Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

Về "lời tựa" của một tập thơ

Yêu bạn, yêu thơ bạn mà viết lời tựa, viết lời giới thiệu, là việc đáng làm. Nhưng nếu không đúng mực, thiếu thận trọng thì theo như các cụ ta đã nói: "Thương nhau như thế bằng mười hại nhau"!
"Con sông Mịch La được người đời biết đến nhiều hơn từ khi Khuất Nguyên say rượu, ôm cả bình rượu nhảy xuống với bóng trăng. Như vậy là Khuất Nguyên đã làm cho con sông Mịch La trường tồn trong lòng người. Sông Đông, một con sông không lớn ở nước Nga trở thành con sông vĩ đại với "Sông Đông êm đềm" của Sholokhov hay cái xứ Măng-sơ đẩu đâu ở tận Tây Ban Nha trở thành nổi tiếng với anh chàng Donkisot là nhờ có Sexvantet"... "Cái nôi làm nên thơ Mai Hồng Niên là một vùng quê đặc biệt. Cái miền biên viễn, phên giậu của đất nước xa xôi thuở Lý - Trần ấy, là nơi cuối đất cùng trời của các vương triều trong lịch sử, nơi cần những người khai sơn lập địa ra trấn giữ...".
Đó là những dòng đầu "Lời tựa" tập thơ "Quê mình xứ Nghệ" (tác giả: Mai Hồng Niên), của Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Đình Cúc! Tập thơ do Nhà xuất bản Hội Nhà văn cho xuất bản đầu năm 2013 vừa rồi!
Thưa PGS - TS Lê Đình Cúc! Chỉ cần giở "Từ điển bách khoa tri thức học sinh" (NXB Văn hóa - Thông tin, 2001) mà không cần một luận văn tiến sĩ nào, các cô cậu học trò ở nước ta đã biết:
1. Khuất Nguyên, mà năm 1953 đã được công nhận là Danh nhân văn hoá nhân loại, "tác giả Sở từ, trong đó có Ly tao, một trường ca đầu tiên trong lịch sử thi ca Trung Hoa... Các nhà nghiên cứu văn học thường xếp Ly tao ngang hàng với Kinh Thi".
Ông là quan đại phu, là hiền thần nước Sở thời Chiến quốc (403-221 trước công nguyên). Vua Sở lúc ấy là Sở Hoài Vương nghe lời con là Công tử Tử Lan mà không nghe Khuất Nguyên, nhất định vào Tần để ký minh ước. Đúng như Khuất Nguyên đã báo trước, trong cuộc hội kiến, Tần Vương đòi Sở Hoài Vương phải cắt đất Kiềm Trung cho Tần. Sở Hoài Vương không chịu nên bị vua Tần giam lỏng ở Hàm Dương và đòi nước Sở phải đem đất đai đến chuộc mới tha.
Nước Sở không nghe, lập Thái tử của mình lên ngôi, gọi là Sở Khoảnh Tương Vương, Công tử Tử Lan được cử làm Lệnh doãn.
Sở Hoài Vương bị giam cầm ở Tần hơn một năm, rất khổ sở, bỏ trốn nhưng bị quân Tần bắt lại. Ông buồn lo sinh bệnh và chết ở đất Tần.
Dân Sở vô cùng bất bình. Khuất Nguyên luôn khuyên Sở Khoảnh Tương Vương chiêu tập nhân tài, rời xa bọn tiểu nhân, thao luyện binh mã để báo thù nước và thù cha.
Thấy thế, bọn Công tử Tử Lan rất ghét Khuất Nguyên. Chúng ngày đêm gièm pha Khuất Nguyên với Sở Khoảnh Tương Vương. Sở Khoảnh Tương Vương cách chức Khuất Nguyên và đày ông xuống miền Nam nước Sở, vùng Tương Nam. Chính trong thời gian này, Khuất Nguyên đã viết nên "Ly tao".
Rồi quá đau đớn, năm 278 trước Công nguyên, vào ngày mồng 5 tháng 5, ông ôm đá, nhảy xuống sông Mịch La mà tự vẫn.
Dân ven sông thương tiếc Khuất Nguyên, từ đó, cứ mồng 5 tháng 5 hằng năm, tức là vào ngày tết Đoan Ngọ, họ lại tế Khuất Nguyên, lúc đầu là rắc cơm, sau là thả bánh trôi; lúc đầu dùng thuyền câu, sau dùng thuyền rồng. Họ còn buộc chỉ ngũ sắc vào bánh tế để thuồng luồng không ăn mất.  
2. Lý Bạch (701-762), thi hào Trung Hoa, sống ở thời nhà Đường (618-907), "được suy tôn là nhà thơ đứng đầu các nhà thơ Trung Hoa mọi thời đại". Ông không những có tài thơ, lại có chí kinh bang tế thế. Tháng 4 năm 762, Đường Đại Tông lên ngôi, có ý vời Lý Bạch ra làm quan. Nhưng tháng 11 năm ấy, Lý Bạch bị bệnh mà mất, thọ 62 tuổi.
Về cái chết của Lý Bạch, còn có một truyền thuyết khác: Lúc ấy, Lý Bạch đang tá túc tại nhà một người họ hàng là Lý Dương Băng, huyện lệnh huyện Đang Đồ, tỉnh An Huy. Khi đi thuyền trên sông Thái Thạch ở Đang Đồ, Lý Bạch say rượu cúi xuống bắt trăng dưới sông, do đó mà ngã xuống sông và chết đuối! Nơi này, nay có một cái đài gọi là Tróc Nguyệt đài (Đài bắt trăng), do dân chúng ở đó xây để tưởng nhớ Lý Bạch. Sau khi Lý Bạch mất, Lý Dương Băng thu thập thơ ông, thấy rằng trong số 20.000 bài Lý Bạch làm lúc sinh thời, chỉ còn được 1/10! Phần lớn thơ ông làm trong gần 10 năm loạn An Lộc Sơn đã bị thất tán hết. Mãi đến năm 1080, người ta mới in thi tập của ông, tất cả còn có 1.800 bài!
Thế là, PGS.TS Lê Đình Cúc đã lấy "râu ông nọ cắm cằm bà kia", biến Khuất Nguyên thành ra Lý Bạch, làm sông Thái Thạch thành ra sông Mịch La! "Tài" đến thế là cùng!
3. Lại nữa, ai cũng biết Cervantes Saavedra Miguel là nhà văn cổ điển lớn nhất Tây Ban Nha. Ông là tác giả cuốn tiểu thuyết vĩ đại "Don Kijote - nhà quý tộc tài ba xứ Mancha". Như vậy, xứ Mancha chính là quê hương của Don Kijote. Nhưng mặc kệ, PGS.TS Lê Đình Cúc điềm nhiên viết: "Cái xứ Măng-sơ đẩu đâu ở tận Tây Ban Nha trở nên nổi tiếng với anh chàng Donkisot là nhờ có Sexvantet". Trong khi đó, Măng-sơ lại là cái eo biển phân cách nước Anh và nước Pháp!
4. Chưa hết, đến thời Trần, nước ta mới dài đến Nghệ - Tĩnh thật, nhưng viết rằng, đấy là "nơi cuối đất cùng trời của các vương triều trong lịch sử" thì  không đúng nữa! Vì sau Trần là Lê, sau Lê là Tây Sơn và Nguyễn, Nghệ - Tĩnh sao lại có thể là "nơi cuối đất cùng trời của các vương triều trong lịch sử" được? Cả cái nửa câu: "Cái miền biên viễn, phên giậu của đất nước xa xôi thuở Lý - Trần ấy", cũng nên viết lại là: "Cái miền biên viễn, phên giậu của đất nước thuở Lý - Trần xa xôi ấy" mới đúng. Vì, đất nước là đất nước mình, sao tự nhiên lại thành ra "đất nước xa xôi" được? Nó chỉ xa về thời gian thôi chứ?
Yêu bạn, yêu thơ bạn mà viết lời tựa, viết lời giới thiệu, là việc đáng làm. Nhưng nếu không đúng mực, thiếu thận trọng thì theo như các cụ ta đã nói: "Thương nhau như thế bằng mười hại nhau"!
Cũng đáng trách, là cả tác giả Mai Hồng Niên và Nhà xuất bản Hội Nhà văn đều đã bỏ qua những lỗi vừa nói!
Song Quế

0 nhận xét :