Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2015

300 lá thư viết tay và mối tình day dứt của Trịnh Công Sơn với em gái "Diễm xưa"


Ít ai biết được rằng Dao Ánh chính là người đã gọi tên cảm xúc cho rất nhiều ca khúc nổi tiếng của Trịnh Công Sơn: Tuổi đá buồn, Mưa Hồng, Còn tuổi nào cho em, Như cánh vạc bay, Lời buồn thánh, Chiều một mình qua phố, Ru em từng ngón xuân nồng…

Dao Ánh gửi thư an ủi anh rể… hụt
Những lúc Trịnh Công Sơn đến nhà thăm Diễm thì Dao Ánh - em gái của Diễm còn là một cô bé, nhỏ hơn Diễm đến 4-5 tuổi, chạy loăng quăng theo chị. Không ngờ chỉ mấy năm sau Dao Ánh trở thành một thiếu nữ xinh đẹp với khuôn mặt bầu bĩnh, dễ thương khác thường.
Sau khi biết chị mình không vượt qua được những ngăn cách và chia tay với Trịnh Công Sơn, cô em Dao Ánh hết sức cảm thông nên đã viết thư an ủi và chia sẻ cùng nhạc sĩ, nhờ Vĩnh Ngân – em ruột của Trịnh Công Sơn chuyển. Bức thư là những lời động viên và tình cảm thân thương của Dao Ánh dành cho chàng trai thất tình. Trong lúc chưa nguôi ngoai vết thương lòng, Trịnh Công Sơn cũng cảm động nên liền viết thư trả lời và tình cảm nảy sinh. 

Lúc đó, Dao Ánh còn đang là cô nữ sinh của trường Đồng Khánh còn Trịnh Công Sơn vừa mới tốt nghiệp trường Sư phạm Quy Nhơn và đang giảng dạy tại thành phố B'lao (nay là Bảo Lộc - Lâm Đồng).
Chàng thanh niên có dáng thư sinh sống đơn độc trên một ngọn đồi, nơi đó quanh năm toàn mây mù bao phủ. Niềm vui duy nhất của Trịnh Công Sơn lúc đó là đón nhận những bức thư của Dao Ánh. Có những lá thư đọc đến thuộc từng dấu chấm phẩy, rồi còn cẩn thận gấp lại gối xuống đầu giường với hy vọng hằng đêm gặp được người yêu trong giấc mơ.  
Về phần mình, Trịnh Công Sơn chia sẻ về những ngày dài hoang vu, những buổi sáng thức dậy trong im lặng, những buổi tối trăng non… Khi  đó, bóng hình duy nhất trong trái tim nhạc sĩ là Dao Ánh. Anh gọi tên Dao Ánh không biết bao nhiêu lần trong thinh không… Anh dệt lên trong tâm tưởng một hình ảnh thật trinh nguyên, một Dao Ánh với “mái tóc thật dài, với tâm hồn lá non và tiếng cười hồn nhiên như một buổi sáng mùa xuân…”. 
Cuộc tình lãng mạn của họ kéo dài 4 năm chỉ chủ yếu qua những lá thư. Ít ai ngờ rằng, khi ấy, Dao Ánh mà Trịnh Công Sơn yêu tha thiết mới chỉ vừa tròn… 15 tuổi!
300 lá thư tình gửi cho Dao Ánh
Trịnh Công Sơn viết thư cho Dao Ánh hàng ngày, có ngày viết tới mấy lần, buổi trưa, chiều, và tối. Đi tới 1 vùng khác, ông cũng viết thư cho Dao Ánh. Viết xong một tình khúc, Trịnh lại báo tin cho Ánh: “Anh vừa viết xong một bản nhạc cho Ánh: Ru mãi ngàn năm, Ru em từng ngón xuân nồng” (thư B’lao 26.2.1965).
Trong những bức thư gửi cho Dao Ánh, Trịnh Công Sơn luôn thể hiện nỗi nhớ thương da diết dành cho người yêu bé nhỏ: “Anh nhớ Ánh, nhớ Ánh , nhớ Ánh mà không nói được với ai. Như tiếng kêu của một loài kiến nhỏ. Làm thế nào Ánh nghe thấy... Ánh ơi, Ánh ơi, Ánh ơi, Ánh trở về buổi trưa mắt buồn, áo trắng... Rất mong thư Ánh mỗi ngày mỗi giờ mỗi tháng mỗi năm...” (trích bức thư Trịnh Công Sơn gửi cho Dao Ánh ngày 16/2/1965).
“Anh bây giờ đang có một điều cần nhất là: Yêu Ánh vô cùng. Anh đang nhớ lắm đây. Tình yêu đó bỗng đổi dạng như một phép lạ...” (thư gửi ngày 16/9/1966).
Tuy vậy, sau gần 4 năm gắn bó, Trịnh Công Sơn biết rằng không thể mang lại cho Dao Ánh một mái ấm gia đình như cô mong muốn nên ông chủ động chia tay và nhận hết tội lỗi về mình. Trong bức thư chia tay, Trịnh Công Sơn viết: "Anh xin cảm ơn bốn năm ròng rã nâng niu tình yêu đó. Cũng xin cảm ơn những buổi đợi chờ thật dịu dàng không bao giờ còn có được…”.
Bức thư đầu tiên anh nói lời cảm ơn, và bức thư chia tay cuối cùng, anh cũng nói lời cảm ơn. Mỗi lá thư của anh như một đoản văn đầy chất thi ca, chứa đựng tâm trạng lo âu, dằn vặt triền miên về kiếp người, lòng tin vào những điều tốt đẹp đang dần mất đi trong cõi nhân gian.

