Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2009

Nghệ thuật và đánh giá đạo đức

Vai trò của nghệ thuật trong hoạt động đánh giá đạo đức thể hiện ở năng lực đánh giá thẩm mỹ của nghệ thuật – tìm hướng đi - đánh giá đạo đức và nhân cách của con người. Tuy nhiên, về phương diện lịch sử thì những quan niệm về vấn đề này không phải bao giờ cũng giống nhau. Chẳng hạn, Platôn đã nhìn nhận một cách tiêu cực ảnh hưởng của nghệ thuật lên nhân cách, đạo đức của con người, nhất là sự tác động của bi kịch. Ngược lại, Arixtốt coi nghệ thuật có nhiệm vụ “ tu thiện về mặt đức hạnh”, làm cho con người trở lên cao qúi.

Trong những quan niệm mỹ học của Khổng tử, chúng ta thường thấy hai quan niệm về cái đẹp : “mỹ” và “thiện”- và trong thời đại mình, Không tử coi cái “mỹ” trở thành sự đánh giá cao với hình thức cái đẹp, còn cái “thiện” thì đã trở thành sự đánh giá đối với nội dung cái đẹp, có đạo đức cao qúi. Khổng tử đặt “thiện cao hơn “mỹ”. Và ở một hình thức khác, những nhà mỹ học vị nghệ thuật không chỉ đối lập nghệ thuật với đạo đức mà họ còn cho rằng nghệ thuật “chân chính” cần phải được giải phóng ra khỏi sự cưỡng chế về mặt xã hội của đạo đức, v.v…

Thực ra, trong đời sống đạo đức của con người luôn là thống nhất các phương diện tình cảm, lý trí và ý chí, mặc dù mỗi một nhân tố đó đóng một vai trò khác nhau trong đời sống đạo đức. Nhưng hành vi đạo đức chỉ có thể được thực hiện bởi sư tự nguyện được cân nhắc và sự lựa chọn của mục đích, động cơ bên trong cá nhân, dù nó có thể bị điều tiết bởi sự cưỡng chế của pháp luật hay của dư luận xã hội dưới một hình thức nhất định nào đó. Cho nên, hành vi mang tính thiện ở một chủ thể hành động, trước hết, là hành vi đó phải có “tính nhân”, biết nghĩ về cái thiện và phải biết thương yêu con người. Chính vì vậy, sự hình thành và phát triển nhân cách và đạo đức của con người, trước hết là sự phát triển lành mạnh “cái thiện” chống lại cái ác trong hành vi đạo đức của con người là một vấn đề hết sức quan trọng.

Đánh giá đạo đức cũng như mọi sự đánh giá khác đều bao hàm một thái độ, một quan hệ nhất định mang tính tích cực hoặc tiêu cực của chủ thể tiếp nhận nghệ thuật đối với đánh giá đạo đức. Cả lý trí, tình cảm và ý chí của chủ thể tiếp nhận nghệ thuật đối với hoạt động đánh giá đạo đức đều biểu hiện ở qúa trình này, - qúa trình mà ở đó thông qua tác phẩm nghệ thuật, hành vi và các chuẩn mực đạo đức có thể được diễn đạt bằng các phán đoán, các luận điểm, các tư tưởng của nghệ thuật. Những phán đoán biểu hiện tương quan giữa những lợi ích của con người và làm cơ sở cho tương quan thực tiễn giữa những con người được gọi là qui tắc, chuẩn mực và nguyên tắc cư xử. Bởi vậy, khi cảm thụ, thưởng thức tác phẩm nghệ thuật, chủ thể đánh giá - tiếp nhận không chỉ thể nghiệm một khoái cảm tinh thần bởi cái đẹp, cái cao cả, cái bi, cái hài ... trong cuộc sống và trong nghệ thuật, mà chính nghệ thuật còn góp phần thực hiện chức năng đạo đức với tính cách tìm hướng đi - đánh giá đạo đức, - tức đánh giá chuẩn mực giá trị đạo đức của con người, dưới các phương diện: đánh giá kết qủa của hành vi và hệ chuẩn của giá trị đạo đức xã hội.

- Một là, đánh giá kết qủa của hành vi đạo đức, - tức là đánh giá yếu tố khách quan mà kết qủa của hành vi được thể hiện một cách cụ thể. Lẽ tự nhiên, hành động khách quan của con người là sự thực hiện trạng thái chủ quan bên trong có ý nghĩa quyết định tính chất, bản chất và tính đặc thù của hành vi. Nhân tố bên trong này của hành vi đạo đức là động cơ của hành vi, là yếu tố chủ quan và phức tạp hơn nhiều so với sự đánh giá nhờ vào hoạt động của lý trí. Bởi lẽ, cái thiện khách quan do lợi ích và hành động có ích đem lại không phải lúc nào cũng phù hợp với cái thiện chủ quan do tính tự giác về lợi ích và về mục đích của hành vi đem lại.

