Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

Câu chuyện thứ tư - Những chuyện khó tin – có thật




Tôi đã phản bội hai người đàn bà

Kính thưa các anh các chị!
Tôi năm nay đã ở tuổi 70 và có một gia đình hạnh phúc, vợ chồng tôi đã có trên 50 năm chung sống. Cả thời gian dài hơn nửa thế kỷ ấy, chúng tôi chưa hề có sự va chạm lớn làm tổn thương đến nhau. Người ta bảo "phúc đức tại mẫu" có lẽ đúng với hoàn cảnh của tôi.

Tuy là cuộc hôn nhân do cha mẹ xếp đặt, nhưng chúng tôi biết sống vì nhau, cho nhau, cùng chung sức nuôi dạy con cháu và kinh tế gia đình. Đến nay chúng tôi đã có gần 30 con trai, gái, dâu, rể, cháu, chắt nội ngoại. Những ngày giỗ, ngày tết con cháu về đông đủ, xe máy, xe hơi chật sân, chật ngõ, ai cũng bảo ông bà tôi hạnh phúc.

Mà đúng là hạnh phúc thật, đời sống kinh tế thì có bát ăn, bát để. Chúng tôi sống bằng đồng lương hưu và thu nhập từ vườn cây trái, các con chưa phải lo, chúng chỉ mua thuốc men tẩm bổ và "tài trợ" cho những chuyến du lịch, thăm thú danh lam thắng cảnh của đất nước.

Thế nhưng trong sâu thẳm tâm tư của tôi, tôi còn day dứt một điều mà tôi vẫn chôn chặt trong lòng, đó là việc tôi phản bội hai người đàn bà. Ở cái tuổi ngoài 70, tuy sức khỏe hiện tại vẫn rất tốt, nhưng ai biết được thời gian phía trước sẽ ra sao? Bởi vậy, tôi viết mấy dòng này như một lời sám hối về tội lỗi của mình với hai người bạn gái yêu quý của tôi gửi đến tòa soạn, hy vọng làm vơi đi sự day dứt và nếu được tòa soạn đăng báo đến được bạn đọc để chia sẻ.

Chuyện là thế này: Vào năm 1960 của thế kỷ trước, tôi học lớp 10 (hệ 10 năm) ở Trường cấp 3 Hùng Vương (Phú Thọ), do nhà xa tôi phải trọ học, nhờ người quen với gia đình nấu cơm tháng. Cứ hết tháng thì mẹ tôi lại đến thanh toán. Là con út trong một gia đình có "máu mặt", nêu tôi được bố mẹ, anh chị cưng chiều, lo cho từng li, từng tí.

Tuy ở nông thôn nhưng tôi rất thích đàn nhạc, đặc biệt là đàn ghita. Cây đàn không bao giờ xa tôi. Là thanh niên tuổi 17 "bẻ gãy sừng trâu", lại đẹp trai, có học (lúc ấy cả làng tôi chỉ có 3 người học cấp 3), đàn hay nên nhiều cô gái vây quanh. Nhà tôi trọ học ở bờ sông Hồng ,giáp với Ty Giao thông vận tải (nay là Sở GTVT) chỉ cách bờ rào nứa rào chéo cánh sẻ. Ty Giao thông vận tải lúc đó có một cô y tá rất xinh gái, cô rất mê tiếng đàn của tôi.

Hàng ngày cứ hết giờ học (vào khoảng 23 giờ) tôi lại mang đàn ra hiên nhà chơi vài bài, tiếng đàn đã kéo cô y tá (tên Hiền) đến bên tôi. Hiền lại hát hay theo nhịp đàn của tôi, và cái gì đến đã đến, chúng tôi tỏ lời hứa hôn với nhau. Tôi hứa khi nào tốt nghiệp xong sẽ báo cáo gia đình lo tổ chức cưới.

Tình yêu đang mặn nồng thì Hiền "bị" điều về Trường Trung cấp giao thông ở Hà Nội. Tôi hẹn với Hiền, tôi sẽ thi vào đại học và lại sẽ gặp nhau ở Hà Nội. Đêm chia tay với Hiền là đêm chúng tôi không giữ được sự trong trắng cho nhau. Đây là khởi đầu của sự phản bội của tôi với vợ tôi sau này.

