Cách đây ít lâu, trên một số trang web, tôi đọc thấy bài quảng cáo tờ Nghệ thuật mới (phụ trương của Báo Người Hà Nội) sắp ra mắt bạn đọc, trong đó có đoạn: "Một lần nữa, nhà thơ Chế Lan Viên xuất hiện với chùm thơ chưa từng công bố cùng một trong những truyện ngắn hiếm hoi của ông". Tôi nóng lòng chờ đợi được đọc truyện ngắn nói trên, cốt để xem con phượng hoàng của làng thơ Việt trổ tài trong lĩnh vực này ra sao... Chẳng là trước đây, trong "Tuyển tập Chế Lan Viên" thấy các nhà biên soạn ghi chú: "Ngoài các tác phẩm đã công bố, nhà thơ Chế Lan Viên còn có tập truyện ngắn "Gai lửa" chưa xuất bản". Tập sách này sau đã được in trong "Chế Lan Viên toàn tập" (tập V, NXB Văn học, 2009). Phải chăng cái "truyện ngắn hiếm hoi" được quảng cáo chính là một truyện ngắn rút ra từ tập sách nói trên? Khi Nghệ thuật mới số đầu được ấn hành, quả nhiên như dự đoán của tôi, truyện ngắn "Xoan đỏ" (in hết trang 10 và 1/3 của trang 11) được tòa báo ghi chú là: "Rút trong tập Gai lửa (di cảo) - "Chế Lan Viên toàn tập" - NXB Văn học, 2009". Như vậy bạn đọc đã được tiếp xúc với một "truyện ngắn hiếm hoi", chứ không phải là chưa từng được công bố của Chế Lan Viên. Thật ra, một số truyện ngắn của Chế Lan Viên trong "Gai lửa" có gì đó gần với tản văn (hẳn vì thế mà ngoài bìa tập sách, tác giả ghi thể loại là truyện ngắn - tùy bút?). Có nhiều đoạn là thơ văn xuôi thì đúng hơn. Tỉ như: "Đứng yên một chỗ như chờ đợi, đằng xa, hoa xoan đã tăng thêm lời thúc giục, với một ít nắng mai vừa đến nở trên cành. Màu đỏ rộn rã kêu vang, dưới một màu xanh nằm dài trong tịch lặng. Bên ánh tươi chói lói, những mái ngói già bỗng sầm mặt lại, cúi đầu nhìn vào tường vôi thảm đạm của mình" (truyện ngắn "Xoan đỏ"). Nói chung, hầu như tác giả không để ý đến cốt truyện, đến các tình huống nảy sinh sự vụ, thậm chí đến cả nhân vật và sự phát triển tâm lý của họ. Truyện ngắn của Chế Lan Viên là một biến thể của thơ thì đúng hơn. Từ nhận xét trên, bất giác tôi nhớ tới một câu chuyện (đúng hơn là một kỷ niệm văn nghệ) mà nhà văn Bùi Hiển đã ghi lại trong cuốn hồi ký "Bạn bè một thuở" (NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 1999). Cứ theo lời kể của Bùi Hiển thì từng có lần, Chế Lan Viên tâm sự với Bùi Hiển rằng, ông không thấy cái hay của thể loại tiểu thuyết. Lần đầu đọc tiểu thuyết "Đất vỡ hoang" của Solokhov, ông thắc mắc: "Quái, cứ bảo là hay gớm lắm, sao toàn chỉ có chuyện thế này. Chả thấy triết học (kiểu Proust), chả thấy thơ (kiểu Sperkenbroke) nào cả". Mãi sau này, khi được Bùi Hiển "giác ngộ", ông mới thấy cái hay của tác phẩm trên. Cũng theo Bùi Hiển thì trong kháng chiến chống Pháp, trên tạp chí Sáng tạo của Khu IV, Chế Lan Viên từng cho đăng một bài suy ngẫm bằng văn xuôi có đầu đề là "Con kiến". Lời lẽ có phần khúc mắc, khó hiểu của bài văn khiến tác giả bị nhiều người đọc phê phán. Sau lần ấy, Chế Lan Viên đã xí xóa việc làm trên bằng một câu nhại Kiều "Tấm lòng văn xuổi từ nay xin chừa". Không chỉ có vậy, vẫn theo nhà văn Bùi Hiển thì cũng trong kháng chiến chống Pháp, Chế Lan Viên từng có lần "thử" viết truyện ngắn. Truyện viết về một lính Bảo vệ quân (lính ngụy). Chế Lan Viên đã đưa cho Bùi Hiển đọc góp ý. Bùi Hiển nhận thấy tên lính ngụy trong truyện của Chế Lan Viên vốn xuất thân là nông dân, vậy mà từ lời ăn tiếng nói đến suy nghĩ hành động lại "thông minh", "học thức" quá. Bùi Hiển nêu nhận xét này với tác giả. Không thấy Chế Lan Viên thể hiện quan điểm gì, chỉ biết là, sau lần đó, không thấy ông "thử" viết truyện ngắn một lần nào nữa. Không biết truyện ngắn này nay đâu, gia đình cố nhà thơ có còn giữ được không? Nếu có thì đây mới quả thực là "một truyện ngắn hiếm hoi" của Chế Lan Viên | |||
Linh Nguyên |
0 nhận xét :
Đăng nhận xét