Theo truyền thuyết, đại hồng thủy là sự trừng phạt của thần linh đối với sự bướng bỉnh bất tuân của loài người. Nhiều dấu vết tìm được mới đây cho thấy, các biến cố đó là có thật.
Truyền thuyết về đại hồng thủy xuất hiện trong rất nhiều nền văn hóa cổ xưa như Lưỡng Hà, Trung Hoa, Hy Lạp cổ đại... Tuy nhiên, hiện chưa có cơ sở để thống kê có bao nhiêu trận trong lịch sử loài người.
Truyền thuyết nổi tiếng nhất là trận đại hồng thủy được ghi lại trong sách Sáng Thế ký (Kinh Thánh). Chúa trời quyết định xóa bỏ loài người vì những tội lỗi của họ gây ra, nhưng lại cứu ông Noah vì ông có đạo đức. Chúa đã dạy ông cách đóng một con thuyền lớn để tự cứu mình và các loài khác.
Một truyền thuyết được coi là cổ xưa nhất về đại hồng thủy được ghi lại trong cuốn sách đá của nền văn minh Lưỡng Hà. Vị thần Enki đã cảnh báo vua Ziusudra thành Shuruppak (một triều đại cách đây 5.000-6.000 năm, nay thuộc lãnh thổ Iraq) rằng Thượng đế sẽ tiêu diệt loài người bằng một trận lụt ghê gớm. Thần Enki đã mách cho vua Ziusudra cách đóng một con thuyền lớn, vì thế mà Ziusudra đã thoát nạn sau trận đại hồng thủy kéo dài 7 ngày đêm.
Trong truyền thuyết của Babylonie, người anh hùng Gilgamesh thuộc xứ Uruk muốn trở thành bất tử giống như tổ tiên của mình là UtNapishtim. Chính ông này đã báo cho Gilgamesh biết sắp có trận lụt lớn và dạy cách trở thành bất tử là thức 6 ngày 7 đêm, nhưng cuối cùng thì Gilgamesh đã ngủ quên mất. Tuy không trở thành bất tử nhưng Gilgamesh đã học được cách đóng một cái bè lớn để đưa gia đình, bạn bè và tài sản của mình lên đó để tránh lụt.
Cuốn Luật lệ của Plato đã nói về trận lụt lớn xuất hiện trước thời của ông khoảng 10.000 năm. Ông viết rằng còn có rất nhiều trận đại hồng thủy khác cho đến khi thành Athens trở nên trù phú.
Cuốn Cổ sử của Trung Hoa ghi nhận vào năm 700 trước Công nguyên hoặc sớm hơn, vào thời Tam Hoàng Ngũ Đế đã có một trận lớn, nước dâng lên tận Thiên đình. Da Yu đã khống chế được lũ lụt và trở thành Hoàng đế đầu tiên. Sau này nhiều cuốn sách khác cũng viết về những trận đại hồng thủy do giao long sống tại sông Hoàng Hà vì giận dữ với loài người đã gây nên.
Truyền thuyết về sự tích Hồ Ba Bể ở Việt Nam cũng liên quan đến đại hồng thủy. Thần Giao long hóa thân thành một bà già ăn mày đi dự hội “Vu Già” cầu Phật, do thấy người đời không có lòng nhân từ nên đã dâng nước nhấn chìm tất cả. Chỉ có hai mẹ con bà góa cho bà ăn mày ăn và ngủ nhờ nên được cứu. Thần đưa cho họ 2 vỏ trấu (sau đó biến thành thuyền) và một nắm tro để rải xung quanh ngôi nhà của mình. Khu đất đó không bị chìm trong nước và ngay nay là đảo Po-già-nải ở giữa Hồ Ba Bể.
Những phát hiện của khoa học
Các cuộc khai quật ở khu vực nền văn minh Lưỡng Hà (thuộc nước Iraq ngày nay) đã phát hiện nhiều dấu vết như lớp bùn trầm tích, hay các hóa thạch liên quan đến trận đại hồng thủy vào khoảng 2.900-2.700 năm trước Công nguyên.
Trong những năm 1920, nhà khảo cổ học người Anh Leonard Wooley khai quật ở khu vực Nam Mesopotamia (vùng đất được coi là nơi sinh Abraham, tổ phụ của dân Do Thái) đã phát hiện các vỉa bùn sâu nằm dưới nước, chứng tỏ cư dân sống không liên tục. Ngoài ra còn có nhiều dấu vết nhà cửa vật dụng bằng gốm chìm dưới tầng bùn.
Gần đây, các nhà khoa học tìm thấy dấu tích của một chiếc thuyền lớn trên đỉnh núi tại Thổ Nhĩ Kỳ. Họ cho rằng đó là chiếc thuyền nổi tiếng của ông Noah ghi trong sách Sáng Thế ký.
Như vậy, có thể khẳng định những trận đại hồng thủy trong quá khứ là có thật. Các nhà khoa học cũng đưa ra giả thiết về nguyên nhân gây ra chúng. Họ cho rằng vào cuối kỷ băng hà (kéo dài từ 2,5 triệu năm đến 10.000 năm trước Công nguyên), nhiệt độ của trái đất rất thấp. Băng hà bao phủ toàn bộ bắc bán cầu. Sau đó, những khối băng cực lớn bắt đầu di chuyển, khối lượng ước chừng 30 triệu km2.
Những núi băng khổng lồ đè nặng lên vỏ trái đất gây lún sụt ở nơi này và trồi lên ở nơi khác, tạo ra những vùng đất như Scandinavia, Scotland, Canada... Khi đó, mực nước biển rất thấp (thấp hơn hiện nay 120-150 m); châu Á và Bắc Mỹ nối liền nhau qua eo biển Bering. Thời kỳ cuối cùng của kỷ băng hà cách đây 10.000 năm, khí hậu trái đất nóng lên làm băng tan và mực nước biển dâng nhanh. Đó chính là nguyên nhân gây đại hồng thủy nhấn chìm nhiều vùng đất.
Theo các thống kê mới đây nhất, các nhà khoa học đã khám phá những đại dương khổng lồ nằm ẩn sâu hơn 1.000 km dưới bề mặt trái đất và họ cho rằng đây chính là nguyên do gây nạn đại hồng thủy được kể trong truyền thuyết. Các khảo sát sóng địa chấn cho thấy có ít nhất hai đại dương ngầm bên dưới bề mặt lục địa Âu - Á và Bắc Mỹ.
Các nhà khoa học Mỹ tin rằng các đại dương ngầm có lượng nước không kém hai đại dương vùng cực. Vì một lý do nào đó (động đất, chuyển động vỏ trái đất...), lượng nước khổng lồ này đã phun trào lên mặt đất. Hơi nước bốc lên cao gặp khí lạnh ngưng tụ thành những đợt mưa dài ngày gây đại hồng thủy và sau đó lại ngấm xuống đại dương ở trong lòng đất.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét