Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Ba, 15 tháng 9, 2009

Đối tượng nghiên cứu của mỹ học

I. MỸ HỌC LÀ GÌ?
1. Quá trình xác định đối tượng của mỹ học trong lịch sử
Lịch sử hình thành và phát triển của mỹ học là một quá trình lâu dài và phức tạp. Từ thời kỳ cổ đại cho đến thế kỷ XVIII những vấn đề của mỹ học được nhiều khoa học khác nghiên cứu: triết học, nghệ thuật học, tâm lý học, văn hóa học và tình dục học, v.v…
Mỹ học với tính cách là một hình thái ý thức xã hội đã xuất hiện từ thời kỳ thượng cổ. Thời kỳ, mà lịch sử tư tưởng của nhân loại về cơ bản là những ý niệm sơ khai về chuẩn mực đạo đức và tín ngưỡng. Đó cũng là những quan niệm của chúng ta ngày nay về “Nghệ thuật hang động”[1].
Mỹ học là một bộ phận lý luận của triết học gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của triết học từ thời kỳ cổ đại. Đến thế kỷ XVIII, mỹ học tách khỏi triết học trở thành một khoa học độc lập.
Những ý niệm thẩm mỹ sơ khai đã có từ thời thượng cổ. Người Trung Quốc quan niệm chữ “nghệ” dùng để chỉ việc “chăm sóc cây cối”. Cũng như vậy, quan niệm về cái đẹp đã được hình thành trong cuộc sống du mục với nghề chăn nuôi gia súc đã phát triển. Bộ phận cơ bản của chữ “mỹ”“thiện”, có nghĩa là cái đẹp – bộ “dương” chỉ con cừu. Sự xuất hiện của khái niệm chữ “họa” – chỉ chữ họa trong quan hệ thẩm mỹ, quan hệ nghệ thuật, về mặt biểu ý mà nói, có nghĩa là “việc kết hợp những sợi chỉ màu bằng tơ”, tức là việc thêu thùa. Những tư tưởng mỹ học này đã được các nhà mỹ học ở thời kỳ cổ đại – chế độ chiếm hữu nô lệ kế thừa và phát triển.
Theo quan điểm của Hêghen cùng với đạo đức, lôgíc học và mỹ học tạo thành bộ ba các “khoa học chuẩn mực” được coi là một trong những tập hợp quy tắc mà đời sống tinh thần con người không thể thiếu. Chính vì vậy, chúng ta có thể nói rằng ba mục tiêu của mỹ học: các qui tắc của nghệ thuật, các qui luật của cái đẹp và qui tắc của sở thích, hoàn toàn phù hợp với qui tắc của hoạt động của con người và của khoa học, với các qui luật của Chân – Thiện – Mỹ. Cho nên, Hêghen cho rằng: “Triết học về nghệ thuật là một mắt khâu tất yếu trong tập hợp triết học”.
Theo đó, Pôn Valêry[2] cũng nhận định: “Mỹ học sinh ra vào một ngày nào đó từ một nhận xét và một sự thích thú của các Triết gia”. Sở dĩ như vậy, bởi vì cho đến ngày nay các nhà triết học, mỹ học vẫn còn tiếp tục tranh luận rằng: mỹ học là khoa học về cái đẹp hay khoa học triết học về nghệ thuật?
Thuật ngữ “Mỹ học” đã có nguồn gốc trong ngôn ngữ Hy Lạp, xuất phát từ chữ aisthetikos có nghĩa là “cảm giác”, “tính nhậy cảm”; hoặc: “có quan hệ với cảm thụ cảm tính”. Thực ra aisthetikos có hai nghĩa: thứ nhất, thường được giải thích là nhận thức cảm tính, thứ hai cũng được giải thích là nhận thức cảm tính, nhưng là nhận thức cảm tính của sự xúc động (rung động cảm xúc).
