Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Tư, 2 tháng 7, 2014

Bùi Giáng rơi tiền

Đăng Bởi -

Rơi hay rải tiền ngầm nghĩa là phải có rất nhiều tiền. Và rải, rơi theo ý mình muốn. Trước đây đã có nhiều giai thoại về đốt tiền, rơi tiền cỡ Bạch công tử hay Hắc công tử Bạc Liêu. Nhưng thi sĩ Bùi Giáng vẫn giàu có để "rơi tiền" theo ý muốn. Tại sao không?
Như trong bài thơ Tiền Và Lá, nhà thơ Kiên Giang rất tinh tế và tài hoa khi cảm thán:
“Tiền không là lá em ơi
 Tiền là giấy bạc của đời in ra
 Người ta tiền bạc đầy nhà
Cho nên mới được gọi là chồng em!
 Bây giờ mỗi buổi chiều lên
 Tôi gom lá đốt, khói lên ngút giời
 Người ta đã bị mua rồi
 Chợ đời hội họp, mình tôi vui gì?”.  
(Tiền và Lá) 

Bài thơ này cũng có dư luận cho là của thi sĩ Nguyễn Bính. Nhưng trong một lần gặp gỡ nhà thơ Kiên Giang ở một tiệc cuối năm do nhà thơ Lâm Xuân Thi tổ chức tại Sài Gòn cuối năm 2013, người viết đã hỏi thăm. Nhà thơ Kiên Giang - Hà Huy Hà xác nhận bài thơ trên là của ông chứ không phải của thi sĩ Nguyễn Bính. Rất nhiều công trình nghiên cứu về thi ca đã nhầm lẩm chi tiết này.
Thi sĩ Bùi Giáng chưa có bài thơ nào thật nổi trội, cảm thán về tiền được người yêu thơ biết đến như bài thơ Tiền và lá ở trên. 
Chúng tôi muốn nhắc lại bài thơ vì cho rằng đây là một tác phẩm hay, đề cập trực tiếp vào nỗi ám ảnh của người nghệ sĩ. Và một nghệ sĩ lớn nhưng phiêu bạt, lang thang, không gia đình lại mang trong hồn những chấn động, tang thương của cơn bão thời đại vừa thổi qua thì miếng cơm, manh áo hàng ngày, ở đây tựu trung là tiền – như chủ đề của bài viết này - cũng là ám ảnh không hề nhẹ! 
Thế nhưng, thật lạ lùng, trong thi ca của ông cứ bỡn cợt, bông đùa, tang bồng “Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi / Đi lên đi xuống đã đời du côn” hay “Thưa rằng nói nữa là sai / Mùa xuân đang đợi dáng ai bước vào…”.

Bùi Giáng rong chơi "Sài Gòn Chợ Lớn"  
Có thể Bùi tiên sinh chưa bao giờ xem tiền bạc là quan trọng nhưng chắc chắn ông cũng không có tiền để rải như ý muốn!
Thế mà có đấy! Bùi Giáng đã từng bỡn cợt với tiền và rải tiền theo ý mình thích mình muốn trong câu chuyện sau của anh Huỳnh, chủ quán cà phê CCR nổi tiếng một thời trên đường Nguyễn Đình Chiểu, một người đọc rất mê Bùi và có rất nhiều kỷ niệm với Bùi. 
Anh đã kể cho Một Thế Giới nhiều chuyện hay mà chính bản thân anh chứng kiến chứ không phải là người hóng hớt hay nghe lại.  
Anh Huỳnh kể: Vào khoảng năm 1985, người ta thường thấy Bùi Giáng lang thang khắp Sài Gòn và thường xuất hiện ở chợ Trương Minh Giảng. Ít người biết ông là một nhà thơ nổi tiếng. Thời gian và thời đại đã thay đổi. Lớp bạn đọc những tác phẩm của ông cũng tan tác áo cơm. 
Chỉ có một số rất ít mới nhận ra thi sĩ bậc thầy và người thấy ngày xưa của mình. Bởi ông có một thời gian đi dạy và thỉnh giảng trên các giảng đường Đại học Sài Gòn. Bùi Giáng khoác lên mình đủ thứ hằm bà lằng mà ông tình cờ nhặt được trên đường từ bao tời, bao tải hay những áo quần cũ mà người ta thương tình cho ông.
Cũng có một số người bán hàng trong chợ biết ông nên cũng cho ông mua… chịu như cà phê, phở, cơm tấm. Để đáp lại tấm lòng đó, ông thường viết tặng những bài thơ khi có yêu cầu hay khi cao hứng. 
Ít người hình dung được những tác phẩm đó sau này là những di cảo đặc biệt. Ví như những câu thơ cà rỡn mà tài hoa của Bùi mà anh Huỳnh tình cờ được đọc và nhớ khi ông viết tặng cho hai cô gái phục vụ trong hàng Phở. “Một sáng, tôi gặp Bùi tới đây rất sớm và không gặp ông chủ, vốn là người mến ông! Hai cô gái chạy bàn còn rất trẻ và không hiểu tại sao có một người đàn ông nhếch nhác, lôi thôi, hôi hám và quái dị xuất hiện ăn phở rồi…đòi ghi sổ không trả tiền! Bùi đã viết tặng mấy câu thơ như sau “Hai cô thiếu nữ dịu dàng / Xin đừng nói bậy hai nàng buồn ta!?...”   

