Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Chủ Nhật, 1 tháng 2, 2015

Câu chuyện "Sai mà hay vẫn được" của nhà thơ Vũ Cao


Năm 1965, tôi vào học Trường Trung cao Cơ điện, sơ tán tại Tam Dương - Vĩnh Yên. Trong một đêm liên hoan văn nghệ cuối năm, một học sinh lên ngâm bài thơ ''Núi Đôi'' của nhà thơ Vũ Cao. Bài thơ ''Núi Đôi'' đã gây xúc động trong lòng lũ học sinh chúng tôi khi đó. Những ngày sau, chúng tôi chuyền tay nhau chép bài thơ đó vào sổ tay của mình một cách trân trọng. Tôi thầm ước một ngày nào đó được về thăm địa danh Núi Đôi, được gặp tác giả của bài thơ bất hủ đó.

Cái mơ ước thầm kín đó của tôi rồi cũng được thực hiện. Sau ngày giải phóng, không ngờ trường tôi lại về đóng ở Núi Đôi, thuộc huyện Sóc Sơn, Hà  Nội. Tôi  trở về thăm trường, con đường trải nhựa như một dải lụa uốn lượn dưới chân hai quả núi rợp bóng thông reo. Lần đầu tiên tôi được chiêm ngưỡng một địa danh trở nên nổi tiếng nhờ bài thơ của nhà thơ Vũ Cao "…núi chồng, núi vợ đứng song đôi". Câu chuyện về cô du kích làng Phù Linh xinh đẹp đã anh dũng hy sinh trên Núi Đôi khi cô mới 17 tuổi cứ ám ảnh tôi mãi.
Những năm tháng sau đó tôi chập chững bước vào nghiệp văn nên được thường xuyên tiếp xúc với nhà thơ Vũ Cao, nhờ ông chỉ bảo, nhưng vẫn chưa có điều kiện hỏi ông về hoàn cảnh ra đời của bài thơ ''Núi Đôi''. Mãi tới năm 1998, khi ông 75 tuổi, tôi đến thăm ông tại tư gia bên hồ Hữu Tiệp, nơi còn giam giữ một xác máy bay B52 của Mỹ bị quân và dân Thủ đô bắn rơi trong trận chiến mười hai ngày đêm của tháng 12/1972. Tuy đã về nghỉ hưu từ nhiều năm nhưng ông vẫn là Chủ tịch Hội đồng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam. Ở tuổi 75 nhưng xem ra ông vẫn còn rất "tráng kiện". Mọi người vẫn thấy ông túc tắc trên chiếc xe đạp cà tàng, đầu đội cái mũ lá với dáng người cao thô trông như một lão nông tri điền bán chuối. Với giọng nói oang oang, nụ cười thoải mái hồn hậu, đôi mắt tinh anh ánh lên chất hài hước, khiến ai tiếp xúc với ông cũng cảm thấy thoải mái, ấm áp chân tình.
Sau những phút trò chuyện thân mật, tôi mới dám lựa lời hỏi ông về hoàn cảnh ra đời của bài thơ ''Núi Đôi''. Ông lặng đi đôi chút trong ánh mắt tư lự, như để nhớ lại những kỷ niệm của một thời đã xa, rồi chậm rãi kể lại cho tôi nhiều chuyện về bài thơ ở Núi Đôi.
Nhà thơ Vũ cao và vợ.
Mùa đông năm 1955, Vũ Cao là phóng viên Báo Quân đội nhân dân được cơ quan cử đi theo Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 141, Sư 312 về đóng quân ở xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn. Vũ Cao ở một xóm nhỏ cách Núi Đôi khoảng 300m. Nhiệm vụ chính của Vũ Cao là viết phóng sự và bút ký về bộ đội. Phù Linh là một mảnh đất trung du nghèo, bị địch tàn phá nhiều nên phong cảnh rất tiêu điều. Người dân ở đây đang lục tục trở về nhận lại ruộng và làm lại nhà cửa. Chính tại nơi đây, Vũ Cao đã được nghe dân làng kể lại câu chuyện về cô du kích xinh đẹp, đánh giặc giỏi, đã bị bọn giặc Pháp đóng bốt trên Núi Đôi giết chết. Năm đó cô du kích trẻ mới 17 tuổi. Câu chuyện đó cứ ám ảnh Vũ Cao trong suốt thời gian đóng quân tại xã. Một buổi tối sau giờ sinh hoạt tập thể, 9 giờ tối đến giờ đi ngủ, Vũ Cao xin phép được thức để viết bài cho báo. Vì không có đèn dầu nên ông phải đổ dầu vào một cái đĩa, lấy giẻ làm bấc, khi hết lại phải nhấc bấc ra đổ thêm dầu để làm việc.
Vũ Cao chợt nhớ đến một câu thơ của Nguyễn Du "đĩa dầu vơi, nước mắt đầy năm canh", quả thật đến lúc đó Vũ Cao mới thấy hết cái hay, cái thần của Nguyễn Du qua câu thơ trên. Hình ảnh cô du kích trẻ bị giặc giết trên Núi Đôi cứ ẩn hiện trong đầu ông. Vũ Cao đã viết bài thơ ''Núi Đôi'' một lèo đến 11giờ đêm thì xong.
Về Hà Nội, Vũ Cao nộp cho tòa soạn mấy bài ký sự, còn bài thơ ''Núi Đôi'', ông để lẫn trong tập bản thảo và cũng không để ý đến nó nữa.
Năm 1957, anh em trong tòa soạn tìm thấy bài thơ ''Núi Đôi'' trong đống bản thảo của Vũ Cao và tự ý đem in trên báo. Bài thơ ''Núi Đôi'' chính thức ra mắt bạn đọc từ đó. Theo ông "Mọi tác phẩm văn học nghệ thuật là nhứng đứa con tinh thần của tác giả, đã là con mình thì mình đều yêu thương nó. Người đời có câu: "văn mình - vợ người" là thế. Không mấy người tự đánh giá chính xác được giá trị của từng đứa con do mình đẻ ra. Tôi nhớ đến nhạc sỹ Văn Cao, ông có một câu trả lời rất hay: "…tôi có nhiều con, đứa sống có, đứa chết có, đứa con này của tôi đã gần 40 tuổi, nó đã làm nên giá trị của nó, nó đã thành người. Làm sao tôi có thể phủ định nó…". Nhạc sỹ Văn Cao nói câu này trước một nhà lãnh đạo cao cấp trong một trường hợp khi người ta định thay một bài hát nổi tiếng của ông…
Sau khi bài thơ ''Núi Đôi'' ra đời, Vũ Cao nhận được rất nhiều thư khen của độc giả, đặc biệt là những người lính. Hầu như tất cả những người yêu thơ đều có bài thơ này của Vũ Cao trong sổ tay thơ của mình. Đó là phần thưởng cao nhất đối với nhà thơ. Đặc biệt có một lần, Vũ Cao nhận được một bức thư của một giáo viên dạy văn học ở Đà Nẵng dưới thời ngụy quyền Sài Gòn gửi ra cảm ơn tác giả vì "bài thơ ''Núi Đôi'' chứng tỏ cho nhân dân miền Nam thấy văn nghệ miền Bắc có tính nhân văn…".
Nhà thơ Phạm Tiến Duật trong một lần sang đất Mỹ có đem về một tập thơ, tập hợp các bài thơ viết trong sổ tay, trong ba lô của những người lính (bộ đôi Việt Nam) ở chiến trường mà họ nhặt được. Nhiều bài thơ chép tay không có tên, trong đó có bài thơ của Vũ Cao được dịch là: thơ Núi Đôi. Bản dịch tuy có nhều sai sót nhưng nó khiến cho tác giả cảm động đến ngỡ ngàng khi ông nhận được 10 USD tiền nhuận bút do Phạm Tiến Duật cầm về. Ông cười sảng khoái, ánh mắt hóm hỉnh:
- Đây có lẽ là số tiền nhuận bút có ý nghĩa nhất trong đời tôi!
Hơn 20 năm sau Vũ Cao mới có điều kiện trở lại Núi Đôi trong một lần Huyện ủy Sóc Sơn tổ chức hội nghị giáo viên dạy giỏi trong huyện mời ông về dự. Vũ Cao được đón tiếp long trọng trong không khí vui vẻ và đầm ấm. Một giáo viên nữ lên đọc bài thơ ''Núi Đôi'' của Vũ Cao khiến ông bất ngờ. Ông đã từng nghe nhiều người đọc thơ của mình nhưng chưa có ai đọc thơ hay và tình cảm như cô giáo này, mặc dù có nhiều câu sai. Sau này Vũ Cao mới biết cô giáo này chính là giáo viên tiểu học người Phù Linh.
Khi gặp cô gái, Vũ Cao bảo:
- Cô đọc thơ rất hay nhưng có năm chữ sai (mặt cô gái tái đi), tôi nói thế thì nói chứ không có ý phê bình cô đâu.
- Chú ạ! Cho đến hôm nay, cháu cũng chưa hề thấy bài thơ của chú, mặc dù cháu đã được nhiều giải thưởng về đọc thơ. Cháu học truyền khẩu.
Vũ Cao bật cười vui vẻ, nói:
- Cô cứ đọc như thế, đừng sửa. Sai mà hay là được!
Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn chỉ cho tôi xem tấm bản đồ của huyện, trên đó có ghi tên Núi Đôi. Trước kia địa danh này không có trên bản đồ.
- Nhân dân Núi Đôi cảm ơn anh. Anh là người đã đóng đinh Núi Đôi lên bản đồ của chúng tôi.
Vũ Cao cười sảng khoái, đôi mắt ông sáng lên lấp lánh:
- Thế đấy!
Kỳ Sơn, tháng 12/2014
  • Nguyễn Tiến Dũng

0 nhận xét :