Trước thông tin bài thơ Ở hai đầu nỗi nhớ được bán với số tiền 300
triệu, nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến cho biết: “Nếu làm tốt việc bảo vệ bản
quyền, nhiều bài thơ sẽ mang về tiền tỉ, ví dụ, Bài thơ về đôi dép có
thể thu được hơn 2 tỉ!”
“Bán đứt” hàng trăm triệu
Lâu nay, nhiều người đã nghĩ “ai thèm mua thơ!”. Thơ ca từ bao giờ đã
bị “thất sủng” giữa cuộc sống hiện đại. Nhà thơ cũng chẳng mấy khi bận
tâm đến thu nhập từ thơ, mà phải bươn chải bằng nhiều công việc khác. Sự
kiện bài thơ Ở hai đầu nỗi nhớ của tác giả Trần Hoài Thu (tức
Trần Đình Chính) được một công ty mua bản quyền với giá 300 triệu khiến
nhiều người giật mình. Có người còn chép miệng không tin: Thơ thì lấy
đâu ra tiền triệu?
Bán “đứt” bản quyền bài thơ: Công chúng sẽ thiệt?
Theo bà Đoàn Thị Lam Luyến- Chủ tịch Hiệp hội Quyền sao chép cho
biết, việc khai thác và bảo vệ bản quyền thơ ở Việt Nam vẫn chưa thực sự
hiệu quả, bởi nếu làm tốt, có những bài thơ thu được hàng tỷ đồng, chứ
không phải chỉ vài trăm triệu.
Bà Luyến nói, nếu làm tốt việc quản lý bản quyền trên mạng, nếu như
chỉ cần 100 nghìn người sao chép, thì đã thu được 100 triệu đồng, mà mức
phí rất rẻ, chỉ 1.000 đồng. Bà cho hay, xu hướng này hiện nay rất phổ
biến và có hiệu quả, nhưng đòi hỏi tổ chức phải chuyên nghiệp, có năng
lực quản lý và trung thực.
So sánh việc thu phí bản quyền theo cách này với việc “bán đứt”, bà
Lam Luyến cho rằng thu phí có nhiều ưu thế hơn. Tuy nhiên, hiện nay
tiếng nói của nhiều nhà thơ chưa thống nhất, nhiều người cứ nghĩ rằng
thơ được đăng, có người đọc là tốt rồi. Suy nghĩ đó của các tác giả đã
khiến việc thu tiền bản quyền rất khó. “Nếu các thi sĩ biết tự tôn mình,
cho rằng thơ cũng là một tác phẩm phải lao động nghệ thuật, trí tuệ mới
có được, không nên cho không, biếu không hoặc phát biểu trái quan điểm
như vậy”, Chủ tịch Hiệp hội Quyền sao chép chia sẻ.
Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013
Nhiều bài thơ Việt trị giá tiền tỉ!
Trên thực tế, Màu tím hoa sim, bài thơ của thi sĩ Hữu Loan
cũng được một công ty điện tử (có liên quan đến phát hành các bản
karaoke) mua độc quyền với mức giá 100 triệu. Rồi có ai đó lại cho biết,
bài thơ Lá diêu bông của thi sĩ Hoàng Cầm cũng bán được 200 triệu, khai thác trong 50 năm.
Tác giả Trần Hoài Thu (tức Trần Đình Chính) vừa bán bản quyền bài thơ Ở hai đầu nỗi nhớ với số tiền 300 triệu đồng.
Theo tìm hiểu của Dân trí, tương đối nhiều nhà thơ có
các ca khúc phổ nhạc trở nên nổi tiếng, được sử dụng nhiều lần trong các
lĩnh vực biểu diễn, nhạc chuông nhạc chờ, phát trên sóng phát thanh
truyền hình cũng đã nhận được số tiền hàng chục triệu đồng, nhờ vào tỉ
lệ chia 3/10 trong tổng số phí bản quyền so với tác giả âm nhạc (7/10).
Nhiều năm nay, các nhà thơ như Hữu Thỉnh, Nguyễn Phan Hách, Nguyễn Đức
Mậu, Giáng Vân… đã được Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc nhiều lần
chuyển tiền bản quyền. Tiêu biểu, nhà thơ Hữu Thỉnh có bài Năm anh em trên một chiếc xe tăng được nhạc sĩ Doãn Nho phổ nhạc đã quá nổi tiếng, được sử dụng ở nhiều nơi. Bài Thơ tình viết về biển cũng đi vào nhạc với ca khúc Biển nỗi nhớ và em của nhạc sĩ Phú Quang. Nhà thơ Nguyễn Phan Hách có lời thơ gắn với ca khúc Làng quan họ quê tôi (Nguyễn Trọng Tạo), Nguyễn Đức Mậu với Khúc hát sông quê (Nguyễn Trọng Tạo), Giáng Vân với Đâu phải bởi mùa thu do nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc…
Nhà thơ Trần Hoài Thu tuy chưa đăng ký tác quyền Ở hai đầu nỗi nhớ
với Trung tâm bảo vệ tác quyền âm nhạc Việt Nam, nhưng vì bài hát đã
được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đăng ký, do đó Trung tâm đã thu hộ và
chuyển tới tay ông một khoản tiền không quá lớn nhưng cũng rất có ý
nghĩa với ông hiện nay.
Ngoài ra, các thi sĩ cũng có được thù lao từ nhuận bút đăng báo hoặc
in sách. Tuy nhiên, tất cả những cách khai thác nói trên như bán đứt bản
quyền hoặc khai thác từ thơ phổ nhạc… mới chỉ là một phần rất nhỏ trong
quyền lợi mà các thi sĩ lẽ ra phải được hưởng.
Điều này không phải nói suông, bởi thực tế, đã có đơn vị khai thác
từ việc bán online truyện ngắn, tiểu thuyết qua internet chỉ nửa năm
thôi đã thu được tiền tỷ, cụ thể, có một cuốn 1,1 tỉ, có cuốn khoảng 780
triệu đồng, tuy nhiên, đây lại là sách của nước ngoài, còn trong nước
thì ít hơn.
Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến- Chủ tịch Hiệp hội Quyền sao chép.
Từ so sánh đó, bà Luyến nhận định: Những bài thơ hay như Lá diêu bông, Màu tím hoa sim… còn
thu được nhiều tiền hơn thế. Công chúng trên mạng, mỗi người vào đọc
chỉ đóng góp 1.000 đồng, 1 triệu lượt truy nhập đã thu được 1 tỉ.
Trước băn khoăn rằng với thực tế hiện nay, liệu người yêu thơ có
nhiều đến mức một bài thơ nào đó đạt được 1 – 2 triệu lượt đọc hay
không, bà Lam Luyến đã đưa ra dẫn chứng: Bài thơ về đôi dép của
tác giả Nguyễn Trung Kiên, một người không phải là Hội viên Hội nhà văn
Việt Nam, nhưng với bài thơ ca ngợi tình yêu với hình tượng về đôi dép,
viết rất hay, đã đạt hơn 2 triệu người truy nhập trên mạng, nếu thu phí,
bài thơ có thể thu được trên 2 tỉ đồng tiền tác quyền.
Bà Lam Luyến cho rằng, khai thác theo cách đó hiệu quả hơn hẳn so với việc “bán đứt” như với bài Màu tím hoa sim, công chúng thiệt thòi, khó được thưởng thức bởi doanh nghiệp gần như mua để làm thương hiệu, không bán ra đâu cả.
Lê Nguyễn (Theo http://dantri.com.vn)
0 nhận xét :
Đăng nhận xét