Trong những thi sĩ Việt Nam thế kỷ XX, Bùi Giáng có lẽ là người duy nhất xứng với hai từ “quái kiệt”.
§ "Chuyện tình" của thi sĩ Bùi Giáng và "kỳ
nữ Kim Cương: Lãng mạn dị thường
§ Thi nhân Bùi Giáng: Một tiếng lá rơi dội trong sương mù
Vừa là học giả, là nhà nghiên cứu, là dịch
giả, là thầy giáo... nhưng sau hết ông là một thi sĩ đã để lại cho đời vô số
giai thoại nửa thực nửa hư, bi hài trộn lẫn.
Nhiều người đương thời không hề ngần ngại gọi
ông là nhà thơ điên, thế nhưng cái điên của ông lại quá đỗi đặc biệt, như một
tỷ lệ thuận với những lao động sáng tạo mà ông để lại cho đời.
Cuộc đời của Bùi Giáng được công nhận như một kỳ tích đặc biệt, hiếm có: “Viết đôi lời hay nhiều lời về Bùi Giáng không bằng đọc Bùi Giáng. Đọc Bùi Giáng không bằng giao du với Bùi Giáng. Giao du với Bùi Giáng không bằng sống như Bùi Giáng. Mà sống như Bùi Giáng thì thật vui và thật khó vậy” (Bùi Văn Nam Sơn). Bản thân thi sĩ tự bạch về mình qua mấy chữ: Điên rồ lừng lẫy chết đi sống lại vẻ vang.
Điên trong đời
Bùi Giáng ngay từ hồi trẻ đã có những biểu
hiện kì dị, khác thường khiến mọi người xung quanh vô cùng “ấn tượng”. Nhiều
người cho rằng, gien “điên” của Bùi Giáng ít nhiều ảnh hưởng từ cụ thân sinh là
ông Bùi Thuyên, thường được gọi là ông Cửu Tý.
Tương truyền, ông Cửu Tý bị chứng cuồng nhẹ,
hằng ngày thường làm bộ cưỡi ngựa bằng mo cau đi từ làng Trung Phước đến làng
Cà Tang đọc thơ, làm câu đối và đặc biệt rất thích chọc ghẹo... các cô gái có
nhan sắc.
Bùi Giáng lấy vợ năm 1945, đến năm 1948 thì vợ
sinh non và qua đời cả mẹ lẫn con. Giai thoại kể rằng, ông đã làm thịt 21 con
gà, lại còn thành tâm bỏ thịt con gà còn sống vào quan tài tẩm liệm người vợ
thân yêu.
Từ năm 1948 đến khoảng 1951, Bùi Giáng mua đàn
dê hàng trăm con và đi chăn dê ở miền đồi núi Trung Phước (Quảng Nam). Ông lang
thang lên các quả đồi hái hoa, hái lá về kết vòng đeo vào cổ cho dê. Ông gọi dê
là các em dê, mỗi con dê được ông đặt cho một cái tên.
Những ngày tháng chăn
dê đã đi vào trong nhiều bài thơ của ông mà tiêu biểu là Nỗi lòng Tô Vũ: “Này
em Đen chiếc vòng vàng tươi lắm/ Này em Vàng chiếc trắng há mờ đâu/ Này em
Trắng chiếc hồng càng lóng lánh/ Này em Hoa Cà hỡi! Chiếc nâu/ Ngẩng đầu lên!
Dê ơi anh thong thả/ Đeo vòng vào em nghển cổ cong xinh/ Ngẩng đầu lên! Đây
lòng anh vàng đá/ Gửi gắm vào vòng mây nhuộm tơ duyên”.
Những năm 1952 đến 1960, Bùi Giáng từng đi dạy
Việt văn ở một số trường trung học tỉnh lỵ. Một hôm, giảng Kiều, đến chỗ Kiều
phải hồng trần lưu lạc, thầy Giáng khóc òa. Thế là nhảy phóc qua cửa sổ lớp
học, đi bộ ra bến xe rồi về thẳng Sài Gòn. Học trò cứ thế ngồi chờ thầy mãi vì
trên mặt bàn, sách vở và bao thuốc lá vẫn còn.
Thế mà hóa ra thầy đi một mạch, bỏ lớp bỏ
trường, bỏ cả tỉnh lỵ nhiều năm sau đó. Sau này hỏi lại, thầy mới nói lý do
rằng không thể trở lại nơi em Kiều đã một lần hy sinh cho cái trò chơi nhân
gian kỳ ảo chỗ liên tồn.
Năm 1965, nhà Bùi Giáng gặp cơn hỏa hoạn, cháy
rụi nhiều sách quý và các bản thảo. Thi sĩ bị chấn động mạnh, nổi cơn điên và
cho đến tháng 5-1969 thì gia đình phải gửi vào Bệnh viện Biên Hòa để điều trị.
Một thời gian sau, ra khỏi viện, Bùi Giáng bắt đầu một hành trình... điên mới,
sống lang thang nay đây mai đó, lúc ngủ quán này, mai ngủ bãi hoang kia.
Người đương thời kể lại, ông thường xuất hiện
một cách lạ mắt trong trang phục thùng thình trên hè phố, mái tóc dài đạo sĩ,
cái túi vải lại còn thêm cây gậy, trên cổ có khi đeo toòng teng đủ thứ như hộp
lon, nón rách, giày rách, áo quần, rơm rạ.
Có khi ông đứng giữa ngã ba, ngã tư để hò hét
chỉ huy giao thông. Có khi ông chơi cùng bọn trẻ con ở những bãi đất trống, hát
hò, đọc thơ với chúng.
Có khi ông đến gõ cửa
nhà nghệ sĩ Kim Cương - nàng thơ, người trong mộng mà ông hết sức tôn thờ: “Nếu
ngày mai tôi chết đi, mà cô không thể rỏ cho một giọt nước mắt/ Thì cô có thể
rỏ cho một giọt nước tiểu cũng được/ (Nhớ rỏ ngay trên mồ)/ Ở dưới suối vàng
tôi sẽ ngậm cười đón nhận”.
Bùi Giáng còn nổi tiếng với những câu chuyện
về nuôi heo đất, vịt đất bằng rau, gạo như heo vịt thật, hoặc về thói quen ăn
uống: Phạm Công Thiện gọi một ly café. Tôi gọi một ly trà đá. Riêng Bùi Giáng
gọi một tô hủ tiếu, một tô mì, một ly café sữa và một ly đá chanh (...)
Ông ăn một miếng mì, rồi lại ăn một miếng hủ
tiếu, uống một chút nước chanh, rồi lại nhấm nháp một chút café. Cái lối ăn
uống của Bùi Giáng thật là quái đản. Nhưng ông ăn và uống đều ngon lành. Cả
café sữa và chút chanh đường. Cả những sợi mì và cả những sợi hủ tiếu. Ông gắp
cái này một chút, uống cái kia một chút, như người nhạc trưởng uyển chuyển
trước một dàn nhạc.
Ngay cả đồ gia vị cũng vậy. Ông rắc một chút
tiêu lên tô này, lại thêm một chút ớt vào tô nọ. Xúc một muỗng đường. Xin vài
hạt muối. Muối cho vào ly đá chanh. Đường cho vào tô mì. Lung linh trộn
lộn.
Có lẽ, chỉ có ông trời
xanh hay bà trời trắng mới biết được ông đang ăn uống hay đang chơi dạo giữa
mùa trăng châu thổ? (Tuấn Huy - Những ngọn cỏ sầu của Bùi Giáng).
Điên trong thơ
Ở phần trên, chúng tôi vừa lược thuật lại vài
câu chuyện đời dị thường của Trung niên thi sĩ. Chất điên ở Bùi Giáng, rõ là
không giống ai, đã gợi lên trong mỗi chúng ta một tâm hồn rất đỗi nhạy cảm trước
cái đẹp, trước cuộc sống, trước những câu chuyện nhân sinh.
Và khi đi vào trong thơ để điên trở thành một
hình tượng nghệ thuật, thiết tưởng cũng không có thi sĩ nào tạo ra một mật độ
dày đặc như Bùi Giáng.
Điên trong thơ Bùi
Giáng giống như một hệ hình thẩm mỹ, đi từ tâm thân ra tới ngoại cảnh, có thể
bao trùm hết không gian và thời gian, từ cái cụ thể đến cái trừu tượng, và được
dẫn dắt, kéo đi bằng một dòng cảm xúc ngập tràn: Tờ điên trang điểm
thêu thùa/Chữ điên càng viết càng đùa giỡn suông/Tình điên đổi ngọn thay
nguồn/Mộng điên trút lục giũ hường đổ sông/Một điên cuồng tưởng vời trông/Hai
điên tường dại hư không đặt lời/Ba điên dại niệm dài hơi/Bốn điên mê tưởng về
nơi phiêu bồng/Năm điên chuốc não bỗng không/Sáu điên sầu tỏa chùm bông giữa
hàng/Bảy điên thụ động đầu trang/Tám điên đầu lá nhặt khoan tự tình/Chín điên
trường dạ dặm nghìn/Mười điên vĩnh viễn theo bình minh điên (Quà
nguyên đán).
