1. Khái niệm thị hiếu thẩm mỹ
- Thị hiếu là gì?
Thị hiếu là một khái niệm bao hàm những nội dung hết sức đa dạng và phong phú. Người Trung Quốc coi thị hiếu là sự thích thú. Người phương Tây gọi là cảm giác, khẩu vị. Còn chúng ta thường hiểu thị hiếu là sự lựa chọn, sở thích của
cá nhân hoặc một nhóm người nào đó. Có thể gọi thị hiếu là sở thích.
Người ta có thể thích món ăn này không thích món ăn kia, thích hoặc
không thích kiểu nhà này hay kiểu nhà khác; thích hay không thích cách
thức giao tiếp này hoặc cách giao tiếp kia. Cho nên, sở thích được biểu
hiện trong mọi lĩnh vực hoạt động xã hội, lối sống, đạo đức, tính thần
và nghệ thuật.
Trong
các sở thích đó có sở thích tốt, sở thích xấu có sở thích xuất phát từ
một nhu cầu lành mạnh hoặc không lành mạnh, giả tạo, thấp kém, cũng có
loại sở thích không xấu, không có hại, có sở thích này bài xích sở thích
kia. Trong xã hội loài người, con người là một chỉnh thể, mỗi người là
một cái riêng, cái đơn nhất, do vậy tồn tại sở thích cá nhân,
thị hiếu cá nhân. Và cũng như vậy thị hiếu cũng được thể hiện dưới
nhiều hình thức khác nhau phản ánh các lĩnh vực tinh thần khác nhau
trong cuộc cuộc sống con người.
- Thị hiếu thẩm mỹ
Có
rất nhiều quan điểm khác nhau về thị hiếu thẩm mỹ của con người dù ở
góc độ cá nhân hay xã hội. Có quan điểm tuyệt đối hoá vai trò của thị
hiếu cá nhân, năng lực bẩm sinh của cá nhân, hoặc tuyệt đối hoá thị hiếu
xã hội của các cộng đồng người như giai cấp, dân tộc, thời đại. Chẳng
hạn, Môngteskiơ cho rằng thị hiếu thẩm mỹ là “cái thu hút chúng ta chú ý
tới đối tượng bằng tình cảm”. Ngược lại Rútxô coi: “Thị hiếu thẩm mỹ là
năng lực nhận xét về cái mà đông đảo mọi người thích hay không thích”.
Còn Cantơ nhận thấy tính phức tạp và tính cá nhân của thị hiếu thẩm mỹ,
nên cho rằng “về thị hiếu không nên bàn cãi”.
Thực
ra, thị hiếu thẩm mỹ vừa mang tính cá nhân và tính xã hội, là mối quan
hệ giữa cái riêng và cái chung và nó phụ thuộc vào những điều kiện lịch
sử xã hội nhất định. Thị hiếu thẩm mỹ mang dấu ấn cá nhân, là sở thích
của cá nhân, nhưng đồng thời nó mang tính xã hội sâu sắc và phụ thuộc
vào thị hiếu chung của xã hội theo những chuẩn mục của hoạt động đánh
giá thẩm mỹ của xã hội. Chẳng hạn, thời nguyên thủy khi tồn tại chế độ
mẫu hệ, lúc đó thị hiếu thẩm mỹ của toàn bộ bộ tộc hướng đến cái đẹp của
hình tượng người đàn bà theo chủ nghĩa phồn thực. Trong nền văn
hoá Hy Lạp – La mã cổ đại thì đó là hình tượng người anh hùng, nhà triết
học, nhà quán quân thể thao. Thời kỳ trung cổ là cái đẹp và quyền năng
tối thượng của Chúa. Thời kỳ phục hưng là sự ngưỡng mộ cái đẹp trong con
người đầy đặn, phúc hậu, những vẻ đẹp thuần khiết, thanh tao mang tính
bản thiện, trong sáng nhưng khổng lồ. Và trong thời đại văn minh của thế
kỷ XXI, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và vai trò của
nền kinh tế tri thức, tính chất toàn cầu hóa cũng làm xuất hiện những
thị hiếu thẩm mỹ mới có tính chất đa dạng và phong phú hơn, nhất là đề
cao yếu tố tri thức của con người.
