Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Năm, 17 tháng 3, 2011

Khổ vì bút danh




Trước đây, nhân đề cập tới chuyện bút danh nhà văn, tôi đã có nhận định: Trên văn đàn Việt Nam, có lẽ không một nhà văn nào lại gặp nhiều chuyện rắc rối xung quanh cái bút danh của mình như trường hợp nhà văn Hồ Dzếnh.

Sở dĩ tôi đi đến nhận định ấy bởi đây là trường hợp gây "phiền phức" cả cho người đọc lẫn người viết. Vẫn biết, nhà văn Hồ Dzếnh tên thật là Hà Triệu Anh, và Hồ Dzếnh là chữ Hà Anh phiên âm theo tiếng Quảng Đông, quê nội của nhà văn, song quả là với người lần đầu "gặp" tên ông, họ sẽ không biết nên đọc như thế nào. Có người đọc là Hồ Dờ Zếnh. Thậm chí nghe âm hưởng tên ông gợi lên, người ta lại ngỡ đây là một nhà văn thiểu số sống trên miền núi.

Đọc thì như vậy, còn khi đưa in, nhiều biên tập viên cho biết: Nếu họ không theo dõi sát sao thì rất có thể nhà in sẽ in sai tên ông. Anh em sắp chữ trước đây (và anh em soát lỗi ngày nay) thấy chữ z kia "vô lý" quá, rất dễ bỏ đi hoặc chữa lại, vì nghĩ người đánh máy đánh sai.

Trường hợp nhà thơ Yến Lan thì lại gặp rắc rối kiểu khác. Ông vốn tên thật là Lâm Thanh Lang. Bút danh của ông ra đời như sự lưu dấu những kỷ niệm riêng của ông với hai người phụ nữ mà ông quý mến. Vậy nhưng, chính cái bút danh đầy… nữ tính ấy lại khiến nhiều bạn đọc nhầm tưởng ông là một nhà thơ nữ. Thậm chí không hiếm lần ông bị gây khó khi đi lĩnh nhuận bút chỉ vì các nhân viên bưu điện không chịu tin tác giả có cái tên dịu dàng, mềm mại kia lại là một người đàn ông.

Dẫu sao trường hợp của nhà thơ Yến Lan vẫn chưa đáng bực bằng trường hợp mà nhà thơ Hoàng Minh Châu đã kể. Tên ông vốn là một cái tên đẹp. Chỉ trừ khác nhau về họ, chứ trong làng văn có không ít nhà văn cùng tên là Minh Châu. Sự rắc rối ở đây bắt nguồn từ sự tắc trách của một số cán bộ hành chính. Chẳng là lần ấy, Hoàng Minh Châu nhận được giấy mời đi lĩnh nhuận bút. Ông cầm chứng minh nhân dân tới Bưu điện tỉnh. Một nữ nhân viên đối chiếu chứng minh nhân dân của ông và giấy lĩnh tiền, rồi lạnh lùng trả lời: "Bác không nhận được đâu". Nhà văn ngạc nhiên. Người phụ nữ nọ giải thích, đại thể, tên trong chứng minh nhân dân của ông không đúng với tên trong phiếu chuyển tiền. Nhà văn xem lại phiếu lĩnh tiền. Thì ra người ta đã ghi chệch tên ông: Chữ Ch bị viết thành chữ Tr. Nhà thơ bình tĩnh giải thích: Đấy là do người ta viết sai, chứ trên đời, có ai tên là… Trâu bao giờ. Người phụ nữ nọ vẫn không chịu giải quyết. Mãi tới khi bà trưởng phòng tới can thiệp, chị ta mới chịu làm thủ tục phát tiền cho nhà văn. Nhưng khi thấy trong chữ ký, nhà văn vẫn ký chữ Ch, chị nọ máy móc yêu cầu ông phải ký cho đúng chữ Tr. Nhà thơ buộc phải làm theo, song nỗi bực thì không để đâu cho hết.


Trần Hữu Thanh

0 nhận xét :