Đánh giá nghệ thuật đối với kết qủa của hành vi đạo đức không tách khỏi sự đánh giá tính cách đạo đức của cá nhân con người. Tính cách của cá nhân chính là tính xác định cơ bản những thiên hướng tinh thần của con người, - tức là bản tính chung và bản tính riêng của con người được thể hiện trong mỗi cá nhân. Đó là tính xác định của những nhu cầu, lợi ích và thiên hướng của những quan điểm, thị hiếu, hành động có ý thức của cá nhân về bản chất của tính người, nhân phẩm của con người trong mối quan hệ với lợi ích chung của xã hội.

Tính cách đạo đức của con người như là sự tổng hợp những thái độ và cách thức ứng xử được thể hiện trong đời sống tinh thần của mỗi cá nhân. Trong đó, phẩm chất đạo đức như lòng nhân đạo, tình thương yêu con người, trách nhiệm, nghĩa vụ và lương tâm ... là những vấn đề chủ đạo của cấu trúc về tính cách của con người. Tính cách ấy, nó chi phối những năng lực, phẩm chất về ý chí, lòng dũng cảm, tính qủa quyết, tự chủ trong hành vi hoạt động của cá nhân. Về phương diện này, hình tượng nghệ thuật trong khi nêu lên cái chung thông qua cái đơn nhất, luôn cung cấp cho chủ thể đánh giá - tiếp nhận một hình tượng (một khuôn mẫu) cảm quan - cụ thể và cách giải quyết những tình huống đạo đức điển hình.

Tính định hướng giá trị đạo đức mà tác phẩm nghệ thuật mang lại là một sự lựa chọn độc lập về mặt đạo đức cho một hành vi cá nhân, trong khi cá nhân tự giải quyết sự xung đột của những mâu thuẫn trong hoạt động đạo đức của mình còn phụ thuộc rất nhiều vào các phương diện giáo dục lòng nhân đạo, tình thương yêu con người về quyền lợi, nghĩa vụ và lương tâm,v.v.. Với tính cách là chủ thể đánh giá – tiếp nhận, công chúng nghệ thuật có thể tán thành, chấp nhận hoặc chỉ trích, phủ nhận một hành vi đạo đức nào đó của các nhân vật. Nghệ thuật xây dựng các niềm tin luân lý cho người đọc, người nghe, người xem bằng cách miêu tả lòng hy sinh vì lợi ích chung của xã hội. Chẳng hạn, với vẻ đẹp, với sự cao qúy, với sức mạnh của ý chí và sức hấp dẫn của các nhân vật như : Coocsaghin, Tsapaép, các đội viên đội cận vệ trẻ của văn học, điện ảnh Xô Viết là những con người đã biết quên mình vì lợi ích chung của xã hội. Ngược lại, cũng cần phải thấy rằng, xu hướng phi nhân tính trong điện ảnh phương Tây hiện nay xâm nhập qua mạng internet là phản giá trị thẩm mỹ, dung tục hóa thị hiếu thấp hèn, tuyên truyền lối sống sa đọa, thực dụng làm ảnh hưởng đến tư tưởng, lối sống, đạo đức lành mạnh của các dân tộc cần phải được bài trừ, lên án.

- Thứ hai, đánh giá nghệ thuật đối với đạo đức là đánh giá những chuẩn mực của giá trị đạo đức và định hướng cho sự hình thành những chuẩn mực giá trị đạo đức mới. Nghệ thuật với tính cách là một loại trí nhớ xã hội trong hoạt động nhận thức, thì ở hoạt động đánh giá - nó thật gần gũi với những yêu cầu (qui phạm) luân lý của mỗi xã hội nhất định về mặt chuẩn mực đánh giá đạo đức. Hệ thống những qui phạm đạo đức ở trong lịch sử không phải là một hệ thống chuẩn mực khép kín, mà nó luôn có sự bổ sung, phát triển mới, thậm chí nhiều khi những chuẩn mực đó rất xa lạ với yếu tố truyền thốngtính hiện tại của những chuẩn mực đạo đức đang thống trị.

