Cô giáo Trần! Có người nói cái tên Trần thật dễ thương. Nó chân chất mang hơi thở của đời thường trong cuộc sống trần tục, cũng phong sương, lãng du ẩn chứa nét hoang sơ, mông muội…
Trần không đẹp, nhưng có duyên tẩm ngẩm… Nhìn kỹ Trần hơi mất cân đối. Thấp, hơi đậm, lưng cong cong. Đôi chân ngắn và có vẻ khập khiễng. Được cái Trần biết làm dáng, để người đối mặt cũng dễ một chút xao lòng, ngu ngơ và lầm tưởng. Nhất là khi đôi mắt cô chơm chớp như cố nhíu hàng lông mi co vào, doãng ra có vẻ điệu đàng, tinh nghịch. Đặc biệt, lúc cô tỏ vẻ chú ý một điều gì đó của cấp trên chỉ bảo hoặc lơ đãng ngó xéo người khác trong hậm hực, khi không vừa lòng. Có người nói trong đôi mắt sâu, nhòe tình ấy ẩn giấu chút điếm đàng vô hậu…
Trong trường cũng có người thích cô, nhưng ghét, coi thường cũng rất nhiều. Kể cả những người còn ít tuổi...
Riêng đối với tôi, cô đáng thương hơn đáng trách.
Là người cùng khoa cũng gần nhà, tôi được cô coi là người thân và đáng tin cậy. Nói cũng phải, vì ở khoa cô ít được cảm tình của mọi người. Mọi người hình như đều tìm cách xa lánh…. Nhất là trong những buổi họp, Trần thường kiếm một chỗ dành riêng cho mình. Trông cô lúc ấy giống như một thầy tu cô đơn hơn là một nữ trí thức đã mang danh.
Tôi mới về khoa, cũng không rõ hết tất cả những gì đã xảy ra trước đây. Nghe nhiều người nói gần mười năm về trước, cô chủ mưu một cuộc đảo chính. Nói là đảo chính, thực ra là lôi kéo mọi người tìm cách lật đổ phó bộ môn. Việc không thành. Cô cũng ít nhiều bị tai tiếng.
Tưởng mọi việc đã chấm dứt, nhưng không ngờ hơn hai năm qua cô tồng ngông chơi trò ú tim với cái bóng hoang tưởng của chính mình. Thôi thì đủ chuyện – những chuyện mà là thầy, cô giáo nghĩ đến cũng thấy tanh tanh.
Có lần tôi hỏi:
- Chị làm thế để làm gì và có ích gì đâu?
Cô ngạc nhiên. Cười nhạt. Nụ cười nửa miệng xênh xếch nhưng có vẻ tự tin và hơi hiếu thắng:
- Em thật ngây thơ. Cứ cho là chuyện nhỏ. Nhưng biết bấu víu vào đâu để làm điểm tựa? Thấy tôi trố mắt có vẻ không hiểu. Cô cao hứng như một nhà triết học đang giảng đạo lý trong vòng xoay của những đường tròn vô định của trí tưởng tượng. Trong cái vòng tròn ấy – theo cô có những cái gọi là điểm, chấm và phẩy.... Cô thuyết trình - “Ở đời phải biết chơi, cuộc đời cũng giống một trò chơi. Trò chơi số phận. Mình phải nghĩ ra trò chơi và biết dụ người khác cùng chơi. Mình không nghĩ được, người ta tìm ra cũng sẽ lôi kéo mình. Còn nếu mình và mọi người cùng tạo ra thì sẽ cùng chơi… Chơi và chơi”! Như để minh chứng cái thuyết trò chơi của mình, cô cười khẩy:
- Em thấy đấy, hiệu trưởng trường mình là một người biết chơi, dân chơi hạng sang. Không những thế, mà còn truyền nghề cho mấy đứa đàn em. Được cái bọn chị tiếp thu cũng nhanh. Có nhiều chiêu còn hơn cả thầy. Hihi!
- Nhưng trò chơi này thật mệt mỏi – tôi ngắt lời cô – và có vẻ bẩn thỉu. “Đúng! Em nói không sai”! – Bẩn thỉu và cả nhơ nhuốc nữa – nhưng đời là thế! Cô kể lại rằng có lần đưa bài viết cho một phóng viên của một tờ báo để nhờ đăng mà cảm thấy ê chề.
- Em biết không? Khi được người ta giới thiệu đến gặp tay phóng viên nọ. Nhậu sơ sơ cũng mất bạc triệu. Sau đó vài ngày hắn còn rủ mình đi chơi. Nào cà phê, nào là karaokê nữa.
