Chúng ta đều biết, nhân vật kẻ trộm đã xuất hiện nhiều trong các tác phẩm văn học và được không ít nhà văn miêu tả một cách rất sinh động. Tuy nhiên, không phải trong đời nhà văn nào cũng trực tiếp gặp kẻ trộm và để lại cho hậu thế những giai thoại vui sau đây: Một đêm nọ, văn hào Pháp H.Balzac đi nằm mà quên không chốt cửa. Một tên trộm lợi dụng sơ hở ấy của nhà văn đã lẻn vào buồng làm việc của ông, khe khẽ lục lọi các ngăn kéo tủ. Hắn tìm, tìm mãi rồi bất chợt giật mình nghe có tiếng cười rũ rượi. Thì ra Balzac vẫn chưa ngủ. Ông đã quan sát được mọi động thái của tên trộm và không thể không lên tiếng: - Này chú mày. Chú có biết là đã mắc phải một sai lầm nghiêm trọng không? Liệu trong đêm tối thế này, chú sẽ tìm thấy gì khi mà ngay cả giữa thanh thiên bạch nhật, ta cũng không bao giờ tìm thấy trong đó một xu nào? Để minh chứng cho câu nói của mình, ông vùng dậy, mở toang các ngăn kéo cho tên trộm thấy điều ông nói là đúng. Nhìn vẻ mặt vừa ngạc nhiên vừa thất vọng của tên trộm, nhà văn chỉ biết khuyên nhủ hắn tìm đến các ông chủ xuất bản - là nơi chuyên in sách của Balzac và hiện vẫn lừng chừng chưa thanh toán nhuận bút một số cuốn cho ông. Thi hào Đức J.W. Goethe cũng có lần trực tiếp phát hiện ra kẻ trộm. Hắn không phải ai xa lạ mà chính là người nấu bếp cho gia đình ông. Thứ bị mất trộm là một con cá khá to. Khi gã này bước vội ra sau vườn thì bị Goethe đang ngắm cảnh bên cửa sổ bắt gặp. Thấy đuôi con cá thòi ra ngoài túi quần của gã nấu bếp, Goethe nghiêm nghị gọi: - Này, anh kia. Gã nấu bếp giật mình, lắp bắp hỏi lại: - Thưa, ông lớn dạy gì ạ? Goethe thủng thỉnh lên tiếng: - Ta có lệnh là lần sau, nếu có muốn lấy cá của ta thì nhớ là phải mặc chiếc áo dài hơn, hoặc chọn một con cá nhỏ hơn, nghe không? Thật là một cách nhắc nhở nghiêm khắc và thâm thúy. Khác với Balzac và Goethe, nhà thơ ngụ ngôn nổi tiếng của nước Pháp La Fontaine không chỉ gặp phải tên trộm nhỏ nhát gan mà còn từng phải đối mặt với một tên cướp hung hãn. Lần ấy, từ nhà một người bạn trở về, trời tối, La Fontaine cầm theo cây đèn. Khi qua cầu, gặp cơn gió to, cây đèn tắt ngấm. Đúng lúc ấy có một gã đàn ông hung hãn nhảy xổ vào nhà thơ, chĩa ra con dao găm yêu cầu ông phải nộp tiền, nếu không muốn mất mạng. - Thưa ông - La Fontaine cố giữ bình tĩnh, nói - Tôi không muốn nộp ông tiền. Càng không muốn nộp ông mạng sống. Nhưng vì ông buộc tôi phải lựa chọn một trong hai giải pháp, tôi xin nộp tiền vậy. Nói tới đó, La Fontaine dốc hết các túi, nhưng chẳng túi nào có tiền. Ông đành bảo tên cướp: - Rủi quá, tôi để quên tiền ở nhà rồi, thôi đành phải nộp ông mạng sống. Nhưng thưa ông, chẳng hay ông cần cái mạng sống của một nhà thơ nghèo xơ nghèo xác này làm gì? - Thế ra ông là nhà thơ? - Tên cướp ngạc nhiên. - Vâng, tôi là La Fontaine - Nhà thơ ngụ ngôn quyết định giới thiệu danh tính - Tôi có thể dẫn ông về nhà tôi lấy tiền, nhưng đến lúc này tôi chợt nhớ, chìa khóa nhà tôi đã để quên ở nhà một người bạn. Đêm nay có lẽ tôi phải ngủ ngoài trời mất thôi. - Thưa ông, tôi đã từng đọc sách của ông và rất hâm mộ tài năng của ông. Vậy nếu ông không chê, tôi xin được tiếp ông trong căn hộ tuềnh toàng của tôi - Tên cướp thay đổi thái độ. - Đồng ý. Xin cảm ơn ông. Nói rồi, La Fontaine cùng tên cướp rảo bước về nhà gã. | ||||
Đỗ Gia Bảo | ||||
0 nhận xét :
Đăng nhận xét