Để đáp ứng yêu cầu xã hội hóa các chuẩn mực đạo đức mới, tác phẩm nghệ thuật không chỉ xác định lập trường giai cấp, bản sắc dân tộc, tính thời đại, tính nhân loại, mà nó còn có ý nghĩa định hướng lý tưởng đạo đức xã hội cho phù hợp với hệ thống đạo đức tương ứng để từ đó nó biểu hiện chức năng ý thức hệ của nghệ thuật trong đời sống đạo đức và đời sống tinh thần của xã hội. Nếu như những ai đã từng đọc, từng xem vở kịch “Chim hải âu” của Tsêkhốp thì có lẽ không ai phủ nhận rằng chính những nhân vật trong tác phẩm này đã thể hiện lý tưởng đạo đức xã hội của tác giả, là sự khao khát của tác giả về những con người mới sẽ được xuất hiện trong tương lại. Hoặc, lý tưởng đạo đức mới có thể được khẳng định bằng lối bóc trần và chế giễu những thói hư tật xấu về mặt đạo đức của xã hội đương thời (chế độ phong kiến) – cái đạo đức cần phải lên án như những nhân vật trong vở hài kịch “ Quan thanh tra” của Gôgôl chẳng hạn. Tuy nhiên, nghệ thuật không chuyển dịch các tư tưởng chính trị và đạo đức sang ngôn ngữ hình tượng nghệ thuật một cách đơn giản hoặc máy móc. Nghệ thuật giáo dục những nguyên tắc đạo đức cao quí trong qúa trình đánh giá thẩm mỹ và đánh giá đạo đức trên mọi bình diện của cuộc sống trong sự đa dạng vô cùng tận của các loại hình của nghệ thuật.

Tác phẩm nghệ thuật giáo dục và nâng cao đạo đức của con người không chỉ ở chỗ, nó truyền cho người cảm thụ khoái cảm thẩm mỹ mà còn gợi nhắc những chuẩn mực của đạo đức lành mạnh, lòng yêu lao động, nâng cao tính nhân đạo và giáo dục tính cách đạo đức cá nhân, v.v... Bởi vậy, nghệ thuật chân chính, khi tác động đến thế giới tinh thần con người, nó không chỉ phát triển thị hiếu thẩm mỹ, mà nó còn đánh giá cái đẹp thông qua cái thiện – cái mang ý nghĩa nhân văn của xã hội.

Nói đến chủ nghĩa nhân văn trong văn học, nghệ thuật của thế kỷ chúng ta không thể không nói đến văn học Nga Xô Viết. Với những nhà văn xuất sắc của nhiều thế hệ như: Gorki, Maiakốpxki, Ximônốp, Sôlôkhốp, Bungakốp, v.v… mà ngày nay tên tuổi và những tác phẩm của họ mãi mãi in đậm trong ức ký của hàng triệu độc giả trên thế giới dù Liên bang Xô Viết không còn nữa. Đó là những tính cách mạnh mẽ, những hình tượng đa sắc của con người mới trong qúa trình xây dựng, bảo vệ nước Nga Xô Viết và Cộng hòa liên bang Xô Viết xã hội chủ nghĩa.

Lý tưởng thẩm mỹ của nền nghệ thuật Xô Viết đã được truyền bá vào Việt Nam, thể hiện sinh động và mạnh mẽ trong nền văn hóa – văn nghệ hiện đại Việt Nam. Một loạt các tác giả với các tác phẩm mang lý tưởng cao đẹp và có ý nghĩa giáo dục đạo đức to lớn trong xã hội Việt Nam xuất hiện từ đầu thế kỷ cho đến hiện tại: Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Trường Chinh, Xuân Thủy, Huy Cận, Tế Hanh, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyễn Khải, Nguyễn Đình Thi, v.v…

Tác phẩm nghệ thuật không chỉ tái hiện phạm vi đạo đức xây dựng tình cảm đạo đức, mà còn giải quyết những vấn đề đạo đức bằng cách khẳng định những lý tưởng đạo đức. Chính vì vậy mà chúng ta có thể nói rằng trong nghệ thuật, những vấn đề đạo đức được giải quyết bằng thẩm mỹ, vì nghệ sỹ chân chính luôn luôn có khát vọng xây dựng niềm tin cho người đọc, người xem, người nghe tự thẩm định cái ý nghĩa chân chính của cuộc sống một cách cảm quan sinh động, đặc biệt thông qua số phận của từng nhân vật và điều kiện lịch sử của họ. Nói cách khác, chức năng đánh giá đạo đức của những tác phẩm nghệ thuật đối với chủ thể đánh giá – tiếp nhận thể hiện đầy đủ nhất ở chức năng tổ chức xã hội của nghệ thuật, ở tính chất xã hội hóa con người dưới góc độ khác nhau với các chuẩn mực hành vi đạo đức không chỉ mang ý thức hệ, mà còn có ý nghĩa toàn nhân loại.

0 nhận xét :