Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2009

Nghệ thuật - môi trường rộng lớn tạo nguồn cảm hứng sáng tạo

Quan niệm triết học mácxít khẳng định hoạt động sáng tạo là một năng lực, phẩm chất của con người đóng vai trò chủ thể của lịch sử. Năng lực và phẩm chất của con người rất đa dạng và phong phú, thể hiện trong hoạt động nhận thức, hoạt động thực tiễn, như năng lực trí tuệ, thể chất, chuyên môn, v.v... hoặc các phẩm chất như chính trị, đạo đức, khoa học, thẩm mỹ, v.v...

Cơ sở lý luận về hoạt động sáng tạo của quan điểm mácxít đều xuất phát từ lý luận chung về con người, và bản chất của con người. Trong tác phẩm “Biện chứng của tự nhiên”, Ph. Ăngghen viết : “Lao động là điều kiện cơ bản đầu tiên của toàn bộ đời sống loài người, và như thế đến một mức mà trên một ý nghĩa nào đó, chúng ta phải nói: lao động đã sáng tạo ra bản thân con người”[1]. Đồng thời lao động còn là tiêu chuẩn để phân biệt sự khác nhau căn bản giữa hoạt động bản năng của động vật với hoạt động sáng tạo của con người. Điều đó cũng đã được Ph. Ăngghen khẳng định: “Hàng chục vạn năm, - thời gian này trong lịch sử trái đất cũng tương đương như một giây đồng hồ trong một đời người - đã trôi qua, trước khi xã hội loài người xuất hiện từ đàn vượn leo trèo trên cây...giữa đàn vượn và xã hội loài người có sự khác nhau đặc biệt gì ? Đó là lao động... Lao động bắt đầu cùng với việc chế tạo công cụ”[2].

Như vậy, theo Ph. Angghen, hoạt động sáng tạo hiểu theo nghĩa rộng nhất gắn liền với hoạt động đầu tiên của con người là hoạt động sản xuất vật chất, về bản chất là hoạt động sáng tạo ra công cụ, và công cụ có nghĩa là sản phẩm chỉ riêng của con người. Hoạt động sáng tạo bao gồm những dấu hiệu đặc trưng:

Trong tính cụ thể của hoạt động sáng tạo phải có yếu tố của cái mới. Điều đó có nghĩa là, sáng tạo là một nhu cầu vừa mang tính chủ quan và vừa mang tính khách quan của con người. Cái mới, không chỉ thể hiện trong mối quan hệ với cái cũ, mà nó thể hiện như một quá trình của hoạt động sáng tạo, như là cái mang tính dự báo, cái khẳng định, cái thay thế cái cũ và đồng thời là tiêu chuẩn của mọi sự phát triển.

Trong tính cụ thể của hoạt động sáng tạo là tính độc đáo của cái mới, của những ý tưởng, làm cơ sở cho sự xuất hiện của những giải pháp mới, dưới những hình thức nào đó mà nó có khả năng thực hiện được những nhiệm vụ trong hoạt động nhận thức và thực tiễn nói chung của con người. Tính độc đáo của cái mới không chỉ là một phát kiến trong ý tưởng thuần túy, mà là ý tưởng xuất hiện bởi tính mục đích và nhu cầu có tính khách quan mà về nguyên tắc con người có thể thực hiện được trong thực tế. Đó là sự xuất hiện tình huống có vấn đề và việc tìm ra những giải pháp hữu hiệu nhất để giải quyết những tình huống đó dưới nhiều hình thức khác nhau.

Hoạt động sáng tạo trong tính cụ thể phải dẫn đến hiệu qủa hoạt động và chất lượng sản phẩm cao hơn, hoàn thiện hơn. Nhưng hoạt động sáng tạo thể hiện như thế nào trong hoạt động nhận thức, xét về tính mục đích, phương pháp thao tác và ứng dụng nó?

Trước hết, cần xác định vị trí của tư duy sáng tạo trong hoạt động nhận thức nói chung của con người. Lẽ tất nhên, tư duy sáng tạo không đồng nhất với toàn bộ quá trình nhận thức và cũng không thể là một hình thức phản ánh đơn cực mà nó được thể hiện như một quá trình bao gồm những liên kết thành một chuỗi những hình thái tâm lý sáng tạo khác nhau. Trong đó, về cơ bản cơ chế hoạt động bao gồm: Cảm xúc sáng tạo – ý tưởng sáng tạo – hành động sáng tạo.