Tư tưởng mỹ học Hy Lạp ra đời nhằm tìm hiểu thực tiễn nghệ thuật thời đại của mình về mặt lý luận. Cho đến khi xuất hiện những quan điểm thẩm mỹ đầu tiên, nghệ thuật Hy Lạp cổ đại đã đạt đến trình độ cao. Hầu như tất cả các kiểu thế giới quan mỹ học sau này đều ra đời từ lý thuyết triết học – mỹ học Hy Lạp cổ đại.
Những nhà tư tưởng đầu tiên (phái Pitago, Hêracơlít, Đêmôcơrít), trừ phái Pitago theo quan điểm duy tâm, các nhà triết học duy vật Hêracơlít, Đêmôcơrít đã giải quyết vấn đề chủ yếu của mỹ học – vấn đề quan hệ thẩm mỹ với hiện thực. Họ coi vũ trụ là thể hiện sự cân đối, trật tự, hài hoà là cơ sở khách quan của cái đẹp. Tư tưởng này đã được Arixtốt phát triển thêm khi ông cho rằng cả vũ trụ, lẫn hoạt động nói chung của con người, trong đó có hoạt động nghệ thuật, đều có cùng một số các qui luật nền tảng là qui luật vật lý, sinh học.
Những đặc điểm mỹ học duy tâm của phái Pitago đã được Xôcơrát và Platông, kế tục và phát triển thêm. Platông cho rằng không có một cái đẹp nào nằm bên ngoài cái đẹp tự nó, - đó là cái đẹp tồn tại trong thế giới ý niệm, còn những cái đẹp thường ngày mà chúng ta cảm nhận được bằng cảm giác chỉ là ảo ảnh, bản sao của cái đẹp trong thế giới ý niệm.
Đến thời trung cổ, thời kỳ thần quyền tôn giáo là sự thống trị tuyệt đối của thần học, nghệ thuật chính thống chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của tôn giáo. Trong nghệ thuật, người ta đã tìm cách cố gắng biện luận cho thế giới đồ vật có quyền được làm khách thể, thể hiện trực tiếp quyền lực của Đức Chúa Trời. Đó là tư tưởng của Tômát Đacanh, khi ông khẳng định: “Mọi sinh vật được sinh ra đều làm Chúa vui sướng, bởi vì mọi thứ đang tồn tại đều theo ý Chúa”.
Thời kỳ phục hưng, - thời kỳ mà Ph. Ăngghen đã gọi là thời kỳ của “một cuộc đảo lộn tiến bộ lớn nhất”. Nền văn hoá phục hưng ra đời trên cơ sở thời kỳ tiền tư bản, còn nhu cầu khai thác kho tàng các quan niệm cổ đại là do những nhu cầu thực tế của sự phát triển xã hội, chứ không phải chỉ là khôi phục giản đơn nền văn hoá nghệ thuật cổ đại Hy Lạp.
Đặc điểm cơ bản của sự phát triển mỹ học thời kỳ phục hưng là tìm cách tách mỹ học ra khỏi triết học. Bởi vì, mỹ học đã phát triển thành một phương diện cơ bản của nghệ thuật, do chính những văn nghệ sỹ đề xuất để giải quyết vấn đề cái đẹp, giải quyết phương hướng sáng tác, coi đó như một công cụ quan trọng để đấu tranh giải phóng con người, vì sự tiến bộ của xã hội.
Những quan niệm cơ bản của thế giới quan nhân văn thời kỳ này, thực chất là ca ngợi con người, tán dương cuộc sống trần thế, minh oan cho nhục cảm, niềm tin vào tiềm năng sáng tạo vô biên của cá nhân, quan tâm đến tự nhiên. Lý tưởng của các nhà nhân văn chủ nghĩa là một cá nhân hoàn toàn tự do, phát triển hài hòa, nhạy cảm và chủ động, với tầm vóc khổng lồ và những hứng thú lớn lao. Đó là các nhà tư tưởng Lêônađờvanhxi, Raphaen, Mikenlănggiơ. Điều đó, chứng tỏ rằng nghề thủ công đã tách ra khỏi nghệ thuật, và phương diện lý thuyết của nghệ thuật đã được đặc biệt đề cao.
