Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

Cháy đến giọt cuối cùng


Đọc "Tài năng và danh phận", tập bút ký chân dung của GS. Hà Minh Đức, NXB Chính trị quốc gia, 2014.
Sống cùng thời với văn chương
Từ công trình đầu tiên nghiên cứu về một nhà văn quá cố "Nam Cao - nhà văn hiện thực xuất sắc" (1961), thêm hai công trình "Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại" (1974) và "Thơ ca Việt Nam, hình thức và thể loại" (1968, viết chung với GS. Bùi Văn Nguyên), còn lại, có thể thấy GS. Hà Minh Đức đã tận tâm tận lực sống với văn chương cùng thời.
Hãy đọc các tác phẩm sẽ thấy rõ một văn mạch rất đặc trưng và đây có thể coi là đóng góp thiết thực nhất, xứng đáng nhất của ông: "Nguyễn Bính thi sĩ của đồng quê" (1994), "Nhà văn nói về tác phẩm" (1998), "Tố Hữu thơ và cách mạng" (2004), "Tô Hoài đời văn và tác phẩm" (2007), "Người của một thời" (2009), "Chế Lan Viên người trồng hoa trên đá" (2010), "Nguyễn Đình Thi chim phượng bay từ núi" (2011), "Nữ sĩ Anh Thơ mùa hoa đồng nội" (2012), "Xuân Diệu vây giữa tình yêu" (2013), "Một thế hệ vàng trong thơ Việt Nam hiện đại" (2014) và "Tài năng và danh phận" (2014). Văn mạch này nằm trong tổng số 45 tác phẩm thuộc các thể loại mà ông là chủ sở hữu (từ sáng tác thơ, bút ký đến lý luận, nghiên cứu, phê bình, chân dung văn học).
Nhiều người đặt câu hỏi: Hà Minh Đức lấy đâu ra thời gian và sức lực để làm được một núi công việc mà một cá nhân bình thường khó có thể làm được. Thật ra không có gì lạ, tôi nghĩ, tình yêu văn chương bẩm sinh đã thôi thúc ông làm việc. Nhưng có lẽ sự kiên nhẫn mới là nguyên nhân thắng lợi. Nhưng quan trọng hơn, tôi nghĩ, là ông luôn giữ được sức trẻ khỏe của ngòi bút. Thậm xưng thì có thể nói là ông có cái bí quyết để giữ được "con mắt xanh" của người nghệ sĩ.
Từ khi thế hệ chúng tôi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông (vào những năm 60 của thế kỉ trước) thì ông đã dày công tiếp xúc, ghi chép, lưu trữ những tư liệu văn chương, một thứ tư liệu sống động phát khởi từ sự tiếp xúc với các nhà văn nổi tiếng. Rồi đến một lúc nào đó, như con tằm nhả tơ, cứ thế ông viết, cứ thế ông kiến thiết tác phẩm theo cách riêng của mình. Đôi lúc tôi cứ nghĩ vui vui rằng, ngòi bút của ông có thể sánh với "nồi cơm Thạch Sanh" chăng?
Tôi cho rằng, "Tài năng và danh phận" là một tác phẩm bút ký - chân dung - danh nhân, một thể loại bộc lộ rất rõ sở trường và sở đoản của nhà văn - nhà giáo Hà Minh Đức. Hai mươi bảy chân dung (xếp theo thứ tự: Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Tố Hữu, Văn Cao, Huy Cận, Nguyễn Tài Cẩn, Xuân Diệu, Tế Hanh, Bùi Hiển, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nguyễn Khải, Đặng Thai Mai, Nguyễn Lương Ngọc, Bùi Văn Nguyên, Hoàng Xuân Nhị, Vũ Trọng Phụng, Trần Đức Thảo, Nguyễn Đình Thi, Hữu Thỉnh, Hoàng Trung Thông, Anh Thơ, Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Chế Lan Viên) được dựng bằng ngôn từ trong cuốn sách này, nếu nói không quá thì, giống như một quần thể tượng đài nghệ thuật, ở đó mỗi một tên tuổi là một sắc diện, một phong cách độc đáo.