1. Cảm xúc sáng tạo được hiểu như một nhu cầu tự thân, trỗi dậy với niềm đam mê sáng tạo được nảy sinh từ những tình huống có vấn đề đặt ra cho chủ thể sáng tạo những cảm hứng, tạo nguồn cảm ứng mãnh liệt, v.v…

2. Tư duy sáng tạo, đó là những ý tuởng sáng tạo có thể nảy sinh từ những cảm xúc sáng tạo trực tiếp như đã nói ở trên hoặc đã được nung nấu từ lâu trong ý đồ sáng tạo của chủ thể sáng tạo dưới hình thức định hướng căn bản,

3. Hành động sáng tạo, đó là nhu cầu sáng tạo phải được thực hiện bằng những công việc cụ thể thể hiện ý tưởng sáng tạo thành tư duy lôgíc hay hiện vật, vật chất hoá tư tưởng sáng tạo. Hành động sáng tạo, dẫn đến kết quả của hoạt động sáng tạo luôn được xem xét ở thái độ sáng tạo của chủ thể. Đó là nhu cầu thoả mãn sự sáng tạo theo hai khuynh hướng chính là mục đích hưởng thụ hay cống hiến; nhưng nhìn chung nó nhằm thoả mãn nhu cầu sáng tạo trong hoạt động nhận thức và thực tiễn nóin chung của con người.

Tư duy sáng tạo rất đa dạng, phong phú, bởi nó bao gồm tính đa chiều của nhiều loại hình phản ánh khác nhau trong hệ thống phức tạp của hoạt động nhận thức. Vấn đề quan trọng trong hệ thống đó có bao nhiêu loại tư duy cơ bản, mà thiếu nó thì không thể hiểu được nguồn gốc, bản chất và tính qui luật trong hoạt động nhận thức.

Nhiều công trình nghiên cứu về tâm lý học sáng tạo trong những năm gần đây của khoa học tâm lý, đã chỉ ra các hình thức biểu hiện và cơ cấu vận động của các loại tư duy căn bản, mà trong đó tư duy sáng tạo như một tích hợp những loại tư duy căn bản của con người. Vậy có bao nhiêu loại tư duy căn bản và tư duy sáng tạo là tích hợp của nó được thể hiện như thế nào?

Thật khó có thể trình bày một cách đầy đủ về các loại tư duy, mặc dầu trong tính hệ thống của nó người ta vẫn có thể xác định được vị trí và vai trò của của từng loại tư duy trong hoạt động nhận thức nói chung của con người; nhưng về cơ bản chúng ta có thể nêu lên những loại tư duy căn bản sau: 1. Tư duy lôgíc; 2. Tư duy thuật toán; 3. Tư duy hình tượng; 4. Tư duy ngôn ngữ; 5. Tư duy biện chứng; 6. Tư duy khoa học; 7. Tư duy kỹ thuật; 8. Tư duy kinh tế; 9. Tư duy mặc tưởng, v.v…

Hoạt động sáng tạo là một thuộc tính chung của hoạt động con người, chứ không phải chỉ là hoạt động khoa học và càng không qui giản về hoạt động nghệ thuật. Lẽ tất nhiên, hoạt động sáng tạo khoa học và nghệ thuật là những hình thức cao nhất của hoạt động con người trong đó, sáng tạo nghệ thuật là hình thức hoạt động đặc thù loại biệt.

Từ lâu con người đã biết đến các khả năng dự báo, các tố chất kích thích và các định hướng do nghệ thuật mang lại đối với hoạt động sáng tạo của con người. Bởi vì, nghệ thuật với khả năng gợi mở của nó đã làm phát triển các năng lực trực tiếp của hoạt động sáng tạo.

Cảm hứng là một trạng thái tâm lý hưng phấn đặc biệt với tính cách là một năng lực của hoạt động sáng tạo. Dưới góc độ tâm lý học, sự xuất hiện cảm hứng được xác định như một xu hướng nhận thức với những cảm xúc mạnh mẽ nhất trong qúa trình thỏa mãn nhu cầu đối với những ý tưởng mới nảy sinh một cách tự nhiên, rõ ràng cho một niềm tin nhất định nào đó. Đặc điểm của cảm hứng là sự chú ý không có ý thức xuất hiện một cách nhanh chóng, tự nhiên và sự chú ý có ý thức được duy trì một cách rõ ràng. Nhưng điều đó không có nghĩa là cảm hứng chỉ thể hiện vai trò của cái vô thức, mà thực chất là sự đan xen giữa cái vô thức và cái hữu thức, giữa tình cảm và lý trí trong hoạt động sáng tạo của con người.

