Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Ba, 15 tháng 9, 2009

Quan niệm Mácxít về bản chất của nghệ thuật

1. Định nghĩa về nghệ thuật

Nghệ thuật là một lĩnh vực hoạt động rộng lớn và hết sức phức tạp trong đời sống tinh thần con người. Nghệ thuật được nghiên cứu ở nhiều phương diện khác nhau như: nguồn gốc, bản chất, đặc trưng, chức năng, v.v… Để làm rõ bản chất xã hội của nghệ thuật thì trước hết chúng ta nghiên cứu nghệ thuật như là một hình thái của ý thức xã hội. Vậy nghệ thuật là gì?

Bản thân khái niệm nghệ thuật thông qua những ngôn ngữ hiện đại, có rất nhiều ý nghĩa khác nhau. Đ.N.Usacốp (nhà ngôn ngữ học), chủ biên cuốn “Từ điển tường giải về tiếng nga”, đã giải thích các nghĩa của chữ nghệ thuật với bốn ý nghĩa như :

“1… Hoạt động sáng tạo nghệ thuật. 2… Một ngành sáng tạo nghệ thuật... 3… Hệ thống các biện pháp và phương pháp thuộc một ngành hoạt động thực tiễn nào đó; nghề nghiệp... 4…Tài cán, sự thành thạo (về mặt nghiệp vụ – ND.), sự am hiểu công việc tới mức tế nhị”[1].

Giải thích danh từ nghệ thuật với bốn ý nghĩa của Đ.N.Usacốp, theo chúng tôi là có tính hợp lý. Nhưng ngược lại, nếu coi bốn ý nghĩa đó, là một định nghĩa về nghệ thuật thì không có tính thuyết phục. Tuy rằng, sự ưu tiên trong việc xắp xếp thứ tự của bốn ý nghĩa cho thấy Đ.N.Usacốp đã chú ý đến nội dung của nó.

Bởi vì,:

1)… “Hoạt động sáng tạo nghệ thuật”, theo nghĩa chung nhất, - nghệ thuật được xem như là sáng tạo theo các qui luật của cái đẹp, nhưng nó còn có nghĩa rộng hơn, là bao gồm cả sự sáng tạo của người thợ làm vườn, làm đồ trang sức, may quần áo và kể cả người nghệ sỹ – thiết kế. Như vậy, “Hoạt động sáng tạo nghệ thuật” chưa nói lên được mối quan hệ giữa tài năng và sáng tạo theo qui luật của cái đẹp, là thuộc về văn hóa tinh thần, là một hình thái của ý thức xã hội. Tuy rằng, nghệ thuật là một trong những hình thức hoạt động sáng tạo của con người.

2)… “Một ngành sáng tạo nghệ thuật”, - với ý nghĩa này, khái niệm nghệ thuật được thể hiện đúng bản chất của nó. Bởi vì, ở đây nghệ thuật được xem như sự sáng tạo nghệ thuật, bao gồm cả tài nghệ lẫn sáng tạo theo qui luật của cái đẹp trong một chất liệu nhất định của một loại hình nghệ thuật cụ thể (văn học, âm nhạc, hội họa, v.v…). Đặc điểm tiêu biểu ở đây là nó thuộc về văn hóa tinh thần của xã hội và là một hình thái của ý thức xã hội.

3)… “Hệ thống các biện pháp và phương pháp thuộc một ngành hoạt động thực tiễn nào đó; nghề nghiệp”, - ý nghĩa này không nói lên nghệ thuật là gì, vì nó thuộc về một ngành hoạt động thực tiễn xã hội. Mặc dù, nghệ thuật là một hình thức của hoạt động tinh thần – thực tiễn.

4)… “Tài cán, sự thành thạo”, - nghệ thuật ở đây không chỉ được hiểu chỉ là tài năng, mà còn như bất cứ một thứ tài nghệ nào. Chẳng hạn, tài nghệ của một nhà phẫu thuật, người lái ôtô, người chơi cờ, v.v…

Ngược lại, tính hợp lý trong quan niệm của Đ.N.Usacốp khi chúng tôi cho rằng bốn ý nghĩa … là sự giải thích về nghĩa của danh từ nghệ thuật chứ không phải là nội dung định nghĩa về nghệ thuật. Bởi vì, xét trong nhiều ngôn ngữ khác nhau, nghệ thuật đều bao hàm hai ý nghĩa: “nghệ thuật” và “tài năng”, như một mối liên hệ hữu cơ gắn bó nghệ thuật với phạm vi rộng lớn các tài năng, sự khéo léo, và kinh nghiệm thực tiễn của con người.