Vậy là thi sĩ thậm chí còn coi điên như một
món quà mà Tạo hóa, trời đất, cuộc đời đã tặng cho mình, để mà mình vui thú
khoái hoạt triền miên. Điên không có mở đầu, không có kết thúc.
Điên cũng tự nhiên như hơi thở: Mẹ về ngủ giấc bình yên/Con đi suốt xứ còn điên như thường (Thơ điên tái điệp), Sơ sinh phát tiết muộn lời/Tâm hồn như lộc trang đời như điên (Muôn tâu bệ hạ).
Hình như ở thời kỳ đầu, cụ thể là trong tập
Mưa nguồn – tập thơ thứ nhất của Bùi Giáng, cái điên đôi khi còn gắn với những
xót xa, day dứt.
Tâm và cảnh vẫn còn là
hai khoảng tách rời nhau: Anh qua miền cao nguyên/Nhìn mây trời bữa
nọ/Đêm cuồng mưa khóc điên/Trăng cuồng khuya trốn gió (Bờ lúa).
Nhưng càng về sau này, cái điên đã đi hết một
hành trình trong thơ Bùi Giáng để tâm và cảnh cùng tan chảy nhuyễn vào nhau
thành một. Điên được thụ hưởng như một khoái cảm, được chở che như một hạnh
phúc.
Liệu có phải đó chính
là một cách thức để Bùi Giáng tự đo đi suốt một cuộc đời của riêng ông: Nắng
trưa nắng xế đầy trời/Bóng cây râm mát che đời ta điên (Thơ tặng)
Bùi Giáng không ngần ngại nhắc đến cái chết,
điên không chỉ gắn với từng phút giây của đời sống mà còn theo con người tận
tới khi giã từ trần gian.
Nhưng khi ấy, điên hình như cũng vẫn không mất
đi mà lại tiếp tục tái sinh trong một hành trình khác: Cuộc điên đã chấm dứt
rồi/Bây giờ điên nữa cho đời điên thêm (Nỗi buồn).
Có được điều ấy là bởi
điên được coi như một tiên thiên, một khởi nguyên xuất phát tự trời xanh: “Một
cô hàng xóm nghịch đùa/ Gọi tôi như gọi già nua ông trời/ Thật ra có lẽ lầm
rồi/ Ông trời muôn thuở ông trời đã điên” (Lẩm cẩm).
Bùi Giáng rong chơi với tháng ngày bất tận,
“phóng túng hình hài, ngang tàng định mệnh”. Ông đùa cợt giễu nhại, mỉa mai tự
trào. Cái người ta coi là quan trọng thì đối với ông chẳng hề quan trọng. Cái
người ta vứt đi thì đối với ông có khi lại như một báu vật. Cái điên trong thơ
Bùi Giáng vì thế thường gắn với một tinh thần hài hước.
Ông đem mình ra để mà
trào lộng: “Giáng bao nhiêu tuổi Giáng già/ Điên bao nhiêu tuổi gọi là điên
non/ Người còn thì của hãy còn/ Còn thằng Bùi Giáng hãy còn cái điên” (Bùi
Văn Giáng). Có lúc, ta ngỡ ngàng bối rối không biết ông nói đùa hay nói
thật: “Bình sinh ta, bình sinh ta/ Vì mê gái đẹp mà ra điên rồ”.
Sinh thời, có một câu nói luôn đồng hành với
Bùi Giáng trong mọi cuộc gặp gỡ với anh em bè bạn, trong mọi việc ông làm, dù
việc đó có thể được coi là kì tích hay giống như một khoảnh khắc phiêu bồng:
“Vui thôi mà!”. Chỉ có ba chữ giản đơn ấy thôi.
Chất điên trong thơ Bùi Giáng vì thế, hướng
tới một cảm giác phiêu thoát và giải phóng, là một tương phản đối đỉnh với chất
điên trong thơ một thi sĩ tài danh khác - Hàn Mặc Tử, vốn gắn với những bi kịch
đau đớn của một thân phận con người.
Bùi Giáng đã để lại một
cảm hứng đặc biệt cho thi ca Việt, làm cho chúng ta có một cảm giác ông vẫn còn
rong chơi quanh đây mỗi ngày, thật gần gũi với chúng ta, như chính những câu
thơ mà ông để lại: “Điên duỗi dọc, điên ngửa nghiêng/ Điên là hạnh phúc
thần tiên ở đời...”.
Đỗ Anh Vũ
0 nhận xét :
Đăng nhận xét