Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013

Nhà văn Nguyễn Quang Lập: Tôi vẽ bạn văn theo góc riêng của tôi

Nhà văn Nguyễn Quang Lập

"Bạn văn" của nhà văn Nguyễn Quang Lập là cuốn sách được nhiều người tìm đọc trong thời gian gần đây. Với lối viết hí họa, hài hước, trào lộng, mặc dù hấp dẫn song cuốn sách của Nguyễn Quang Lập chưa hẳn đã "thuận mắt" với những bạn đọc vốn thích đọc văn chương một cách... nghiêm trang...
Trong cuốn sách, bạn đọc được gặp gỡ nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới văn nghệ - những người lắm tài mà cũng nhiều tật, ở những tình huống tréo ngoe lắm khi cười chảy nước mắt. Với lợi thế có mối quan hệ rộng rãi và khả năng quan sát, ghi chép sắc bén của mình, qua "Bạn văn", Nguyễn Quang Lập đã giới thiệu với độc giả một không gian văn nghệ sôi động suốt mấy chục năm qua. Hài hước mà vẫn gây xúc động.
- Thưa nhà văn Nguyễn Quang Lập, khi viết chân dung các nhân vật văn nghệ trên trang mạng cá nhân của mình, anh đã nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc. Nhưng dường như chưa thỏa mãn hay sao mà "bọ Lập" vẫn quyết chí in lại thành sách nữa vậy?
+ Phải nói là in sách có cái thú riêng của nó. Nhiều bạn đọc không biết hoặc không có điều kiện vào mạng, tôi in sách để phục vụ đối tượng này. Khi sách in ra, nhà thơ Văn Công Hùng có nói với tôi đại ý rằng, ngay cả những người đã đọc "Bạn văn" trên mạng rồi, giờ cầm sách đọc vẫn thấy thú vị. Hơn nữa in sách lại có tiền, tại sao không in nhỉ?
- Bạn văn gây xôn xao dư luận từ thế giới ảo (mạng internet) đến thế giới thật, vì cái chất hài hài, trào lộng, vì giọng văn pha chế phương ngữ rất giỏi của anh…Nhưng phải nói thật rằng, ở một số chân dung, anh đã "góp phần" làm đổ thần tượng của rất nhiều độc giả. Anh có ý kiến gì về điều này không?
+ Như đã nói nhiều lần, chân dung "Bạn văn" của tôi được viết theo lối hí họa. Tôi "vẽ" các bạn văn theo góc riêng của tôi, bằng cái nhìn hài hước và thân thiện, thậm chí bỗ bã. Những ai không quen đọc lối viết chân dung này có thể sẽ "sốc", thậm chí là thất vọng. Nhưng nếu họ đọc kĩ họ sẽ hiểu tôi viết chân dung chứ không làm tụng ca.
- Tôi đọc bạn văn và trộm nghĩ, viết chân dung kiểu "bọ Lập" rất dễ bị bạn văn phản ứng, vì không ít chuyện xem chừng tế nhị ít khi được người làm văn chương nghệ thuật nhắc tới thì anh cứ "lôi ra" thẳng thừng không né tránh. Trên thực tế thì anh đã vấp phải sự phản ứng nào từ các nhân vật mà mình viết chưa?
+ Chuyện này thì có đấy. Có hai trường hợp. Một là liên quan đến nhà văn Xuân Đức. Anh ấy đòi kiện tôi khi đọc bài tôi viết. Thực ra tôi đâu có viết về anh ấy. Đó là chân dung phiếm chỉ mà. Nhưng thú thật là tôi có mượn một vài chi tiết về anh ấy làm cho anh ấy nổi giận. Tôi đã xin lỗi Xuân Đức rồi. Người thứ hai là nhà văn Tô Nhuận Vĩ. Anh ấy cũng giận tôi khi tôi viết về vài chuyện thời trẻ của anh. Tôi cũng đã xin lỗi anh Vĩ rồi. Sau hai chuyện đó tôi có rút kinh nghiệm nhiều, vì thế những chân dung tôi "vẽ" sau đó không còn bị ai phản ứng nữa.
Bìa cuốn "Bạn văn" của Nguyễn Quang Lập.
- Xưa nay người ta quen nghĩ viết chân dung phải đẹp, phải trịnh trọng, đàng hoàng. Còn quan niệm của anh, một chân dung hay phải được viết như thế nào?
+ Thật và thật và thật - đó là quan niệm của tôi khi viết chân dung một ai đó. Tất nhiên không phải cái thật của sự bêu xấu, mà là cái thật của con người, về con người… Tôi rất ghét mọi sự thánh hóa.
- Có khi nào vì "ỷ lại" mối thân tình giữa mình và một người bạn nào đó mà anh cho phép mình viết "hơi quá" về người ta một chút cho hấp dẫn độc giả hay không, ví dụ anh viết về cái sự "lười tắm" của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo chẳng hạn?
+ Cái này tôi thừa nhận là có. Khi viết về những người bạn thân thiết, tôi đùa vui mạnh bạo hơn, vì tôi biết, họ sẽ không bao giờ giận tôi. Họ hiểu tôi viết để làm gì. Sự đùa vui đưa đến hiệu quả nào họ cũng đều hiểu cả. Thành thử tôi rất yên tâm.
- Đọc bạn văn, ngoài chuyện văn chương ra còn thấy anh là một người có rất nhiều bạn bè và được nhiều bạn bè trong giới văn nghệ quý mến. Hỏi một câu hơi "nghiêm trọng" là theo anh, tình bạn trong văn chương có ý nghĩa như thế nào đối với người cầm bút?