Ngay ở những giai đoạn sơ kỳ của sự phát triển của xã hội, mối liên hệ này thường cũng được biểu hiện rõ trong tư tưởng của các nhà mỹ học cổ đại. Platôn cho rằng, nghệ thuật bao gồm cả kỹ năng làm nhà, kinh nghiệm đi tầu thuyền, nghề chữa bệnh, việc quản lý nhà nuớc, cả thi ca và triết học, v.v... Nhưng là người luôn giải thích theo lối tư biện, xuất phát từ thuyết “ý niệm”, nên Platôn đã coi sáng tạo nghệ thuật như là sự sáng tạo thuần túy của “thế giới ý niệm”, còn tài năng nghệ thuật là một món qùa ban phát của thần linh cho một số người.

Sở dĩ có cách hiểu khái niệm nghệ thuật với nội dung rộng lớn như vậy, theo chúng tôi, là vì một mặt nghệ thuật đã từng chung đúc các lĩnh vực rộng lớn của sản xuất vật chất, gắn bó mật thiết với khoa học, với triết học và các lĩnh vực khác của đời sống tinh thần con người. Điều này chúng ta thấy rõ, nếu như lấy những bài thơ trong bản trường ca “Iliát”“Ôđítxê” của Hômerơ để so sánh. Ở thời đại chúng ta, các bài thơ đó chỉ là một tác phẩm nghệ thuật. Nhưng đối với thời cổ đại, nội dung của chúng uyên bác tới mức được đánh giá vừa là sự khái quát triết học, vừa là mẫu mực cho đạo đức, vừa là trình bày một tín ngưỡng tôn giáo, vừa là một sáng tác nghệ thuật. Cái mà ngày nay chúng ta gọi là “nghệ thuật” sở dĩ không biểu lộ ra một cách rõ rệt trong nền văn hóa cổ đại, còn là vì thể loại văn học khá phổ biến trong thời cận đại như tiểu thuyết còn chưa phát triển. Văn học với tư cách là nghệ thuật thực sự phần lớn là những tác phẩm thi ca, còn các hình thức mới như văn xuôi, với tất cả các hình thức thẩm mỹ của nó thì thường coi là triết học hay lịch sử, tùy theo tính mục đích của nó.

Đối lập với quan điểm của Platôn, trong cách diễn đạt về thuyết “bắt chước” của mình, Arixtốt trên lập trường của chủ nghĩa duy vật, đã coi nghệ thuật là một trong những hình thái hoạt động nhận thức của con người, là phương tiện thanh lọc tình cảm, v.v... Về mặt này, có thể nói Arixtốt trong một chừng mực nhất định, ông đã tiếp cận những phương diện biện chứng của quan hệ thẩm mỹ đối với đời sống hiện thực.

Trong các thời đại về sau, quan niệm về nghệ thuật đã có sự biến đổi rất nhiều, sự biến đổi này có khuynh hướng lý giải bản chất của nghệ thuật hơn là bản thân khái niệm nghệ thuật. Về điều này chúng ta lấy định nghĩa nghệ thuật của Hêghen là một thí dụ, khi ông coi nghệ thuật là “ tư duy trong các hình tượng”, hoặc “hình tượng “ dưới con mắt chúng ta không phải là bản chất trừu tượng, mà là hiện thực cụ thể của bản chất. Nhưng thực chất bản chất của nghệ thuật theo quan điểm của Hêghen, cũng chỉ là một giai đoạn trong qúa trình phát triển của “tinh thần tuyệt đối”, là sự “hồi tưởng” hoặc đào sâu tất cả qúa trình mà nó đã kinh qua.

