Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

Huy chương không... ảo!


Những ngày cuối cùng của năm 2012, tại Rạp Xiếc Trung ương đã diễn ra Liên hoan Ảo thuật chuyên nghiệp toàn quốc lần thứ 2. Liên hoan có sự tham gia của các nhóm ảo thuật đến từ 12 đoàn trong cả nước. Các huy chương vàng, bạc, các bằng khen đã được trao cho những tiết mục xuất sắc nhất, và đương nhiên là kết thúc kỳ Liên hoan nào Ban tổ chức cũng đánh giá là "thành công ngoài mong đợi". Nhưng xem ra, chỉ có 13 tiết mục tham gia dự thi mà có tới 3 Huy chương vàng, 3 Huy chương bạc thì cũng là điều đáng bàn...
Những ngày cuối cùng của năm 2012, tại Rạp Xiếc Trung ương đã diễn ra Liên hoan Ảo thuật chuyên nghiệp toàn quốc lần thứ 2. Liên hoan có sự tham gia của các nhóm ảo thuật đến từ 12 đoàn trong cả nước. Các huy chương vàng, bạc, các bằng khen đã được trao cho những tiết mục xuất sắc nhất, và đương nhiên là kết thúc kỳ Liên hoan nào Ban tổ chức cũng đánh giá là "thành công ngoài mong đợi". Nhưng xem ra, chỉ có 13 tiết mục tham gia dự thi mà có tới 3 Huy chương vàng, 3 Huy chương bạc thì cũng là điều đáng bàn - trong bối cảnh các Huy chương được trao tặng tại Liên hoan năm nay chính thức bắt đầu được tính là tiêu chí để xét tặng danh hiệu NSND, NSUT trong thời gian tới...
Thành công là nhờ bán vé!
Liên hoan Ảo thuật chuyên nghiệp toàn quốc lần này trình diễn 13 tiết mục ảo thuật xuất sắc, đại diện cho 4 thể loại ảo thuật là: Ảo thuật trắng, ảo thuật đen, ảo thuật có sử dụng đạo cụ, ảo thuật khéo tay không sử dụng đạo cụ. Các tiết mục kéo dài từ 10 đến 12 phút. Liên hoan ảo thuật toàn quốc lần 2 do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức với sự góp mặt của 5 vị giám khảo: NSND Vũ Ngoạn Hợp, NSND Nguyễn Thị Tâm Chính - Chủ tịch Liên chi hội xiếc Việt Nam, ông Hoàng Minh Khánh - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam, nhạc sĩ - ảo thuật gia Bảo Thu và nhà văn Chu Lai.
Tiết mục “Thoát hiểm 24 mũi kim” đoạt Huy chương vàng của đoàn nghệ thuật Vũng Tàu.
Một số tiết mục của các nghệ sĩ ảo thuật nổi tiếng trong nước như: Đoàn Minh Quang, Lê Tuấn Anh, Lê Xuân Hà Khánh, Trần Dũng, Duy Nguyên, Chu Văn Hợp… đã ít nhiều mang đến những màn ảo thuật hấp dẫn, lạ mắt cho cho khán giả Thủ đô trong dịp nghỉ lễ cuối tuần. Để đảm bảo yếu tố bí mật, bất ngờ, nên tên các tiết mục tham gia Liên hoan lần này được bí mật đến phút cuối. Trong bối cảnh khó khăn chung của sân khấu, Ban tổ chức bố trí xen kẽ giữa các tiết mục thi trình diễn ảo thuật là những phần trình diễn xiếc thú, hề xiếc của các nghệ sĩ Liên đoàn Xiếc Việt Nam để thuận lợi cho việc bán vé "lấy thu bù chi". Sau Liên hoan, Ban tổ chức cuộc thi cho biết, đơn vị đồng tổ chức là Công ty Đông Đô Show đã "thanh toán lại" hơn 100 triệu đồng tiền bán được vé sau khi đơn vị này đã giữ lại khoản lợi nhuận cho mình. Đây quả là một số tiền không nhỏ trong bối cảnh hiện nay và cũng là một kinh nghiệm trong việc "xã hội hóa" thành công mô hình kết duyên giữa "liên hoan + bán vé", đồng thời tăng hiệu quả tương tác với khán giả. Có thể đánh giá đây là một nét thành công mới của kỳ Liên hoan lần này. Ở Liên hoan Ảo thuật chuyên nghiệp toàn quốc lần thứ nhất năm 2008, cũng do yếu tố kinh phí hạn hẹp nên tiền giải thưởng được trao chủ yếu mang tính chất... tượng trưng, khiến nhiều người ngạc nhiên: 2 triệu đồng/giải bạc và 1 triệu đồng/ giải đồng (không có giải vàng). Nhưng đến Liên hoan lần này, số tiền thưởng được trao cũng khá hơn nhờ công tác xã hội hóa: 7 triệu đồng/ Huy chương vàng và 5 triệu đồng cho Huy chương bạc.
Tất nhiên, việc tăng cường bán vé để "lấy thu bù chi" cũng đã có những ảnh hưởng không nhỏ tới việc tổ chức Liên hoan. Theo kế hoạch ban đầu, sân khấu tròn của rạp Xiếc Trung ương (vốn chủ yếu phục vụ hoạt động biểu diễn xiếc) sẽ được "ngăn" thành sân khấu vuông để phù hợp với tính chất của biểu diễn ảo thuật là phía sau phải kín để che đi các  kỹ thuật "phù phép" của nghệ sĩ. Thế nhưng, do công tác quảng bá tốt, số lượng vé bán ra nhiều, khán giả có mặt trên khán đài quá đông, nên Ban tổ chức đã "tận dụng" sân khấu tròn để bán vé. Cũng chính vì thế, một số thao tác kĩ thuật đáng lẽ phải bí mật của các nghệ sĩ ảo thuật đã bị khán giả "tinh mắt"... phát hiện. Nhưng rõ ràng, một Liên hoan có đông khán giả đến xem và việc tự trang trải kinh phí để tạo một sân chơi cho các ảo thuật gia trên toàn quốc là điều mà nhiều bộ môn sân khấu khác phải nhìn vào Liên hoan ảo thuật để suy nghĩ, học hỏi trong khi hằng năm vẫn liên tiếp tổ chức các Liên hoan chỉ toàn người trong nghề với nhau chứ khán giả thì vô cùng... vắng vẻ.
Huy chương không... ảo!
Sau 3 ngày thi, 6/13 tiết mục tham dự Liên hoan được lựa chọn để trao giải thưởng, trong đó, 3 giải vàng thuộc về "Cánh chim hòa bình" (Liên đoàn Xiếc Việt Nam), "Sắc màu dân tộc" (Liên đoàn Xiếc Tp HCM), "Thoát hiểm 24 mũi kim" (Đoàn nghệ thuật Vũng Tàu); 3 giải bạc được trao cho các tiết mục: "Phương Đông huyền bí" của các em học sinh đến từ Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và tạp kĩ Việt Nam, "Gậy hoa đổi người" của nghệ sĩ Lê Tuấn Anh của đoàn Quảng Trị, "Lồng chim biến thành cô gái" của nghệ sĩ Trần Dũng của đoàn Vũng Tàu. Ngoài ra, các tiết mục "Huyền bí Ai Cập cổ đại", "Ảo thuật tổng hợp" của nghệ sĩ Ngô Minh Hòa, Nguyễn Thị Phương Hoa, Hoàng Bích Ngà của đoàn xiếc TP Hà Nội được nhận giải cho phần trình diễn ấn tượng. Riêng phần dự thi của thí sinh Chu Văn Hợp (Đoàn văn công Hải quân Hải Phòng) với đề tài "Chiến sĩ và biển đảo Tổ quốc" được nhận giải cho đề tài hay và mang tính thời sự, đang được công chúng quan tâm. Một vài tiết mục ảo thuật đẹp mắt được các nghệ sĩ kết hợp với nhiều câu chuyện; ca khúc âm nhạc sôi động đã mang đến cho người xem những phút giây thư giãn thoải mái.
Theo đánh giá của đại diện Ban tổ chức, những tiết mục đoạt huy chương đã phần nào cho thấy những nét mới của ảo thuật Việt như: Đã có sự chú ý tới chiều sâu nội dung, có ý tưởng về kịch bản và cốt truyện, có sự đầu tư kỹ về phục trang, đạo cụ, âm nhạc đã tạo nên những hiệu quả tích cực thay vì lối mòn chỉ thiên về biểu diễn kĩ thuật. Dẫu có được đánh giá là một kỳ Liên hoan thành công, song việc trao quá nhiều huy chương cho một cuộc thi có ít tiết mục tham gia như lần này (6/13 tiết mục đoạt các Huy chương vàng, bạc) cũng ít nhiều thể hiện sự..."nương tay" của Ban tổ chức cũng như Ban Giám khảo trong việc chấm và trao giải. Những tấm huy chương này phải chăng là sự củng cố lực lượng, "đón lõng thành tích" để cho các nghệ sĩ ảo thuật "kê khai" trong các kỳ xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT trong thời gian tới trong bối cảnh hiện nay khối nghệ sĩ biểu diễn ảo thuật trong cả nước mới chỉ có 2 người được trao danh hiệu NSƯT?
NSND Tâm Chính:

