LTS: Trước khi viết văn, Mạc Can là nghệ sĩ hài được khán giả mến mộ. Tuy mới bước vào nghề văn được khoảng 10 năm, đến nay, Mạc Can đã là tác giả của 10 đầu sách, bao gồm tiểu thuyết, truyện ngắn và tạp bút. Hiện ông đã được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam... Hơn một năm nay, Mạc Can thực hiện chuyến chu du qua một số quốc gia, vừa để diễn tấu hài vừa tích lũy vốn sống để viết. Vì vậy, ông đã không thể tham dự Đại hội VIII Hội Nhà văn Việt Nam. Chuyên đề Văn nghệ Công an xin giới thiệu một số tâm sự của ông khi mới bước vào nghề viết. Câu chuyện tôi trở thành "cây bút trẻ" hôm nay diễn ra vào một ngày khá là lạ kỳ. Tự nhiên tôi bỏ tất cả mọi việc cơm áo gạo tiền, ngồi thừ lừ một chỗ bất động như hồn lìa khỏi xác. Ngày đó cách đây hơn 10 năm. Khi tôi bắt đầu manh nha những suy nghĩ về đề cương cuốn tiểu thuyết, thì nó chưa có tên. Những tháng ngày trôi dạt theo các đoàn hát xuôi ngược khắp miền Tây Nam Bộ, tôi chợt nhớ những nơi này mình đã đi qua thời thơ ấu. Tôi nhớ có một mảnh ván "phiêu bạt" trên dòng sông. Và tôi ghi những chữ đầu tiên của cuốn tiểu thuyết trên cuốn vở học trò nhàu nát. Nhưng tôi đã đánh mất nó. Bản thứ hai khá hơn, sau này được đánh máy cơ, cái máy đánh chữ khổ nạn mà tôi mượn tiền của anh bạn kịch tác gia, mua ở chợ trời lề đường. Lần này số trang nhiều hơn và nhiều chi tiết hơn. Chính ra sau khi Phương chết, câu chuyện "Tấm ván phóng dao" còn kéo dài nhiều năm sau đó, với nhiều trắc ẩn khác, trong một đoàn hát thời bao cấp. Như vậy là cuốn "Tấm ván phóng dao" đến tay bạn đọc chỉ là đoạn đầu của một tiểu thuyết trường thiên dài hơi. Hiện tôi còn giữ bản thảo chính của "Tấm ván phóng dao", khoảng hơn một ngàn trang. Tôi không biết là có nên triển khai nó không. Không phải tập hai mà là những điều chưa nói hết của câu chuyện. Và tôi nghĩ tốt nhất là... chờ cho chín mùi đã nào. Tôi viết cuốn tiểu thuyết này như thế nào, cảm xúc và hoàn cảnh viết nó ra sao là chuyện khá nhiều độc giả biên thư về hỏi tôi. Tôi đã viết trong một hoàn cảnh khó khăn cả về điều kiện sống và tinh thần. Vì tôi "không thèm" làm việc gì khác hơn là cắm đầu viết dù cho là đói. Viết trong đói kém vô vọng. Mà nhiều lúc, khi tôi viết trong cả vô thức, tôi say chuyện liền bị nhân vật cuốn đi theo dòng chuyện. Tôi viết liền một mạch từ A tới Z, có đầu có đũa, và sau cùng tôi cương quyết chơi bạo. Băm xé nhỏ ra. Phân đoạn nhiều kiểu cách. Phần bụng đưa lên đầu và nhiều hồi ức mượn các nhân vật khác thể hiện tuy cũng cùng là một chuyện. Viết xáo lên như vậy. Cũng có nghĩa là tôi viết lại hoàn toàn, cho tới lần thứ hai và thứ ba, vẫn trong vô vọng. Tôi viết cho tôi đọc và khóc một mình, không hề có ý nghĩ nó được in. Bản thảo đó rối bời như mớ bòng bong. Nhưng tôi có cảm giác những nhân vật trong truyện muốn nhảy ra ngoài các trang giấy vì quá bức bối khi còn ở trong đó. Ngay cả chính tôi cũng nôn nao. Bây giờ, sau nhiều năm, hễ có dịp đọc lại cuốn "tiểu thuyết" của mình, chính tôi lại khóc. Nhiều bạn đọc gặp tôi và gửi thư cho tôi cho biết cả anh chị cũng khóc. Câu chuyện đã động tới lòng người. Tôi đã vô tình viết đúng những gì mà người ta muốn đọc. Những nhân quả và lòng vị tha. Tôi khám phá ra một điều khá "nguy hiểm". Rằng người ta dễ tin về chữ viết trên tiểu thuyết và báo chí hơn là lời nói thường. Tôi ghi lại đôi điều... khá bí ẩn. Chỉ mỗi mình tôi cam chịu. Tôi viết tiểu thuyết "Tấm ván phóng dao", rồi sau đó là các truyện ngắn hay tiểu thuyết khác như: "Cuộc hành lễ buổi sáng", "Tờ 100 đôla âm phủ", "Người nói tiếng bồ câu", "Người ruồi", "Hè muộn", "Phóng viên mồ côi", "Và... những hạt cát vẫn tìm nhau"... Tất cả việc đó đối với một người viết mới như tôi thật ra là một cuộc phiêu lưu vào những cõi miền không có thật. Hay là gần như không còn có thật. 2 Chuyện bên lề thì nhiều chi tiết thú vị. Thậm chí có tác giả hỏi tôi: "Tôi" có phải là con của một bà mẹ người Miến Điện hay không? "Tôi" cũng là cách viết về danh xưng nhân vật của nhà văn Mai Ninh trong bài viết ở Pháp về cuốn "Tấm ván phóng dao". "Tôi" ngôi thứ nhất trong "tiểu thuyết" mà cũng là tác giả: "Giờ thì cậu bé ngày nào những đã thoát ra những con chữ viết bằng ngón tay trên cát"... Bài viết làm tôi xúc động. Tôi cũng có đọc bài viết của nhà phê bình Văn Giá, ông đã đọc "Tấm ván phóng dao". Nói cách nào bây giờ? Tôi mạo muội nghĩ rằng ông đọc nó và hiểu nó không chỉ bằng những chữ in trên trang sách mà còn đọc cả những dòng chữ ẩn hiện dưới các chữ đó. Nó có một ý nghĩa khác. Cũng như nhà văn Hồ Anh Thái phát hiện: "Cuốn sách nói về sự chậm chạp lơ đễnh của người mình… Một người cha hay bà mẹ không hề quan tâm tới số phận của đứa con và gia đình… Tất cả những phiền toái lại dành cho người cả nghi là thằng bé tội nghiệp. Trong một cộng đồng thiếu lý tính…". Còn nhà thơ Hữu Thỉnh thì nhận định: "Tấm ván phóng dao" là một cuộc mưu sinh bình thường và bất thường. Giờ thì, sau bao nhiêu năm mọi chuyện đã yên ả, xin cho phép tôi tiết lộ: Nhiều độc giả cũng như các nhà văn đều có ý hỏi tôi, các câu hỏi khá giống nhau. Hỏi: Câu chuyện và nhân vật trong tiểu thuyết nói trên có thật bao nhiêu phần trăm? Ngược lại, cũng không ít độc giả và nhà phê bình, nhà báo nhận định "Tấm ván phóng dao" là một câu chuyện hoàn toàn thật. Vì vậy nó mới hay. Tôi là nhân vật chính, thằng bé dốt nát, tội nghiệp trên các trang sách. Và ngoài đời khá hơn một chút, tôi chỉ học tới lớp ba. Tiểu sử của tác giả kỳ bí xa vắng và nhân vật trong truyện mênh mang huyền ảo gần giống nhau, gắn chặt các tuyến truyện, giúp cho hoàn cảnh, tâm lý, xung đột sống động. Ai cũng nói tôi viết lạ, biết sử dụng phép gián cách và phân cảnh theo điện ảnh. Lúc đầu tôi ngỡ ngàng khi nghe nói phương pháp đó. Sau tôi tìm đọc các sách nói về cách viết tiểu thuyết. Tôi đọc cho biết nhưng không theo kiểu viết nào. Thậm chí tôi quên cả cái gì là hậu hiện đại, là gián cách. Tôi chỉ có một phương pháp, viết tất cả trải ra một lần. Con chữ khá là ma quái các bạn ạ. Nhọc nhằn nhưng rất thú vị, có lẽ nhờ vậy mà các nhà viết tiểu thuyết mới ngồi nổi một mình cày ải trước mảnh giấy trắng. Và tôi phát hiện, viết tiểu thuyết, nó cũng là một... trò chơi hiểm nghèo. Có khi chết như chơi. Có người nói tôi không biết gì về những tai nạn văn chương. Hay biết mà bỏ ngoài tai. Thật ra khi viết tôi cũng sợ nhưng không vì thế mà không viết. Cuộc đời quá khó với tôi. Tuy nhiên tôi không hận, không giận mà còn cám ơn. Vì đã cho tôi vốn sống. Bây giờ là lúc tôi trả ơn đời. 3. Nghiệm ra khi tôi viết truyện hay tiểu thuyết thì chính là tôi đang phiêu lưu. Thật tình là viết một tiểu thuyết nào cũng là một phiêu lưu chữ nghĩa, để bước ngược về thời gian đã mất. "Tấm ván phóng dao" là một cuộc phiêu lưu lớn với bản thân tôi trong mê cung của chữ và nghĩa. Cái tựa "Tấm ván phóng dao" - người trong nghề nói là quá mộc mạc. Chỉ sau khi viết xong cuốn sách tôi mới lúng túng ghi vào trang đầu, vì không biết phải đặt tên cho cuốn sách như thế nào. Nhưng sau đó, Tấm Ván hình như tự nó "nhân cách hóa" trở thành một "nhân vật" đi chung với "Tôi" cho tới khi cả hai ngã xuống. "Tấm ván phóng dao" là một "nhân vật" vừa ngộ nghĩnh vừa bi thương, để lại nuối tiếc cho người đọc. Như phần nhiều hoàn cảnh, con người trong tiểu thuyết nầy, tất cả những gì tôi biết về Tân Hiệp, về rạp chiếu bóng, về Phương, về đoạn đường sắt không có chiếc xe lửa nào trên nó, về cây cầu tàu và dòng sông buổi chiều tàn ngày xa xưa ấy đã tan biến đi rồi. Nó có vẻ như không còn có thật. Thế là tôi dán lại quá khứ bằng nhiều mảnh vụn. Có phần nhiều tưởng tượng. Có những dòng chữ tôi viết lại như trong sương mù hư ảo hiện lên. Và trong những giấc mơ của tôi. Xin hãy tha thứ cho tôi khi tôi trở thành Cây Bút Trẻ nói chuyện văn chương. Một kẻ hèn mọn ngu dốt. Buổi sáng ngồi buồn uống một ly trà đá chay. "Tôi" - kẻ nghèo nàn, lại xa xỉ hoang tàn. Vì sao mà viết những mẩu truyện theo trường phái sám hối? Vì tôi thương người và tôi cũng thương tôi | |||||
Mạc Can |
0 nhận xét :
Đăng nhận xét