Thực
chất, thị hiếu thẩm mỹ không phải là năng lực bẩm sinh hoặc thần bí và
bất biến. Thị hiếu thẩm mỹ là thái độ tình cảm khiến người ta phải đánh giá trực tiếp, tức thời
trước cái đẹp, cái xấu, cái bi, cái hài trong cuộc sống và nghệ thuật.
Vì vậy, thị hiếu thẩm mỹ biểu hiện thế giới quan, nhân sinh quan, trình
độ tâm lý - xã hội của chủ thể khi thẩm định những giá trị thẩm mỹ. Thị
hiếu thẩm mỹ không chỉ được quyết định bởi những đặc điểm của khách thể
được cảm thụ còn bởi tính chất của chủ thể thụ cảm, đánh giá, sáng tạo.
Trong thị hiếu thẩm mỹ bao giờ cũng bao hàm sự thống nhất giữa yếu tố
khách thể và chủ thể…
Xuất
phát từ quan điểm thực tiễn của mỹ học hiện đại, chúng ta thấy có hai
loại thị hiếu thẩm mỹ bắt nguồn từ hai quan hệ cơ bản của đời sống. Một
loại thị hiếu thẩm mỹ bắt nguồn từ đời sống thực tế, từ trong lao động
sản xuất và đấu tranh xã hội thường đánh giá đúng hơn các chân lý sinh
động của cuộc sống. Ngược lại, loại thị hiếu không bắt nguồn từ cuộc
sống, xa rời nghệ thuật lành mạnh là loại thị hiếu phiến diện, không có
khả năng đánh giá đúng giá trị và hướng phát triển của thị hiếu thẩm mỹ.
Hay nói một cách khác tiêu chuẩn để phân biệt thị hiếu tốt với thị hiếu
tồi là ở chỗ, sự đánh giá thị hiếu có phù hợp với những giá trị thẩm mỹ
khách quan hay không.
Một
thị hiếu tốt là năng lực có được khoái cảm do cái đẹp chân chính đưa
lại, là nhu cầu thụ cảm và sáng tạo cái đẹp trong lao động, trong sinh
hoạt hàng ngày, trong hành vi, cư xử của con người ở trong cuộc sống và
trong nghệ thuật. Cơ sở hình thành của một thị hiếu thẩm mỹ tốt là cảm
xúc thẩm mỹ phát triển cao, là cảm xúc về tính mực thước, là khả năng
biết thụ cảm sự hài hoà giữa hình thức và nội dung, biết nhận ra giá trị
thẩm mỹ của các hiện tượng xã hội, của các tác phẩm nghệ thuật dưới ánh
sáng của lý tưởng thẩm mỹ tiên tiến.
2. Các đặc trưng cơ bản của thị hiếu thẩm mỹ
- Thị hiếu thẩm mỹ là sự đánh giá trực tiếp, tức thời hoặc là sự phản ứng mau lẹ
Đặc
điểm nổi bật của thị hiếu thẩm mỹ nó thể hiện trong hình thức đánh giá
trực tiếp, tức thời hoặc là sự phản ứng mau lẹ đối với các hiện tượng
thẩm mỹ của cuộc sống và nghệ thuật. Đối với những hiện tượng thẩm mỹ
của cuộc sống, con người có khả năng đánh giá trực tiếp về cái đẹp, cái
xấu, cái bi, cái hài cái cao cả; vì rằng chúng liên quan trực mật thiết
với đời sống con người, là một giá trị xã hội rộng rãi và lại thể hiện
trong các sự vật, hiện tượng cá biệt, có hình tượng cụ thể cảm tính.