Từ sau khi chia tay, tôi và Hiền chỉ thư từ cho nhau được vài lần rồi bặt tin. Về phần tôi, sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi thi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Nhập trường ngày hôm trước là ngày hôm sau tôi đến tìm Hiền ở Trường Trung cấp Giao thông vận tải. Đến đây, tôi mới biết tôi đã làm khổ Hiền vì cái đêm hôm ấy, Hiền đã đem theo giọt máu của tôi và mang "tội" không chồng mà chửa. Thời điểm ấy, đây là "tội" lớn lắm, nên Hiền đã bị sa thải khỏi trường.

Không ai biết Hiền đi đâu, về đâu với cái bụng chềnh ềnh mà tôi là tác giả. Hè năm ấy (1960), tôi tìm về quê Hiền ở Nam Định dò hỏi thì biết Hiền từ lâu lắm không về. Tất nhiên là tôi phải giữ kín chuyện của Hiền với tôi. Vậy là không còn cơ hội để tìm Hiền nữa. Tôi chỉ cầu trời tha thứ và chỉ cho tôi đường đi tìm Hiền và đứa con của tôi không hiểu sẽ ra sao?

Hai năm học Đại học Sư phạm qua đi, tôi được về quê hương đất Tổ dạy học tại một trường cấp 3 gần nhà. Gia đình đã cưới cho tôi một cô gái nông thôn là bà xã nhà tôi bây giờ. Cuộc hôn nhân này hoàn toàn do bố mẹ tôi xếp đặt. Nguyên do là bố tôi và bố vợ tôi là hai người bạn cùng cắp sách đến cửa Khổng, sân Trình học chữ Nho, lại là bạn đồng canh nên 2 ông hứa hẹn: Nếu một người sinh con trai, một người sinh con gái thì sẽ tác thành cho các con. Lời hứa của các ông nặng Nho giáo và phong kiến như đinh đóng cột, mà các con không thể không nghe theo. Chấp nhận cuộc hôn nhân này, tôi đã phản bội Hiền, người đã dâng hiến cho tôi sự trong trắng của người phụ nữ.

Vợ tôi là cô gái rất nết na lại đẹp gái, chúng tôi nên vợ nên chồng trong lời khen ngợi của cả dân làng. Bà ấy lần lượt sinh cho tôi 8 người con và nuôi cho chúng trưởng thành. Lương một thầy giáo thời bao cấp chẳng giúp được nhiều cho gia đình. Thế là bà ấy phải chèo chống nuôi con, phụng dưỡng bố mẹ già. Các cụ ở với vợ chồng tôi, "giàu con út, khó con út".

Cũng may là có các cụ đỡ đần mà vợ tôi vơi đi nỗi nhọc nhằn, các con tôi đều được ăn học đến nơi đến chốn. Tôi thầm cảm ơn vợ tôi, nhưng trong lòng vẫn dành một khoảng nghĩ về Hiền và đứa con của tôi mà tôi chưa hề biết nó ra đời trong cảnh ngộ thế nào, mẹ con Hiền còn hay mất…

Năm tôi ngoài 50 tuổi thì cha tôi lâm bệnh nặng, tôi đã đủ số năm công tác để về hưu nên tôi xin nghỉ để giúp vợ chăm sóc, thuốc thang cho cụ. Bệnh của cụ chữa chạy nhiều nơi không khỏi. Được sự giới thiệu ở Hòa Bình có một bà lang chữa rất giỏi, tôi lặn lội tìm đến một bản người Mường để cắt thuốc cho cụ.

Tới nơi, tôi không tin vào mắt mình nữa. Bà lang này chính là Hiền. Tuy đã mấy chục năm mà Hiền vẫn mặn mà như xưa tuy đã ngoài 50 tuổi. Sau ít phút ngỡ ngàng, bà Hiền cũng nhận ra tôi. Nếu chỉ có 2 người thì có lẽ chúng tôi đã ôm chầm lấy nhau trong niềm xúc động khôn tả. Buổi chiều hôm ấy chúng tôi đã có điều kiện tâm sự với nhau.

Bà Hiền nói trong nước mắt về quãng thời gian Hiền bị đuổi khỏi cơ quan. Hiền nói: "Cơ quan truy em về tác giả của cái thai trong bụng. Em không thể nói ra vì không muốn liên lụy đến anh. Hơn nữa cũng không biết địa chỉ cụ thể của anh, em làm em chịu, em không trách anh và quyết giữ lại đứa con của chúng ta. Em cũng không thể ôm cái bụng mà về quê gặp bố mẹ.

May có một học sinh của trường giao thông thương cảm đã đưa em về đất này nhờ bố mẹ cô giúp đỡ. Được đùm bọc trong tình thương của bà mế (mẹ) và dân bản, em sinh con. Nó là đứa con trai giống anh như đúc. Em đặt tên cho con là Đức, lấy tên anh lót là Nguyễn Đạo Đức (Đạo là tên tôi, Nguyễn là họ của Hiền). Đứa con mang họ mẹ (và trùng với họ bố). Em mong cho con sau này sẽ tìm lại được bố và sống có đạo đức…

Tôi thật sự cảm động, biết ơn Hiền. Hiền nói tiếp: "Sau khi sinh con, em được ra làm ở trạm xá của xã, tiếp tục làm nghề y và học ở mế thuốc nam chữa bệnh. Em đã nhận mế là mẹ thứ hai của mình. Mế đã mất rồi. Khi thằng Đức lớn lên, em cho con theo học nghề y, nay nó là bác sĩ ở bệnh viện tỉnh, đã có vợ và đứa con trai, là cháu nội của chúng mình.

Đêm đó tôi đã ở lại với Hiền, chúng tôi lại sống lại như đêm chia tay nhau cách đây gần 30 năm…

Thế là tôi lại mắc một tội lỗi là đã phản bội lại vợ tôi, người đã gắn bó với tôi và hết lòng vì chồng con và gia đình nhà chồng. Tôi tìm cách biện minh cho lỗi lầm ấy mà lòng vẫn day dứt…

Ngày hôm sau tôi ra về với 3 thang thuốc mà Hiền đã bốc cho bố tôi. Hiền dặn đi dặn lại: 3 thang thuốc này anh cho bố uống (Hiền gọi bố tôi là bố). Thuyên giảm ra sao, sau 6 ngày anh lại về đây, em sẽ bốc thuốc tiếp cho bố. Hiền còn thống nhất với tôi: Lần tới anh về, em sẽ tin cho các con đưa cháu về gặp anh để chúng nhận bố, nhận ông nội, điều mà các con vẫn mong muốn.

Uống xong 3 thang thuốc thì bệnh tình của bố tôi thuyên giảm rõ rệt, cả nhà đều mừng và giục tôi lấy thuốc tiếp. Riêng tôi càng mong để đến ngày đó được gặp con và cháu. Tôi đi từ chiều hôm trước để đêm đó gặp riêng Hiền thống nhất cách ứng xử khi bố con, ông cháu gặp nhau. Đêm đó lại là một đêm hạnh phúc. Chúng tôi bàn bạc ngày hôm sau tôi đi sớm ra phố huyện mua ít quà tặng cháu nội, đến gần trưa về để "che mắt" các con việc tôi đến từ hôm trước.

Đúng như "kịch bản" đã dàn dựng, khi tôi về thì con cháu đã có mặt ở nhà. Được bà nói rõ ngọn ngành với các con rồi nên khi gặp mặt tôi, các cháu rất vui. Bố con nhận nhau, mừng mừng tủi tủi… Thằng cháu nội xà vào lòng ông nhận quà… Tôi thấy bà Hiền nước mắt rưng rưng…

Cả nhà ngồi quanh mâm cơm vui vẻ. Con dâu tôi bảo: "Trông thằng cháu Phúc (cháu tôi) giống ông nội như giọt nước. Tôi ngắm lại đứa con, rồi đưa tấm ảnh tôi chụp chung với lớp hồi tôi học lớp 10, mọi người xúm lại xem, nhận ra tôi trông giống cháu Đức và cu Phúc, thì ai nấy càng vui hơn… Bữa cơm đoàn tụ vui bao nhiêu thì trong lòng tôi lại nhói lên một nỗi đau về sự bội bạc của mình.

Dường như "đọc" được ý nghĩ của tôi, cháu Đức giải tỏa bằng lời hứa không bao giờ oán hận bố mẹ, cháu còn mong có ngày được đoàn tụ cả đại gia đình. Tôi thầm cảm ơn con và nghĩ về sự "tân tiến" của lớp trí thức trẻ bây giờ, chúng dễ dàng cảm thông và tha thứ.

Con dâu tôi là một cô giáo THPT, là trí thức hiểu biết, nó góp chuyện: "Con nghĩ việc đã qua là chuyện của quá khứ, cái vui nhất là gia đình đoàn tụ, chúng con có bố, cháu có ông… theo con cần "mở hội" mới phải bố mẹ ạ…". Tôi nói với cả nhà: "Chuyện này chưa nên nói rộng ra, khi nào điều kiện cho phép bố mẹ sẽ tính".

