3. Những nội dung cơ bản trong quan niệm về đạo làm người
Một trong những vấn đề được các nhà tư tưởng Việt Nam
trong lịch sử đặc biệt quan tâm là "đạo" (có khi gọi là "đạo
trời", "đạo người"). Họ phải quan tâm đến "đạo" bởi nó
là cơ sở tư tưởng để hành động chính trị, để đối nhân xử thế. Trong ba đạo
truyền thống: Nho, Phật, Lão - Trang, thì sau thời kỳ Lý - Trần, người ta hướng
về đạo Nho trước hết.
Nho giáo với các nguyên lý chính trị và đạo đức của nó
đáp ứng đước các yêu cầu đương thời. Lý thuyết "Tam Cương", "Ngũ
thường" của nó tạo cho xã hội một ý thức trật tự, kỷ cương phù hợp với chế
độ phong kiến. Con đường danh lợi của Nho giáo được rộng mở: học mà giỏi thì đi
thi, thi đậu thì làm quan (học nhi ưu tắc sĩ), làm quan là để phò vua đến chỗ
thịnh trị như Nghiêu Thuấn và đem lại ơn huệ cho dân (trí quân trạch dân) hợp
với lòng mong mỏi của bao người thanh niên có học thức; có chí khí. Những
nguyên tắc xử thế uyển chuyển của nó như dùng thì làm, bỏ thì ẩn (dụng chi tắc
hành, xã chi tắc tàng) đã chỉ ra con đường thoát khi thất thế, làm yên tâm
nhiều người trên bước đường hoạn lộ. Do đó, kẻ sĩ đều chọn con đường của đạo
Nho và luôn đề cao đạo làm người của Nho.
Cũng đều là lựa chọn đạo Nho nhưng ở mỗi người một khác.
Các nguyên lý thì có sẵn trong các tác phẩm kinh điển nhưng họ có sự lựa chọn
khác nhau và giải thích khác nhau. Các nhà yêu nước và nhân đạo chủ nghĩa như
Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ngô Thì Nhậm... thì thường phát huy những khái
niệm nào đó của nhà Nho có sức diễn đạt được nội dung yêu nước, yêu dân, yêu
con người và tin ở năng lực con người. Các nhà Nho khác thì chỉ chú trọng các
khái niệm, các nguyên lý nói lên tính chất tôn ti trật tự và đẳng cấp khắc
nghiệt trong Nho giáo. Do vậy, cũng đều là nhà Nho nhưng giữa họ có những lập
trường triết học và chính trị khác nhau, thậm chí đối lập nhau.
Quá trình lập thân, các nhà tư tưởng Nho học đều khẳng
định đạo Nho, đều lấy đạo Nho làm lý
tưởng sống của mình. Nhưng cuộc sống khiến họ không thể kiên trì một mình đạo
Nho. Bởi lẽ khi bước ra khỏi lĩnh vực chính trị, khi phải giải quyết các vấn đề
sống - chết, may - rủi, phúc - hoạ, thường - biến, những vấn đề gắn với cuộc
sống đời thường của mỗi người thì đạo Nho không đáp ứng được. Ở đây Phật giáo
lại có sức hấp dẫn. Người ta tìm đến đạo Phật, lấy Phật giáo làm chỗ dựa tinh
thần. và khi thất thế trên đường danh lợi, họ lại tìm đến đạo Lão - Trang để có
niềm an ủi và để được tự do, tự tại. Thế giới quan Nho - Phật - Lão thường là
thế giới quan chung của họ. Vì vậy, trong quan niệm về đạo, ngoài đạo Nho ra, còn
bao hàm cả Phật và Lão - Trang.
Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta "Đạo" được
xem như quốc hồn, quốc tuý, được biến thành biểu tượng của truyền thống yêu
nước, thương nòi. Yêu "đạo" được xem là yêu nước, vì đạo mà chiến
đấu, mà hy sinh. Đã có biết bao tấm gương tử vì đạo, tức là hy sinh để bảo vệ
độc lập cho đất nước. Nhưng vì "đạo" đó là thế giới quan cũ, không
giúp hiểu được xu thế của thời đại, không hiểu rõ được kẻ thù của dân tộc,
không chỉ ra được con đường hữu hiệu để cứu nước, vì vậy, lúc bấy giờ yêu
"đạo" bao nhiêu thì càng ngậm ngùi bấy nhiêu. Vấn đề đặt ra cho thời
kỳ này là phải có một "đạo" khác ngang tầm với thời đại. Đó là một
trong những điều kiện để chủ nghĩa Mác - Lênin du nhập vào Việt Nam – trở thành
cơ sở lý luận cách mạng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Tóm lại, những thành tựu đạt được về lịch sử tư tưởng triết học
của dân tộc là công lao của các nhà lãnh đạo đất nước, của các nhà lý luận
trong lịch sử. Họ đã vượt qua bao nhiêu khó khăn và hạn chế của thời đại và của
bản thân để xây dựng nên lý luận sắc bén cho đất nước mình, nhất là trong lĩnh
vực đấu tranh cho độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia. Nhưng khách quan mà
nói, lý luận đó còn có nhiều hạn chế. Nó không chú trọng vấn đề nhận thức luận
và phương pháp tư duy là những vấn đề quan trọng của triết học. Nó không dám
trái với kinh điển của thánh hiền, không biết lấy việc xây dựng lý luận cho
mình làm mục tiêu phấn đấu; vì thế, đã không tạo ra được những nhà triết học và
những trường phái triệt học riêng biệt.
Ngày nay, trên cơ sở triết học Mác- Lênin – một triết học
khoa học và cách mạng của loài người, nhờ đó mà chúng ta thấu đáo nhiều vấn đề
thực tiễn của đất nước đã được nhận thức trên bình diện lý luận, và lịch sử tư
tưởng triết học của dân tộc Việt Nam đã có điều kiện chuyển sang một bước ngoặt
mới – thời kỳ đổi mới đất nước vì mục tiêu dân giàu, xã hội công bằng, dân chủ
và văn minh.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét