Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

Màu tím hoa sim


“Màu tím hoa sim” được xem là một trong những bài thơ tình hay nhất của thế kỷ XX và là bài thơ lần đầu tiên Công ty Cổ Phần Công nghệ Việt – Viet VTB mua bản quyền – đã trả 100 triệu đồng cho cố nhà thơ Hữu Loan. Quanh sự kiện này, cũng không ít độc giả thắc mắc về bản cũ và bản mới chỉnh sửa sau này của bài thơ được tác giả và Viet VTB công bố vào năm 2002.

Trước năm 1975, không chỉ trong giới văn nghệ sĩ mà đông đảo bạn đọc yêu thích thơ, nhạc ở miền Nam đều rất quen thuộc với bài Màu tím hoa sim của nhà thơ Hữu Loan. Tuy lúc bấy giờ tác giả đang sống ngoài Bắc. Bài thơ được giới thiệu không những qua sách báo, mà còn được phổ nhạc, - chính sự phổ nhạc (Nhạc sĩ Dzũng Chinh) đã làm cho bài thơ có sức lan tỏa nhanh chóng và phổ cập một cách rộng rãi đến mọi tầng lớp xã hội. Có không ít những ca sỹ trước 1975 ở miền Nam thành công trong nghề nghiệp, đạt được danh vọng do bài hát “Những đồi hoa sim”. Vì thế, trong những năm gần đây, khi từ hải ngoại về Việt Nam có ca sĩ đã lặn lội ra tận Thanh Hóa xin được gặp và tri ân nhà thơ Hữu Loan. Ở một góc khác của cuộc đời, thì bài hát Những đồi hoa sim còn là một trong những bài hát “tủ” của những người hát rong... Chúng tôi còn nhớ, có lần nhà thơ Hữu Loan tâm sự rằng trong chuyến ông về Bến Tre vào cuối thập niên 80 của kỷ trước, qua phà Rạch Miễu ông đã khóc, khi thấy mấy đưa bé ăn xin trên phà hát bài Những đồi hoa sim đưa những bàn tay đen sạm, gân guốc, những chiếc nón rách nát về phía ông… và như ông nói: “Tôi đã cho các đứa bé ấy tất cả số tiền ít ỏi mà tôi có”.

Bản Màu tím hoa sim thời ấy ngắn hơn một khổ so với bản tác giả và Viet VTB công bố năm 2002. Nghĩa là dừng lại, chấm hết ở mấy câu: "Tôi hát trong màu hoa/ Áo anh sứt chỉ đường tà/ Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu" chứ không có thêm:

Màu tím hoa sim tím
tình tang lệ rớm tím ơi lệ ứa
Ráng và ma
và sừng rúc điệu quân hành
Vang vọng chợp chờn
theo bóng những binh đoàn
Biền biệt hành trình
vào thăm thẳm chiều hoang màu tím
Tôi ví vọng về đâu, tôi với vọng về đâu.

Cũng phải nói thêm rằng, bài thơ Màu tím hoa sim "xưa" và “nay” đâu là bản gốc? về điều này, có lẽ chính tác giả cũng khó thẩm định và đánh giá chính xác. Theo Hàn Anh Trúc
đã viết là Hữu Loan sáng tác bài thơ ngay tại mộ người vợ trẻ, rồi: "ghi vào chiếc quạt giấy để lại nhà một người bạn ở Thanh Hóa. Bạn anh đã chép lại và chuyền tay nhau suốt những năm chiến tranh". Điều đó đã được chính nhà thơ Hữu Loan xác nhận? Theo Từ điển văn học (Bộ mới), năm 2004 của Nhà xuất bản Thế giới bài thơ Màu tím hoa sim được đăng trên báo Trăm hoa vào 1956, nhưng sau khi hoàn thành (tháng 05 năm 1949), tác phẩm đã được lưu truyền rộng rãi qua hàng nghìn cuốn sổ tay.

Bản Màu tím hoa sim "xưa" ngắn hơn so với “bản mới”, ý thơ đi theo mạch khúc triết, rõ ràng, trọn nghĩa, trọn tình theo lối văn tự kể. Kể như chuyện cổ tích; có âm hưởng thấm nhuần biểu tượng “bi kịch cổ điển về người chinh phụ đột tử” kết hợp hài hòa với “đồng vọng ca dao” tạo nên sự tương dung văn hóa như nhận xét của Văn Tâm đã làm cho bài thơ có sức lôi cuốn kỳ lạ và mãnh liệt. Chính vì vậy, những độc giả đã cảm nhận, yêu thích Màu tím hoa sim theo “bản cũ” hoặc có những kỷ niệm gắn bó với bài hát Những đồi hoa sim của nhạc sĩ Dzũng Chinh chắc sẽ “ngỡ ngàng” và khó “làm quen” với khổ mới của bài thơ. Nếu cho một lời nhận xét, chứ không dám nói lời bình thì khổ thơ mới làm nội dung bài thơ như doãng ra, nhạt nhòa đi hình tượng của cái đẹp, - cái đẹp về mối tình bi tráng và đẫm lệ. Và theo chúng tôi đoạn thơ cuối không thể coi là một điệp khúc để nhấn “nỗi đau đứt ruột khôn nguôi vì người vợ trẻ đột ngột tử nạn” sau hình bóng người quân nhân, những binh đoàn ra trận… Nhưng dù sao, Màu tím hoa sim bản "xưa" hay "nay" hoặc những “dị bản” vẫn là một bài thơ bất hủ làm rung động tâm hồn nhiều thế hệ.

Hữu Loan sinh ngày 03 tháng 05 năm 1916 tại huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa, trong một gia đinh nông dân. Không được đến trường, tự học đỗ tú tài bán phần năm 1941; sống bằng nghề dạy học… Năm 24 tuổi. Hữu Loan rời quê lên thị xã Thanh Hóa dạy học. Lúc bấy giờ, ở thị xã Thanh Hóa có cửa hàng bán vải và sách của bà Tham Kỳ (tên thật là Đại Thị Ngọc Chất, vợ của ông Lê Đỗ Kỳ - kỹ sư canh nông, có thời làm Tổng Thanh tra canh nông Đông Dương, sau này là đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Hữu Loan thường lại xem và mua sách, rồi sau đó trở thành gia sư cho những người con trai cùng cô con gái yêu của gia đinh bà là Lê Đỗ Thị Ninh, lúc ấy mới tám tuổi.

Hình ảnh cô bé Lê Đỗ Thị Ninh như Hữu Loan thường tâm sự: Em là một cô bé thông minh, ít nói, có đôi mắt to, đen láy, tròn xoe như có ánh chớp… và rất bướng bỉnh. Nhưng bù lại công dạy dỗ và tình cảm của tôi hằng ngày em vẫn tìm cách chăm sóc tôi một cách lặng lẽ, kín đáo. Lúc thì đặt vào góc mâm chỗ tôi ngồi ăn một vài quả ớt đỏ au, lúc thì quả chanh vàng mọng nước em vừa hái ở vườn. Có những buổi trưa hè, khi tôi ngủ trưa, em lén lấy chiếc áo sơ mi trắng của tôi treo ở góc nhà đem ra giếng giặt…

Rồi bỗng một hôm, không hiểu sao em nằng nặc đòi tôi đưa em lên khu rừng thông trên đồi… để hái sim. Những quả sim đen nhánh, chín mọng, em đã hái và mời tôi. Quả sim đối với tôi chẳng lạ lẫm gì nhưng thú thật chưa bao giờ tôi được ăn những quả sim ngọt và ngon đến thế! Bất giác, tôi nhìn lên đồi sim rồi ngước nhìn em. Em cười. Nụ cười đẹp quá, hồn nhiên nhưng có vẻ tinh nghịch. Hai hàm răng em thấm màu sim đỏ tím, đôi môi, hai má em cũng một màu tím hoa sim. Thoáng chốc, không gian và thời gian như chậm lại. Tôi và em im lặng! Rồi thầy trò, nhìn nhau phá lên cười…