Trước khi xuất hiện chủ nghĩa Mác, phải kể đến những quan niệm về nghệ thuật của các nhà dân chủ cách mạng Nga ở thập niên 30-40 thế kỷ XIX. Một trong những nhà mỹ học tiêu biểu của thời kỳ này là Biêlinxki. Ông là người đứng lên đấu tranh cho một nền nghệ thuật có khuynh hướng xã hội. Với nhận định nghệ thuật là sự phản ánh hiện thực một cách sáng tạo bằng hình tượng nghệ thuật, Biêlinxki đã có sự đóng góp trong việc phát triển và cụ thể hóa nhận thức về tính cách điển hình hóa trong nghệ thuật. Nhưng thật đáng tiếc, những tư tưởng xã hội của ông, nhất là quan niệm về tính dân tộc trong nghệ thuật còn mang nặng yếu tố duy tâm. Chính điều đó đã làm cho ông không vượt qua được một nhà duy tâm chủ nghĩa.

Tsecnưsépxki, một nhà mỹ học lỗi lạc Nga thế kỷ XIX đã tiến xa hơn Biêlinxki với cống hiến của ông trong qúa trình phát triển tư tưởng mỹ học, và đã đạt đến đỉnh cao của những quan niệm duy vật trong lịch sử mỹ học trước C. Mác về nghệ thuật. Tecnưsépxki coi nghệ thuật là phương tiện để nhận thức hiện thực. Tuy nhiên, do xuất phát từ những quan niệm coi cái đẹp là cái phản ánh “ cuộc sống đúng như nó phải có”, hoặc coi “cái đẹp chính là cuộc sống” nên ông đã thô thiển hóa cái đẹp và thô thiển hóa nghệ thuật.

Nhìn chung, trong mỹ học trước chủ nghĩa Mác-Lênin đã có nhiều nhận định có giá trị trong việc giải thích vấn đề nghệ thuật và bản chất của nghệ thuật, nhưng vấn đề cơ bản và cốt lõi nhất về bản chất của nghệ thuật cũng chưa được lý giải một cách chính xác và đầy đủ.

Vấn đề nghệ thuật, bản chất của nghệ thuật chỉ có thể được giải quyết một cách đầy đủ và triệt để từ lập trường của mỹ học Mác-Lênin, - là mỹ học được xây dựng trên cơ sở chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử.

Quan niệm mácxít nhìn nhận nghệ thuật là một hiện tượng có tính lịch sử gắn liền với sự phát triển xã hội, nghệ thuật là một hình thái ý thức xã hội đặc thù. Cho nên, đối tượng của nghệ thuật vừa là quan hệ của con người với thế giới, vừa là chính bản thân con người với tất cả các mặt của nó như: tâm lý, tình cảm, đạo đức, tư tưởng, xã hội, v.v… Chúng ta không quên rằng, các khoa học nhân văn cũng lấy con người làm đối tượng, như tâm lý học, xã hội học, đạo đức học, v.v. nhưng tất cả các khoa học này đều xem xét con người từ một góc độ nhất định nào đó. Ngược lại, nghệ thuật không những xem xét con người trong tính chỉnh thể của nó, mà còn đi sâu vào những điều kỳ diệu, những điều bí ẩn nhất của tự nhiên, của xã hội; tất cả những gì còn nằm ở những tầng sâu mà ý thức của con người, mà các khoa học cụ thể không thể phát hiện hoặc thể hiện được.


2. Bản chất xã hội của nghệ thuật.

C.Mác và Ph. Ăngghen đã xem xét và lý giải bản chất của nghệ thuật một cách khoa học khi gắn nó với sự phát triển của lịch sử xã hội, trong đó, nghệ thuật được qui định trước hết bởi sự phát triển của phương thức sản xuất. Luận điểm cơ bản của triết học Mác là : “phương thức sản xuất đời sống vật chất quyết định các qúa trình sinh hoạt xã hội, chính trị và tinh thần nói chung. Không phải ý thức của con người quyết định tồn tại của họ; trái lại, tồn tại xã hội của họ quết định ý thức của họ”[2]. Khi phân tích và chỉ ra qúa trình hình thành các quan hệ thẩm mỹ từ các quan hệ thực dụng gắn liền với qúa trình lao động và việc tạo ra của cải vật chất, đồng thời tạo ra sản phẩm tinh thần, C. Mác viết: “… thông qua sự phong phú đã được phát triển về mặt vật chất của bản chất con người, thì sự phong phú của tính cảm giác chủ quan của con người mới phát triển và một phần, thậm chí lần đầu tiên mới sản sinh ra: lỗ tai thính âm nhạc, con mắt thấy cái đẹp của hình thức, - nói tóm lại, là những cảm giác có khả năng về sự thụ hưởng có tính người và tự khẳng định như một lực lượng bản chất con người”[3].