+ Câu này thì đúng là quan trọng đấy. Tình bạn trong văn chương không những quan trọng mà còn rất quan trọng. Nhà văn khó có thể thành công nếu không có bạn. Có lẽ không lĩnh vực nào mà tình bạn ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp mỗi cá  nhân như nghề văn. Tôi nghĩ phải viết một cuốn sách về vấn đề này, vấn đề tâm lý sáng tác và tâm lý tiếp nhận, chứ nói một đôi câu rất khó.
-  Không ít người vẫn nhìn thế giới văn chương như một nơi mơ mộng, toàn cái đẹp, còn ở "Bạn văn", anh mang tới cho họ một không gian khác, có cái Đẹp, nhưng cái xấu, cái suy đồi, cái "ngụy" văn chương nghệ thuật cũng không hiếm. Dường như anh muốn bạn đọc hiểu rằng cái thế giới văn chương nghệ thuật có khi còn phức tạp hơn cả thế giới thường ngày mà người ta vẫn gặp, vấn sống?
+ Vâng, điều này thì chính xác. Nhưng thực ra tôi không nói thì nhiều người cũng đã hiểu như vậy rồi. Những trang viết của tôi chỉ góp phần minh họa thêm cái sự hiểu của họ thôi.
- So với những trang viết in trên giấy thì những trang viết trên mạng có cho anh một niềm phấn khích nào khác không, khi anh có thể ngay lập tức nhìn thấy ý kiến phản hồi của bạn đọc? Nói khác đi thì anh thích cuộc sống văn chương trên mạng hay cuộc sống văn chương…trên giấy?
+ Đến bây giờ thì tôi đã hiểu giá trị của văn hóa mạng, nó thật tuyệt. Có lẽ tôi lớn khôn nhanh chóng cũng là nhờ văn hóa mạng. Còn văn chương trên giấy hay văn chương trên mạng thì cũng như nhau cả thôi, không có cái nào kém hơn cái nào, không có cái nào quan trọng hơn cái nào. Đơn giản vì đó là Văn. Tất nhiên ở đây ta nói về thứ văn chương đích thực, không phải thứ "ba-lăng-nhăng" ngụy văn chương. Bây giờ mà chúng ta còn phân biệt văn mạng, văn giấy thì thú thật hơi buồn cười. Chỉ những người chưa hiểu hoặc chưa gia nhập văn hóa mạng mới không coi trọng văn mạng thôi. Ngày nay 90% văn giấy đều từ văn mạng mà ra, đó là một sự thật.
Nhà văn Bảo Ninh: Nguyễn Quang Lập viết dường như rất dễ, nhưng sự dễ ấy trái ngược hoàn toàn với dễ dãi. Đố anh dễ dãi nào viết dễ được như thế. Còn những người viết khó khăn và ì ạch như tôi thì lại thường hay "làm văn" nên chỉ ước ao chứ không bao giờ đạt nổi khả năng "khẩu văn" của Nguyễn Quang Lập. Viết được như thế thật sướng, nhưng muốn sướng được như vậy phải đổi cả một đời trần ai, nào ai dám đổi?
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: Bạn văn của Nguyễn Quang Lập là cuốn sách sinh động, hấp dẫn. Lập là người thông minh và hiểu được sở thích của số đông bạn đọc hiện nay là ưa chuộng sự hài hước, hóm hỉnh, nên Lập có rất nhiều bạn đọc cả trên mạng và ngoài cuộc đời. Lối viết chân dung hí họa của Lập là một lối viết riêng, ở đó bên cạnh cái hài hước còn là nhiều phát hiện thú vị về các nhân vật trong giới văn nghệ, kể cả về cá nhân tôi. Cách viết của Lập cũng đã từng gặp phải một vài phản ứng của bạn bè văn chương và thậm chí là Lập đã có lần phải xin lỗi nhân vật của mình. Thực ra Lập viết về tôi cũng có cái quá lên, nhưng tôi thì hiểu cái sự đùa của Lập, tôi bảo em viết thế nào thì cứ thế mà đăng, anh chả có gì phiền lòng. Trong bài viết mới đây Lập còn bảo tôi sắp lấy vợ thứ 4, nhưng thực tế tôi còn chưa có vợ thứ 3 (cười). Nhưng mà phải như thế thì mới là Nguyễn Quang Lập.
Hỏi, trên trang viết Lập có phải là người tôn trọng sự thật tuyệt đối không thì tôi xin trả lời thế này: Chúng ta đừng hiểu cái sự thật văn chương là cái sự thật ngoài đời theo cách thông thường, đừng bao giờ cho phép mình hiểu như vậy. Văn chương hoàn toàn có thể viết quá sự thật ngoài đời để đạt tới một sự thật về con người, đó mới là điều quan trọng. Giống như quả lắc vậy, nó phải lắc quá đi thì mới trở về trạng thái cân bằng ban đầu được. Đọc chân dung bạn văn của Lập, theo tôi bạn đọc không nên "cả tin" quá mà dễ thất vọng về một ai đó. Cần phải hiểu những gì Lập viết trong không gian, từ trường của văn học, chứ không phải sự thật đời thường. Nghĩa là phải biết đi qua cái thật của bề ngoài để đến được cái thật bề trong của từng nhân vật. Đọc được như vậy thì sẽ thấy, Lập viết hay.


  Vũ Quỳnh Trang

0 nhận xét :