Tính
từ thời điểm cuối năm 2002, sau khi Bộ Văn hóa - Thông Tin (nay là Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ký quyết định cho phép các hãng phim tư
nhân ra đời, công cuộc mở rộng xã hội hóa của điện ảnh Việt Nam đã đi
được chặng đường 10 năm. Trong 10 năm đó, nổi bật lên hai đặc điểm - hai
đặc điểm này, khiến cho chúng ta vừa vui vừa buồn!
Đặc
điểm thứ nhất: Các hãng phim tư nhân liên tiếp ra đời, nhanh hơn cả nấm
mọc sau mưa và đã khẳng định được vị thế nhất định của mình trong lòng
người xem. Đặc điểm thứ hai: Các nghệ sĩ điện ảnh vẫn còn biên chế trong
các hãng phim Nhà nước, đến 95% quân số đã tự nguyện trở thành những
người làm thuê cho các hãng phim tư nhân. Đúng như tạp chí Thế giới Điện
ảnh trong số gần đây nhất đã nhận xét vừa ngắn gọn vừa chính xác: "Chất
xám chảy đi, nỗi lo còn lại!". Vì sao phải lo và thậm chí là rất buồn
nữa? Vấn đề là ở chỗ, người nghệ sĩ phải bắt buộc đi làm thuê, khác hẳn
với người nghệ sĩ được sáng tạo các tác phẩm điện ảnh theo những hợp
đồng từ chính trái tim mình. Nên đổ lỗi cho ai bây giờ? Theo tôi không
ai có lỗi cả! Vì đây là quy luật khắc nghiệt và tất yếu của cơ chế thị
trường.
Tuy vậy, thay đổi góc nhìn -
chúng ta vẫn có những điều đáng để lạc quan. Từ khi các hãng phim tư
nhân xuất hiện, hoạt động của điện ảnh Việt Nam rõ ràng đã khởi sắc hơn,
nhộn nhịp hơn ở các cụm rạp chiếu bóng và phong phú hơn, đa dạng hơn ở
các khu vực đề tài. Bởi vậy, điện ảnh Việt Nam
cho tới giờ phút này vẫn cùng một lúc phải mang cả hai khuôn mặt và bốn
con mắt. Hai con mắt của hãng phim tư nhân thì chăm chăm nhìn vào túi
người xem - còn hai con mắt của hãng phim Nhà nước thì lại đăm đăm ngóng
đợi ở kho bạc Nhà nước. Chính vì thế, các hãng phim tư nhân luôn ở
trong tư thế "chủ động tấn công". Sự "tấn công" nhiều lúc quá vội vã và
quá cẩu thả, thiếu hẳn sự chuẩn bị cần thiết cho sự ra đời của một tác
phẩm hoàn hảo. Còn các hãng phim Nhà nước lại rơi vào thế bị động, kiên
nhẫn mai phục nằm chờ. Sự nằm chờ có khi kéo dài vài ba năm, thà cắn
chặt răng chịu chết quyết không chịu lộ diện?!
Tuy nhiên, tôi và các bạn vẫn có quyền tiếp tục hy vọng!
Hy vọng vì dù thế nào đi nữa,
yếu tố quan trọng nhất của nghệ thuật vẫn là yếu tố con người. Và lãi
suất to lớn nhất của màn ảnh vẫn là lãi suất của Cái Đẹp, lãi suất của
Tâm Hồn. Các hãng phim Nhà nước và các hãng phim tư nhân của chúng ta
đang âm thầm, lặng lẽ tìm nhiều cách xích lại gần nhau và nhìn thẳng vào
mắt nhau - để kết thành một khối Nghệ thuật Điện ảnh thống nhất thực sự
- một thương hiệu thực sự với hai tiếng gọi yêu dấu và thiêng liêng:
PHIM VIỆT!
Để công cuộc xã hội hóa được
thực hiện bắt đầu từ gốc, tôi xin đề xuất: Chúng ta cần phải gấp rút đưa
chương trình giáo dục "Điện ảnh là gì?" vào ngay trong nhà trường từ
các cấp học phổ thông. Bên cạnh các bài thi về môn Văn, môn Toán, môn
Lịch sử, môn Địa lý, các em học sinh bắt buộc phải hoàn thành các bài
thi "Xem phim và viết cảm nhận về những bộ phim đó".
Các em cần sớm biết rằng: Có
những giấc mơ có thể lặp đi lặp lại nhiều lần giống hệt nhau - đó là
giấc mơ của một bộ phim đem lại khi phòng chiếu tắt đèn - Giấc mơ của
Điện ảnh.
Các em cần sớm biết rằng: Có
những bài thơ không cần đọc mà chỉ cần nhìn, những bài thơ đó được làm
nên bởi trò chơi của ánh sáng - Đó là Bài thơ của Điện ảnh.
Các em cũng cần sớm biết rằng:
Có một thứ ngôn ngữ đôi lúc không cần phiên dịch, nhưng là thứ ngôn ngữ
dễ hiểu và phổ cập nhất của loài người - Đó là Ngôn ngữ của Điện ảnh.
Các năng khiếu điện ảnh, tài năng điện ảnh cũng như tình yêu điện ảnh cần phải khơi gợi và đánh thức ngay từ tuổi ấu thơ.
Sau phần "gốc", tôi muốn nói
tới phần "ngọn" của công cuộc xã hội hóa. Vấn đề này thuộc về phía các
cấp quản lý và lãnh đạo của ngành Điện ảnh. Cần đối xử thật sự bình đẳng
và quan tâm sâu sắc hơn nữa tới các hãng phim tư nhân cũng như các hãng
phim Nhà nước. Con tàu xã hội hóa của chúng ta đã gần về tới đích. Nó
đã bắt đầu tăng tốc độ. Chắc chắn không có một nghệ sĩ điện ảnh nào ở
trên con tàu đó lại dại dột và liều mạng nhảy qua cửa sổ, do vậy hai
đường ray Nhà nước và Tư nhân vẫn phải nằm song song bên nhau và cần
được chăm sóc, bảo vệ, nâng đỡ như nhau. Quyền làm ra những bộ phim cực
kỳ ăn khách, nhưng vẫn bảo đảm được tính nghệ thuật và tính tư tưởng là
không của riêng ai!
|
0 nhận xét :
Đăng nhận xét