Từ thời kỳ phục hưng trở đi, mỹ học không chỉ từ triết học tác động vào văn học nghệ thuật mà ngược lại, sự phát triển của văn học nghệ thuật, tự nó đòi hỏi những khái quát riêng của chính nó, do nó đề xuất. Và những khái quát này ra nhập vào mỹ học, mà bản thân những nguyên lý chung của triết học không giải đáp được những vấn đề riêng của đời sống thẩm mỹ, của nghệ thuật. Mặt khác, sự phân ngành của khoa học cụ thể ra khỏi triết học như một nhu cầu tất yếu của sự phát triển khoa học, dẫn đến triết học và các khoa học trở thành các khoa học độc lập, trong đó có mỹ học.
Chính những lý do trên, sự phát triển tự thân của mỹ học và việc xác định đối tượng nghiên cứu của nó là một nhu cầu khách quan. Baumgácten một giáo sư người Đức đã đưa ra khái miện mỹ học vào năm 1735 trong bài: “Những suy xét về triết học có quan hệ tới việc xây dựng thơ ca”.
Baumgácten cũng xuất phát từ chữ: aisthetikos để tạo ra thuật ngữ “Aesthetics”, có nghĩa là “học thuyết về các cảm giác” hoặc “lý luận về sự thụ cảm thẩm mỹ”. Ông cho rằng, mỹ học là một khoa học có nhiệm vụ nghiên cứu những đặc điểm của con đường nhận thức thế giới bằng cảm xúc, để phân biệt với các hình thái khác của hoạt động nhận thức như triết học, khoa học. Cho nên, năm 1750 ông cho xuất bản cuốn Mỹ học (Aesthetics) tập 1, năm 1758 xuất bản cuốn Mỹ học tập 2.
Sau Baumgácten, vấn đề đối tượng của mỹ học vẫn còn là vấn đề được tranh luận và được phát triển thêm. Lược qua một vài quan điểm tiêu biểu mà chúng ta phải kể đến như Cantơ, Hêghen, Tsécnưsépxki.
Cantơ nhìn nhận đối tượng của mỹ học là lĩnh vực của “thị hiếu thẩm mỹ” hoặc là lĩnh vực của “phán đoán thẩm mỹ”. Như vậy, Cantơ đã biến đối tượng của mỹ học thành cái chủ quan, chứ không phải là cái khách quan.
Hêghen coi đối tượng của mỹ học là nghiên cứu cái đẹp, cụ thể hơn là “vương quốc bao la của cái đẹp”. Song ở Hêghen, cái đẹp chủ yếu được quan niệm trong nghệ thuật và cũng là sự tha hóa của “ý niệm tuyệt đối”. Ông không phủ nhận cái đẹp trong cuộc sống, trong tự nhiên, nhưng ông coi thường nó, cho nó là cái không đầy đủ và nhàm chán.
Tsécnưsépxki đối lập với quan niệm của Hêghen. Ông coi đối tượng của mỹ học là: “Quan hệ thẩm mỹ của nghệ thuật đối với hiện thực”. Dựa trên quan niệm “cái đẹp là bản thân cuộc sống”, ông hướng mỹ học vào cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân lao động.
Như vậy, trong lịch sử mỹ học, về cơ bản có hai quan điểm:
Thứ nhất - mỹ học là khoa học về cái đẹp?
Có thể coi đây là một định nghĩa có tính truyền thống và ngắn gọn nhất. Dù định nghĩa này không được đầy đủ và chính xác, nhưng nó được coi là điểm xuất, là một cơ sở lý luận trong việc nghiên cứu đối tượng của mỹ học. Bởi vì, cái đẹp là một phạm trù trung tâm của mỹ học. Có thể coi đó là một định nghĩa mỹ học theo nghĩa hẹp, nhưng thực chất nội dung của nó không đủ xác định những nội dung cơ bản trong đối tượng của mỹ học.
