Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Tư, 4 tháng 11, 2009

Nhận thức nghệ thuật có khả năng tổng hợp phát triển các hình thái nhận thức

Khi tiếp nhận, cảm thụ tác phẩm nghệ thuật với sức truyền cảm và năng lực phổ quát của nó, nghệ thuật có khả năng tổng hợp, bổ sung, mở rộng và khởi nguồn cho các hình thái nhận thức khác trong đời sống tinh thần con người. Chẳng hạn, nghệ thuật không chỉ gắn bó với hệ tư tưởng chính trị ở khả năng tác động tư tưởng thẩm mỹ vào ý thức con người, do đó, để thực hiện các chức năng xã hội nhất định của mình, các giai cấp đã sử dụng nghệ thuật nó để tuyên truyền cho những tư tưởng chính trị của họ.

Thật vậy, để duy trì củng cố, cũng như lật đổ một chế độ chính trị xã hội nào đó, nghệ thuật luôn là vũ khí sắc bén cho mặt trận đấu tranh tư tưởng của các giai cấp và chế độ chính trị xã hội khác nhau. Trong mỗi thời đại, luôn luôn có những nhiệm vụ mới được đề ra cho xã hội, và việc giải quyết các nhiệm vụ đó là điều kiện tất yếu cho sự phát triển hơn nữa của xã hội. Về vấn đề này, ngay ở thời kỳ cổ đại, Khổng tử đã đề ra luận điểm về vai trò tích cực của nghệ thuật trong cuộc sống con người. Ông quan niệm nghệ thuật (đặc biệt âm nhạc và thi ca) với tính chất và sức mạnh xã hội lớn lao, nó có thể giúp ích ngay cả trong việc trong việc điều khiển quốc gia. Ông cũng chú ý tới mặt nhận thức của nghệ thuật, cho rằng nghệ thuật mở rộng thêm sự hiểu biết của con người về cuộc sống, bồi bổ thêm cho con người những kiến thức mới.

Nếu xét về mặt tư tưởng, đấu tranh tư tưởng, thì đó là việc đề xướng lên những vấn đề chính trị, v.v… trở thành nhân tố trung tâm mang tính thời đại được phản ánh trong nội dung tư tưởng của nghệ thuật. Nội dung đó được chuyển lên sân khấu của các rạp hát, được chuyển vào các bản nhạc của các nhạc sỹ, vào các trang giấy của các tác phẩm văn chương, và ở đó chúng cũng được “tranh luận” và được giải quyết rất sống động như chính trong cuộc sống hàng ngày. Thậm chí có khi nghệ thuật hầu như lại là lĩnh vực duy nhất, mà ở đó mới có thể đề ra và giải quyết các vấn đề xã hội của những người đương thời. Điều đó thực tế đã xảy ra ở nước Nga vào thế kỷ thứ XIX, nơi nghệ thuật sân khấu tiến bộ đã từng đóng một vai trò to lớn trong việc đề ra trước xã hội vấn đề về sự cần thiết phải xóa bỏ chế độ nông nô và đòi hỏi việc đề xướng những tư tưởng tiến bộ để có thể bảo đảm và tôn trọng quyền tự do cho con người.

Trong mối quan hệ với luân lý và đạo đức, nghệ thuật có mối quan hệ không kém chặt chẽ so với chính trị. Cái thiện và cái đẹp, cái luân lý và cái thẩm mỹ, đạo đức và nghệ thuật gắn bó với nhau chặt chẽ đến mức làm cho M. Gorơki đã nói một cách có căn cứ rằng : “Đạo đức học là mỹ học của tương lai”, tức là trong tương lai, học thuyết về luân thường và học thuyết về cái đẹp trên thực tế hòa nhập với nhau. Về điều này, Khổng tử cũng đặc biệt nhấn mạnh sự gắn bó của nghệ thuật với đạo đức. Bởi vì nghệ thuật giáo dục những nguyên tắc đạo đức cao qúy trong qúa trình nhận thức thẩm mỹ các hiện tượng cuộc sống, các tính cách và hành vi của con người. Nghệ thuật xây dựng niềm tin luân lý cho người đọc, người nghe, người xem bằng cách miêu tả vẻ đẹp, sự cao qúy, sức mạnh ý chí của các nhân vật tích cực trong cuộc sống, v.v…

Bản chất nhận thức của nghệ thuật và ý nghĩa thẩm mỹ của nó có lẽ bộc lộ rõ nét nhất trong mối quan hệ với nhận thức khoa học. Bởi vì, nghệ thuật có khả năng gợi mở to lớn trong việc nhận thức chân lý khoa học, nhất là khả năng tiên đoán và tính vượt trước của nghệ thuật so với thế giới hiện thực, v.v…

0 nhận xét :