Xa Hà Nội nên thiếu thốn đủ đường, chấy rận nhiều nên hành quân, công tác, chiến đấu thì thôi, thời gian còn lại, các chiến sĩ thi nhau... bắt chấy, bắt rận. Quần áo thì cho vào nồi nấu lên để giết... những chú rận, chú chấy to kềnh, trắng hếu, béo nẫn.
Chuyện thứ nhất Đoàn “Vệ trọc” cương cường sắt đá, bên xác thù càng ngã càng lên, trí như gang thép vững bền... trích bài thơ “Hội núi sông” của Huyền Kiêu đọc trong đại hội luyện quân, lập công Liên khu 3 năm 1948. Đặc trưng của các chiến sĩ Trung đoàn Tây Tiến trong buổi sơ khai là cái “đầu trọc”. Từ trung đoàn trưởng, chính ủy, đến các chiến sĩ trong trung đoàn đều đầu trọc. Nhiều anh em còn lấy những mảnh dạ bắt được của Tây làm xà cạp “cò cưa”, để đầu sáng bóng như gương soi dưới ánh nắng. Đã nhiều bài báo, nhiều câu chuyện giải thích ý nghĩa của cái “đầu trọc”, nhưng dường như vẫn chưa đầy đủ. Để hiểu tường tận về chuyện này, cần biết là, anh em trong Trung đoàn Tây Tiến hầu hết là thanh niên, học sinh Hà Nội. Họ rất coi trọng mái tóc phi-lô-dốp của mình. Nhiều anh em còn mang theo lọ bi-ăng-tin làm bóng mượt mái tóc, hoặc ngâm hạt bưởi làm gôm chải tóc. Đêm ngủ, có anh còn lấy mù xoa buộc tóc, giữ gìn mái tóc một cách công phu, cầu kỳ. Bên dòng suối trong vắt nhiều khi bắt gặp những chiến sĩ soi đầu mình trên bóng nước, nâng niu, vuốt ve mái tóc. Nhưng xa Hà Nội, thiếu thốn đủ đường, chấy rận nhiều lắm. Hành quân, công tác, chiến đấu thì thôi, thời gian còn lại là bắt chấy, bắt rận. Cho quần áo vào nồi nấu lên, cũng không hết rận, vì áo quần một bộ, xà phòng không có, chăn chiếu thiếu, nằm úp thìa vào nhau, những chú rận, chú chấy to kềnh, trắng hếu, béo nẫn cắm đầu vào da thịt, hút máu. Thế là, nhằm loại trừ các “anh bạn” bất đắc dĩ đó, không còn cách nào hơn là... gọt trọc đầu. Tất nhiên sự việc này, khi đó cũng chỉ mang tính chất địa phương, đơn vị, vì nhiều anh em đâu dễ dàng từ bỏ mái tóc phiêu bồng, tài tử. Cho tới một hôm, tiểu đội tôi dưới sự chỉ huy của Tiểu đội trưởng Phượng nhào xuống suối tắm sau buổi đi lấy củi, mỗi người chỉ có một bộ quần áo, giặt đem lên bờ phơi, rồi ngâm mình xuống nước, chờ quần áo khô mới mặc. Số anh em không tắm thì về trước, còn lại 5 người trong đó có Tiểu đội trưởng Phượng. Bỗng, bọn Tây đen xuất hiện, quẳng súng trên bờ, lao xuống bắt chiến sĩ ta. Những tên Tây đen to lớn, đen trùi trũi vớ được lưng chiến sĩ ta thì da trơn nhẫy nên để tuột mất. Chúng quay sang định giữ lấy đầu chiến sĩ ta nhưng đầu không có tóc, trơn tuồn tuột. Anh em cứ tồng ngồng lao lên bờ, vớ hai khẩu súng, nhảy tọt vào rừng. Trên đường chạy về bản, gặp các mế, các chị đi ra suối, ai cũng ngượng chín mặt. Các mế, các chị thì rú lên. - Eng, ún bộ đội xấu quá! Xấu quá!... Chúng tôi nhào vào bụi cây, Tiểu đội trưởng Phượng dùng tiếng Mường giải thích với các mế, các chị. Bà con cười như nắc nẻ, bảo nhau về lấy mấy cái váy đem ra cho bộ đội. Hôm sau, anh em giặt sạch sẽ đem trả, không quên cảm ơn các mế, các chị "chi viện" kịp thời. Câu chuyện “Tây vồ” của tiểu đội tôi lan nhanh trong trung đoàn và cái “đầu trọc” bỗng trở thành quy định bắt buộc, bất thành văn trong toàn Trung đoàn Tây Tiến. Chuyện thứ hai Cả trung đội tôi hồi đó đóng quân trên một bản nghèo, thưa thớt ở một thung lũng sâu, địa bàn Hòa Bình. Không hiểu anh em ăn phải cái gì bị "tào tháo đuổi" hàng loạt. Trung đội trưởng, trung đội phó, chính trị viên nằm lả trên sàn gác, nhiều anh em ra rừng không thể lê về được tới nhà. Tôi là chiến sĩ vệ sinh trong trung đội cũng bị nhưng còn chút sức lực, đã đi gặp bà mế ở nơi đóng quân, xin bà cứu giúp. Một lúc sau, mế bê ra một chậu nước sóng sánh như nước gạo loãng cho bộ đội uống. Kỳ diệu thay, uống buổi trưa, buổi chiều anh em cầm hẳn bệnh, trở lại khỏe mạnh như trước. Tối hôm đó, bên bếp lửa, tôi thủ thỉ với mế. Mế cười: - Thuốc gia truyền mà, mế không nói cho eng ún bộ đội biết đâu. Tôi phải giới thiệu mình là chiến sĩ vệ sinh, lo lắng sức khỏe cho bộ đội và tha thiết đề nghị: - Mế cho con biết loại lá gì ở rừng mà công hiệu đến vậy, để sau này con sử dụng cấp cứu anh em chứ! Giúp bộ đội cũng là đánh Tây mà! Mế cười tủm tỉm: - Mế nói, eng ún lại trách mế... - Không, bộ đội ơn mế lắm, sao lại trách mế được! - Mế lấy cục phân mới đi, nướng cháy lên, hòa với nước đun sôi cho eng ún uống đấy! Tôi rùng mình, nói: - Lá trong rừng thiếu chi, mà mế phải lấy thứ ấy cho bộ đội uống. - Không được, tối nay eng ún đã phải hành quân rồi. Lá rừng không chữa được nhanh thế đâu! Chuyện thứ ba Trung đội tôi được phái đi làm nhiệm vụ độc lập. Sau một trận đánh, trung đội bị kẻ địch bao vây trên một ngọn đồi rậm rạp. Trung đội trưởng quyết định sáng sớm hôm sau mở đường máu thoát hiểm. Tôi lên cái bắp chuối rất to, đỏ rực, nóng như lửa ở bắp chân. Chân co rút không tài nào bước đi được. Tôi là chiến sĩ ít tuổi (17 tuổi) lại là chiến sĩ vệ sinh, chiến sĩ văn hóa dạy chữ cho anh em trong trung đội, nên được các anh rất nuông chiều. Ban chỉ huy lo lắng, toàn trung đội lo lắng. Cáng tôi theo không được, vì quân địch bủa vây nhiều lớp. Mở đường máu phải tuyệt đối bí mật, nhanh gọn. Lúng túng với bệnh binh thì chắc chắn không thể thoát hiểm. Hơn nữa, bộ đội nhịn đói, chiến đấu cả ngày và cũng có nhiều anh em bị thương nhẹ đi theo trung đội. Trong ánh nắng yếu ớt của chiều tà miền núi, trung đội trưởng nhìn tôi hồi lâu, lắc đầu. Tôi hiểu anh nghĩ gì - Không đem tôi đi theo, cái chết chắc chắn sẽ đến với tôi. Tôi nắm tay anh: - Anh cho em xin quả lựu đạn! Anh hiểu tôi có ý định gì. Những chiến binh Tây Tiến đó còn tới hôm nay hẳn còn nhớ câu nói đầu lưỡi bằng tiếng Pháp trước khi lâm trận “Nous Mourissons ensemble” (chúng ta cùng chết) hoặc “Moi et toi, nous mourissons ensemble” (tao với mày cùng chết). Kẻ thù hung hãn, vũ khí trang bị đến tận răng. Quân ta ăn đói, mặc rách, vũ khí thô sơ, ghẻ lở đầy người, sẵn sàng lấy cái chết chứng tỏ uy dũng của Bộ đội Cụ Hồ, quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Tất cả vì nước, vì dân, vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Trung đội trưởng rơm rớm nước mắt, tay run run tháo quả lựu đạn ở thắt lưng trao cho tôi. Trời miền núi chóng tối, nằm gối đầu lên gốc cây, tôi chợt nhớ tới chuyện mẹ tôi kể. Bà không là thầy thuốc nhưng đọc sách nhiều, giỏi về thuốc nam, thuốc bắc. Có lần bà nói – Phân người cũng là vị thuốc quý, chữa được bệnh đường ruột, thượng thổ, hạ tả, đặc biệt đồ ung nhọt rất kiến hiệu. Còn nước, còn tát, không có lý mình bị rơi vào tay quân thù hoặc chết vô ích. Tôi dùng chính phân của mình trát đầy lên chỗ sưng tấy. Đang tuổi ăn, tuổi ngủ, đêm hôm đó, tôi làm một giấc đến khi đơn vị rục rịch lên đường. Thật là kỳ diệu, chân tôi không còn đau nhức, co duỗi dễ dàng. Tôi đứng lên nhảy mấy cái. Mừng quá, tôi chống gậy chạy đến cạnh trung đội trưởng, thì thào: - Khỏi rồi! Em đi được rồi, anh ạ! Trung đội trưởng ôm lấy tôi. - Thật, hả! Tôi nhảy tưng tưng chung quanh anh, tuy bắp chân vẫn còn tưng tức. Anh vui mừng nói: - Đi vào giữa hàng quân, anh em tương trợ. Đơn vị tôi thoát khỏi vòng vây. Nửa giờ sau, quân địch tràn lên ngọn đồi. Gần đây, có dịp, tôi trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ y học Lê Hùng Lâm, nguyên là Giám đốc Trường Bổ túc cán bộ Y tế thuộc Bộ Y tế. Anh nói: - Phân người là Nhân Trung Hoàng (màu vàng trong ruột người) là một vị thuốc được ghi trong sách thuốc nam của các cụ ta ngày xưa. Khi mà nhân dân ta còn nghèo, thiếu thốn đủ đường, trình độ y học còn hạn chế, buộc ta phải dùng vị thuốc bất đắc dĩ đó, miễn là chữa khỏi bệnh. Gần đây, vài bài báo có nói về tác dụng chữa bệnh của Nhân Trung Hoàng. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, lúc còn sinh thời hoạt động trên chiến trường miền Nam gian nan mà anh dũng, đã dùng phân người chữa bệnh cho bộ đội, đạt hiệu quả tốt. Còn hiện nay thuốc men đầy đủ, nhiều chủng loại, khả năng chữa được bách bệnh thì không ai dùng đến vị thuốc đó nữa. Trần Kỳ (tạp chí Văn Nghệ Công An) |
0 nhận xét :
Đăng nhận xét