Từ góc độ văn hóa
Người ta nói để đi nhanh và hiệu quả tới đích thì phương pháp ưu việt mới là nhân tố quyết định. Tôi nghĩ, tiếp cận những nhân vật - danh nhân, không có con đường nào khả thi hơn là từ góc độ văn hóa. Tiếp cận đối tượng từ góc độ văn hóa giúp cho tác giả rút ngắn được khoảng cách từ chủ thể đến khách thể, giảm bớt cái áp lực bị trùm lấp, thậm chí "kính nhi viễn chi". Đó là một cách lựa chọn khôn khéo, nếu có thể nói như thế, của nhà khoa học. Nhờ phương pháp này mà khi viết về Hồ Chí Minh, tác giả đã vẽ được chân dung của một Anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa (tr.29). Phẩm tính văn hóa của con người kiệt xuất này chính là "văn hóa tương lai" như nhận xét tiên tri của nhà thơ, nhà báo Liên Xô tài danh Manđenxtam cách đây hơn 90 năm khi ông gặp Nguyễn Ái Quốc ở Mátxcơva năm 1923.
Văn hóa Hồ Chí Minh luôn luôn gắn với chủ nghĩa nhân đạo cao cả của Người. Tương tự khi tiếp cận đồng chí Lê Duẩn (cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam),  tác giả  đã chú ý khắc họa cái cốt cách của một người cộng sản có tầm kích lớn khi vị lãnh tụ thường nhấn mạnh: "Ta thắng địch cũng bằng sức mạnh văn hóa" (tr.36). Và như một sự gặp gỡ có vẻ ngẫu nhiên, nhưng tất nhiên, khi tác giả nhận xét: "Trong những suy nghĩ về văn hóa, nhất là văn hóa Việt Nam, Lê Duẩn đặc biệt nhấn mạnh đến tình thương. Tình thương có cội nguồn từ truyền thống nhân ái của nhân dân, tình thương cũng là phẩm chất của mỗi cá nhân trong đời sống hằng ngày và tình thương cũng là sức mạnh truyền thống của dân tộc" (tr. 39-40).
Hai mươi tư chân dung còn lại hết sức thuận lợi với tác giả khi dựng, vì họ đều là đồng nghiệp, nhiều người là đồng chí. Với ý nghĩa là những chân dung - danh nhân, tác giả không quá ham đi vào vụ việc cụ thể (dẫu cho có thể rất "bắt mắt'), mà chú ý khai thác, thể hiện cái phẩm tính kết tinh và phát tỏa của mỗi người (là nghệ sĩ ngôn từ, là nhà triết học, là nhà sư phạm).
Ở đây, trong quá trình viết, chúng tôi quan sát thấy, tác giả điều hòa được quan hệ xa - gần với đối tượng. Nếu xa quá thì chỉ là sự quan sát thuần túy, sẽ dễ suy lí, thậm chí võ đoán về đối tượng. Những trang viết như thế dễ rơi vào tư biện, và ai cũng có thể viết nếu có đủ tư liệu. Nhưng nếu quá gần, thậm chí gần tới mức hai là một, thì dễ bề bị đối tượng cảm hóa, thậm chí có thể bị "thôi miên". Viết theo lối này có khả năng hấp dẫn độc giả vì nhiều chuyện hậu trường, thậm chí "bếp núc" văn chương có cơ hội được "phô" ra.
Nếu có thể nói thì GS. Hà Minh Đức là một "triệu phú" tư liệu về đời sống văn chương, nhà văn hiện đại (và đương đại). Nhưng người giàu này rất biết cách chi tiêu, không bao giờ vung tay quá trán. Vừa là học trò, vừa là đồng nghiệp của GS 45 năm nay, hơn ai hết, tôi hiểu rõ điều ấy. Nếu cần dùng một hình ảnh thì GS. Hà Minh Đức là người biết cách "giữ lửa". Vì thế mà ngay cả lúc này, tôi vẫn cứ đinh ninh, "Tài năng và danh phận" chưa hẳn là "cuốn sách cuối đời văn" như ông nói.
Tôi quan sát thấy khi viết, GS. Hà Minh Đức như một nghệ sĩ nhiếp ảnh có nghề đã điều chỉnh ống kính của mình khá linh hoạt. Ở đây, ngòi bút tiến thoái hợp lí khiến cho những chân dung được khắc họa có cái thần thái của nó. Xin nêu một ví dụ về cách vẽ chân dung - danh nhân của Hà Minh Đức: Khi Chế Lan Viên nhận xét thơ Xuân Diệu hay lặp lại về ý tứ và vần điệu thì Ông Hoàng của thơ tình yêu đã "phản công" lại: "Có lặp lại mới nhấn mạnh được ý tứ và có nhạc điệu như hôn nhau, càng hôn càng hứng thú" (tr.130).
Xuân Diệu luôn bị hối thúc bởi một tín điều: "Mình phải hiểu mình là ai? Không nhờ cậy, không ỷ lại. Nhà thơ phải tự mình có sức suy nghĩ riêng. Ý thức về tôn giáo là ý thức về sự ban ơn và chịu ơn. Đó là công việc của tôn giáo. Trong sáng tạo nghệ thuật có thể có sự hỗ trợ của nhiều yếu tố nhưng chủ yếu là nội lực, sức sáng tạo của chủ thể" (tr.131). Phải chăng bản lĩnh cũng là một biểu hiện của văn hóa nhà văn?
Tình đời tình văn
Người ta thường nói nhà văn muốn viết hay phải trải nghiệm, thậm chí có người còn cho rằng phải có thân phận (phải bầm dập, phải lên bờ xuống ruộng, phải đau đớn lòng thì tác phẩm mới có cái "hương vị" của những cuộc bể dâu được!?). Ở khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây, có hai phong cách phê bình thơ rất khác nhau: một GS. Lê Đình Kỵ, dường như đóng cửa phòng văn mà không mang tiếng kinh viện, những trang viết vẫn cứ lóng lánh chất đời; một GS. Hà Minh Đức thì đầy trải nghiệm tinh tế, sành điệu, giàu có về chất sống văn chương và viết lúc nào cũng như "lấy từ trong túi" ra, trang viết thấm đẫm tình đời tình văn.
Tôi nghĩ, đó chính là sự phong phú đa dạng và là sức sống của nghệ thuật. Hay nói cách khác đó là những nẻo lối vào văn chương. Viết không chỉ là để truyền bá kiến thức, với GS. Hà Minh Đức, thiết nghĩ, viết còn là để tri ân và tôn vinh vẻ đẹp cuộc sống, con người, viết đến mức nào đó để tri kỉ bạn văn, nghề văn. Trong "Lời nói đầu" (như một tự bạch), GS. Hà Minh Đức viết: "Với tấm lòng quý trọng và biết ơn tôi ghi lại qua những trang viết về hình ảnh các nhà văn, các nhà giáo tài năng mà tôi được tiếp xúc (…).
Trong tập sách này dưới dạng bút ký tôi muốn ghi lại những nét đẹp, sinh động trong đời thường. Tuy là đời thường nhưng vẫn lấp lánh nhiều điểm sáng, nhiều chuyện cảm động, nhiều vẻ cao sang, nét bình dị, chuyện vui buồn… những giá trị dễ bị lãng quên với thời gian" (tr.11-12).
Cái tình đời - tình văn của GS. Hà Minh Đức thấm đượm trong suốt tác phẩm "Tài năng và danh phận". Tôi đã đọc "Vị giáo sư và ẩn sĩ đường" (bút ký, 1996) của GS. Hà Minh Đức, bây giờ đọc lại "Chuyện kể còn lại về Giáo sư Bùi Văn Nguyên" vẫn cứ thấy mới mẻ và thú vị như lần đầu. Tôi đồ rằng các đồng nghiệp của GS. Bùi Văn Nguyên có lúc phải "ghen tị" với GS. Hà Minh Đức vì một người ở Đại học Tổng hợp Hà Nội lại hiểu một người ở Đại học Sư phạm Hà Nội nhiều và sâu sắc đến thế, như là bạn vong niên của nhau. Cũng dễ hiểu thôi, vì họ là hàng xóm kề vách nhau, là người gần nhất để có thể ngay lập tức sẻ chia những vui buồn của đời người trước khi người thân ruột thịt kịp san sẻ.
Cổ nhân nói "bán anh em xa mua láng giềng gần" là vậy! Hơn thế 'hữu duyên thiên lí năng tương ngộ". Nói tình văn - tình đời thấm đượm trong những trang sách "Tài năng và danh phận" của GS. Hà Minh Đức, thiết nghĩ, không phải là một cái gì tự nhiên nhi nhiên. Nó là sự tích lũy cảm xúc, bồi đắp tình cảm, là khả năng "giữ lửa" - hiểu là tình yêu đến độ đam mê văn chương, sống hết mình với văn chương cùng thời. Đó là tình yêu của một người bước vào tuổi tám mươi mà vẫn không nguôi ngoai "sự sống chẳng bao giờ chán nản". GS. Hà Minh Đức có ngót 60 năm dạy học, hơn 50 năm cầm bút sáng tạo văn chương, ở lĩnh vực nào ông cũng sống hết mình, nói hình ảnh là lúc nào ông cũng "cháy đến giọt cuối cùng".
Hà Nội, tháng 3/2014


  •   Bùi Việt Thắng

0 nhận xét :