Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Hai, 6 tháng 1, 2014

Cao bồi già ở phố không còn cổ

Cách đây ít lâu, trong một lúc lạc vào cảnh giới lơ mơ của cơn triết lý (vặt), người viết bài này chợt “ngộ” được một điều: Thì ra, con người ta càng ngời ngời phẩm chất, càng lồng lộng về năng lực thì càng có ít cơ hội để lựa chọn cho mình vai diễn trong cuộc đời này. Những anh làng nhàng, cái gì cũng biết một tý, cái gì cũng có thể thò chân tham gia, thì ắt là sẽ diễn được rất nhiều vai.
Không làm quan thì làm dân, không công chức thì chạy chợ, chạy xe ôm không nổi thì nằm nhà vợ nuôi, đại loại thế. Nhưng, đã Phạm Nhật Vượng thì phải là tỷ phú, đã Ngô Bảo Châu thì phải là giáo sư toán học, đã Đàm Vĩnh Hưng thì phải là “ông hoàng nhạc Việt”, như không thể khác. Từ xa về gần, tôi nhìn anh em bạn bè quanh mình và chợt “ngộ” ra từ đó được điều thứ hai: Đã họa sỹ - nhà văn Đỗ Phấn, ắt phải là cao bồi già phố cổ.
Trong bài tản văn Cao bồi già phố cổ, nhà văn vốn quen tính nói cười rổn rảng Nguyễn Việt Hà miêu tả về một kiểu người đặc biệt của phố cổ Hà Nội hiện nay, đại loại như sau: “Tuổi gần sáu mươi hoặc ngoài bảy mươi; quần áo phẳng phiu hàng hiệu, thích đi bộ, tay cầm ba toong, mồm ngậm tẩu, đầu đội phớt dạ; biết ăn ngon và thích ăn ngon; nói năng thì kiêu bạc cay đắng đến mức tàn nhẫn; yêu tri thức nhưng vì ham chơi hơn ham học nên hoàn toàn lười ngại để trở thành trí thức”…
Mấy nét miêu tả ấy, có lẽ chỉ đúng phóc với một loại cao bồi già nào đó, ngồ ngộ hay hay kiểu cây cảnh được trồng trên phố cổ. Còn với Đỗ Phấn, phần nhiều nó bị trượt ra, chẳng ăn nhập gì. Đỗ Phấn không đi bộ. Vì đi bộ thì làm sao mà chốc đến nhà xuất bản bàn chuyện in ấn sách vở, lát nhao ra quán cá ven sông Hồng hàn huyên cùng tửu hữu, rồi còn về nhà vẽ tranh đọc sách?
Không đi bộ thì cũng chẳng cần đến cảnh vẻ ba toong mà làm gì, dẫu rằng cây gậy làm dáng ấy khá hợp với chòm râu tiên chỉ đang phất phơ dưới cằm họa sỹ. Đỗ Phấn không đội phớt dạ. Vì lâu nay ông đã cắt kiểu tóc gần như trọc, để níu kéo tuổi thơ thần tiên của mình, chụp phớt dạ lên đầu, chẳng hóa ra… công toi? Đỗ Phấn không quần áo phẳng phiu hàng hiệu.
Vì đã đủ sự lịch duyệt lọc lõi của dân cắm rễ mấy đời ở đất kẻ chợ để khỏi bận tâm đến cái thứ bề ngoài váng mỡ ấy. Thi thoảng Đỗ Phấn cũng nói năng kiêu bạc cay đắng, nhưng không đẩy đến mức tàn nhẫn. Vì dân phố lâu đời rất biết lẽ “tri chỉ, tri túc”, biết cái hay của đức nhũn nhặn, có không ưa mấy thì cũng chỉ điểm tới là thôi, không tận sức triệt hạ đối phương bằng miệng đao lưỡi kiếm. Thêm bạn bớt thù muôn đời vẫn cứ là một triết lý sống khôn ngoan.
Chỉ có điều này thì “bộ khung” cao bồi già phố cổ mà Nguyễn Việt Hà dựng lên tỏ ra khớp với Đỗ Phấn: “Ham chơi. Sinh ra trong một gia đình, nếu không muốn nói là trâm anh thế phiệt thì cũng phải nhận rằng vào loại có uy thế gia phong ở đất Hà Nội - Ông nội Đỗ Phấn là cụ Đỗ Ngọc Toại, một nhà nho thuộc thế hệ lều chõng cuối cùng, cụ từng là thầy dạy cho lớp Hán Nôm đầu tiên của Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông thân sinh Đỗ Phấn đi theo cách mạng từ hồi còn hoạt động bí mật, cựu tù Sơn La, sau làm cán bộ đến hàm Thứ trưởng ở Bộ Ngoại giao.
Các chú trong gia đình cũng không ít vị Bộ trưởng, Thứ trưởng – chỉ cần “biết nghĩ” một tí thôi, Đỗ Phấn rất có thể đã thênh thang sải bước trên đường quan. Nhưng cuộc đời con người, theo cách nói quen thuộc của dân miền Nam, “tưởng dzậy mà hổng phải dzậy”. Cái sự ham chơi, chẳng biết từ ngả nào, đã ăn vào máu Đỗ Phấn và trở thành phẩm chất trội của ông. Cái sự ham chơi  khiến cho, ngay từ đầu, ông đã lảng tránh con đường quan chức.

Cái sự ham chơi còn khiến ông không thể ngủ yên với phận công chức: Đang là giảng viên mỹ thuật ở một trường đại học lớn, ông xin nghỉ dạy, ra giữa đời làm cái anh vẽ tranh, viết văn, viết báo tự do. Tự do. Hai tiếng thiêng liêng đến nỗi vì nó mà bao máu đã đổ. Hai tiếng quyến rũ đến nỗi vì nó mà nhiều người đã trở thành kẻ “dở hơi ăn cám hấp” trong mắt của nhiều người khác, khi bỗng dưng “vào một ngày đẹp trời”, họ vứt toẹt cái ổn định tù túng để chọn lấy sự thỏa chí đầy bất trắc. Ai đó sẽ cho như thế là mất. Còn với Đỗ Phấn, chắc rằng ông sẽ tự nhận là mình được, rất nhiều”.
Thì đấy. Với việc vẽ, Đỗ Phấn là họa sỹ sống được, sống tốt bằng nghề. Huy chương trong các triển lãm mỹ thuật toàn quốc 5 năm một lần đã có vài cái màu vàng. Mở triển lãm cá nhân lần nào là bán sạch tranh trưng bày lần ấy. Bây giờ, ở cái thời buổi kinh tế suy thoái, không ít họa sỹ Việt Nam đang ngáp dài chờ khách đến hỏi mua tranh thì Đỗ Phấn vẫn là một trong những tên tuổi có thể bán được tranh đều đều.
Bán nhiều đến nỗi… xót, không muốn bán nữa, muốn giữ lại những bức tâm đắc nhất (để ngắm, trong những lúc tỉnh rượu tàn canh?). Bán được tranh, có tiền, Đỗ Phấn không lo tích trữ hay cất nhà lầu sắm xe hơi như nhiều người khác, mà ông lo chuyện đi chơi. Máu giang hồ nổi lên là đi. Đi ở trong nước đã đành, nhưng châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ ông cũng đi đủ cả. Đi cốt để nhìn ngắm cho no mắt cái đẹp của thiên nhiên và con người nơi xứ lạ, và nhất là cái đẹp nghệ thuật đang được trưng bày trong các bảo tàng danh tiếng trên thế giới.
Với việc viết, Đỗ Phấn là tác giả của hàng nghìn bài báo rải khắp trong Nam ngoài Bắc, của mười ba cuốn tản văn, truyện ngắn, tiểu thuyết đã xuất bản tính cho đến thời điểm này, ấy là chưa kể đến vài bản thảo nữa đang nằm trên bàn biên tập của vài nhà xuất bản có uy tín. Viết được như thế, chỉ xét về lượng thôi, có lẽ nhiều văn gia chính danh hội viên Hội Nhà văn trung ương cũng phải ghen tị.
Đáng để nói nhiều hơn nữa về cái sự chơi của Đỗ Phấn trong việc viết. Dường như, qua mười ba cuốn sách đã xuất bản, ông chỉ kể một câu chuyện: Chuyện đời mình. Kể đi kể lại, miệt mài, đầy hứng thú. (Moravia cũng vậy thôi. Văn nghiệp lẫy lừng của tác giả này được dựng lên từ việc kể đi kể lại chuyện đời mình, như chẳng còn chuyện gì nữa đáng để kể vậy). Đỗ Phấn kể, bằng một kiểu hành văn tinh tế kỹ càng đến mức trau chuốt, mà thờ ơ buông thả cũng đến mức trau chuốt.
Đó là chuyện của một dân phố lâu đời ở Hà Nội, người đã sống cùng Hà Nội trong những năm tháng bom đạn giặc giã, sống cùng Hà Nội qua những ngày dài bao cấp khốn khó mà “nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay”, và sống cùng Hà Nội ở chính cái thời này, cái thời xôi đỗ giữa cũ và mới, chắc và xổi, trật tự và nhốn nháo, nền nếp và xô bồ, tử tế và mất dạy. Chỉ thế thôi, nhưng vẫn cứ hấp dẫn. Sự hấp dẫn ấy, một phần, vì ông viết rất “cảm giác” về… sex.
Tôi có lần nói đùa rằng, đọc qua mấy tiểu thuyết của Đỗ Phấn, người đọc sẽ thiết lập được một thứ phản xạ có điều kiện: Phải đếm xem trong cuốn sách này, ông nhà văn xuất thân họa sỹ đầu trọc râu dài kia đã để cho vai nam chính của mình nồng nàn “tình tang” với bao nhiêu người đàn bà, cả chính chuyên, chưa chính chuyên và không chính chuyên? (Một bình luận kèm theo: Nếu “tiểu thuyết là sự thật ở đời”, như quan niệm của Vũ Trọng Phụng, hẳn sẽ có không ít độc giả mặt mũi nghiêm nghị phải cau mày mỗi khi bắt gặp tác giả ngoài phố. Âu cũng là nghiệp dĩ của nghề văn mà thôi).
Ngay cả ở cuốn sách “trong veo” nhất, truyện dài Dằng dặc triền sông mưa, viết về những đứa trẻ Hà Nội trong quãng thời gian phải sơ tán về các vùng quê để tránh máy bay Mỹ ném bom phá hoại, Đỗ Phấn vẫn cứ chơi với thói quen của mình, như một quán tính. Ví dụ: Từ nhân vật cậu bé An trong truyện, ông kể về một chị hàng xóm cứ hễ đi tắm là lại hát vang bài Trước ngày hội bắn, mặc kệ hàng xóm đang sốt ruột đợi đến lượt mình sử dụng nhà tắm công cộng. Và bình luận: “Cậu chẳng hiểu lắm về bài hát. Vì sao chị Huyền lần nào tắm cũng phải “bắn vào điểm đen..” thì lại càng mù tịt”. Nhân vật không hiểu, nhưng tác giả thì hẳn là quá hiểu. Điều này chắc cũng góp phần giải thích tại sao trong tranh của Đỗ Phấn lại có nhiều tồng ngồng khiêu khích đến thế?
Cụ Nguyễn Công Trứ ngày trước từng tổng kết: “Dở duyên với rượu khôn từ chén/ Đã trót cùng thơ phải chuốt lời”. Ấy là cụ triết lý về cái sự chơi: Chơi tức là sống, là không thể chàng màng bướm đậu nhành hoa, mà phải kỹ lưỡng đến tận ngọn nguồn lạch sông và phải bằng toàn bộ sự thích thú của mình. Cái sự chơi của Đỗ Phấn áng chừng cũng là như thế.
Ông chơi đồ cổ, những món đồ không cao giá như những món đồ mà nhiều vị hầu bao ních đang sở hữu, nhưng chúng luôn độc đáo, tinh tế, có cái vẻ khác lạ mà dân nhà nghề thảy đều trầm trồ khi được thực mục sở thị. Ông thích rượu, và đã cất công mày mò đi thử rượu, đi học về rượu để đến giờ có tới ba, bốn trăm trang chép tay khổ A4 chứa đủ thứ kiến thức phong phú về đủ thứ rượu vang ở khắp nơi.
Người chơi như thế, ắt không phải, không thể là người sống khép mình. Đỗ Phấn quảng giao, đã hẳn. Nhưng đáng nói là đối với đám đàn em thậm chí chỉ đáng tuổi con cháu, nếu đã coi là bằng hữu tri giao, ông chẳng bao giờ cậy vào chòm râu dài và sự bầm dập tuổi tác để lên mặt cha chú mà xoa đầu dạy dỗ bảo ban. Một điều “tôi” hai điều “ông”, hệt cách xưng hô của các nhà văn nhà báo hồi mấy tờ Thanh Nghị, Tri Tân, Phong Hóa… còn tại thế.
Nếu hôm nào đó “ông” vô sự đến nỗi chợt thấy cuộc đời này chẳng có gì đáng gọi là hay ho, “ông” có thể đến nhà “tôi” cùng vặn cổ một chai rượu ngon, cùng rì rầm đủ mọi chuyện trên giời dưới bể. Chai rượu cứ vơi đi và gạt tàn thuốc lá cứ đầy lên. Vẫn rì rầm. Lại một chai nữa. Vẫn rì rầm. Để đến lúc “ông” ngắc ngoải chào tôi đứng dậy ra về, thì cũng là lúc, giữa rừng người rừng xe của đường phố Hà Nội, “ông” bỗng thấy như chỉ còn mỗi mình mình đang bồng bềnh xa giá hồi loan.
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Dăm ba lần chuyển nhà, nhưng tựu chung vẫn loanh quanh mấy khu phố cổ phố cũ. Vẽ gì viết gì thì cũng là lấy cái trải nghiệm Hà Nội của mình ra làm nguyên liệu. Đỗ Phấn quả đúng là đứa con dứt ruột của Hà Nội, là cao bồi già phố cổ. Nơi ông ở bây giờ, từ đầu phố đến cuối phố ken kịt những hàng cà phê, hàng ăn, hàng cắt tóc gội đầu, hàng quần áo, hàng sửa xe. Với cả trăm thứ biển hiệu sặc sỡ xanh đỏ. Không phải phố cổ. Thành phố nở ra mỗi ngày, người ở đâu cứ ùa về Hà Nội, hùng hục quần quật kiếm cách sinh nhai, mới thành ra thế. Vậy, nên gọi Đỗ Phấn là cao bồi già ở phố không còn cổ?

  Hoài Nam

0 nhận xét :