Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Ba, 24 tháng 6, 2014

Nhật ký 26 vụ tự tử từ cầu Cần Thơ

4 năm, 26 vụ tự vẫn, chỉ có 8 người may mắn thoát khỏi cái chết. Trong đó có những trường hợp khi cận kề với tử thần mới hay mình thèm sống như thế nào…
Cuốn “nhật ký chết chóc"
Hoàng hôn loang loáng trên sông Hậu, cầu Cần Thơ - chiếc cầu dây văng dài nhất Đông Nam Á cũng lộng lẫy cong vút trong ráng chiều. Đẹp đẽ và thơ mộng.
“Nhưng chuyện về hàng loạt vụ tự vẫn đầy uẩn khúc trên cây cầu này đủ sức khiến lòng người chùng lại” - ông Dương Công To, đội trưởng đội dân phòng đường thủy xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, Vĩnh Long nói với chúng tôi như thế.
Ở đây, người ta gọi vị đội trưởng tuổi đã ở ngưỡng thất thập cổ lai hy này là “ông Tư Hài”. Ông Tư Hài vừa lần dở cuốn sổ ghi lại thông tin những vụ tự vẫn trên cầu Cần Thơ vừa cười bảo: “Nhật ký chết chóc đây”. Mà quả vậy, cuốn sổ lem nhem vết ố, có những trang chỉ có số thứ tự, giờ giấc phát hiện tử thi, còn tên tuổi người chết thì bỏ trống… Bởi họ là những cái xác không có ai đến nhận nhìn. Ông Tư Hài thở dài, nói nhẹ tênh mà nghe hiu hắt: “Cầu này khánh thành được 4 năm, mà tới 26 vụ tự vẫn, chỉ có 8 người được cứu thôi. Đa phần toàn chết vì tình”. 
                Như một chiều cuối tháng 4.2010, tầm chiều tà, người dân đi dạo mát trên cầu Cần Thơ hoảng loạn lao tới giữ chân một cô gái đang định trầm mình xuống sông Hậu. Người tình của cô gái, tên Sang đã chìm nghỉm dưới lòng sông cách đó mấy phút.
 Ông Tư Hài trầm ngâm lần dở quyển "nhật ký chết chóc"
Sang và cô gái là sinh viên tại đại học Tây Đô, tình cờ quen biết và yêu nhau. Nhưng hai bên gia đình kịch liệt phản đối, quá tuyệt vọng, đôi bạn trẻ bàn nhau lên cầu Cần Thơ tự vẫn. 
Nhưng rồi chỉ có Sang ra đi, cô gái may mắn giữ lại được mạng sống. Xác Sang được vớt lên bờ vào lúc 15 giờ 30’ ngày 29.4.2010. Không biết người chết đi có được thanh thản và kẻ ở dương gian liệu đến bao giờ mới nguôi ngoai…
              Ông Tư Hài tiếp tục kể về một chuyện tình buồn cũng chấm hết bằng cái chết. Người đàn ông tên Bình, ngụ ấp Hòa Phụng, Phụng Hiệp, Hậu Giang lấy vợ đã hơn 2 năm mà chưa có một mụn con. Không hiểu run rủi thế nào, Bình lại quen và yêu Hằng - cô sinh viên đại học Luật.  Tình sai trái, không lối thoát Bình hẹn Hằng lên cầu Cần Thơ. Và từ dây văng có vị trí cao nhất tính từ mặt sông, Bình đã lao xuống sông Hậu. Xác Bình đến 2 ngày sau mới trồi lên. Vợ Bình còn rất trẻ, Hằng cũng trẻ, người chết thì hết rồi, nhưng chỉ thương những người còn ở lại.
Sắp chết mới biết mình muốn sống
           Có thể nói cầu Cần Thơ là chiếc cầu chở nặng hạnh phúc lẫn buồn đau. Đã 7 năm kể từ ngày tai nạn sập nhịp dẫn kinh hoàng xảy ra, tưởng chừng nỗi đau đã nguôi ngoai… thì giờ đây, người dân ven khúc sông này lại tiếp tục bị ám ảnh bởi những cái chết đầy uẩn khúc do tự tử: 26 vụ tự vẫn chỉ là thống kê chưa đầy đủ của một lão ngư nặng tình với sự sống của con người.
               Ông Tư Hài bùi ngùi tâm sự với: “Đến vụ tự vẫn thứ 5, chúng tôi vớt kịp thời một thanh niên ở ấp Hòa Mỹ, lúc đó mới biết là từ độ cao gần 40m của cầu Cần Thơ rơi xuống người ta có thể sống được. Mà sống chắc cũng dặt dẹo thôi”. Vì theo ông Tư Hài, khi rơi từ trên cao xuống, mặt nước sẽ tạo ra phản lực khiến người rơi bị thương rất nặng. Biểu hiện thường thấy là phần da người tiếp xúc với mặt nước sẽ bị phồng rộp, hay lột hoàn toàn, đau đớn không kém gì bị phỏng lửa.
 Xinh đẹp là thế, nhưng những kẻ chán đời đã khiến cầu Cần Thơ mang nỗi ám ảnh mang tên "tự vẫn" (người trong ảnh là ông Tư Hài).
Mà có rất nhiều trường hợp, đến khi cận kề cái chết mới biết mình muốn sống đến cỡ nào. Ông Tư Hài lại đều đều tiếp tục câu chuyện: “Mạng người là quý mà, nên cái lúc sanh tử hầu như người ta đều rất sợ chết. Như có thằng nhỏ, tên Giàu quê ở Cần Thơ, buồn vì bị người yêu bỏ, gia đình la mắng, đùng đùng lên cầu Cần Thơ tự tử. Lúc nó thoi thóp mới nói vào tai chúng tôi rằng: “Làm ơn cứu con sống, làm ơn cứu con sống…”. May mắn sao, Giàu được cứu.
             Nhưng theo ông, ít có ai từ trên cầu Cần Thơ nhảy xuống sông mà sống nổi. Vì sông Hậu đoạn cầu Cần Thơ có nhiều xoáy nước, lòng sông sâu, khoảng cách từ giữa dòng đến bờ lại rất xa…“Biết là khó sống, nhưng tụi tui cũng cố gắng hết sức để cứu người, mạng người quan trọng mà. Chỉ mong những người muốn tìm đến cái chết nghĩ một chút về gia đình, người thân, về những người ở lại”, ông Tư Hài nhắn nhủ.
             Mấy mươi năm gắn liền với khúc sông này, ông Tư Hài đã cứu biết bao nhiêu người đuối nước, bao nhiêu ghe thuyền chìm. Hỏi tới, ông cười tự hào: “Biết bao nhiêu cho kể con ơi. Tui năm nay tuổi thiệt là 74 rồi mà còn bơi giỏi lắm nha”.74 tuổi, mà ông Tư vẫn còn nặng cái nợ bao đồng, bởi: “Nói ra thì bây không tin, chứ nhiều khi nghe người ta nói cũng buồn lắm. Nói sao mình rảnh, họ đã không muốn sống thì thỏa nguyện cho họ đi, cãi mệnh trời rồi quả báo cho coi. Rồi nói mình sao mà liều, cứu người như thế, có khi mình chết theo người ta”. Với những gì đã cống hiến cho đời, ông Dương Công To - tức đội trưởng Tư Hài đã được tặng danh hiệu “Hiệp sĩ giao thông” và rất nhiều bằng khen của các sở ban ngành tại địa phương.

 Ông Tư Hài bên cạnh những danh hiệu của mình
              Gấp cuốn “nhật ký chết chóc lại”, ông Tư Hài thở dài: “Nhưng mà nếu mình không làm, thì sao thành tấm gương để tụi trẻ nó noi theo. Tui ít lời, chỉ biết nói đi nói lại câu mạng người là quan trọng nhất. Hễ còn sống thì bất cứ chuyện gì cũng vượt qua”.Gần đây nhất, vào cuối tháng 5.2014 lại có nữ sinh từ cầu Cần Thơ lao mình xuống dòng sông Hậu để kết thúc cuộc đời vì người yêu sắp đi lấy vợ… Lại nghĩ, chết chưa bao giờ là sự chấm hết, chỉ là kẻ muốn chết đang ích kỷ gieo rắc nỗi đau thương vô hạn cho những người thân yêu còn ở lại. 
            Không biết đến bao giờ những cây cầu, những dòng sông - lý ra gắn liền với sự nên thơ, giàu đẹp… mới thoát khỏi nỗi ám ảnh mang tên “tự vẫn”… 
Hồ Bá Nguyễn/Motthegioi

0 nhận xét :