Bản chất nhân dân, tính chất dân chủ của Nhà nước ta không chỉ thể hiện trách nhiệm, nhiệm vụ phục vụ nhân dân của bộ máy Nhà nước, mà còn thể hiện ở việc huy động sự tham gia vào việc quản lý Nhà nước của nhân dân. Về vấn đề này, ngay từ khi soạn thảo Hiến pháp và thông qua Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam kiểu mới, Hồ Chí Minh chỉ rõ: Nhà nước phải phát huy quyền dân chủ, phát huy tính tích cực và sáng tạo của nhân dân, “làm cho mọi người công dân Việt Nam thực sự tham gia quản lý công việc Nhà nước…”[1]. Xét từ gốc độ thực thi quyền lực, phải xem việc huy động sự tham gia của nhân dân quản lý công việc Nhà nước là một đặc trưng không thể thiếu thuộc bản chất của Nhà nước ta – Nhà nước của dân, do dân và vì dân, theo đúng nghĩa quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
Nhân dân tham gia công việc Nhà nước là biểu hiện trực tiếp của quyền dân chủ, thể hiện bản chất thật sự dân chủ của một chế độ Nhà nước dân chủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói một cách cụ thể: “Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết”[2]. Người còn nói: “Việc gì cũng phải học hỏi và bàn bạc với dân chúng, giải thích cho dân chúng”. Tuy nhiên, Người cũng lường hết được những khó khăn và phức tạp để làm thế nào nhân dân được tham gia quản lý nhà nước một cách tự giác, tự nguyện trên tinh thần của người làm chủ. Đó là năng lực làm chủ của nhân dân trong việc tham vào công việc Nhà nước. Bởi vì thực tế cho thấy, từ hai phía nhân dân – và bộ máy nhân viên Nhà nước vẫn còn không ít trở ngại trở thành những vật cản theo hai khuynh hướng khác nhau đối với việc tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội.
Vấn đề đặt ra ở đây chính là yêu những cầu nâng cao tinh thần trách nhiệm công dân, làm chủ từ phía người dân và việc từ bỏ các tệ nạn quan liêu, hách dịch, xem thường, tắc trách trước nhu cầu bức xúc của nhân dân từ phía các cơ quan, nhân viên Nhà nước. Hơn nữa, tâm lý mặc cảm, tự ti, hoặc nghi ngờ, đố kỵ từ hai phía thường khá phổ biến. Theo ý nghĩa đó, Hồ Chí Minh thường lưu ý rằng: “Có người thường cho dân là dốt không biết gì, mình là thông thái, tài giỏi. Vì vậy họ không thèm học hỏi dân chúng, không thèm bàn bạc với dân chúng. Đó là một sai lầm nguy hiểm lắm…”[3]. Đồng thời, Người nhắc nhở: “Chúng ta tuyệt đối không nên theo đuôi quần chúng”. Vì: “…dân chúng không nhất luận như nhau. Trong dân chúng, có nhiều tầng lớp khác nhau, trình độ khác nhau, ý kiến khác nhau. Có lớp tiên tiến, có lớp chừng chừng, có lớp lạc hậu”[4].
Vì vậy, “không phải dân chúng nói gì, ta cũng cứ nhắm mắt theo. Người cán bộ cũng phải dùng cách so sánh của dân chúng mà tự mình so sánh…Chọn lấy ý kiến đúng, đưa ra cho dân chúng bàn bạc, lựa chọn lại, để nâng cao dần dần sự giác ngộ của dân chúng”[5]; và “luôn luôn phải theo tình hình thiết thực của dân chúng nơi đó và lúc đó, theo trình độ giác ngộ của dân chúng, theo sự tình nguyện của dân chúng mà tổ chức họ, tuỳ hoàn cảnh thiết thực trong nơi đó, và lúc đó, đưa ra tranh đấu”[6]. Song, Người cũng nhấn mạnh, không phải vì thế mà mất dân chủ và dân chủ chỉ có thể thực hiện được thông qua tổ chức và phải dựa vào nhân dân. Nhất là vai trò của nhân dân trong việc phòng chống tham ô lãng phí của cán bộ, công chức nhà nước. Người viết: “Dân chủ là dựa vào lực lượng quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng. Cho nên phong trào tham ô, lng phí, quan liu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công”[7]. Do đó, phải xây dựng cơ chế để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân phát hiện và tích cực tham gia chống tham nhũng, bảo vệ những người công tâm và kiên quyết chống tham nhũng, trừng trị những kẻ tiếp tay, bao che tham nhũng, đồng thời ngăn ngừa những hành vi lợi dụng chống tham nhũng để bôi xấu, phá rối nội bộ. Về vấn đề này, thực sự là một vấn đề quan trọng trong tình hình hiện nay ở nước ta.
Trong phát huy quyền dân chủ trực tiếp, huy động sự tham gia của nhân dân vào quản lý Nhà nước thì vấn đề niềm tin của dân là niềm tin vào sự thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước ta hiện nay. Có thể nói, trải qua các giai đoạn của cách mạng Việt Nam từ khi có chính quyền nhân đến nay có ba giai đoạn thật sự tạo ra những bước ngoặt lớn cho sự thành công của cách mạng Việt Nam. Đó là việc thành lập Nhà nước công nông và xây dựng kiện toàn Nhà nước ấy trong kháng chiến chống thực dân Pháp và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và giải phóng miền Nam thống nhất tổ quốc. Đó cũng là giai đoạn bước vào thời kỳ đổi mới khẳng định phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa từ năm 1986 và đặc biệt là hiện nay.