Cảm hứng bao gồm sự chú ý như là giai đoạn bắt đầu nảy sinh sự hưng phấn. Trong giai đoạn này, quá trình nhận thức chỉ mang sắc thái cảm xúc chung, chưa đặt ra cho chủ thể sáng tạo thái độ lựa chọn một cách rõ ràng về các đối tượng nhận thức. Ở sự tiếp nối của giai đoạn này, cảm hứng vừa có khả năng duy trì các biểu hiện cảm xúc về nhu cầu nhận thức, vừa trở nên phong phú, tinh tế hơn về tính nhạy cảm bởi sự đa dạng của các cảm xúc với các đối tượng và các loại hoạt động nhất định.

Cảm hứng gắn liền với xu hướng của sự hứng thú phụ thuộc phần lớn vào thiên hướng và năng lực hoạt động của con người đối với việc nghiên cứu và phát kiến cái mới. Như vậy, với tính cách là năng lực sáng tạo của hoạt động con người, đặc trưng chung nhất của các cảm hứng là sự cụ thể hóa mục đích và thao tác hoạt động nhiều hơn so với bình thường. Chẳng hạn, người nghệ sỹ trong một trạng thái do sự tác động của những cảm xúc mạnh mẽ, dồn dập mang lại sự hưng phấn cao độ về một nhu cầu sáng tác phù hợp với ý tưởng của tác phẩm; làm xuất hiện hình tượng của các nhân vật, cá tính của họ và công việc của họ trong tính hiện thực, sống động. Nhưng điều đó không có nghĩa là cảm hứng chỉ là phương thức thực hiện một ý đồ sáng tạo nào đấy đã hình thành từ trước, mà nó còn làm xuất hiện những ý đồ sáng tạo mới trong những điều kiện hoạt động nhất định. Mặt khác, cảm hứng có khả năng mở rộng và đào sâu kiến thức của chủ thể sáng tạo về một lĩnh vực chuyên môn nhất định nào đó và phát triển ở người đó những kỹ năng, kỹ xảo thực tế tương ứng. Với một hình thức cao hơn, cảm hứng là một sự thỏa mãn cảm xúc bị dồn nén nhằm kích thích việc thực hiện ngay lập tức một hoạt động tương ứng với nó như một sự tất yếu phải xảy ra trong hoạt động sáng tạo.

Trong hoạt động nói chung của con người và đặc biệt là đối với hoạt động sáng tạo, cảm hứng không chỉ có ý nghĩa như là sự tiếp tục, kéo dài, chuyển tiếp của cái vô thức sang cái hữu thức và ngược lại; mà nó còn thể hiện như một xu hướng của sự hứng thú, đam mê bỡi những thiên hướng, năng lực của sự tìm tòi, phát kiến, sáng tạo của những niềm tin nhất định. Chẳng hạn, Tônxtôi cho rằng, quan sát là phần chính của công việc, là vật liệu để xây dựng hình tượng ý đồ sáng tạo. Cho nên, theo ông, bản thân luôn buộc ông phải quan sát - quan sát chính mình, quan sát con người và thiên nhiên đề tìm tòi, để khám phá… và ở đó làm xuất hiện một sự đam mê, một sự hứng thú nhất định, v.v... Bởi vậy, việc phát huy tính tích cực của năng lực cảm hứng chính là một trong những điều kiện bảo đảm cho hoạt động sáng tạo của con người đạt những hiệu qủa cao phù hợp với tính mục đích của hoạt động.

Hoạt động sáng tạo, bao giờ cũng được thực hiện trong một môi trường nhất định. Do vậy, năng lực sáng tạo của con người không chỉ phụ thuộc vào những yếu tố bên trong, nỗ lực bên trong của con người; mà còn phụ thuộc vào những điều kiện bên ngoài - với tính cách là môi trường - điều kiện tất yếu của hoạt động sáng tạo. Hiển nhiên, quan hệ thẩm mỹ của con người với hiện thực thể hiện trên tất cả các lĩnh vực cuộc sống và hoạt động của con người, hình thái biểu hiện cao nhất là nghệ thuật.

Sức truyền cảm và năng lực phổ cập của hình tượng nghệ thuật giúp cho năng lực sáng tạo của con người có tính nhậy cảm, tinh tế và năng động hơn; với ý nghĩa là hình tượng nghệ thuật khi xuyên qua “cánh cửa” cảm giác thì một đối tượng có ít nhiều đặc tính khêu gợi cảm xúc thẩm mỹ mới tác động vào các giác quan của con người, tạo thành những nguồn cảm xúc và những hứng thú nhất định. Dưới hình thức cụ thể - cảm tính, khi tác động vào các giác quan của con người, thì hình tượng nghệ thuật có khả năng khơi dậy hứng thú, làm phát triển năng lực của các giác quan, mà trong đó, chủ yếu là thị giác và thính giác của người thưởng thức. Nói một cách cụ thể hơn, với hình thức chung và phổ biến nhất, thị giác và thính giác là hai giác quan linh hoạt nhất, phong phú nhất, “có cảm hứng” nhiều nhất trong hoạt động sáng tạo của con người. C. Mác cho rằng đó là những giác quan có khả năng đem lại những khoái cảm mang tính chất người. Điều đó cho phép chúng ta khẳng định rằng, thông qua sự chiếm hữu hiện thực bằng quan hệ thẩm mỹ, hay thông qua sự cảm thụ các tác phẩm nghệ thuật, hoạt động sáng tạo của con người bắt gặp từng bước đi của nhân tố thẩm mỹ - từ lao động, sản phẩm lao động, hành vi và sinh hoạt đến các quan hệ giữa các con người với nhau. Nói như M. Gorki : con người, về bản tính vốn là nghệ sỹ. Ở mọi nơi đều cố gắng bằng cách này hay cách khác đưa cái đẹp vào đời sống của mình. Nói một cách cụ thể hơn, “cái đẹp là một giá trị”, là một tiêu chuẩn của hoạt động sáng tạo nói chung của con người.

Trong hoạt động sáng tạo, nhiều hình thức thao tác tư duy diễn ra như một qúa trình liên tục. Trước hết, cảm hứng do nghệ thuật mang lại là một sức mạnh thể chất (bộc lộ ở các tình cảm) và sức mạnh trí tuệ của chủ thể sáng tạo được nảy sinh ngay ở cấp độ trực giác. Lúc này, tất cả những yếu tố đó mới tồn tại dưới một hình thức xung đột mơ hồ, thôi thúc hành động. Tất nhiên cảm hứng này có được là nhờ một quá trình tích lũy tri thức, kinh nghiệm, hoạt động lâu dài và căng thẳng của chủ thể sáng tạo. Nghệ thuật với cấu trúc thẩm mỹ đặc biệt của mình tác động tới tâm hồn người nghệ sỹ, từ đó tạo ra cao trào mạnh mẽ. Sau đó, hoạt tính tình cảm - trực giác này được nâng lên cấp độ ý thức, khi chủ thể sáng tạo xuất hiện ý đồ với tư cách trực giác, vạch ra mục đích của sáng tạo. Chẳng hạn, Anhxtanh thừa nhận vai trò hết sức đặc biệt của âm nhạc, của thơ ca đối với người nghiên cứu khoa học, khi ông qủa quyết rằng: trong tư duy khoa học luôn luôn có chất thơ và âm nhạc chân chính cũng như khoa học chân chính đòi hỏi một qúa trình tư duy giống nhau.

Cảm hứng mà nghệ thuật đem lại cho con người không chỉ là sự kích thích nguồn cảm hứng sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật và khoa học. Cảm thụ nghệ thuật như là những rung động cảm xúc đặc biệt về những yêu cầu khách quan cần phải thỏa mãn không thể thiếu như là điều kiện hình thành hứng thú với tính cách là những nét đặc biệt của cá tính. Cố nhiên, hoạt động của con người, trong đó đặc biệt là hoạt động sáng tạo, mà thiếu sự đam mê, hứng thú thì sự sáng tạo của con người cũng không thể đạt được kết qủa cao. Bởi hứng thú đối với hiện thực - thế giới, xã hội, nghệ thuật và các giá trị nghệ thuật - đó là cơ chế tâm lý của sự “chiếm lĩnh” chúng bởi một cá nhân riêng lẻ, của sự biến các nhu cầu xã hội trở thành nhu cầu của các cá nhân.

Nghệ thuật với tính cách là một môi trường rộng lớn và “đậm đặc” tình cảm – lý trí, xúc cảm của con người, cho nên nó chính là nơi tạo ra nguồn cảm hứng, sự say mê, hứng thú có tính chất bền vững và trực tiếp đối với hoạt động sáng tạo nói chung của con người. Nhưng cảm hứng và sự hứng thú của con người không thể tách khỏi mối quan hệ với các liên tưởng và trí tưởng tượng như những năng lực sáng tạo của con người.



[1] C. Mác & Ph. Angghen, Toàn tập, tập 20, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 215.

[2] Sách đã dẫn, tr. 647 – 648.

0 nhận xét :