- Nhưng có được việc không?
- Cuối cùng cũng được việc. Thì em biết đấy, báo đăng tới tấp về chuyện nhà trường, về ông nọ bà kia… Sướng ghê! Cũng có những điều không ngờ – cô nhìn tôi cười. Nụ cười hấp háy có vẻ ranh mãnh: “Cái thằng phóng viên đó qủi thật. Lúc mới gặp, gọi cô xưng em. Thế mà một tối nó rủ chị vào quán cà phê lại đổi giọng gọi em xưng anh ngọt sớt.
- Chắc tay phóng viên đó nhiều tuổi hơn chị?
- Non choẹt. Nhưng được cái nó cũng biết gợi tình và ga lăng!
- Vậy sao? Tôi làm bộ ngỡ ngàng và tỏ ra không tin. Rồi Trần kể cho tôi nghe về tay phóng viên… Tôi nhìn cô cười, thông cảm và bông đùa:
- Nhờ có kiện cáo, viết báo mà chị có một mối tình đẹp?
- Đẹp gì? – cô ngắt ngang - Thêm một chút phiêu du của ái tình. Rồi cô say sưa “thằng qủi non đó khéo miệng, nói dối như cuội nhưng chị vẫn thích” – nó khen“chị có mái tóc thề ngang vai như mây lơ đãng trên thác Prem, đôi mắt sâu, xanh thăm thẳm như làn gió cuối thu mang mác buồn tựa mặt hồ Than Thở”… “Nó còn khen chị còn quá trẻ so với tuổi, tài cao học rộng… dáng người thì thật là quyến rũ, nhất là sự căng tròn của bộ ngực…”. Hi hí – “về sau nó biết là nhầm – nhão rồi”! Cô định nói tiếp điều gì đó, song lại thôi và khẳng định “dù sao mình cũng cảm nhận được sự khoái cảm là lạ của tuổi hồi xuân, nghĩ lại cũng thấy có cái gì đêu đểu”.
- Vậy còn kêu ca gì. Mong chị đừng quậy nữa nhé. Mệt lắm!
- Hừ! Để xem sao đã… à quên. Nếu chị đã làm cán bộ chắc là thôi!
Chẳng biết từ đâu người ta đặt cho Trần một biệt danh: “Cô Zrối”. Lý do chắc có nhiều. Tôi chỉ nhớ trong một cuộc họp của thanh tra Đảng ủy với chi bộ khoa để giải quyết đơn thư khiếu nại, Trần mang cả máy ghi âm, rồi ngồi đếm từng con chữ của thư ký xem có ghi hết ý kiến của mình hay không? Lòng đố kỵ như mách bảo Trần rằng: “ Trên đời này không thể tin ai được kể cả chính mình”. Cho nên, hình như cô không nhận thấy cái sự đời trơ trẽn và lố bịch, khi cô đòi ký nháy vào biên bản. Thấy mọi người phản đối, cô nán lại sau cuộc họp đi phôtô biên bản để giữ một bản sợ sau này người ta viết thêm vào.
Có lần tôi hỏi:
- Sao chị lại làm vậy?
Chị nhìn tôi cười và thú thật:
- Chị làm vậy là rút ra từ bài học xương máu từ một vụ hội đồng kỷ luật nhà trường giải quyết đơn khiếu nại của một thầy bị buộc thôi việc. Biên bản chính cuộc họp bị xé bỏ, thay vào đó là một biên bản viết lại hoàn toàn mới, chỉ có tờ cuối là giữ lại vì có chữ ký của mọi người.
- Eo ơi! Đến hội đồng kỷ luật nhà trường mà họ cũng làm vậy thì trên đời này không thể tin được ai cả.
- Đúng vậy! Thế em không biết ông thầy bị buộc thôi việc viết đơn tố cáo gởi đi khắp nơi trong trường nhưng có ăn thua gì. Giấy trắng mực đen và chữ ký của mình rành rành trong biên bản.
Thú thật, nghe những gì cô Trần tâm sự tôi không thể hình dung nổi những gì đã xảy ra trong trường. Nhất là chuyện của người trên. Chỉ biết rằng ai đó mang danh có học hàm, học vị cao sao họ lại đối xử với đồng nghiệp của mình mà việc làm đó đã phơi bày sự ngu dốt và ngông cuồng. Đành rằng họ biết khoác mảnh vải “trí thức”để che thân. Tri thức thì mở rộng đến vô cùng, nhưng sao miếng vải nhân danh nó lại quá hẹp để họ như thể tồng ngồng đến đáng thương trước mặt mọi người.