Sau Đại hội lần thứ X của Đảng, thì vấn đề về việc tham gia quản lý Nhà nước của nhân dân là một vấn đề đặc biệt quan trọng. Có thể nói, mọi niềm tin của nhân dân ta hiện nay không chỉ kiện toàn bộ máy Nhà nước mà còn đòi hỏi quyền dân chủ, mở rộng dân chủ và quyền tham gia quản lý Nhà nước của nhân dân nữa.
Trong đời sống hiện thực trước kia cũng như hiện nay vấn đề nhân dân tham gia quản lý Nhà nước không đơn giản. Ngoài những lý do như nhận thức sai lệch từ hai phía nhân dân và cán bộ, công chứ Nhà nước như đã phân tích ở trên, còn có tình trạng, như Hồ Chí Minh chỉ ra, “Những cán bộ có khuyết điểm thường sợ dân nói”. Hồ Chí Minh cho rằng: “Sợ nhân dân: khi có sai lầm, khuyết điểm thì sợ nhân dân phê bình, sợ mất thể diện, sợ phải sửa chữa”[8] còn người “dân chưa nói, hoặc không dám nói vì sợ cán bộ “trù”, cán bộ “chụp mũ”, hoặc do cán bộ không dân chủ nên đối với cơ quan lãnh đạo, đối với người lãnh đạo, nhân dân, cán bộ…dù có ý kiến cũng không dám nói, dù muốn phê bình cũng sợ, không dám phê bình…Họ không nói, không phải vì họ không có ý kiến nhưng vì họ nghĩ nói ra cấp trên cũng không nghe, không xét, có khi bị “trù” là khác. Họ không dám nói ra thì họ cứ để trong lòng, rồi sinh ra uất ức, chán nản. Rồi sinh ra thói “không nói trước mặt, chỉ nói sau lưng”, “trong Đảng im tiếng, ngoài Đảng nhiều mồm” sinh ra thói “thậm thà, thậm thụt” và những thói xấu khác”[9].
Những vấn đề nêu ra trên đây, có thể coi là một minh chứng về các hiện tượng khá phổ biến trong xã hội ta hiện nay là có quá nhiều đơn thư tố cáo nặc danh, trong đó có những mặt rất tích cực, nhưng mặt tiêu cực không phải là ít, mà nguyên nhân cũng có thể là mất dân chủ xét theo phương diện nào đó. Đây là một vấn đề mà chúng ta cần quan tâm suy nghĩ và có các biện pháp và phương thức làm việc có hiệu quả của cải cách hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ cũng như phát huy quyền tham gia quản lý Nhà nước của nhân dân.
Các Hiến pháp nước ta đều đã thể chế hoá quyền giám sát, thanh tra của nhân dân và pháp luật về thanh tra còn quy định cả chế định thanh tra nhân dân. Hồ Chí Minh coi đó là một trong những hình thức thực hành dân chủ trực tiếp là dụng của công tác giám sát, thanh tra. Người nói: “Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không, muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách, là khéo kiểm soát.
Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa, kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định sẽ bớt đi”[10]. Theo nghĩa đó, kiểm soát có hai cách: từ trên xuống và từ dưới lên. Kiểm soát từ dưới lên là do quần chúng thực hiện. Đây là cách tốt nhất, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh “để kiểm soát các nhân viên”.
Từ Đại hội lần thứ VI của Đảng, trên cơ sở tổng kết sâu sắc quá trình thực hiện quyền dân chủ ở cơ sở, đã đề ra chủ trương quán triệt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, làm cho nó trở thành nền nếp hàng ngày của xã hội mới, thể hiện chế độ nhân dân lao động tự quản lý Nhà nước của mình[11].
Trong sự nghiệp công nghiệp và hiện đại hoá đất nước, vấn đề cải cách, và xây dựng, kiện toàn bộ máy Nhà nuớc là một vấn đề cấp bách. Cho nên, mọi mặt đời sống xã hội phải được tiếp tục dân chủ hoá mạnh mẽ, vai trò của Nhà nước cần được tiếp tục đề cao. Trong đó, hình thức dân chủ trực tiếp, sự tham gia thật sự của nhân dân vào quản lý xã hội, quản lý Nhà nước cần được phát huy, phù hợp truyền thống tốt đẹp theo tư tưởng dân chủ về Nhà nước pháp quyền của Hồ Chí Minh. Vì, Người cho rằng nhân dân là chủ, thì dân chủ trực tiếp là: “Đã là người làm chủ thì phải biết tự mình lo toan, gánh vác, không ỷ lại, không ngồi chờ. Mỗi người phải ra sức góp công, góp của để xây dựng nước nhà”[12]
[1] Hồ Chí Minh, Sđd, t.9, tr.590.
[2] Hồ Chí Minh, Sđd, t.5, tr.297.
[3] Hồ Chí Minh, Sđd, t.5, tr.295.
[4] Hồ Chí Minh, Sđd, t.5, tr.298.
[5] Hồ Chí Minh, Sđd, t.5, tr.298.
[6] Hồ Chí Minh, Sđd, t.5, tr.243.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2000, t.6, tr.495.
[8] Xem Hồ Chí Mính: “Cần tẩy sạch bệnh quan liêu mệnh lệnh (2-9-1951). Sđd,t.6, tr. 292-293.
[9] Hồ Chí Minh, Sđd, t.12, tr.213.
[10] Hồ Chí Minh, Sđd, t.5, tr.286.
[11] Đảng Cộng Sản Việt Nam: Văn kiện đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.112.
[12] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.10, tr. 310.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét