Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Năm, 4 tháng 6, 2015

Sự thật đằng sau bức ảnh nổi tiếng nhất thế giới

Cách đây ba thập kỷ, nhiếp ảnh gia Steve McCurry đã chụp bức ảnh được cho là có tính biểu tượng nhất mọi thời đại.

Và sau đó, tất cả các nhiếp ảnh gia kỳ cựu đều tập trung bàn luận đầy nhiệt huyết về bức hình “Cô gái Afghan”.
“Tôi biết cô gái này có ánh mắt rất lạ thường và một cái nhìn thấu suốt”, ông nhớ lại.
“Khi tôi chụp xong bức hình này, tôi biết là nó sẽ trở nên đặc biệt. Tôi đưa nó cho biên tập viên của tờ National Geographic và không nằm ngoài dự đoán, ông ấy nhảy lên và hét to: Đây chính là trang bìa sắp tới của chúng ta!”
Bức hình “Cô gái Afghan” không chỉ trở thành trang bìa của rất nhiều tạp chí nổi tiếng mà còn được nhiều người đánh giá là thành công nhất trong lịch sử.
Bức hình ghi lại gương mặt cô bé 12 tuổi, Sharbat Gula, một đứa trẻ mồ côi trong trại tị nạn Nasir Bagh ở biên giới giữa Afghanistan và Pakistan, chụp vào tháng 12 năm 1984 và được xuất bản một năm sau đó.
Sharbat Gula hiện nay đã hơn 40 tuổi và gần đây người ta thấy cô vẫn còn sống tại Pakistan. Khi McCurry công bố bức ảnh, điều khiến ông thích thú nhất đó là bức hình đã có sự ảnh hưởng lớn đối với thế giới thực.
Ông còn cho biết: “rất nhiều người tình nguyện làm việc tại các trại tị nạn vì bức hình đó”, “người dân Afghanistan rất tự hào về cô, một cô gái nghèo nhưng đầy hãnh diện, dũng cảm và lòng tự trọng”.
“Bức hình làm người ta nhìn lại hoàn cảnh của mình, nó truyền cảm hứng cho rất nhiều người, giúp họ bỏ qua những mặc cảm về thân phận và địa vị của mình”.
Nó cũng khiến tờ National Geographic thiết lập ra Quỹ trẻ em Afghanistan và được rất nhiều người chung tay ủng hộ. Cũng vì bức hình nổi tiếng này mà ngày nay, McCurry chẳng bao giờ phải trả tiền taxi khi đi lại tại Afghanistan.
Chủ đề và kết nối
Ngoài bức hình nổi tiếng này, MacCurry cũng chụp được rất nhiều bức chân dung đặc sắc khác, giúp ông mở một trung tâm triển lãm ảnh lớn gần đây tại Monza, Ý.
Nhiếp ảnh gia kỳ cựu, Steve McCurry
Nhiếp ảnh gia kỳ cựu, Steve McCurry
“Thật tuyệt khi nhìn lại các tác phẩm mà tôi tạo ra, các công việc mà tôi đã làm và sự móc nối chặt chẽ của chúng với nhau.
Nhưng chắc chắn rằng tôi sẽ chẳng bao giờ nghĩ đến việc nghỉ hưu cả”, nhiếp ảnh gia 64 tuổi trả lời phỏng vấn của trang CNN ở New York, Mỹ.
“Có quá nhiều vùng đất mới và những câu chuyện mê hoặc tôi. Tôi có một danh sách dài các địa điểm mà tôi sẽ đặt chân tới như Iran, Madagascar, Mongolia, Nga”.
“Tôi tin rằng một khi bạn đã tìm thấy được công việc yêu thích của mình, bạn chắc chắn sẽ gắn bó với nó cả đời. Vậy hà cớ gì bạn lại ngừng niềm đam mê của mình lại? Nó không đơn thuần là công việc, nó là niềm đam mê”.
Bức hình nổi tiếng “Cô gái Afghan” chỉ là một trong số hàng nghìn bức ảnh đặc biệt mà McCurry đã chụp trong suốt 40 năm làm việc và trong khoảng thời gian đó ông cũng đã nhận được rất nhiều giải thưởng cho mình.
Một trong những giải thưởng nổi bật là dành cho bức hình ba con lạc đà đi qua cánh đồng khói lửa ông chụp ở Kuwait năm 1991 trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh thứ nhất.
Lạc đà đi qua những cánh đồng đầy khói lửa trong cuộc chiến tranh Vịnh thứ nhất ở Kuwait
Lạc đà đi qua những cánh đồng đầy khói lửa trong cuộc chiến tranh Vịnh thứ nhất ở Kuwait.
“Shaddam Hussein đã khai thác 600 giếng dầu – một thảm họa môi trường khi mà dầu bị rò rỉ trên suốt cả quốc gia và thấm vào vùng Vịnh” - ông nhớ lại.
Bị cuốn vào những câu chuyện…
McCurry sinh năm 1950 tại bang Pennsylvania, ông bị mất cánh tay phải khi bị ngã cầu thang lúc mới lên năm tuổi. Ông học ngành nghệ thuật sân khấu tại Đại học bang Penn.
Hai năm sau khi tốt nghiệp, ông chuyển đến sống ở Ấn Độ để tìm hướng phát triển sự nghiệp nhiếp ảnh gia tự do của mình.
Năm 1970 là năm đánh dấu bước ngoặt lớn trong sự nghiệp khi ông cải trang trong bộ quần áo Afghan và nhập cư bất hợp phát vào quốc gia này ngay trước cuộc xâm lược của Liên Xô.
Tại đây, ông chụp được rất nhiều bức hình nạn nhân bị tấn công bởi chính phủ. “Ngay sau khi tôi vượt qua biên giới, tôi đã đi qua hơn 40 ngôi nhà và một vài trường học, nơi đã bị phá trực thăng phá hủy toàn bộ”.
“Tôi nhận thấy cần có người cất lên tiếng nói và quá ít người có thể vào được đó để ghi lại các khoảnh khắc này bởi nó quá xa xôi”.
McCurry đã đi khắp nơi trên thế giới, từ rừng sâu ở miền trung châu Phi cho đến vùng núi Tây Tạng, mỗi bức hình ông như nắm bắt được cả linh hồn của những nhân vật trong đó.
“Dù tôi không tham gia chiến tranh, nhưng máy ảnh là thứ giúp tôi có thể tương tác và thấu hiểu được họ”.
“Để chụp được những bức hình xuất sắc, bạn phải dành thời gian với họ, đến khi họ tin tưởng bạn và quên rằng bạn đang ở đó chụp hình họ”.
Steve McCurry với các thành viên bộ tộc Surma ở Ethiopia
Steve McCurry với các thành viên bộ tộc Surma ở Ethiopia
“Tôi cố gắng nhìn thẳng vào mắt họ khi tôi chụp một tấm hình chân dung để thực sự hiểu tâm tư và suy nghĩ hiện lên khuôn mặt họ”.

Theo Trí Thức Trẻ

0 nhận xét :