Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Chủ Nhật, 15 tháng 2, 2015

Nhà văn tuổi Mùi và dấu ấn... trường thọ


Theo quan niệm dân gian, dê chính là sự hội tụ đầy đủ của Phúc - Lộc - Thọ". Nhân dịp Xuân mới Ất Mùi đang cận kề, xin giới thiệu chân dung một số nhà văn, nhà thơ tuổi mùi- những người mà tên tuổi từ lâu đã trở nên quen thuộc với đông đảo bạn đọc. Điều đáng nói là, bên cạnh một sự nghiệp văn học đáng nể trọng, họ còn là những người có sức khỏe dẻo dai, bền bỉ, với tuổi thọ khiến không ít người phải mơ ước...

Nếu có nhu cầu tìm hiểu về loài dê - cả trong đời thực và trong biểu tượng tâm linh, chỉ cần gõ vào Google, ta có thể dễ dàng bắt gặp những dòng như sau: "Trong dân gian, dê rất gần gũi và là một linh vật được yêu quý... Dê trở thành nhiều bài thuốc quý đem lại sức khỏe cho con người, mang đến sự trường thọ theo Đông y.
Theo quan niệm dân gian, dê chính là sự hội tụ đầy đủ của Phúc - Lộc - Thọ". Nhân dịp Xuân mới Ất Mùi đang cận kề, xin giới thiệu chân dung một số nhà văn, nhà thơ tuổi mùi- những người mà tên tuổi từ lâu đã trở nên quen thuộc với đông đảo bạn đọc. Điều đáng nói là, bên cạnh một sự nghiệp văn học đáng nể trọng, họ còn là những người có sức khỏe dẻo dai, bền bỉ, với tuổi thọ khiến không ít người phải mơ ước...
Theo quan niệm dân gian, dê chính là sự hội tụ đầy đủ của Phúc - Lộc - Thọ. Bởi vậy, tượng dê hiện là mặt hàng được nhiều người chào đón trong năm mới Ất Mùi này.
Nhà thơ Thế Lữ
Nhà thơ Thế Lữ sinh ngày 6/10/1907 (năm Đinh Mùi) và mất ngày 3 tháng 6 năm 1989 (năm Kỷ Tị). Ông là một trong những nhân vật chủ chốt của nhóm Tự lực văn đoàn, là người tiên phong không chỉ trong phong trào Thơ Mới (1932-1945), mà còn cả trong lĩnh vực truyện trinh thám ở Việt Nam.
Trong cuốn "Thi nhân Việt Nam", các tác giả Hoài Thanh - Hoài Chân đã dành cho ông những dòng tôn vinh xác đáng: "Độ ấy Thơ Mới vừa ra đời, Thế Lữ như vừng sao đột hiện, ánh sáng chói khắp cả trời thơ Việt Nam. Dầu sau này danh vọng Thế Lữ có mờ đi ít nhiều nhưng người ta không thể không nhìn nhận cái công Thế Lữ đã dựng thành nền thơ mới ở xứ này…". Nhà thơ Thế Lữ từng được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Ngày nay, nếu xét ở góc độ tuổi thọ, có thể ai đó sẽ thấy trường hợp Thế Lữ (ông mất năm 82 tuổi) cũng không hẳn có gì đặc biệt cho lắm, nhất là khi tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam đã tăng lên đáng kể (theo kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê năm 2014 thì tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam là 73,2 tuổi, trong đó nam là 70,6 tuổi). Tuy nhiên, vào những năm tám mươi của thế kỷ trước, thọ như Thế Lữ không phải là điều ai cũng dám mơ tới, nhất là khi những thi nhân ở lứa tuổi đàn em so với ông, nhiều người đã phải "lên đường theo tổ tiên" khi còn rất trẻ (như Nguyễn Nhược Pháp, Hàn Mặc Tử, Bích Khê).
Một điều lạ nữa, Thế Lữ đã lập kỷ lục là người… thọ nhất trong các vị chủ soái của phong trào Thơ Mới, trong khi từ những năm ba mươi của thế kỷ trước, nhà văn Nguyễn Tuân đã "cảnh báo" qua bài viết "Một đêm họp đưa ma Phụng" (nhà văn Vũ Trọng Phụng): "Nhân Phụng vừa nằm xuống, tôi lại tìm trong đầu xem trong bọn nhà văn trẻ, những người nào là cầm lỏng được cái chết.
Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Lan Khai, Đoàn Phú Tứ, Thạch Lam… đều là những người đủ tư cách để sớm lên đường. Ngực người nào cũng lép như cái đồng hồ Ômêga trông nghiêng. Những người trẻ trung này có nằm xuống cũng đều nhẹ nhõm lắm đây".
Trong danh sách những người mà tác giả "Vang bóng một thời" xem là yểu mệnh kể trên, Thế Lữ được điểm tên… đầu tiên, song, như một nghịch lý, ông lại là người có tuổi thọ cao nhất trong số đó. Thế Lữ sinh trước Nguyễn Tuân 3 năm và trước Xuân Diệu tới gần chục năm, vậy mà ông lại là người lần lượt gửi thư, điện chia buồn và vòng hoa viếng khi Xuân Diệu, Nguyễn Tuân tạ thế.
Nhà văn Bùi Hiển
Nhà văn Bùi Hiển sinh ngày 22/11/1919 (năm Kỷ Mùi) và mất ngày 11/3/2009 (năm Kỷ Sửu). Ra đi ở tuổi 90, ông là một trong những nhà văn tiền chiến có tuổi thọ cao nhất (chỉ sau nhà văn Tô Hoài, sinh năm 1920, mất năm 2014). Sinh thời, nhà văn Bùi Hiển đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Nhà thơ Võ Văn Trực từng viết về nhà văn Bùi Hiển: "Trong cuộc đời thực, anh không nổi nóng gắt gỏng, xử sự ác với ai, trong tác phẩm anh cũng không xử sự ác với nhân vật".
Không biết có phải vì vậy mà nhà văn Bùi Hiển luôn giữ được sự thanh thản trong tâm hồn, giữ được phong độ, nhịp sống ổn định? Hãy xem ông tự mô tả hình ảnh của mình trong một bài viết (có tên gọi "Những năm 40 còn nhớ"): "Trong sớm mai trong trẻo, hai ông già thong thả đếm bước, cùng nhau đi ra phường lĩnh lương hưu, vừa đi vừa đàm đạo. Một ông ngấp nghé cổ lai hy, một đã ngoại bát tuần, bên chân bị đau hơi lê. Có lúc náo nức theo câu chuyện, ông cổ lai hy vô tình dấn bước. Bị tụt lại sau vài mét, ông bát tuần cất tiếng nhắc, giọng nhẹ nhàng và rất thanh, không có vẻ gì già lão: Anh đi hơi nhanh, tôi không theo kịp". Thì ra, cái "ông cổ lai hy", "ông đi hơi nhanh" được đề cập trong bài viết chính là nhà văn Bùi Hiển và bậc lão trượng "bát tuần" là nhà văn Vũ Ngọc Phan.
Nói vậy không có nghĩa là ở vào giai đoạn tuổi cao, lúc nào nhà văn Bùi Hiển cũng ỷ vào phong độ trời cho của mình mà phăm phăm… dấn bước. Cùng sinh năm 1919 với nhà thơ Huy Cận, ở tuổi 80, trong khi Huy Cận đi đứng vững chãi thì lúc ra đường, Bùi Hiển đã phải cậy nhờ vào chiếc ba toong. Huy Cận hỏi tại sao, ông dí dỏm đáp: "Chả là hậu sinh khả… huých, thanh niên đi ngoài đường nhỡ bước vội, vô ý huých cho mình một cái, khéo mà ngã chổng kềnh".
Với trí tuệ minh mẫn, sức khỏe dẻo dai, ở tuổi ngoài 80, nhà văn Bùi Hiển vẫn được Hội nghề nghiệp trọng dụng. Ông được mời làm Chủ tịch Hội đồng văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam, khi mà các thành viên còn lại trong hội đồng đều thuộc hàng con cháu ông. Và ông là nhà văn duy nhất thành danh từ trước Cách mạng Tháng Tám có chân trong Hội đồng này. Nội điều đó đã đủ cho thấy khả năng "đồng hành cùng thời đại" của nhà văn Bùi Hiển.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng sinh ngày 12/1/1932 (tức ngày mùng 5 tháng Chạp năm Tân Mùi) và mất ngày 13/2/2014 (năm Giáp Ngọ), hưởng thọ 82 tuổi.
Sinh thời, từng có người hỏi Nguyễn Quang Sáng (điều này ông đã thuật lại trong cuốn bút ký "Nhà văn về làng" do NXB Văn nghệ ấn hành năm 2008):
"Người bạn hàng xóm cùng lứa tuổi hỏi:
- Sáng, mày tuổi gì?
- Tân Mùi.
- Con dê.
- Ừ.
Hai tay nó đánh chát một cái:
- Đúng rồi.
Tôi hỏi:
- Đúng cái gì?
Mắt nó bỗng sáng lên:
- Mày không phải tá, không phải tướng là phải rồi. Tuổi con dê của mày chỉ làm nghệ sĩ thôi".
Nghe người bạn nhận định chắc như đinh đóng cột vậy, Nguyễn Quang Sáng chợt nghĩ đến đám bạn văn nghệ cùng tuổi Tân Mùi với mình: Nhạc sĩ Hoàng Hiệp, nhà thơ Phùng Quán, và thấy sự suy đoán của người bạn hàng xóm cũng có phần… đúng.
Sinh thời, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. 
Dừng cuộc "hành trình" ở tuổi 82, sự ra đi của nhà văn Nguyễn Quang Sáng được xem là có phần đột ngột. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, con trai thứ của nhà văn Nguyễn Quang Sáng kể: "Mấy hôm nay thấy ba khỏe hơn, đi lại nhiều nhưng không ngờ ba lại ra đi". Theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết, anh không kịp có mặt ở giây phút cuối đời của ba anh. Khi ấy chỉ có mẹ anh. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng ra đi hơi đột ngột nhưng nhẹ nhàng.
Nói đột ngột là bởi với phần đông bạn bè, người thân nhắc tới Nguyễn Quang Sáng là họ luôn hình dung tới vóc dáng đậm, chắc, vâm váp của ông. Lại nhớ, trước khi nhà văn Nguyễn Quang Sáng mất chừng hơn một năm, gặp ông ở Hà Nội, khi tôi hỏi lão nhà văn về tình hình sức khỏe của một nhà văn ở Sài Gòn ốm đã lâu ngày, ông nửa đùa nửa thật cho biết: Ông không "dám" đến thăm vì người này vốn kình địch với ông. Sợ ông ấy nhìn thấy một Nguyễn Quang Sáng khỏe nhường này sẽ lên cơn sốc, ảnh hưởng đến việc… dưỡng bệnh.
Giờ thì cả hai nhà văn nói trên đều đã trở về với tiên tổ.
Tường Duy - Xuân 2015

0 nhận xét :