Liên quan đến văn chương, trong tháng 3 có hai việc đáng nói.
Chuyện trong nước là vụ truyện ngắn “Bóng anh hùng” của tác giả Doãn Dũng đăng trên báo tỉnh Phú Yên bị quy chụp nặng nề. Truyện này đã được đăng báo Văn Nghệ - cơ quan của Hội Nhà văn Việt Nam, báo Người Đại Biểu Nhân Dân
- cơ quan của Quốc hội, đã được lấy làm tên chung tập truyện của tác
giả mà không gây ra dư luận phản đối gì, chỉ có được khen. Vậy mà khi
Ban Biên tập báo Phú Yên muốn giới thiệu cho bạn đọc tỉnh nhà một
tác phẩm văn học đáng chú ý thì lại bị một số người trong tỉnh phản ứng
quyết liệt. Đáng nói là trong số người phản ứng đó có cựu chủ tịch tỉnh
và cựu trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh. Lập luận của họ là truyện này phản
động, là hạ thấp người lính, cần phải có kỷ luật nặng cho tổng biên tập
và ban biên tập báo.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên đã có cuộc họp và kết luận truyện ngắn
đó không có gì sai trái. Ban Tuyên giáo Trung ương đã có công văn do
một phó trưởng ban ký khẳng định truyện ngắn đó không có gì sai trái.
Tổng biên tập báo Văn Nghệ đã có công văn khẳng định truyện ngắn
đó không có gì sai trái. Nhiều nhà văn, nhà phê bình tên tuổi ở trung
ương đã khẳng định truyện ngắn đó không có gì sai trái. Mặc dù vậy, số
ít người phản đối vẫn cứ khăng khăng ý kiến của mình, cho là người ngoài
tỉnh không được xía vô chuyện trong tỉnh, còn đòi Tỉnh ủy Phú Yên phải
lập trường cứng rắn, nhất quyết phải coi truyện ngắn đó là sai trái.
Thật khổ cho văn nghệ sĩ và những người làm báo ở Phú Yên. Nghe đâu
cái ông cựu trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy này thời đương chức cũng đã
mấy lần ra oai, mà có lần cho hai chữ “tịch điền” trong một truyện ngắn
của một nhà văn có nghĩa là “ruộng chết” để mà quy kết, để mà quy chụp,
để mà phán quyết. Cứ cho ý kiến của ông ta là một ý kiến thì cớ gì ông
ta có quyền “cả vú lấp miệng em”, trùm lợp mọi người, bắt cả một ban
thường vụ tỉnh ủy phải nghe theo ông?
Nhân chuyện quy chụp truyện ngắn “Bóng anh hùng” báo chí giở
hồ sơ ra thì mới hay tỉnh Phú Yên, chính xác hơn là một số người có chức
quyền về tư tưởng văn hóa ở địa phương đó, lâu nay đã thành hệ thống là
đọc sai, đọc oan cho các tác phẩm văn học, vu cho chúng những điều
không có, và do đó làm khổ các tác giả và các nhà báo vốn có ý tốt là
giới thiệu cho bạn đọc tỉnh nhà những giá trị văn chương đương đại.
Chuyện ngoài nước là giải văn học mang tên Man Asian Literary Prize.
Đây là giải thưởng được lập từ năm 2007 để trao cho các tác phẩm của các
nhà văn châu Á viết bằng tiếng Anh hoặc được dịch ra tiếng Anh. Giải
này được coi như là giải Man Booker của châu Á. Tính đến năm 2012, giải
Man Asian đã được trao cho ba tác giả Trung Quốc, một tác giả Hàn Quốc,
một tác giả Philippines và một tác giả Malaysia. Trong ban giám khảo của
giải có một nhà văn gốc Việt sống ở Mỹ là Monique Trương và tại giải
năm 2012 ở vòng sơ khảo có một tác phẩm của một người Việt sống tại
Canada là cuốn tiểu thuyết Ru của Kim Thúy lọt vào nhưng không
thể đi sâu vào giải. Nhìn vào đây ta có thể thấy văn chương Việt đang
đứng ở đâu trên bản đồ văn chương châu lục và thế giới. Hiện nay trong
khu vực có giải thưởng văn học Đông Nam Á. Nhưng giải đó thực chất chỉ
là một giải hữu nghị của các nước trong khối. Nước nào đề cử cuốn nào
thì cuốn đó được vì không có một ban giám khảo riêng và vì các cuốn đề
cử không có bản tiếng Anh để đọc xét. Một giải như Man Asian là cái cần
vươn tới trước nhất của văn học Việt Nam, trước khi mơ tới một giải cao
sang như giải Nobel. Vì sao các tác phẩm văn chương Việt Nam trong nước
chưa có mặt dự xét ở giải này: Vì chưa có các bản dịch tiếng Anh, hay vì
giới văn học trong nước chưa quan tâm tới giải hoặc chưa dám mong dự
giải? Dù gì đi nữa, nghe tin giải này lọt vào tay các nhà văn nước khác,
các nhà văn Việt Nam mà biết tự ái chạnh lòng thì may ra còn hy vọng
cho văn chương Việt.
Thứ Ba, 9 tháng 4, 2013
Không chỉ là chuyện văn chương
Nhưng đó không chỉ là chuyện văn học đơn thuần. Viết cái
gì, viết thế nào và làm thế nào văn chương Việt ra được thế giới - đó
luôn là những vấn đề lâu dài và căn cốt để những người yêu mến và quan
tâm văn chương Việt nghĩ suy và hành động.
PHẠM XUÂN NGUYÊN
0 nhận xét :
Đăng nhận xét