*
* *
Gần năm trời nay, mọi người trong khoa tôi đều mệt nhoài, vì phải họp. Họp! Họp mãi và hình như chưa có dấu hiệu chấm dứt. Mà cũng lạ, không chỉ ở khoa tôi mà hình như tất cả các khoa, phòng ban và cả cái nhà trường này đều bận họp. Họp ù cả tai, quầng cả những con mắt, rát cả những cổ họng, mỏi cả những cánh tay, đau cả những khớp chân… Nguyên nhân họp hành thì có nhiều. Trong đđó Trần là người có công đóng góp nhiều nhất.
Riết rồi cũng quen. Không họp thấy buồn. Chỉ có điều sau những buổi họp mọi người nhìn nhau như những con thú bị thương và thiếu hẳn sức lực để có thể lao vào đánh lộn và cắn xé. Trong đối khẩu không ít kẻ đã tuôn ra những điều mỹ miều trống rỗng và cũng không thiếu những lời cãi vã như của mấy bà hàng tôm, hàng cá ngoài chợ. Đâu đó, những lời chính trực, đúng đắn như rơi vào hư vô.
Tôi còn nhớ cách đây một tháng, Trần hỏi ý kiến tôi về việc có nên đãi tiệc mời mọi người trong khoa vào dịp này không? Nhất là phải tìm ra lý do chính đáng, không thì họ vừa được ăn, vừa được nói, thậm chí họ còn chửi rủa nữa.
- Theo em nên lấy cớ gì để tổ chức tiệc? Chị tính mời mọi người nhân nghiệm thu đề tài khoa học?
- Đề tài về bình đẳng giới về người phụ nữ hiện đại và truyền thống chứ gì?
- Đúng vậy. Hơn nữa khi nghiệm thu đề tài này chị còn được trả lời phỏng vấn trên báo Phụ nữ thành phố nữa đó.
- Ấy chết. Không được, đề tài chị đã nghiệm thu từ năm ngoái. Làm vậy sao được? Vả lại đề tài là của mấy người cùng chung liệu họ có đồng ý không và ai bỏ tiền ra?
- Chị bỏ tiền ra!
- Không ổn đâu chị, vì mấy người làm chung đề tài có thể họ đồng ý nhưng họ sẽ không đến. Nếu vậy sẽ bẽ mặt. Theo em cái đề tài đó chị nhờ chàng phóng viên có bàn tay vàng của chị viết bài lăng xê trên báo trong dịp này là tuyệt nhất để gây sự chú ý và cũng để nâng cao uy tín của chị.
- Em nói phải. Vậy theo em phải tính cách nào bây giờ? – “Chẳng lẽ tổ chức sinh nhật con gái, sinh nhật chồng, hay lấy danh hiệu phụ nữ “Hai giỏi”?
- “Hai giỏi” gì? Chị đến “Ba, Bốn giỏi” cũng có. Không được! Em hỏi thật, chị tính đãi tiệc mọi người để nhằm mục đích gì? Lôi kéo mọi người hay giải toả mọi bất đồng?
- Cả hai. Nhất là chị cần lá phiếu giới thiệu.
- Thư giới thiệu thì quan trọng gì, cứ như hiệu trưởng của mình có dăm ba phiếu vẫn được bổ nhiệm đó thôi?
- Biết vậy, nhưng có còn hơn không…
- Chị nói cũng phải. Điều quan trọng là chị phải làm thế nào đó để mọi người ngầm hiểu rằng chức trưởng khoa là một sản phẩm mà hiệu trưởng ban thưởng. Vì chị là người đã sống, chết vì bà ấy.
- Sống chết gì? Chẳng qua nương tựa của cái mưu sinh – mưu sinh của những người mê quyền lực đó mà! Chị cũng biết núp bóng bà ấy và đã lấy lòng của một số ít người.
- Ai vậy?
- Thú thực có cô giáo sợ chị, mặc dù không phục chị và cũng có người còn tranh thủ chị khi họ nghĩ đến cái chức trưởng bộ môn.
- Thật thế sao? Em phục chị quá.
- Phục gì? Nói thật, làm được những chuyện ấy khó khăn vô cùng, nếu không có kinh nghiệm thì còn bị trả giá. Hơn nữa, có gì mà chị không làm kể cả những điều mà mọi người khinh bạc, phỉ nhổ. Kệ thây! Có điều thông qua đó, mình cũng cảm nhận được ít nhiều hơi hám của quyền lực…
- Em nghe nói có người xin chuyển công tác?
