Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

Nghệ sĩ cải lương: Tuổi "xế chiều" và muôn nẻo mưu sinh

Muốn tìm nhiều nghệ sĩ nổi tiếng một thời ở các đoàn cải lương Chuông Vàng (Sóc Trăng), Cao Văn Lầu (Bạc Liêu), Hương Tràm (Cà Mau), bây giờ phải vô các quán nhậu. Còn tìm nghệ nhân đờn ca tài tử từng rộn ràng sân khấu hội thi một thời, lại loanh quanh đám cưới trong ấp.
Mở quán
Con hẻm bên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa ở khóm 4, phường 7 (Tp Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) có các quán cải lương của nghệ sĩ Đoàn Cải lương Chuông Vàng (Sóc Trăng). Đó là quán Nghệ sĩ Linh Tuấn - Thanh Kim Hiền của vợ chồng nghệ sĩ Linh Tuấn - Thanh Kim Hiền; quán Ca cổ 9999 của vợ chồng nghệ sĩ Vương Tuấn - Kiều Loan. Các nghệ sĩ của Đoàn Cải lương Cao Văn Lầu (Bạc Liêu) mở một loạt quán ca cổ: Công Tràng, Ngân Trinh - Mạnh Tường, Lệ Mỹ, Hoài Cổ…trải dài theo con đường từ trung tâm Tp Bạc Liêu đến Cầu Xáng. Còn con đường Nguyễn Du ở phường 5 (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) có lúc được người dân gọi là Đường "Quán nghệ sĩ", vì có loạt quán nhậu của nghệ sĩ Đoàn Cải lương Hương Tràm.
NSƯT Minh Sang của Đoàn Cải lương Hương Tràm mở quán Minh Sang trên đường Nguyễn Du. Nghệ sĩ Minh Sang kể: "Người dân Đồng bằng sông Cửu Long ai cũng biết đờn ca vọng cổ, không hay cũng đủ làm thương hiệu cho dân vùng sông nước. Các đoàn cải lương chuyên nghiệp lần lượt giải tán hoặc hoạt động lay lắt, nghệ sĩ tự cứu mình bằng mở quán. Nhưng quán nhậu nhờ danh tiếng, nhờ ủng hộ không thể bền lâu, ế lắm, có ngày chỉ được vài bàn khách, lời lãi không đủ chi phí".
Nghệ sĩ cải lương Minh Cảnh thời hoàng kim là thần tượng trong giới mến mộ. Thế rồi quán ca cổ Minh Cảnh khá sang trọng mọc lên ở phường 8 (Tp Cà Mau) với chương trình rôm rả: "Cùng hát với nghệ sĩ Minh Cảnh". Được thời gian, quán ế, tiền vay bạc hỏi mở quán không trả được, nghệ sĩ Minh Cảnh bị chủ nợ truy tìm không khác thời săn tìm thần tượng; chỉ khác hồi nào Minh Cảnh rạng rỡ phấn son còn sau này buồn rười rượi.
Nghệ sĩ Chính Quý với cây đàn do ông tự chế dùng trong đám ma.
Nghệ sĩ Minh Sang cho biết: "Minh Cảnh được một người bạn bên Mỹ mời sang, bao trọn gói, để hát trừ nợ. Nhưng hát không nhiều người nghe nên mắc kẹt, không biết làm sao có tiền về nước".
Nữ nghệ sĩ cải lương mở quán nhậu là trở thành "nghệ sĩ năn nỉ". Vì khách nhậu đa số ngà ngà mới đi tăng hai, vào quán nghệ sĩ mượn lời ca, tiếng đàn cho hả bớt hơi men. Vui cười lả lơi trong men thì tay chân cũng ngọ nguậy chẳng ai lường được. Vợ nghệ sĩ Minh Sang tâm sự: "Khách đứng đắn, các em phục vụ vui lắm. Còn gặp các ông say rượu thì thôi khỏi nói. Mở quán nhậu mà mất trật tự thì có ai dám vô. Tôi không nhớ phải bao nhiều lần năn nỉ mấy ông vào quán ca cổ mà câu cổ nhiều hơn".
Nghệ sĩ Hồng Chi sinh ra ở Cà Mau, nổi danh với bài ca vọng cổ: "Minh Hải dịu dàng tươi sắc nắng" của soạn giả Trần Nam Dân. Giọng ca còn lưu luyến nhiều người nên cũng khá nhiều người tìm đến. Hồng Chi tâm sự: "Ca hát ở quán tủi thân lắm. Ngày nào lộng lẫy, kiêu sa trên sân khấu, nay bưng rượu bia, thức ăn cho khách, nhưng lỡ không hài lòng, bị mắng, chỉ biết cách năn nỉ".
Hát đám ma
"Có người nói vui rằng, nghề vợ chồng tôi đang làm hiện nay là nghề mà thiên hạ chết nhiều thì vợ chồng tôi sống, còn thiên hạ ít chết thì vợ chồng tôi chết" - Nghệ sĩ Chính Quý mở đầu câu chuyện. Tên ông là Lê Thanh Quý, 64 tuổi, ngụ khu vực 8, phường Hiệp Thành (Thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang). Ông sinh ra trong gia đình có truyền thống văn nghệ ở tỉnh Khánh Hòa, lên 9 tuổi bắt đầu theo nghiệp ca hát của cha mẹ và đeo đuổi cho đến nay. Ông kể: "Đời ông nội tôi  mê ca hát, đến đời cha tôi cũng mê. Lúc nhỏ, tôi nghe cha hát xướng mà học được đủ bài vở. Bây giờ, đến đời con tôi là Lê Thị Thanh Tâm và Lê Thanh Nhân cũng mê".
Gia đình ông Chính Quý hát đám ma từ năm 2000, cả vợ chồng và hai con. Ông cho biết, mỗi đám ma, phục vụ một ngày đêm là 1,5 triệu đồng. Thấy nhà nào nghèo ông cúng lại 500 ngàn. Có khi mời thầy chùa đến tụng kinh thì trả thù lao cho họ. Vợ ông, bà Đỗ Thị Tuyến kể: "Có khi người ta kêu hai ba đám cùng lúc, làm không xuể, trong khi tôi và chồng tuổi già, sức khỏe lại yếu. Có khi hai ba tháng trời không ai kêu… thu nhập rất bấp bênh". Nghệ sĩ Chính Quý tiếp lời: "Tôi nghĩ lại tuổi trẻ một thời mình nổi danh trên sân khấu, làm ông hoàng, giờ già thì đi phục vụ tang lễ. Người sống và người chết đều cần có ca nhạc phục vụ, chúng tôi thương người mà sống và cũng nhờ bà con thương nên còn sống được".
Chạy xe ôm, vô rừng
Ông Phạm Thanh Hùng, 50 tuổi, ở xã Long Thạnh (Phụng Hiệp, Hậu Giang), nối nghiệp cha đam mê tài tử lúc 13 tuổi. Đến 15 tuổi, ông tham gia đội văn nghệ địa phương, lưu diễn khắp nơi. "Lúc đó đường sá lầy lội, phải đi ghe chèo, tới nơi, bà con đón tiếp rất nồng hậu, cổ vũ nhiệt tình, trong lòng hưng phấn, hát không biết mệt. Nhiều chuyến đi cả tháng mới về. Hát xong, bà con cho cá, rượu lai rai đến sáng" - Ông Hùng nhớ lại. Năm 1983, ông tham gia hội thi "Tiếng hát thông tin lưu động toàn quốc" tại Cần Thơ, đoạt giải xuất sắc đơn ca.
Quán Nghệ sĩ Linh Tuấn - Thanh Kim Hiền của vợ chồng nghệ sĩ Linh Tuấn - Thanh Kim Hiền.
Năm 1985, ông đi bộ đội, làm Đội trưởng Văn nghệ tỉnh đội Hậu Giang. Bốn năm sau, ông xuất ngũ về công tác ở Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phụng Hiệp, lấy biên đạo múa Phạm Thúy Hằng, cùng quê, sinh được hai con là Phạm Thanh Nhã và Phạm Ngọc Duyên đều mê tài tử. Cuộc sống gia đình ông nghèo, hàng ngày, ông chạy xe ôm hoặc phụ vợ bán cà phê. "Những lúc buồn, rời xe ôm, tôi ôm đàn ghita hát vài bài cho đỡ ghiền", ông Hùng tâm sự.
Còn NSƯT Minh Sang ở cái tuổi 67, không còn hát được, cũng ít người mời đóng phim, nên ông lấy điền dã làm vui. Ông giao quán nhậu Minh Sang cho vợ quán xuyến, vào rừng trồng tràm, nuôi cá đồng ở U Minh hạ. Tìm ông trong rừng tràm ở ấp 16, xã Khánh Thuận (U Minh, Cà Mau), ông khoe là theo cải lương từ lúc 14 tuổi, được thương mến nên Lâm ngư trường Sông Trẹm giao mấy chục hécta để trồng rừng, nuôi cá. Ngồi trong căn chòi, ông dõi mắt nhìn xa: "Tôi chỉ còn chút này, quán ca cổ đang kiếm người bán vì con cái đứa trốn nợ, đứa vỡ hụi, đứa làm ngày nào ăn ngày nấy. Căn nhà mở quán đang kêu người bán, càng sớm càng tốt vì nợ mẹ đẻ nợ con".
Và trẻ cưu mang già
Nghệ sĩ Linh Tuấn - Thanh Kim Hiền (Sóc Trăng) mở quán ca cổ, trả công giúp việc nhà cho vợ của nghệ sĩ Lý Minh mỗi tháng 500.000 đồng nhưng thực ra, bao chuyện ăn uống cho vợ chồng nghệ sĩ già. Hai buổi sáng chiều, bà Nguyễn Thị Nguyệt đi làm về, mang theo tô cơm, ít thức ăn cho chồng. Ông Lý Minh kể: "Nghề nghệ sĩ bạc bẽo, chỉ biết hát ca, khi hết thời chẳng biết làm gì. Nhiều lúc, ăn miếng cơm vợ mang về hơi buồn nhưng cũng vui vì thấy cái tình nghĩa vợ chồng, đồng nghiệp còn ấm áp".
Vợ chồng nghệ sĩ Linh Tuấn - Thanh Kim Hiền cùng hơn chục cô ca sĩ cải lương gọi vợ chồng nghệ sĩ Lý Minh là ba má. Bà không hề buồn trách cuộc sống bần hàn hiện tại. Bà kể: "Xóm này ai cũng tốt, thấy vợ chồng tôi đi đường, cho quá giang xe đỡ tốn tiền. Lại may nhờ trời cho sức khỏe, phụ giúp vợ chồng Linh Tuấn để kiếm sống. Chỉ lo sắp tới mùa mưa rồi, làm sao lợp lại mái nhà cho đỡ dột, mỗi khi mưa xuống, vợ chồng già không còn phải ngồi nhìn nhau chờ mưa tạnh, khổ lắm". Nói rồi bà cười nhẹ nhàng dưới mái thiếc cũ sét, lốm đốm trời xanh

  Sáu Nghệ

0 nhận xét :