Mỹ học không chỉ nghiên cứu cái đẹp mà còn nghiên cứu các hiện tượng thẩm mỹ khách quan khác như cái xấu, cái bi, cái hài, cái cao cả, cái thấp hèn. Vấn đề quan trọng hơn là mỹ học phải nghiên cứu mối quan hệ biện chứng giữa các hiện tượng thẩm mỹ khách quan đó với tính cách là khách thể thẩm mỹ và mặt chủ quan của các mối quan hệ này – đó là chủ thể thẩm mỹ.
Nghiên cứu chủ thẩm mỹ không chỉ nghiên cứu tình cảm – thị hiếu và lý tưởng thẩm mỹ mà còn phải nghiên cứu năng lực cảm thụ – đánh giá và sáng tạo thẩm mỹ theo những qui luật của cái đẹp. Vì vậy, có thể định nghĩa mỹ học là khoa học về mối quan hệ thẩm mỹ của con người với hiện thực?
Thứ hai - mỹ học là triết học về nghệ thuật?
Khuynh hướng này cho rằng đối tuợng của mỹ học là triết học về nghệ thuật, là những nghiên cứu những qui luật chung nhất của nghệ thuật như một hình thức đặc thù phản ánh hiện thực. Quan điểm này nghiên cứu nghệ thuật chỉ đơn giản về phương diện nhận thức hơn là bản chất thẩm mỹ của nghệ thuật với tính cách mỹ học về nghệ thuật chỉ là một bộ phận lý luận của triết học.
Nghệ thuật không chỉ là đối tượng nghiên cứu của triết học, văn hoá học mà còn là đối tượng khoa học của mỹ học, nghệ thuật học. Đối với mỹ học, nghệ thuật là hình thái cao nhất của quan hệ thẩm mỹ với hiện thực, nghệ thuật mới là đối tượng của mỹ học.
Nghiên cứu hình thái cao nhất của quan hệ thẩm mỹ, một mặt sẽ làm sáng tỏ bản chất, đặc trưng của quan hệ thẩm mỹ nói chung; mặt khác, chỉ có thể hiểu rõ bản chất và đặc trưng, vai trò của nghệ thuật khi xét nó trong toàn bộ quan hệ thẩm mỹ của con người. Vì vậy, có thể định nghĩa mỹ học là khoa học về quan hệ thẩm mỹ của con người với hiện thực nói chung và về nghệ thuật như một hình thái cao nhất của các quan hệ thẩm mỹ?
Thông qua những vấn đề trên, chúng ta nhận thấy quá trình xác định đối tượng nghiên cứu của mỹ học trong lịch sử có nhiều quan điểm khác nhau về các mặt quan hệ của quan hệ thẩm mỹ. Song, về cơ bản là quan niệm đồng nhất đối tượng của mỹ học là khoa học về cái đẹp hay khoa học triết học về nghệ thuật.
2. Đối tượng của mỹ học
Lịch sử mỹ học là lịch sử ra đời, hình thành và phát triển các khuynh hướng cơ bản trong mỹ học – mỹ học duy vật và mỹ học duy tâm trong các thời kỳ khác nhau của lịch sử phát triển xã hội. Mặc dù, vấn đề duy vật duy tâm trong mỹ học hiện đại ngày nay ít nhiều mất đi yếu tố truyền thống của nó xét về mặt triết học trong mỹ học. Vì mỹ học là một khoa học độc lập. Nhất là mỹ học hiện đại. Cố nhiên, do kết quả đấu tranh giữa các quan điểm cơ bản trong lịch sử đã hình thành các quan niệm khác nhau về đối tượng của mỹ học như một quá trình tất yếu.
Mỹ học hiện đại đã giải thích qúa trình phát triển của mỹ học, của nghệ thuật thông qua quan hệ thẩm mỹ của con người với hiện thực dưới các hình thức khác nhau. Về cơ bản là hai khuynh hướng mỹ học. Đó là mỹ học Mác – Lênin và mỹ học tư sản.
Mỹ học Mác – Lênin khẳng định sự ra đời của các quan hệ thẩm mỹ, của nghệ thuật đều gắn liền với quá trình lao động và hoạt động thực tiễn. Đây là quan điểm duy vật biện chứng và lịch sử của triết học Mác – Lênin khi phân tích đời sống xã hội để khẳng định vai trò của sản xuất vật chất là cơ sở tồn tại, vận động và phát triển của xã hội; bao gồm tất cả các lĩnh cực tinh thần. Trong đó có ý thức thẩm mỹ. C. Mác viết: “Phương thức sản xuất đời sống vật chất của xã hội quyết định các qúa trình sinh hoạt xã hội, chính trị tinh thần nói chung. Không phải ý thức của con người quyết định sự tồn tại của họ; trái lại, tồn tại xã hội của họ qui định ý thức của họ”[3].
Mỹ học tư sản cũng xuất phát từ thế giới quan và phương pháp luận của các trào lưu triết học tư sản. Chủ yếu vẫn là khynh hướng triết học nhân bản để hình thành những quan điểm mỹ học nhân bản chủ nghĩa. Đó là mỹ học về nhân cách về tính dục của Phơrớt và mỹ học hiện sinh của Kiếckêga và Giăng Pôn Sác.
Mặc dù có sự khác nhau và mặt thế giới quan và phương pháp luận giữa Mỹ học Mác – Lênin và mỹ học tư sản khi nghiên cứu nguồn gốc, bản chất và các qui luật của quan hệ thẩm mỹ. Song, mỹ học hiện đại đều khẳng định mỹ học nghiên cứu toàn bộ các quan hệ thẩm mỹ của con người với hiện thực, bao gồm cả nghệ thuật với tính cách là hình thái cao nhất của các quan hệ thẩm mỹ.
Xét về nội dung, đối tượng nghiên cứu của mỹ học là nghiên cứu các quan hệ thẩm mỹ của con người với hiện thực, xét về chủ thể, khách thể và nghệ thuật:
Chủ thể thẩm mỹ, một mặt với tính cách là quá trình cảm thụ, đánh giá và sáng tạo thẩm mỹ; mặt khác là các hoạt động của chủ thể thẩm mỹ nhằm thoả mãn nhu cầu thẩm mỹ tình cảm thẩm mỹ – thị hiếu thẩm mỹ – lý tưởng thẩm mỹ của cá nhân và xã hội. Chỉ có các nhu cầu về cái đẹp, tình cảm về cái đẹp – thị hiếu về cái đẹp – lý tưởng thẩm mỹ về cái đẹp là đối tượng của mỹ học, còn các nhu cầu khác trong hoạt động xã hội của con người là đối tượng nghiên cứu của các khoa học khác.
Khách thể thẩm mỹ với tính cách là đối tượng thẩm mỹ. Đó là những những hiện tượng thẩm mỹ khách quan như cái đẹp, cái bi, cái hài, cái cao cả trong cuộc sống và trong nghệ thuật. Trong đó cái đẹp giữ vị trí trung tâm. Bởi vì, cái bi, cái hài, cái cao cả sở dĩ mang yếu tố thẩm mỹ vì chúng là các hình thức tồn tại khác nhau của cái đẹp và trong mối quan hệ với cái đẹp.
Nghệ thuật với tính cách là hình thái cao nhất của quan hệ thẩm mỹ, cũng bao gồm sự hưởng thụ, đánh giá, sáng tạo nghệ thuật nhằm thoả mãn nhu cầu tình cảm – thị hiếu – lý tưởng nghệ thuật của cá nhân và xã hội. Nói đến nghệ thuật là nói đến các qui luật của tình cảm, của cái đẹp. Sự phản ánh cái xấu trong nghệ thuật cũng phải gắn với lý tưởng về cái đẹp. Do đó, cái đẹp đã làm cho nghệ thuật thể hiện được bản chất, đặc trưng và chức năng của nó và đồng thời nghệ thuật là đối tượng nghiên cứu của mỹ học.
Mỹ học là khoa học mang tính chất triết học nghiên cứu những qui luật chung nhất của quan hệ thẩm mỹ. Trong đó cái đẹp là trung tâm, hình tượng là đặc trưng cơ bản, nghệ thuật là biểu hiện tập trung nhất của quan hệ thẩm mỹ.