Cuối mùa đông năm ấy, tôi lên đường lên chiến khu. Hôm tiễn tôi, em theo ra mãi tận đầu làng và lặng lẽ đứng nhìn. Lên đến bờ đê, nhìn xuống đầu làng, tôi vẫn em vẫn đứng đó. Hình bóng em nhỏ bé và mong manh quá, khi em giơ bàn tay nhỏ xíu vẫy tôi tựa như chiếc lá sim chợp chờn trong khoảng không mênh mang thoáng lạnh, bơ vơ. Tôi đi và quay đầu nhìn lại cho tới khi không còn thấy em nữa. Những năm tháng ở chiến khu, thỉnh thoảng tôi có nhận được tin tức từ quê lên, tôi biết em vẫn khỏe, đã khôn lớn và còn nhớ đến tôi. Tám năm sau, tôi trở lại quê và tìm em. Hôm gặp em ở đầu làng, tôi hỏi em, hỏi rất nhiều nhưng em không nói, chỉ bẽn lẽn lắc hoặc gật đầu. Em giờ đây không còn là cô học trò Ninh bướng bỉnh ngày nào mà em đã 16 tuổi, đã là một cô gái xinh đẹp. Một tuần sau đó, chúng tôi kết hôn. Đám cưới thật đơn sơ, nhưng rất hạnh phúc:

Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bụi đất hành quân
nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo.

Hai tuần phép của tôi trôi đi nhanh quá… Đời chiến binh là vậy! Hôm tiễn tôi lên đường, em vẫn đứng ở đầu làng, nơi tám năm về trước em đã đứng. Chỉ có điều giờ đây em không còn là cô bé Ninh học trò nhỏ bé của tôi nữa, mà đã là người bạn đời của tôi. Nếu như tám năm về trước lúc chia tay, tôi đi và ngoái đầu nhìn lại để có thể cảm nhận một nỗi buồn man mác của tình thầy, trò tình quê hương thì lần này tôi thực sự đau buồn, nỗi buồn khôn nguôi như định mệnh nghiệt ngã của cuộc đời, khi phải chia ly và chợt nghĩ không biết bao giờ gặp lại người vợ bé bỏng yêu dấu của mình mà lòng ái ngại…

Ba tháng sau, cái định mệnh mơ hồ của lúc chia tay lần cuối lại theo chiều ngược lại. Đúng là nghịch lý của cuộc đời, cái định mệnh trở thành sự thật; lúc đó tôi có cảm giác trời như đổ sập. Đó là tin vợ tôi qua đời. Thảm thương thay, em chết khi vô tình trượt chân lúc giặt quần áo ở sông Chuông (thuộc ấp Thị Long, Nông Cống). Cái trượt chân của người vợ hiền tần tảo trên bến sông quê, - bến sông trong giòng nước lớn cũng đã vô tình cuốn em vào lòng nó, cướp đi của tôi người bạn đời tri kỷ, để lại cho tôi nỗi đau không gì có thể bù đắp nổi. Nỗi đau ấy, đã làm tôi khóc và tôi đã gởi trọn những tiếng khóc của cuộc đời mình trong bài thơ Màu tím hoa sim:

Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh
Tôi người vệ quốc quân xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo cưới
tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về cưới nhau xong rồi đi
Từ chiến khu xa nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến tranh
mấy người đi trở lại
Nhớ khi mình không về
thì thương người vợ chờ bé bỏng chiều quê
Nhưng không chết người trai nơi khói lửa
mà chết người em nhỏ hậu phương
Tôi về không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương tàn lạnh vây quanh
Tóc nàng xanh xanh ngắn chưa đầy búi
Em ơi giây phút cuối
không được nghe nhau nói
Không được trông nhau một lần
Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
Áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa một mình đèn khuya bóng nhỏ
Nàng vá áo cho chồng tấm áo ngày xưa
Một chiều rừng mưa ba người anh
từ chiến trường Đông Bắc
được tin em gái mất trước tin em lấy chồng
Gió sớm thu về còn rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về cỏ vàng chân mộ chí
Chiều hành quân qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim chiều hoang biền biệt
Có ai ví như chiều ca dao nào xa xưa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chua có mẹ già chưa khâu
Ai hỏi vọ tình như ác ý với nhau
Chiều hoang tím có chiều hoang biết
Chiều hoang tím thêm màu da diết
Nhìn áo rách vai tôi hát trong màu hoa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm mẹ già chưa khâu...

Màu tím hoa sim tím
tình tang lệ rớm tím ơi lệ ứa
Ráng vàng ma và sừng rúc điệu quân hành
Vang vọng chợp chờn
theo bóng những binh đoàn
Biền biệt hành binh
vào thăm thẳm chiều hoang màu tím
Tôi ví vọng về đâu tôi với vọng về đâu.

0 nhận xét :