Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Ba, 16 tháng 9, 2014

Chất lãng mạn đang ngày một ít đi


Mácxen Aymê là nhà văn hiện đại người Pháp. Ông sinh năm 1902 và mất năm 1967. Tác phẩm của ông từng được giới thiệu rộng rãi ở Liên Xô và các nước XHCN khác với lời đánh giá rất cao: "Truyện ngắn của Mácxen Aymê bừng sáng lên ánh tinh tế của cái cười châm biếm, sức sống của một trí tuệ tươi trẻ, sự trong trẻo lành mạnh ở cách nhìn đời và chất muối hài hước sâu đậm trong văn phong…".
Năm 1983, tập truyện ngắn "Người đi xuyên tường" của ông đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt và lần đầu tiên xuất bản tại Việt Nam qua Nhà xuất bản Tác phẩm mới.
Trong "Người đi xuyên tường" có truyện ngắn "Người về bét". Truyện mở đầu bằng: "Có một tay đua xe đạp tên là Máctanh bao giờ cũng về bét và người ta cười khi thấy anh tụt lại quá xa sau những tay đua khác. Chiếc áo may-ô của anh màu xanh lam rất dịu với một nhánh hồng hoang đính ở ngực áo bên trái. Gò lưng trên ghi đông với chiếc khăn tay ngậm giữa hai hàm răng, anh đạp cũng kiên cường như người về nhất. Những lúc leo dốc chật vật, anh ráng sức mắm môi mắm lợi đến mức đôi mắt anh long lanh rực lửa. Và khi thấy con mắt sáng và những bắp thịt cuồn cuộn do phải nỗ lực của anh, ai nấy đều nói:
 - Kìa, Máctanh có vẻ to khỏe ra. Thế thì càng hay… Lần này, anh ta sẽ tới đích ở giữa tốp.
Nhưng lần ấy cũng như mọi lần khác, Máctanh vẫn về bét…".
Trong "Người về bét", còn có một đoạn rất đáng chú ý:
"Một ngày hè, anh đương đua xe… anh thấy xe bị xẹp lốp. Khi anh đang thay săm bên vệ đường, có hai người đàn bà lại gần. Một trong hai người đó, tay bế một đứa bé vài tháng tuổi, hỏi anh:
- Ông có biết một người tên là Máctanh đua xe đạp không?
Anh trả lời như một cái máy:
- Chính tôi, Máctanh đây. Chính tôi là người về bét. Lần khác sẽ khá hơn.
- Tôi là vợ thầy nó đây, Máctanh ạ.
Anh ngẩng đầu lên, vẫn tiếp tục lắp săm vào vành và âu yếm nói:
- Tôi rất hài lòng… Tôi thấy con cái cũng chóng lớn - Anh nói thêm và nhìn đứa bé ngỡ là con mình.
Một vận động viên đua xe đạp (ảnh chỉ mang tính chất minh họa).
Vợ anh có vẻ ngượng nghịu và trỏ người thiếu phụ trẻ cùng đi:
 - Máctanh à - Chị nói - con gái thầy nó đây, giờ cao lớn bằng thầy nó rồi. Nó đã lấy chồng và các thằng cu của thầy nó cũng đã có vợ…
 - Tôi rất hài lòng… Tôi cứ tưởng chúng nó còn trẻ hơn. Thời gian đi mau thật… Thế bu nó đang bế cháu nội của tôi đấy à?
Thiếu phụ trẻ quay mặt đi, còn bà mẹ trả lời:
 - Không, Máctanh ạ, không phải cháu nội ngoại gì đâu. Con trai tôi đấy… Tôi nghĩ thầy nó không trở về…".
Loại trừ những chuyện khác, theo tôi, Máctanh chính là một người yêu nghề, luôn hết mình vì nghề đến mức sẵn sàng quên mọi thứ để "tử vì đạo". Và anh cũng là người rất phi thực tế.
Riêng tôi coi Máctanh thuộc típ người lãng mạn và tôi đánh giá cao phẩm chất lãng mạn trong con người Máctanh. Hay nói một cách khác: "Máctanh là người đua xe đạp lãng mạn nhất trần gian".
Trong bóng đá, người Pháp có giai đoạn từng lãng mạn như thế.
Ở mùa World Cup năm 1982 tại Tây Ban Nha, trong một trận đấu quan trọng theo thể thức knock-out với người Đức, ở hiệp phụ, người Pháp đã dẫn trước 3 - 1. Vậy mà do lãng mạn (kể cả chơi đẹp, chơi tấn công, chơi cống hiến…) mà bị người Đức loại sau khi phải đá luân lưu 11m.
Ở ta, trong chốn văn chương, cũng từng có một số thi sĩ, văn sĩ như thế. Có khi chỉ vì quá lãng mạn, quá đắm đuối với nghề mà cuộc sống của cá nhân (có khi của cả gia đình) lâm vào cảnh vất vả, đói khổ, chịu nhiều thua thiệt. Có phải vì thế mà có lần nhà thơ Xuân Diệu đã phải thốt lên: "Cơm áo không đùa với khách thơ!".
Cách nay mấy năm, tôi có quen biết một thi sĩ. Ông làm thơ từ lâu, có lần được nhà thơ lớn Chế Lan Viên khen và được coi là một người dám "tử về thơ". Rồi vì quá đắm đuối với thơ, ông và cả gia đình ông đều gặp khó khăn. Ông hiện vẫn trú ngụ trên một mặt bằng là trần của một cái bếp trong một biệt thự cũ bằng cách dựng một cái nhà tạm. Cho dù đã trên 70 tuổi, nhưng mãi đến năm 2012, ông mới trở thành hội viên Hội Nhà văn.
Đó là một ví dụ. Tôi tin trong đời thực, trường hợp nhà thơ trên, không phải là duy nhất. Nhưng tôi cũng tin: Những thi sĩ lãng mạn kiểu trên, nếu còn, đa phần là những người cao tuổi và kiểu người như họ, đa phần xuất hiện vào những năm 60, 70 của thế kỷ XX đổ về trước. Còn bây giờ ư? Thật hiếm và hầu như không có nữa.
Cách nay chừng một thập kỷ, từ Sài Gòn, có một người gửi cho tôi một trăm nghìn đồng bảo là tiền nhuận bút cho một bài thơ phổ nhạc của tôi. Tôi cũng mừng. Sau đó, trong một lầ
n đi công tác, tôi muốn tìm gặp người đó để cảm ơn. Nhà thơ Cao Xuân Sơn bảo: Người phổ nhạc bài thơ của anh giờ đã bỏ nghề, đi ra miền Trung buôn đường dài rồi. Tôi hay tin mà cụt hứng.
Một lần tôi đặt ra câu hỏi với không ít băn khoăn: "Thế chẳng nhẽ chất thực tế, chất thực dụng đang lấn át chất lãng mạn? Và như thế thì đang tốt lên hay xấu đi?". Một nhà thơ cao tuổi, người rất giàu trải nghiệm, đã trả lời: "Chất lãng mạn ngày càng ít đi ở trong mọi lĩnh vực, mọi đời sống, mọi cuộc đời - đó là điều chắc chắn, dễ nhận thấy. Cũng chẳng tốt lên hay xấu đi. Đơn giản vì mọi thứ đều là sản phẩm của một thời. Xét cho cùng, con người cũng thế thôi. Riêng đối với những người làm văn chương mà thiếu đi phẩm chất này, dù với lý do gì, âu cũng là điều đáng buồn và đáng tiếc"


  Đặng Huy Giang

0 nhận xét :