Thời gian qua đi, bố tôi khỏi hẳn bệnh, ông cụ bắt tôi phải mời được "bà lang Mường" (dân làng gọi bà Hiền như thế) về chơi để cụ tạ ơn. Tôi đã mời được "bà lang Mường" về nhà mình. Bố mẹ tôi và cả vợ con tôi đón bà như một ân nhân đã cải tử hoàn sinh cho cụ. "Bà lang Mường" trẻ hơn tuổi tác, cứ gọi bố mẹ tôi là bố mẹ. Các cụ vui lắm và nhận bà là con kết nghĩa. Hiền nhận ngay. Bố tôi phân thứ bậc, tôi là anh của Hiền.

Từ đó tôi và Hiền tăng tần suất thăm nhau. Khi bố mẹ tôi qua đời (10 năm sau đó), Hiền và con dâu đều về chịu tang. Đức và cháu Phúc không dám lộ diện vì chúng giống tôi, sợ gia đình và dân làng phát hiện ra. Đó là sự xếp đặt của tôi và Hiền.

Sau khi bố mẹ tôi qua đời thì vợ tôi do tuổi tác lại sinh đẻ nhiều và lam lũ nên phát bệnh. Bệnh của bà là bệnh khớp nặng, lại phải nhờ đến cô em gái Mường bốc thuốc. Lúc này thì gia đình tôi đã có xe máy, có điện thoại nên việc đi lại liên hệ và đưa đón Hiền thuận lợi hơn.

Tôi đã ngoài 60 tuổi, nhưng vẫn khỏe, có "tay lái lụa" làm anh "xe ôm" đón "bà lang Mường" là đứa em gái kết nghĩa đến chữa bệnh cho chị dâu. Tình cảm giữa chúng tôi ngày càng gắn bó. Quan hệ giữa tôi và Hiền tôi phải giấu kín như bưng. Đến nay Đức đã sinh thêm đứa con thứ hai được 5 tuổi. Tôi có thêm một đứa cháu nội nữa trong đại gia đình của mình.

Bà Hiền và cháu Đức ngỏ ý được sao di ảnh bố mẹ tôi đem về thờ ở Hòa Bình với lý do: bà cũng là con của các cụ. Dĩ nhiên là gia đình tôi đáp ứng nguyện vọng đó. Riêng tôi là người sốt sắng nhất đi làm di ảnh của bố mẹ tôi và đích thân tôi "rước" về đặt trên bàn thờ nhà bà Hiền. Bà đã khéo léo giải thích với dân bản về nguồn gốc bức ảnh hai cụ, nên không ai nghi ngờ gì. Vả lại, bản chất của người dân tộc là thật thà, tin người nên chẳng lục vấn gì thêm.

Kính thưa các anh, các chị trong tòa soạn! Cho đến nay tôi vẫn giấu kín chuyện của tôi với bà Hiền vì sợ rằng lộ ra sẽ ảnh hưởng xấu đến quan hệ giữa tôi và vợ con, lại liên lụy đến bà Hiền. Tôi mong các anh, các chị ở tòa soạn cho tôi một lời khuyên. Tôi thành thật cảm ơn.

Nguyễn Đạo (Phú Thọ)

Lời biên tập viên:

Chúng tôi đã liên lạc trực tiếp với bác Nguyễn Đạo, người đã viết lá thư trên, qua số điện thoại mà bác đã ghi trong thư. Và đã thêm một lần được nghe bác tâm sự về nỗi éo le này của đời bác. Và chúng tôi thiết nghĩ, trong trường hợp cụ thể này, có lẽ rất khó khuyên bác nên chọn phương án nào: hoặc tiếp tục im lặng để lòng mình luôn day dứt hoặc công khai tất cả mọi sự trong quá khứ và chấp nhận đối mặt với những phản ứng khác nhau từ những người ruột thịt và quen biết. Nhưng nếu tôi ở trường hợp của bác Đạo, tôi sẽ nói ra sự thật, bởi lẽ câu chuyện đã xảy ra như thế đâu phải là do bác Đạo cố tình mà chung quy chỉ vì những nỗi trớ trêu của số phận. Hơn nữa, với một người bước vào tuổi "cổ lai hy" như bác Đạo, có lẽ sự thật mới là điều quý hơn tất cả. Chúc bác đủ sáng suốt để tự lựa chọn cách hành xử tiếp theo của mình!

  • Theo CAND

0 nhận xét :