 Năm 1975, Dao Ánh theo chồng sang Mỹ và không quên mang theo tất cả những kỷ vật đã có với nhạc sĩ. Từ những bức thư tình, những bài hát viết tay của nhạc sĩ dành cho bà, những kỷ vật như cọng cỏ khô, chiếc lá ép… đều được bà Dao Ánh nâng niu gìn giữ như báu vật. Tổng cộng có khoảng 300 bức thư viết tay được trao đi gửi lại. (In thành cuốn sách Thư tình gửi một người, NXB Trẻ, năm 2011)
Những lời cuối cùng Trịnh Công Sơn viết cho Dao Ánh là những ngày nhạc sĩ nằm trên giường bệnh. Vẫn là những lời an ủi thật dịu dàng: “Ánh cố gắng tìm được những niềm vui nhỏ nhắn trong cuộc sống bình thường là quý giá lắm rồi. Chúc Ánh một cái tết thú vị dù chỉ một mình hay với người khác…”.
Những ngày cuối đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bị ốm nặng, Dao Ánh cũng trở về Việt Nam chăm sóc ông. Bà cũng đã gửi tặng lại gia đình nhạc sĩ này hơn 300 bức thư tình mà ông đã gửi cho bà thuở còn yêu nhau. 
Bà chia sẻ: “Trả lại những kỷ vật này cũng đồng nghĩa với việc tôi đang tự “giết” mình. Mấy chục năm qua, nhờ nó mà tôi luôn cảm thấy anh Sơn lúc nào cũng ở bên cạnh. Nhưng anh Sơn là của mọi người nên tôi không có quyền giữ nó cho riêng mình”.
Cái tên Dao Ánh tuy không được nhắc đến nhiều nhưng được ngầm hiểu là giai nhân trong hàng loạt những Mưa hồng, Tuổi đá buồn, Như cánh vạc bay, Chiều một mình qua phố, Lời buồn Thánh… Và dấu ấn đậm nhất có thể kể đến là Xin trả nợ người được sáng tác khi bà Dao Ánh lần đầu về nước vào năm 1993, sau gần 20 năm xa cách.
Như Mây 


0 nhận xét :