- Mỹ học là khoa học có tính triết học[4] nghiên cứu những qui luật chung nhất của quan hệ thẩm mỹ?
Với tư cách là một khoa học nhân văn, mỹ học mang tính chất triết lý khi tập trung nghiên cứu ý thức thẩm mỹ chi phối sự khám phá và sáng tạo của con người theo qui luật của cái đẹp.
Mỹ học nghiên cứu các qui luật chung của quan hệ thẩm mỹ – đó là các hiện tượng thẩm mỹ của thế giới hiện thực và các qui luật của nghệ thuật với tính chất là khách thể trong mối quan hệ thẩm mỹ của con người với hiện thực. Qui luật về sự cảm thụ, đánh giá và sáng tạo thẩm mỹ, sáng tạo nghệ thuật với tính chất là chủ thể trong mối quan hệ thẩm mỹ của con người với hiện thực. Qui luật của giáo dục thẩm mỹ, sự hình thành mối quan hệ thẩm mỹ đúng đắn cho con người.
- Cái đẹp là trung tâm của quan hệ thẩm mỹ?
Cái đẹp là một phạm trù mỹ học cơ bản, một hiện tượng thẩm mỹ khách quan. Nó không tồn tại thuần tuý trừu tượng độc lập với cái bi, cái hài và cái cao cả. Nói một cách khác, không thể nghiên cứu cái bi, cái hài và cái cao cả ngoài các phương diện khác nhau của cái đẹp. Hơn nữa, xét về mặt chủ quan của các quan hệ thẩm mỹ xét cho cùng là quá trình con người cảm thụ, đánh giá và sáng tạo thẩm mỹ, sáng tạo nghệ thuật theo qui luật của cái đẹp.
- Hình tượng là đặc trưng cơ bản của quan hệ thẩm mỹ?
Khác với các hình thức khác trong hoạt động nhận thức của con người, thì ý thức thẩm mỹ là sự phản ánh mối quan hệ thẩm mỹ của con người với hiện thực. Trong đó, hình tượng là thuộc tính chung, phổ biến của các hiện tượng thẩm mỹ trong tự nhiên, xã hội và nghệ thuật. Hơn nữa, xét về mặt chủ quan của mối quan hệ thẩm mỹ trong quá trình con người cảm thụ, đánh giá, sáng tạo thẩm mỹ và sáng tạo nghệ thuật thì tính hình tượng là phương thức phản ánh đặc thù của của ý thức thẩm mỹ.
- Nghệ thuật là biểu hiện tập trung nhất của quan hệ thẩm mỹ?
Kết cấu của quan hệ thẩm mỹ bao gồm khách thể thẩm mỹ, chủ thể thẩm mỹ và nghệ thuật. Trong đó, nghệ thuật không chỉ là hình thái ý thức xã hội đặc thù của ý thức thẩm mỹ trong quá trình phản ánh mối quan hệ thẩm mỹ của con người đối với hiện thực; mà sáng tạo nghệ thuật là sáng tạo có khả năng thoả mãn cao nhất những nhu cầu thẩm mỹ của con người.


[1] Đó là nghệ thuật vẽ trên vách đá những hang lớn mà người nguyên thủy cư trú. Nghệ thuật này nhằm trang trí nơi ở, nhằm nhận thức và phục vu cả công việc thờ cúng. Hiện nay về cơ bản người ta đã phát hiện 6 hang lớn nằm rải rác ở phía nam nước Pháp và Tây Ban Nha.
[2] Paul Valéry đọc tại diễn văn khai mạc Đại hội quốc tế mỹ học và khoa học nghệ thuật lần II, Paris 1937.
[3] C.Mác & Ph. Ăngghen, Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 15.
[4] Trong một số giáo trình mỹ học từ trước đến nay cho rằng mỹ học là khoa học triết học. Theo chúng tôi quan điểm đó chỉ đúng khi mỹ học là một bộ phận lý luận của triết học, trước khi mỹ học là một khoa học độc lập.

1 nhận xét :

Unknown nói...

cám ơn những bài viết và chia sẻ của bác..:)