Nghệ
thuật với những hình tượng cụ thể cảm tính – sinh động, có tính khái
quát và điển hình hoá luôn mang lại cho người đọc, người nghe, người xem
có thể biểu lộ sự đánh giá trực tiếp, tức thời bằng sự phản ứng mau lẹ
gần như bản năng của chủ thể thẩm mỹ.
Thị
hiếu thẩm mỹ là sự đánh giá trực tiếp, tức thời bao hàm sự tổng hợp các
yếu tố tình cảm – lý trí – kinh nghiệm phán đoán, đánh giá các hiện
tượng thẩm mỹ. Cần phải xác định tính chất trực tiếp của phán đoán thị
hiếu thẩm mỹ cũng chỉ có tính chất tương đối. Phán đoán thị hiếu là kết
quả của sự tác động qua lại giữa nhận thức cảm tính và nhận thức lý
tính, nhưng nó không bó hẹp trong cảm xúc thuần túy hoặc tư tưởng thuần
túy. Mặc dầu sự biểu lộ sự đánh giá thị hiếu thẩm mỹ mang tính trực
tiếp, cụ thể – cảm tính, nhưng trong sự đánh giá này luôn là những cảm
xúc, cảm nghĩ trong sự thống nhất của tình cảm – lý trí – kinh nghiệm
sống của chủ thể đánh giá thị hiếu thẩm mỹ.
Qua
sự đánh giá “thích” hoặc “không thích” có biểu lộ những cảm xúc, tình
cảm thẩm mỹ nhất định về những đối tượng thẩm mỹ không chỉ đơn thuần chỉ
do ý thích, tình cảm riêng tư của cá nhân, mà chủ yếu là do ý thức
chính trị, nhân sinh quan, quan điểm đạo đức, lý tưởng thẩm mỹ và trình
độ văn hoá chung của mỗi cá nhân. Thật khó giải thích được tại sao tôi
thích cái này, anh thích cái kia, nhưng trong nghệ thuật thì không thể
chỉ do sở thích cá nhân mà do thị hiếu thẩm mỹ của mỗi cá nhân và tại
sao chỉ là những thị hiếu thẩm mỹ đó mà không phải là một cái gì khác?
Điều này chỉ có thể giải thích là thị hiếu cá nhân có tính xã hội.
Sẽ
không đúng nếu nghĩ rằng sự phản ứng mau lẹ trong phán đoán thị hiếu
lần đầu chúng ta hoàn toàn dựa vào tình cảm trực tiếp gần như bản năng,
còn phán đoán lần sau hoặc tiếp theo chúng ta mới dựa vào lý trí. Thực
ra qua thời gian, do kinh nghiệm và quá trình tích lũy những kinh
nghiệm, những giá trị thẩm mỹ đã tạo thành tính ổn định trong thị hiếu.
Chính tính ổn định này đã giúp cho chủ thể thẩm mỹ phản ứng mau lẹ, đúng
đắn trước các hiện tượng thẩm mỹ xảy trong cuộc sống và trong nghệ
thuật.
- Thị hiếu thẩm mỹ có tính cá biệt và xã hội
Những
phán đoán và đánh giá thị hiếu thẩm mỹ bao giờ cũng mang tính chất cá
nhân – tình cảm không lặp lại. Chính điều này đã tạo nên sự đa dạng,
phong phú của thị hiếu thẩm mỹ trong xã hội. Trong thị hiếu thẩm mỹ, ở
mỗi người đều mang sự thích thú cá nhân và phản ứng trực tiếp, tức thời,
mau lẹ trước các đối tượng thẩm mỹ. Người thích sân khấu, kẻ yêu ca
nhạc, người mê thơ, văn chương, hội họa; lại có người thích chơi hoa,
chim cảnh. Thậm chí trước các hiện tượng thẩm mỹ cụ thể, mỗi cá nhân lại
rung động có những cảm xúc, cảm nghĩ khác nhau, vì nó thường phụ thuộc
vào trạng thái tâm lý tình cảm cá nhân lúc cảm thụ, đánh giá.
Mặc
dù thị hiếu thẩm mỹ mang tính cá nhân, song những phán đoán, đánh giá
thị hiếu thẩm mỹ lại bị chi phối bởi những quan điểm thẩm mỹ, quan điểm
chính trị, đạo đức, triết học và suy cho cùng chính tính xã hội của thị
hiếu thẩm mỹ lại có ý nghĩa định hướng những giá trị của mỗi cá nhân
thành giá trị chung của toàn bộ xã hội. Do đó, xây dựng một thị hiếu
thẩm mỹ tốt thì giáo dục thẩm mỹ luôn phải gắn bó trực tiếp, chặt chẽ
với giáo dục kiến thức, chính trị, đạo đức, triết học, khoa học, tôn
giáo.
Tính xã hội của thị hiếu thẩm mỹ là tính giai cấp, dân tộc. Trong
xã hội có giai cấp thì thị hiếu thẩm mỹ mang tính giai cấp. Vì nó phản
ánh tình cảm, thị hiếu, quan điểm và lý tưởng thẩm mỹ của giai cấp khác
nhau. Mỗi giai cấp đều có mục đích riêng, tình cảm thẩm mỹ, thị hiếu
thẩm mỹ mang đậm tính mục đích và lợi ích của giai cấp. Sẽ không đúng
nếu chúng ta cho rằng thị hiếu không liên quan trực tiếp đến đấu tranh
xã hội; mà ngược lại, những xung đột chính trị, thực chất đó chính là
những biểu hiện tập trung của tập đoàn xã hội này, hay tập đoàn xã hội
khác trước những hiện tượng thẩm mỹ nổi bật trong cuộc sống cũng như
trong nghệ thuật. Lợi ích của các giai cấp khác nhau không chỉ được củng
cố bằng các thiết chế chính trị, lập pháp, hệ tư tưởng thống trị, mà
còn có sự tham gia khẳng định những tiêu chí thẩm mỹ.
Tính
giai cấp của thị hiếu thẩm mỹ không có nghĩa là sự thẩm định thẩm mỹ
bao giờ cũng đối kháng nhau, có cái đẹp phổ biến thì cũng có thị hiếu
phổ biến, còn yếu tố khác nhau là ở sự lựa chọn giá trị thẩm mỹ, là do
lợi ích giai cấp qui định.
Do
điều kiện tự nhiên và sinh hoạt xã hội mà mỗi dân tộc hình thành những
phong tục tập quán riêng biệt. Các tình cảm – xúc cảm, cách nghĩ của mỗi
dân tộc đều in đậm dấu ấn của nền kinh tế, lãnh thổ, ngôn ngữ, văn hoá
và lịch sử hình thành nên thị hiếu thẩm mỹ của các dân tộc.
Đất
nước ta luôn đương đầu với hiểm họa thiên nhiên và ngoại xâm, từ đó
người Việt Nam hình thành nên tình cảm thiết tha yêu quê hương đất nước,
yêu con người và thiên nhiên, trân trọng những đức tính cần cù, giản
dị, kiên cường, bất khuất. Thị hiếu thẩm mỹ Việt Nam hình thành lâu đời
trong môi trường thiên nhiên – xã hội – văn hoá.
Do
ảnh hưởng của nền nghệ thuật truyền thống, trữ tình và anh hùng ca,
người Việt Nam có tâm hồn tế nhị, nhạy cảm, nhuần nhụy. Khi nói đến con
người Việt Nam dũng cảm trong chiến đấu, thông minh trong lao động; có
tâm hồn phong phú, yêu đời, lạc quan, trào lộng; nhạy cảm về thị hiếu
thẩm mỹ, phê phán cái xấu, khuyến khích cổ vũ cái đẹp.
Thị
hiếu thẩm mỹ truyền thống của con người Việt Nam là một thị hiếu tinh
tế hướng tới cái thanh tao, trang nhã gắn với thiên nhiên, hoà vào thiên
nhiên, hướng tới một cái đẹp bình dị, hồn nhiên yêu đời như bản thân
cuộc sống vốn rất vất vả, nhưng yêu lao động, yêu thiên nhiên và yêu con
người. Thị hiếu về mầu sắc: thích mầu sắc dịu dàng, nhẹ nhàng, sáng
sủa, thanh nhã, hài hoà, ưa thích những mầu sắc của thiên nhiên có nguồn
gốc từ thiên nhiên.
Chính
vì vậy, nghệ thuât chơi hoa cũng tương ứng với mằu sắc nhẹ nhàng có gam
mầu nhạt và thanh vốn có của thiên nhiên. Thị hiếu về âm thanh, nhịp
điệu: thích giai điệu êm ả, dịu dàng, mượt mà nhưng lắng đọng có âm
sắc từ thiên nhiên, rút ra từ chất liệu thiên nhiên để tạo ra nhưng nhạc
cụ truyền thống như: đàn nhị, đàn tranh, đàn nguyệt cầm, đàn bầu, sáo
trúc mà âm huởng của nó khi vang lên có âm hưởng của gió, của mưa, của
tiếng sóng vỗ, tiếng chim hót như lan toả, như vang vọng đâu đó hơi thở
của cuộc sống.
Kinh
tế thị trường, cố nhiên, cũng đòi hỏi một hệ giá trị và những chuẩn mực
mới thích ứng với nó. Bởi vậy, nghệ thuật tham gia việc mở rộng hệ giá
trị tinh thần của dân tộc bao gồm cả sự du nhập những tinh hoa của nhân
loại, những giá trị phổ biến của thời đại là tất yếu. Nhưng cũng cần
phải thấy rằng sự tiếp thu những giá trị tinh thần qua kết qủa của giao
lưu văn hóa, nghệ thuật với nước ngoài, thực sự có ý nghĩa trong chừng
mực chúng hòa nhập vào bảng giá trị tinh thần dân tộc như những thành tố
hữu cơ. Nói cách khác, chỉ có thể tiếp nhận những giá trị, những chuẩn
mực giá trị bên ngoài nào mà sự hiện diện của chúng không phá vỡ sự ổn
định và tính hiện đại của những giá trị truyền thống. Đồng thời, cần
phát huy và nâng cao, đổi mới những giá trị truyền thống, khắc phục
những cái đã lỗi thời, những phản giá trị ngoại nhập.
Phát
huy những giá trị thẩm mỹ truyền thống, một mặt phải xét đến thành quả
được kết tinh trong truyền thống dựng nước và giữ nước cũng như trong sự
nghiệp đổi mới đất nước hiện nay. Nhân dân ta luôn đưa cả trí tuệ, tài
năng và tâm hồn vào qúa trình lao động và sáng tạo để tạo ra những sản
phẩm vật chất mỗi ngày một tốt hơn, tiện lợi hơn và đẹp hơn.
Qúa
trình đó luôn in đậm dấu ấn của đức tính cần cù, thông minh, khéo léo
với óc thẩm mỹ tinh tế rất đặc thù của con người Việt Nam. Nhưng ở qúa
trình đó cũng phải thấy được những mặt hạn chế của những khuôn mẫu đã
định sẵn trong các dấu ấn của những kinh nghiệm, những thói quen tâm lý,
phong tục tập quán của truyền thống.
2 nhận xét :
bài viết hay quá!
hạt điều mật ong
Bạn có thể tham khảo thêm tại https://tampacific.com/thi-hieu-tham-my-la-gi.html
Đăng nhận xét