Thật vậy, lúc đầu nghệ thuật gắn bó trực tiếp hơn với qúa trình lao động, với các nhu cầu vật chất và các mục đích thực dụng, cho nên những khái niệm “nghệ thuật”, “nghệ sỹ” theo nghĩa hiện nay chỉ là “ước lệ”. Trải qua nhiều thiên niên kỷ qúa trình phát triển của xã hội đã tách nghệ thuật thành một lĩnh vực riêng biệt của thực tiễn xã hội, - đó là nghệ thuật chuyên nghiệp. Cho đến ngày nay, với sự chuyên môn hóa cao với các hình thức phát triển của mình, nghệ thuật luôn gắn liền với sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ, thì tuyệt nhiên nghệ thuật cũng không mất đi sự gắn bó của mình với các điều kiện vật chất, với hạ tầng kinh tế và với các hình thái ý thức xã hội khác, thậm chí ngày càng tăng. Chỉ có điều, mối liên hệ này trở nên gián tiếp hơn, phức tạp, sinh động và tinh tế hơn.

Cách mạng khoa học – công nghệ trong những thập niên cuối của thế kỷ XX ảnh hưởng to lớn đến mọi bình diện của cuộc sống xã hội, trong đó có cả nghệ thuật. Vấn đề tác động của khoa học – công nghệ vào nghệ thuật là sự ảnh hưởng kỹ thuật vào tính chất và những hình thức hoạt động của nghệ thuật, điều này là đúng đối với tất cả mọi loại hình, loại thể nghệ thuật. Đặc biệt, đối với các loại hình nghệ thuật được hoạt động trên cơ sở sử dụng kỹ thuật, thành qủa của khoa học - công nghệ thông qua các phương tiện giao tiếp hàng ngày như : báo chí, rađiô, truyền hình, và mạng internet, v.v… đã vượt ra khỏi không gian, thời gian có tính chất cộng đồng của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia mà mang tính toàn nhân loại. Nghệ thuật cũng không chỉ còn mang ý nghĩa thông tin, mà nó có khả năng tạo ra những điều kiện tốt nhất, nhanh nhất trong hoạt động, quan hệ trao đổi, giao lưu văn hóa, v.v., giữa các dân tộc.

Khi phân tích sự xuất hiện thị trường thế giới và sự tác động của nó trên nền tảng kỹ thuật, C. Mác đã dự báo về sự phát triển của nghệ thuật như sau: “Hiện nay những mối quan hệ toàn diện, sự phụ thuộc toàn diện đối với nhau giữa các dân tộc phát triển, thay thế cho tình trạng cô lập trước kia của các địa phương và các dân tộc vẫn tự cung cấp. Và sự sản xuất vật chất đã như thế thì sự sản xuất tinh thần cũng không kém phần như thế. Những thành qủa về tinh thần của một dân tộc trở thành sở hữu chung của tất cả các dân tộc. Tình trạng hẹp hòi và phiến diện dân tộc ngày càng không thể tồn tại được nữa; và từ những nền văn học dân tộc và địa phương muôn hình vạn trạng, đang nảy nở một nền văn học chung của toàn thế giới”[4].

Một trong những đặc điểm của sự phát triển của nghệ thuật hiện nay là, các tác phẩm nghệ thuật ít nhiều đều liên quan tới thuộc tính hàng hóa, trong một hệ thống sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Bởi vì, khuynh hướng đi vào sản xuất tác phẩm nghệ thuật hàng loạt – đó là một đặc điểm chủ yếu của sự phát triển nghệ thuật ngày nay, nhất là ở các nước phương Tây. Khi phê phán chủ nghĩa tư bản biến các tác phẩm nghệ thuật trở thành hàng hóa, C. Mác viết: “ Sự lưu thông trở thành một cái cornue lớn của xã hội*, trong đó tất cả mọi vật đều được phân hóa, để khi trở ra, đều biến thành tiền tệ. Không có cái gì thoát khỏi cái lò luyện đan đó cả, ngay cả đến xương thánh cũng thế, chứ đừng nói đến vật tối thiêng…”[5].

Do qúa đề cao vai trò của kỹ thuật trong sự phát triển nghệ thuật, - một khuynh hướng khá phổ biến của xã hội phương Tây hiện đại càng bộc lộ rõ tính mâu thuẫn giữa yêu cầu phải hoàn thiện tư tưởng – thẩm mỹ của các tác phẩm nghệ thuật với tính tất yếu phải sản xuất tác phẩm nghệ thuật ra hàng loạt trong những điều kiện mở rộng sản xuất và tiêu thụ nghệ thuật. Tuy nhiên, nghệ thuật vẫn là nghệ thuật; sự phát triển của nghệ thuật ngày nay vẫn thể hiện những thuộc tính giá trị dù các tác phẩm của nó mang trong mình khuynh hướng “duy mỹ” hay “kỹ thuật”hóa. Những giá trị nghệ thuật này không tách khỏi cuộc đấu tranh tư tưởng của các dân tộc, các giai cấp và chế độ chính trị – xã hội nhất định. “Nghệ thuật thuần túy”, nghệ thuật phi giai cấp”cố tình phủ nhận sự gắn bó của nghệ thuật với chính trị, song trên thực tế nó bao giờ cũng phục vụ cho một chế độ chính trị – xã hội nhất định.

Trong xã hội có giai cấp, tư tưởng thống trị là tư tưởng của giai cấp đại diện cho quan hệ sản xuất thống trị, và đồng thời với nó là sự tồn tại của nghệ thuật thống trị. Bên cạnh nền nghệ thuật thống trị, những giai cấp bị trị cũng xây dựng nền nghệ thuật của mình, phản ánh những điều kiện sống, những quyền lợi, nguyện vọng và lý tưởng của giai cấp mình.

Mối quan hệ giữa các khuynh hướng nghệ thuật bao giờ cũng thông qua qúa trình đấu tranh tư tưởng giữa các giai cấp, nhưng chủ yếu là cuộc đấu tranh giữa giai cấp thống trị với các giai cấp bị trị. Trong qúa trình đấu tranh đó, hệ tư tưởng của giai cấp thống trị luôn giữ vai trò thống trị về mặt tinh thần của xã hội. Về vấn đề này, C. Mác và Ph. Angghen đã chỉ rõ : “ giai cấp nào là lực lượng vật chất thống trị trong xã hội thì cũng là lực lượng tinh thần thống trị trong xã hội”[6].

Vì vậy, mà chúng ta có thể hiểu là tại sao nghệ thuật lại sử dụng các khả năng tác động tư tưởng giáo dục con nguời theo tinh thần thế giới quan và nhân sinh quan của giai cấp này hay giai cấp khác. Chủ nghĩa Mác-Lênin đấu tranh chống lại học thuyết duy tâm chủ nghĩa về “nghệ thuật thuần túy”, thứ lý thuyết mà thực chất là che giấu sự phụ thuộc của nghệ thuật đối với các giai cấp thống trị. Bởi vì, “nghệ thuật thuần túy” đã trung lập hóa nghệ thuật với hệ tư tưởng, với các niềm tin xã hội-chính trị. Hiển nhiên là những quan điểm này không phù hợp với thực tiễn của nghệ thuật và đời sống thẩm mỹ của con người, nhất là con người ngay trong thời đại thời đại phát triển khoa học – công nghệ. Tư tưởng cực đoan của mỹ học tư sản hiện đại đưa đến hệ qủa tất nhiên là nghệ sỹ phải nâng cao cái đẹp “thuần túy”, cái đẹp của sự “thăng hoa” để tách khỏi qúa trình đấu tranh xã hội, đi vào cuộc sống đầy mộng ảo mà cái gì họ cũng cho là lý tưởng v.v...

Các nhà phê bình mácxít đánh giá các quan niệm nghệ thuật trên chỉ là hiện thân của cuộc khủng hoảng tư tưởng trong lĩnh vực mỹ học, gắn liền với cuộc khủng hoảng chính trị - xã hội của chủ nghĩa tư bản cận-hiện đại và cả hiện nay.

Tuy nhiên, thật không công bằng, nếu phủ nhận tất cả ý nghĩa và vai trò của chủ nghĩa duy mỹ, bởi vì nó cũng đã có công phát hiện ra những bí mật của cơ chế tâm-sinh lý trong sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật. Các yếu tố như vô thức và trực giác, những nhân tố cá tính, v.v., qủa thật là có vai trò to lớn trong nghệ thuật và chính những nhà duy mỹ là người đầu tiên đã phát hiện ra điều đó.

Tính giai cấp trong nghệ thuật được thể hiện tập trung ở tính Đảng. Nguyên tắc tính Đảng và tính Nhân dân trong văn nghệ do V.I. Lênin nêu lên là một cống hiến lớn vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. V.I.Lênin đặc biệt quan tâm đến tính tư tưởng của văn nghệ, vai trò chiến đấu của nghệ sỹ. Về vấn đề này, V.I. Lênin viết: “ Điều quan trọng không phải là ý kiến của chúng ta về nghệ thuật. Điều quan trọng cũng không phải là những cái mà nghệ thuật mang lại cho vài trăm người, ngay cả cho vài nghìn người, cho một dân số như một dân số của chúng tôi, đừng kể đến hàng triệu và hàng triệu người. Nghệ thuật là của nhân dân”[7]. Theo quan điểm của V. I. Lênin, nhân dân không chỉ là đối tượng phục vụ của nghệ thuật, mà hoạt động của nhân dân còn là cái “trường” hoạt động của nghệ thuật. Ngoài nguyên tác tính Đảng, tính Nhân dân, tính Dân tộc, nghệ thuật còn có tính toàn Nhân loại. Bởi vì, nghệ thuật với chiều sâu tư tưởng và tình cảm là hơi thở của các thời đại, nó là một bộ phận đặc thù hợp thành tổng thể những giá trị văn hóa mang tính nhân loại.

Như vậy, quan niệm mácxít có cái nhìn biện chứng, toàn diện và khoa học về bản chất nghệ thuật, khi lấy hoạt động của con người làm nền tảng cho sự nảy sinh, tồn tại và phát triển nghệ thuật. Theo quan điểm đó, lao động là cội nguồn của mọi sự sáng tạo, là nguồn gốc, động lực chân chính cùa sự phát triển nghệ thuật. Ra đời và tồn tại vĩnh viễn cùng loài người, tuy có những bước thăng trầm, nhưng nghệ thuật luôn là phương diện độc đáo của văn hóa hóa, nhân đạo hóa, thẩm mỹ hóa bản thân con người vì cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn. Thật vậy, bất kỳ tác phẩm nghệ thuật chân chính nào, nhất là những tác phẩm lớn, đều có thể xem là sự nhân danh trí tuệ và tình cảm của các dân tộc, các thời đại và của sự tiến bộ xã hội mang tính toàn nhân loại.



[1] Xem: Vien han lam khoa hoc Lienxo, Nguyen ly m hc Mac - Lenin, tp 2, Nxb S tht, H, 1962, tr. 30.

[2] C. Mac & Ph. Ăngghen, Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị quốc gia, H, 1993, tr. 15.

[3] C. Mac, Bản thảo kinh tế triết học 1884, Nxb Sự thật, H, 1962, tr. 137.

[4] C. Mac & Ph. Angghen, Về văn học nghệ thuật, Nxb Sự thật, H, 1962, tr. 164.

* (grand cornue social, cornue là một cái bình cổ cong có mỏ dài dùng trong các phòng thí nghiệm khoa học để nấu các chất hóa học – ND).

[5] Sach đa dẫn, tr. 94.

[6] C. Mac & Ph. Angghen, Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, H, 1995, tr. 66.

[7] V. I. Lênin, Về văn học nghệ thuật, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1958, tr. 78.

0 nhận xét :