Họa
sĩ Tô Ngọc Vân (1908 - 1954) thuộc lớp sinh viên đầu tiên của Trường
Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (khóa 1926 - 1931) và thuộc nhóm liệt sĩ
cuối cùng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp (sau chiến thắng Điện
Biên Phủ 40 ngày và trước ngày ký hiệp định Geneve chỉ hơn một tháng).
Tài năng của Tô Ngọc Vân được đánh giá cao ngay từ thời thuộc Pháp, mà
ví dụ tiêu biểu là việc ông đoạt Huy chương Vàng ở triển lãm thuộc địa
Paris năm 1931. Sau Cách mạng Tháng Tám, uy tín của ông càng lên cao với
việc ông được chính thể mới tin tưởng giao nhiệm vụ làm Hiệu trưởng đầu
tiên của Trường Mỹ thuật Việt Nam. Đến nay, họa sĩ, liệt sĩ Tô Ngọc Vân
đã được Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất và Giải thưởng
Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Nhân 70 năm ngày ra đời kiệt tác "Thiếu nữ bên hoa huệ" của Tô Ngọc Vân, xin kể lại một số mẩu chuyện xoay quanh quá trình họa sĩ thực hiện bức tranh nói trên cũng như số phận long đong lận đận của nó từ bấy tới nay... Nếu ai có dịp đi qua các cửa hàng tranh trên phố Nguyễn Thái Học (Hà Nội) hẳn sẽ dễ dàng nhận thấy, trong số những bức tranh chép được bày bán ở đây, có hai bức xuất hiện nhiều nhất, một đại diện cho thể loại tranh phong cảnh, một đại diện cho tranh chân dung. Đó là bức "Mùa thu vàng" của danh họa Nga Isaac Levitan và bức "Thiếu nữ bên hoa huệ" của danh họa Việt Nam Tô Ngọc Vân, người mà ngay từ những năm bốn mươi của thế kỷ trước đã được giới họa sĩ nước nhà suy tôn trong câu "Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn" (Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn).. Kiệt tác "Thiếu nữ bên hoa huệ" được Tô Ngọc Vân sáng tác vào năm 1943, khi ông đang giảng dạy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Nguyên mẫu của bức tranh là cô Sáu, người từng nhiều lần đi vào tác phẩm của Tô Ngọc Vân, trong đó có bức "Thiếu nữ với hoa sen". Không chỉ "hợp tác" với Tô Ngọc Vân, cô Sáu còn là người mẫu cho nhiều họa sĩ nổi tiếng thời bấy giờ, như Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị... Theo những người cùng thời với họa sĩ Nguyễn Gia Trí cho biết, trong bức tranh sơn mài "Thiếu nữ bên đầm sen" của Nguyễn Gia Trí (được thực hiện vào năm 1940), trong tốp thiếu nữ xuất hiện ở trung tâm bức tranh có một thiếu nữ tay cầm quạt. Đó chính là cô Sáu. Cũng giống như lần xuất hiện ở "Thiếu nữ bên hoa huệ" hoặc "Thiếu nữ bên hoa sen", trong bức tranh này, cô Sáu tiếp tục vận bộ áo dài, cùng chúng bạn khoe thân hình thon thả giữa thiên nhiên dào dạt.
Nhân đây cũng xin nói một chút về những bông hoa được gọi là hoa huệ trong bức tranh. Không phải không có bạn yêu nghệ thuật thắc mắc rằng, tại sao bức tranh rành rành tên gọi "Thiếu nữ bên hoa huệ" song những bông hoa trong tranh lại là hoa…loa kèn. Thật ra, những bông huệ cắm trong lọ bên cô gái không phải là loại hoa huệ bông nhỏ mà ta thường dùng để cắm trên ban thờ trong các ngày rằm mà là hoa huệ tây (được gọi phổ biến dưới cái tên hoa loa kèn). Loài hoa này, đối với các tín đồ Cơ đốc giáo là biểu tượng của sự trinh trắng, đức hạnh. Theo ghi nhận của các chuyên gia thì ở kiệt tác "Thiếu nữ bên hoa huệ", với bố cục chặt chẽ, hoàn hảo, Tô Ngọc Vân đã tạo cho thị giác người xem chuyển dịch theo một vòng khép kín, khiến gương mặt thiếu nữ ghé vào bông hoa trở thành điểm nhấn nổi bật, thành trung tâm của bức tranh. Kết hợp với cách sử dụng màu điêu luyện, đặc biệt là màu trắng, Tô Ngọc Vân đã dựng lên một hình ảnh thiếu nữ mơ mộng và đài các. Tất nhiên, như người đời vẫn nói, mọi sự so sánh đều khập khiễng, song quả là, nàng "Thiếu nữ bên hoa huệ" trông thon gọn và quyến rũ hơn nàng "Thiếu nữ bên hoa sen", dù rằng cả hai nàng đều cùng một nguyên mẫu và được vẽ bởi cùng một họa sĩ. Ngay trong lần triển lãm đầu tiên tại Hà Nội, bức họa đã được nhiều người chú ý. Năm 1945, "Thiếu nữ bên hoa huệ" được trưng bày tại Nhà Khai Trí Tiến Đức (Hà Nội) cùng với tranh của Nguyễn Đỗ Cung, Lê Văn Đệ…Bác Hồ đã đến xem triển lãm này. Tại triển lãm, đã có hai người khách Nhật Bản ngỏ lời mua bức tranh, nhưng tác giả từ chối không bán. Kiệt tác "Thiếu nữ bên hoa huệ" quả là có số phận của một "hồng nhan đa truân". Theo GS-TS Tô Ngọc Thanh, trưởng nam của họa sĩ Tô Ngọc Vân kể lại thì: "Khi gia đình đi kháng chiến, bức tranh được để lại trong nhà chúng tôi ở ngõ Trại Khách, phố Khâm Thiên, nay là ngõ Thổ Quan. Đến khi hòa bình trở về Hà Nội thì nó đã trở thành sở hữu của nhà sưu tập nổi tiếng Đức Minh. Ông Đức Minh nói là ông mua lại bức tranh từ một người khác". Bốn năm sau ngày tác giả bức vẽ hy sinh, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã mượn "Thiếu nữ bên hoa huệ" từ bộ sưu tập của nhà sưu tập Đức Minh để đưa đi tham gia "Triển lãm mỹ thuật 12 nước XHCN" tổ chức tại Liên Xô, Hungary, Ba Lan, Rumani… Đây là lần đầu tiên "Thiếu nữ bên hoa huệ" được "xuất ngoại". Ngay lập tức, Tô Ngọc Vân được báo chí của những nước này ca ngợi như một hiện tượng của hội họa Việt Nam. Sau khi triển lãm kết thúc, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có nhờ họa sĩ Nguyễn Văn Thiện chép lại bức tranh và treo ở đây, nhưng không ghi chú là tranh chép. Sau năm 1990, phiên bản này mới được gỡ bỏ bởi nỗ lực chỉ treo tranh bản chính của bảo tàng. Được biết, năm 1965, nhà sưu tập Đức Minh có nhã ý nhượng toàn bộ số tranh, trong đó có "Thiếu nữ bên hoa huệ" cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chỉ với điều kiện: Lập một gian trưng bày riêng, ghi rõ xuất xứ tranh của nhà sưu tập Đức Minh tặng bảo tàng. Hẳn vì quan niệm "không dính líu với tư sản" nên Bảo tàng đã từ chối đề nghị này. Sau khi ông Đức Minh tạ thế (vào năm 1983), bộ tranh được chia cho các con ông hưởng quyền thừa kế. Có người giữ được, nhưng cũng có người đem bán. Họa sĩ Tô Ngọc Thành, con trai thứ của nhà danh họa cho biết: Khi nhận được tin về việc bức tranh nổi tiếng của bố mình sẽ được bán đấu giá, lo sợ bức tranh bị đưa ra nước ngoài, ông đã báo cho các cấp quản lý có liên quan biết, nhưng không thấy ai hồi âm (có lẽ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam không dám mua vì theo qui định lúc đó, giá cao nhất dành cho một bức tranh chỉ là 2.000 USD). Thế là kiệt tác nghệ thuật này - trước là vào tay nhà sưu tập Hà Thúc Cần (ông Cần mua lại từ gia đình ông Đức Minh với giá 15.000 USD), sau là bị ông Cần dùng kế đưa trót lọt ra nước ngoài và bán lại bức tranh cho một khách ngoại quốc, bất chấp việc Nhà nước có qui định nghiêm cấm việc này... Cũng theo ông Thành, trong cuốn "100 năm mỹ thuật đương đại Việt Nam" do gallery Đông Sơn của ông Hà Thúc Cần ấn hành tại Singapore có in ảnh bức "Thiếu nữ bên hoa huệ". Đây là bức sao chụp từ bản gốc. Còn thì tuyệt đại đa số các bức "Thiếu nữ bên hoa huệ" mà người Việt Nam ta được... chiêm ngưỡng, thưởng thức từ mấy chục năm nay (cả bức in trên logo triển lãm nhân 100 năm sinh Tô Ngọc Vân) cũng chỉ là... tranh chép, trong đó có những phiên bản không đồng nhất. Hội chứng "Thiếu nữ bên hoa huệ" giả còn khiến cho họa sĩ Tô Ngọc Thành ái ngại khi có lần, một nhà sưu tập tranh ở Hà Nội nhờ ông tới thẩm định hộ bức tranh "Thiếu nữ bên họa huệ" mà ông ta mua được ở nước ngoài với giá 200.000 USD xem thật giả tới đâu, họa sĩ Thành đã từ chối bởi ông sợ phải thêm một lần đối mặt với tranh giả, và điều quan trọng hơn: Ông sợ làm cho mọi hy vọng của nhà sưu tập tranh nói trên đổ sụp khi nói ra sự thật phũ phàng… |
||
Nguyễn Thuỵ Miên | ||
0 nhận xét :
Đăng nhận xét