- Đúng vậy. Em hỏi chị mới nhớ. Chị đã gặp họ và làm công tác tư tưởng rồi.
- Lấy tư cách gì?
- Tư cách của người chị và cả sự tạm ứng trước quyền trưởng khoa.
- Tạm ứng trước quyền trưởng khoa? Chị không sợ người ta dị nghị – “chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”?
- Thì đã sao?
- Thế chị nói với họ những gì?
- Đại loại là khuyên họ yên tâm ở lại vì họ có tài… cần góp công xây dựng khoa và nhà trường. Rằng sau này trường của chúng ta sẽ là trường điểm của phía nam, trường đa ngành… chị và nhà trường sẽ giúp đỡ tạo mọi điều kiện cho tất cả mọi người được phát huy mọi tài năng và sáng tạo hết cỡ, rồi được đi học nước ngoài nâng cao… chị hứa nhiều lắm.
- Chị nói hay thật, cứ như là cán bộ thật sự từ kiếp nào. Tôi ngắt ngang và nói tiếp - thôi chuyện quyền lực để sau này có cơ hội tha hồ mà thể hiện. Cái quan trọng là mình tính về việc đãi tiệc.
- Đúng vậy. Rồi như chợt nghĩ ra điều gì, chị nói như reo: “Chị nghĩ ra rồi. Này nhé! Chị có thể mời mọi người nhân dịp ngày phụ nữ mồng 3 tháng 8. Á… Mồng 8 tháng 3. Em thấy thế nào”?
- Kể ra không hay lắm, nhưng cũng được. Cần gì chị cứ nói, em phụ giúp chị.
- Vậy nhé, chị sẽ tổ chức ở nhà hàng 3A…
*
* *
Tối nay tôi đến thăm Trần. Vì tôi muốn biết sau buổi cô gặp hiệu trưởng hôm qua có gì mới không. Trần kể cho tôi nghe nhiều chuyện…
Lúc đó nhìn kỹ khuôn mặt Trần tôi thấy sờ sợ hơn là sự cảm thông và chia sẻ. Vì trên gương mặt ấy có lớp mỏng của phấn, nhơm nhớp của kem đang thấm đậm những giọt mồ hôi tạo nên những những dòng chảy vô hình của thời gian trong đời người đàn bà từng trải, ẩn giấu sự mệt mỏi và thất vọng. Chỉ có điều hình như cuộc sống cũng thật không công bằng xét về góc độ của một trò chơi như cô đã từng thuyết giảng…
Tôi cố ghép nối những mảnh chuyện rời rạc của Trần xen lẫn sự uất ức có vẻ mơ hồ gì đó… chỉ có một điều tôi biết chắc Trần không đạt được những gì gì mà cô mong muốn. Qua đó, tôi còn biết hiện nay trong trường có mười mấy đơn xin nghỉ việc, toàn là cán bộ chủ chốt có học hàm học vị cao… Tự nhiên tôi nhớ về bài thơ “Cái vòng danh lợi” của ai đó. Trong đó có câu:
…Vòng xoay danh lợi cong cong,
Người thì rũ bỏ kẻ mong bước vào.
Chạnh lòng cũng thấy nao nao,
Thương cho ai đó má đào cũng say?
Tôi thầm nghĩ qua sự kiện ấy chắc còn nhiều chỗ để dành cho người thân tín của hiệu trưởng, song bà cũng biết dùng phép phù thủy để câu nhử những kẻ hám họa”. Thử hỏi trong những người ủng hộ bà có bao nhiêu kẻ phản trắc với những người một thời đã từng giúp họ? Nhưng tính sao với những ân oán – nợ nần của kiếp phưu lưu?
Trời đã khuya. Tôi xin phép Trần ra về và không quên an ủi “thế nào chị cũng được cân nhắc vào một chức vụ gì đó, chị sẽ được làm cán bộ!”. Bất giác tôi nhìn lên bầu trời đêm và nhận thấy ở đâu đó trong xa xăm của khoảng không trống rỗng đến vô cùng. Trong cái trống rỗng mênh mông ấy ẩn hiện những vì sao đơn côi nhấp nháy, chợt bừng sáng rồi tắt lịm tựa những linh hồn tội lỗi đang chấp chới trong bóng đêm…
Tháng ba, giữa mùa khô và thật bất ngờ Sài Gòn trời trở gió. Mưa! Những hạt mưa lạc loài như mê ngủ…
0 nhận xét :
Đăng nhận xét