Liên hoan Ảo thuật chuyên nghiệp toàn quốc lần này đã quy tụ được nhiều gương mặt trẻ có kỹ thuật trình diễn tốt; được dàn dựng công phu, hiện đại. Bên cạnh yếu tố "khéo tay gây bất ngờ" mang đặc trưng của ảo thuật, một số tiết mục như "Sắc màu dân tộc", "Chiến sĩ và biển đảo Tổ quốc" còn mang đậm màu sắc của ảo thuật Việt Nam. Tôi rất thích tiết mục "Sắc màu dân tộc" vì nó giống như một màn nghệ thuật tổng hợp kết hợp việc trình diễn các trang phục truyền thống của các dân tộc Việt Nam với việc lồng ghép thể hiện âm nhạc phù hợp với nó như áo tứ thân thì âm nhạc là làn điệu quan họ, áo dài là làn điệu dân ca Bắc Bộ... tạo nên hiệu ứng bất ngờ với khán giả. Còn việc trao nhiều hay ít Huy chương thì theo tôi không thành vấn đề, bởi vì cứ thấy kỹ thuật tốt, trình diễn đẹp, tiết mục hay thì chúng tôi trao giải cao thôi. Theo tôi, năm nay đã có một Ban giám khảo hết sức công tâm, bao gồm những người có uy tín trong nghề và sự góp mặt của nhà văn Chu Lai là người "ngoại đạo" nên rất vô tư, công tâm. Ở kỳ Liên hoan trước, sở dĩ không có Huy chương Vàng là bởi chúng tôi chưa tìm ra tiết mục, nghệ sĩ xứng đáng để trao đấy thôi! Nghệ sĩ ảo thuật Tuấn Phương:

Năm nay tôi không tham gia trình diễn tại Liên hoan mà chỉ dàn dựng một tiết mục "Cưa người làm 6 khúc" cho thí sinh Lê Xuân Hà Khánh đi dự thi thôi. Theo dõi kỳ Liên hoan lần này, tôi thấy về mặt hình thức là tốt hơn kỳ trước bởi nó quy tụ được nhiều gương mặt trẻ, lại có sự xã hội hóa nên sự đầu tư kinh phí tốt hơn, âm nhạc, trang phục đạo cụ... cũng tốt hơn. Nhưng nếu xét về trình độ của người biểu diễn thì nhiều tiết mục không bằng kỳ Liên hoan trước. Tôi là người làm nghề lâu năm nhưng tôi không hề ngần ngại khi thừa nhận rằng, trình độ của ảo thuật Việt Nam vẫn còn non yếu, ít sáng tạo, thiếu đột phá so với các nước trong khu vực. Cho đến nay, chỉ có một số ít tiết mục ảo thuật theo kịp trình độ phát triển của khu vực và thế giới, một số ít khác hướng tới yếu tố bản sắc dân tộc, còn lại đa số các tiết mục đều quay lại "lối mòn" của ảo thuật: Đó là các trò khéo, nhanh tay để "đánh lừa thị giác" của khán giả mà thôi...


  Hà Anh

0 nhận xét :