Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Năm, 21 tháng 5, 2015

Phố Hiến - "Tiểu Tràng An" xưa

“Thứ Nhất Kinh Kỳ, thứ Nhì Phố Hiến”. Là câu truyền miệng của người đất Nhãn, từ đời này sang đời khác, họ nhắc để nhớ, để tư hào, về một quá khứ phồn hoa đô hội của Phố Hiến năm xưa. Trải qua thời gian, sự bồi lấp của dòng sông đã làm Phố Hiến bị sa vào lãng quên, thế nhưng những dấu tích của Phố Hiến thì còn sống đến tận hôm nay.


Phố Hiến là một trong những đô thị cổ nhất của Việt Nam, theo những tài liệu lịch sử cho thấy,  Phố Hiến là kết tinh của một quá trình buôn bán giao thương diễn ra nhiều thế kỷ, thế nhưng đến khoảng thế kỷ thứ 16, 17  đô thị Phố Hiến chính thức hình thành. Trước kia phố hiến là cảng biển sầm uất bậc nhất của dải đất hình chữ  S, so sánh với hội an, bấy giờ Phố Hiến sầm uất hơn nhiều, bởi Phố Hiện có vị trí thuận lợi hơn cho việc giao thương,cũng như sông Hồng lớn hơn sông Hoài của Hội An. 

Từ sự giao thương phát triển đó, đã có nhiều công trình kiến trúc lớn của một thời phồn hoa. Băng qua bão táp thơi gian để đến hôm nay, những trầm tích, phế tích năm nào được vinh danh để người đất tự hào.

Phố Hiến sau khi suy tàn nhưng vẫn còn hiện hữu đến ngày nay nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, chứng minh cho thời kỳ phát triển rực rỡ của một "Tiểu Tràng An" xưa, là di sản vô giá của kho tàng văn hóa dân tộc và nhân loại. Nổi bật trong đó là những công trình kiến trúc thuần Việt như: Chùa Chuông, chùa Nễ Châu, đình chùa Hiến, đền Mẫu, đền mây, đền Kim Đằng, Văn Miếu Xích Đằng... Tại các di tích này còn lưu giữ được các mảng chạm khắc hoa văn chủ yếu là tứ linh, tứ quý, hoa văn, đầu rồng cùng các bức châm thư với nghệ thuật thư pháp thanh thoát, uyên bác. Riêng chùa Chuông, đình An Vũ được làm kiểu bốn mái mang nét đặc trưng của kiến trúc thời Lê. Còn đền Mây, đề Mẫu, đền Trần, Văn Miếu Xích Đằng mang đặc trưng kiến trúc thời Nguyễn với kiểu dáng tường hồi bít đốc, cùng các mảng chạm khắc tứ linh và tứ quý đan xen. Trong khi đó, đình chùa Hiến, chùa Nễ Châu mang dáng dấp nghệ thuật chạm khắc thời Lê - Nguyễn cũng là dấu tích về sự phát triển rực rỡ của Phố Hiến thời hoàng kim. 

Tại Phố Hiến còn có những công trình kiến trúc của người Việt kết hợp với kiến trúc Trung Hoa và phương Tây như: Đông đô Quảng Hội, đền Thiên Hậu, chùa Phố, Võ Miếu. Mái của các công trình này chủ yếu là lợp ngói ống. Các mảng chạm khắc được dựa theo các tích cổ trong dân gian như: Cá chép vượt vũ môn hóa rồng, hoa sen úp, lân hý cầu, kết nghĩa vườn đào, bát mã quần phi... Ngoài ra, nhà thờ thiên chúa giáo tọa lạc giữa trung tâm Phố Hiến được xây từ thế kỷ thứ 17 mang đậm kiến trúc gô-tích vòm theo kiểu vòng cung ba thùy. Nét kiến trúc mỹ thuật của từng di tích đều góp phần vào việc chứng nhận làm sáng tổ các giai đoạn, các thời kỳ lịch sử; là cơ sở để các nhà khoa học nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật của Phố Hiến nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.

Cùng với kiến trúc độc đáo, các di tích đều toát lên sự thâm nghiêm của không gian u tịch gắn với sự bài trí tượng thờ trong khung cảnh thiên nhiên hài hòa khiến nhiều di tích ở Phố Hiến tạo được ấn tượng khá mạnh và sâu lắng trong du khách. Đó là chùa Chuông phong cảnh tuyệt mỹ được ví là thắng cảnh "đẹp nhất Sơn Nam", là đền Mẫu cổ kính ẩn mình dưới bóng cây cổ thụ 3 gốc soi bóng lung linh bên hồ Bán nguyệt thơ mộng, là đền Mây thấp thoáng bên bờ sông Hồng được coi là đệp hơn cả "trăm cảnh nghìn cảnh". Những di tích này cũng được coi là những địa danh nổi tiếng trong tuyến du lịch xuôi sông Hồng về Phố Hiến.

 Mới đây tỉnh Hưng Yên nói chung, TP Hưng Yên nói riêng  nhận được vinh hạnh khi được Bộ văn hóa công nhận là  "Di tích Quốc gia đặc biệt". Đây cũng là sự khẳng định những giá trị to lớn của Phố Hiến trong lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam; đồng thời đặt ra vấn đề lớn trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị của một vùng đất cổ Phố Hiến xứng tầm với một di tích Quốc gia đặc biệt. Có lẽ với thành phố ngủ quên về tiềm năng du lịch từ lâu thì đây là dịp tốt để khơi dậy truyền thống xưa.

Nguyễn Tùng

0 nhận xét :