Nhưng đừng tưởng ông điên, không biết gì! Khi có tiền, Bùi Giáng vẫn đem đến trả nợ đã ghi sổ đàng hoàng. Và tiền đó thường là của người thân, bạn bè cũ cho hay học trò cũ tặng thầy. “Bùi giáng gần như không quên người nào. Khi có tiền ông trả cho những người cưu mang mình từ người chạy xe ôm hay chú xích lô hàng ngày vẫn chở ông đi…”
Một lần cùng với một số bạn bè Việt kiều từ Mỹ về ghé thăm ông, anh Huỳnh rất vui khi biết người bạn mình đã giúp ông một khoản tiền không nhỏ. –“Tôi không nhớ là bao nhiêu nhưng với ông nếu chỉ du thân và ăn uống rong chơi thì cũng sống được mấy tháng. Trong số tiền đó có mấy tờ đô-la người bạn muốn ông để dành vì sợ đổi ra ông sẽ đánh rơi.
Và quả đúng như suy nghĩ của bạn tôi! Bùi Giáng đánh rơi thật! Buổi sáng hôm sau tôi tình cồ đi xuống chợ Trương Minh Giảng. Tôi chứng kiến một Bùi tiên sinh phấn khích la hét tung trời! Và nữa, sau lưng ông rồng rắn một bầy con nít lít nhít kéo theo vừa nhảy máu ca hát vừa tranh nhau lượm tiền của Bùi Giáng đánh rơi!
Thì ra có tiền nhưng Bùi giáng không để ý, ông nhét hờ vào một cái túi quần thủng vừa đi vừa nhảy múa nên tiền cứ rơi ra. Bọn trẻ vừa hò reo vừa sung sướng nhặt.

Tôi chạy đến bên Bùi Giáng, nắm tay nhắc ông: -“Ông thầy, ông để rơi tiền hết rồi!...”
Bùi Giáng quắc mắt nhìn tôi. Chợt nhận ra người quen vừa ngồi với nhau hôm qua, cặp mắt ông thoáng dịu lại, cười hê hê một nụ cười dài: -“Ha ha! Rơi rơi rơi! Tiền rơi rơi!... Nhưng ta vẫn còn tiền đây này!”. Rồi ông kéo tôi lại, khoái chí lật cái quần rách lên.
Vẫn còn mấy tờ tiền ông lận sâu trong dải quần!..
Ở vị trí đó thì khó mà rơi!...
Thì ra thi sĩ Bùi Giáng đã để một số tiền trong túi quần rách, vừa chạy nhảy la hét phấn khích để rải… một cách cố ý cho bọn trẻ bụi đời mà ngày thường ông vẫn lang thang kẻ chợ cùng với chúng. 
Ông tặng bọn nhỏ một cách hào sảng. Câu chuyện tiền rơi của ông đã làm rơi nước mắt anh Huỳnh. 
Trong cái biền du côn tàn nhẫn như trong thơ của Bùi từng khắc họa “cứ tưởng đầu đường thương xó chợ / Ai ngờ xó chợ vẫn chơi nhau” đã thực sự có tình người.
  • Nguyễn Hữu Hồng Minh

0 nhận xét :