nghệ thuật, mà trái lại, chính nghệ thuật có ưu thế riêng trong nhận thức. Khác với khoa học, - sự khái quát những mặt cụ thể của hiện thực, thì trong nghệ thuật người nghệ sỹ đã tái hiện cuộc sống, đã dùng sự khái quát hóa và điển hình hóa các hiện tượng cá biệt thành những hình tượng mang nội dung tư tưởng có chủ đích.
- Bằng hình thức phản ánh độc đáo, nghệ thuật có thể khai thác, khơi dậy tầng sâu ý thức của con người thông thường bị “che lấp” trước sự khái quát của khoa học. Chính điều đó khiến cho nghệ thuật không chỉ đơn thuần đem lại sự thỏa mãn những nhu cầu thẩm mỹ, mà cùng các hình thái ý thức xã hội khác, nghệ thuật còn là phương thức đặc thù của sự nhận thức thế giới một cách toàn vẹn và tinh tế hơn.
Thông qua hệ thống hình tượng toàn vẹn - cảm tính, nghệ thuật tái hiện lại đời sống tình cảm – lý trí con người theo qui luật của tình cảm. Khi tác động vào thế giới tinh thần con người, nghệ thuật trở thành động lực kích thích năng lực cảm xúc, trở thành cội nguồn mạnh mẽ nhất của cái khả năng tích lũy năng lượng tinh thần xã hội của con người. Về mặt này, nghệ thuật thể hiện mình như là cơ chế tổng hợp cảm xúc.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét