Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2009

Nghệ thuật với tính cách là sự tái hiện đặc thù

Nghệ thuật thể hiện vai trò của mình trong hoạt động nhận thức, trước hết, với tính cách là sự tái hiện một cách đặc thù thế giới hiện thực. Sự tái hiện đặc thù của nghệ thuật không chỉ khẳng định nhận thức nghệ thuật là một hình thái của sự nhận thức thế giới, mà quan trọng hơn là ở chỗ, nó có khả năng tổng hợp và phát triển mọi hình thức phản ánh của hoạt động nhận thức của con người.

Thông qua hệ thống hình tượng cảm tính – cụ thể và sinh động, nhận thức nghệ thuật được thể hiện như một qui luật của tình cảm. Chính điều này ở trong hoạt động nhận thức, sức mạnh tiềm ẩn của nghệ thuật một mặt, được thể hiện ở khả năng tổng hợp cảm xúc của nó trong thế giới tình cảm, mặt khác nó như một trí nhớ cảm quan trực tiếp của sự phát triển văn hóa của con người. Bởi vậy, theo chúng tôi làm rõ vai trò của nghệ thuật trong hoạt động nhận thức là làm rõ sự thể hiện của nó ở các khía cạnh chủ yếu như : - Nghệ thuật với tính cách là sự tái hiện đặc thù về thế giới; - Nghệ thuật là một cơ chế tổng hợp cảm xúc, cảm nghĩ; - Nghệ thuật là một loại trí nhớ xã hội.

Trong thời kỳ cổ đại Hy-lạp, Platon cho rằng, nghệ thuật là sự phản ánh lại lần thứ hai, sự phản ánh đã được nhận thức, do đó mà nó không có giá trị nhận thức. Nhưng thực chất, những luận điểm của Platon lại có ý chống lại “nghệ thuật mô phỏng”, - là một thứ nghệ thuật không có khả năng phát hiện chân lý. Tư tưởng này của Platon là cơ sở lý luận cho chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa thần bí trong việc định nghĩa bản chất của nghệ thuật. Trong các tư tưởng duy lý, thần bí đó phải kể đến quan điểm của Cantơ. Bởi vì Cantơ đối lập chân lý với cái đẹp, cho nên đã dẫn đến tình trạng tuyệt đối hóa hình thức, coi thường nội dung của các tác phẩm nghệ thuật. Mặt khác, trên cơ sở đó cũng đã làm xuất hiện khuynh hướng kiến giải trực giác đối với nghệ thuật. Trong khuynh hướng đó, phải nói đến những đại biểu của nó như: H. Bécxông; B. Krotsê; N. Lotxki; M. Vaixơ, v.v...

Đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, xuất hiện một sự biến thể khác của chủ nghĩa duy tâm trong mỹ học, đó là chủ nghĩa duy lý cực đoan với quan điểm cho rằng nghệ thuật chỉ là sự minh họa những khái niệm, qui luật, công thức của khoa học. Điều đó có nghĩa, các tác phẩm nghệ thuật chẳng qua chỉ là một bộ sưu tập những “bức tranh” về thế giới hiện thực, làm cho con người hiểu được những chân lý do khoa học nêu lên bằng tính chất cảm tính, trực quan của nó.

Trong cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa duy tâm, Arixtốt đã khẳng định “nguồn thích thú thẩm mỹ” không phải là thế giới các“ý niệm”, mà là sự quan tâm thực tế của con người muốn đạt tới sự nhận thức đúng đắn; rằng nghệ thuật là một trong những hình thái của hoạt động nhận thức của con người. Chẳng hạn, khi nói đến sự phản ánh của bi kịch về cuộc sống, ông cho rằng: “Bi kịch không những bắt chước hành động hoàn chỉnh, mà còn bắt chước cả cái khủng khiếp và cái xót thương…” hoặc những cốt truyện phản ánh tính chân thật của hiện thực và “Vì vậy, những cốt truyện giống như thế, nhất định sẽ là những cốt chuyện tốt nhất”[1].

Thời kỳ Phục hưng, lý thuyết “bắt chước” trở thành nguyên lý chủ yếu trong nghệ thuật, và sự hưng thịnh của hình thức hội họa của thời kỳ này là điều biểu hiện đầy đủ nhất của nguyên lý “bắt chước”[2]. Cố nhiên, tư tưởng cơ bản của nguyên lý này không phải đòi hỏi nghệ thuật là “bắt chứớc” thuần túy tự nhiên, “mô phỏng” hiện thực, hoặc đồng nhất với bản thân hiện thực, mà phản ánh nghệ thuật phải mang tính “hiện thực”, v.v., và là một phương tiện để nhận thức cuộc sống. Tiếp sau đó, nguyên lý “bắt chước” được hoàn thiện và phát triển thêm bởi Điđrô, Letxing,Tsecnưxépxki. Đặc biệt, Tsepnưxepxki đã chứng minh rằng nghệ thuật là một phương tiện nhận thức, là sự tái hiện hiện thực; tuy nhiên ông không đồng nhất quan niệm coi nghệ thuật là “sự bắt chước thiên nhiên”. Ông viết : “Mô tả lại cuộc sống - đó là đặc trưng khái quát của nghệ thuật, đặc trưng này là bản chất của nó; những tác phẩm nghệ thuật thường có ý nghĩa khác nữa là giải thích cuộc sống; nhiều khi chúng lại có ý nghĩa của một sự xét đoán đối với những hiện tượng cuộc sống”[3]. Ngay cả Hêghen, trong “Những bài giảng mỹ học” đã khuyến cáo trước rằng, nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa cần phải đề phòng sự tìm tòi hình thức chủ nghĩa cái “thiên tài thần linh” kiêu ngạo, cũng như đề phòng mọi sự mô phỏng thuần túy, tỷ mỷ về hiện thực, v.v…

Những vấn đề về chủ nghĩa hiện thực chiếm một vị trí quan trọng trong sự phát triển của mỹ học đã được Ph. Ăngghen định nghĩa một cách khoa học: “Theo ý tôi chủ nghĩa hiện thực, ngoài sự chính xác của các chi tiết ra, chủ nghĩa hiện thực còn đòi hỏi sự tái hiện chân thực các tính cách điển hình trong các hoàn cảnh điển hình”[4]. Định nghĩa này của Ph. Ăngghen đã nói lên đặc trưng của chủ nghĩa hiện thực và vấn đề “tái hiện” trong phản ánh nghệ thuật, như là một trong những nội dung cơ bản của mỹ học mácxít là mỹ học đã kế thừa, tổng kết và khái quát những kinh nghiệm về sự chiếm hữu thế giới một cách thẩm mỹ của nghệ thuật.

Thực tiễn cuộc sống luôn là động lực cho hoạt động nhận thức và đồng thời con người cũng luôn cũng cần xác định thái độ của mình đối với cuộc sống. Cho nên, con người đề xuất ra nhiều ý nghĩ, quan điểm, lý thuyết, trong số đó cũng có những quan điểm thẩm mỹ, quan điểm nghệ thuật. Con người nhất thiết phải biết rõ và đánh giá những gì giữa thế giới là đẹp, là xấu và nhận thức nghệ thuật xét cho cùng cũng là quá trình nhận thức cái đẹp, vận dụng qui luật của cái đẹp trong hoạt động nói chung của con người. Ý thức xã hội trong quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của nó đã nảy sinh nhu cầu phải có một hình thái đặc biệt của nhận thức và của thực tiễn xã hội, một hình thái có thể là điều kiện, là tiền đề để tự biểu hiện, phát triển thêm những quan hệ thẩm mỹ của con người đối với hiện thực. Có lẽ như vậy, mà thực tế cuộc sống đã làm cho con người luôn cảm nhận được ý nghĩa của nhận thức nghệ thuật mà ý thức thẩm mỹ của xã hội, một mặt được hình thành, và mặt khác được nuôi dưỡng và phát triển. Chính do đấy mà nghệ thuật không chỉ là một hình thái đặc thù của nhận thức mà nó còn là một hình thái cao nhất của quan hệ thẩm mỹ của con người đối với hiện thực.

Con người có quan hệ thẩm mỹ đối với các sự vật, hiện tượng, sự kiện trong đời sống hiện thực với tự nhiên và xã hội. Những cảm xúc thẩm mỹ của con người nảy sinh ra không chỉ do sáng tạo và thưởng ngoạn nghệ thuật, mà còn do tiếp xúc cả một phạm vi rộng rãi những đối tượng, những hiện tượng và những biến cố của thiên nhiên cũng như trong cuộc sống xã hội. Chính những mối quan hệ này làm xuất hiện nhu cầu thẩm mỹ và nhu cầu đó được thể hiện bằng những cảm xúc, thị hiếu và lý tưởng thẩm mỹ.

Lý luận phản ánh của duy vật biện chứng là cơ sở phương pháp luận khoa học cho việc nghiên cứu một cách biện chứng qúa trình con người nhận thức thế giới khách quan, trong đó có cả nhận thức nghệ thuật và mối quan hệ giữa nhận thức bằng nghệ thuật với các hình thái khác của hoạt động nhận thức con ngưới.

Nghệ thuật là hình thái đặc thù của quá trình nhận thức hiện thực và của việc tác động trở lại của nó đối với hiện thực. Tính đặc thù của nhận thức nghệ thuật gắn bó mật thiếtt trước tiên với nguyên lý xuất phát khẳng định ý thức thẩm mỹ hướng vào thế giới bao gồm các sự vật, những hiện tượng và những quan hệ giữa chúng vơi nhau, được thu nhận qua cảm tính và mục đích của quá trình nhận thức này nhằm phát triển con người với danh nghĩa con người vừa là chủ thể, vừa là khách thể thẩm mỹ về tất cả các mặt. Và lẽ tất nhiên, những quan hệ thẩm mỹ của con người đối với hiện thực nói chung, và nghệ thuật, hình thái đặc thù của ý thức xã hội, đều có sự tác động biện chứng qua lại với nhau từ bên trong sự vận động của toàn bộ lịch sử tư tưởng nói chugn của con người, - và đấy cũng là lý do vì sao trong khoa học mỹ học, nghệ thuật được coi là một hình thái cao nhất của quan hệ thẩm mỹ giữa con người đối với hiện thực.

Qui luật chung của hoạt động nhận thức, thường được diễn tả một cách khái quát như sau: “Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn - đó là con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý, của sự nhận thức thực tại khách quan”.

Trực quan sinh động (hay nhận thức cảm tính) là giai đoạn đầu tiên của qúa trình nhận thức. Đó là sự phản ánh trực tiếp hiện thực bằng các hình thức phản ánh: cảm giác, tri giác, biểu tượng. Thông qua nhận thức cảm tính, con người liên hệ một cách trực tiếp thế giới những hiện tượng riêng biệt, là sự phản ánh những mối liên hệ đơn giản, bên ngoài giữa các hiện tượng đó, hình thành kinh nghiệm sống và tri thức kinh nghiệm. Tư duy trừu tượng giai đoạn tiếp theo của qúa trình nhận thức, - đó là sự phản ánh gián tiếp bằng các hình thức: khái niệm, phán đoán, suy luận. Sự phản ánh này, loại bỏ tính chất không cơ bản, thứ yếu của sự vật, hiện tượng và khái quát những mặt, những thuộc tính, những mối liên hệ mang tính chất chung, tính bản chất và tính qui luật của sự vật.

Nhận thức là một quá trình phản ánh hiện thực khách quan vào trong bộ não người, nhưng không phải là sự phản ánh giản đơn, thụ động mà là một quá trình phản ánh mang tính tích cực năng động và sáng tạo. Quá trình đó thể hiện trong cơ chế của hoạt động nhận thức được thể hiện chủ yếu như: mối quan hệ biện chứng giữa chủ thể và khách thể – kết quả của hoạt động nhận thức và tính tích cực năng động sáng tạo của nhận thức, v.v…

Kết quả của hoạt động nhận thức là tri thức nói chung của con người. Tri thức là kết quả của quá trình con người nhận thức thế giới, là sự phản ánh thế giới khách quan. Tri thức bao gồm tri thức về tự nhiên, xã hội, con người ... dưới nhiều hình thức và cấp độ khác nhau như tri thức cảm tính - tri thức lý tính; tri thức kinh nghiệm - tri thức lý luận; tri thức tiền khoa học - tri thức khoa học.

Tri thức kinh nghiệm là tri thức nảy sinh một cách trực tiếp từ thực tiễn - từ lao động sản xuất, đấu tranh xã hội hoặc thí nghiệm khoa học. Đó là kết quả từ những quan sát hàng ngày trong cuộc sống và trong lao động v.v... hoặc từ những thí nghiệm khoa học. Tri thức kinh nghiệm giới hạn ở lĩnh vực các sự kiện, sự miêu tả, phân loại các dữ kiện thu nhận được từ quan sát và thí nghiệm về các khía cạnh cụ thể khác nhau của hiện thực. Tri thức lý luận là tri thức được hình thành từ tri thức kinh nghiệm, trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm, nhưng không phải mọi lý luận đều trực tiếp xuất phát từ kinh nghiệm, mà nó có thể đi trước những dữ kiện kinh nghiệm bởi tính vuợt trước của nó trong sự phát triển của khoa học. Tri thức lý luận là tri thức mang tính hệ thống, khái quát, trừu tượng hoá phản ánh tính bản chất và các qui luật của hiện thực.

Tri thức kinh nghiệm và tri thức lý luận là hai trình độ khác nhau của nhận thức, đồng thời lại có sự thống nhất, tác động qua lại và chuyển hoá cho nhau. Nhận thức kinh nghiệm và nhận thức lý luận không đồng nhất với nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính, tuy chúng có mối liên hệ với nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính; bởi vì trong kinh nghiệm có yếu tố lý tính. Do đó có thể coi kinh nghiệm và lý luận là các bậc thang của của nhận thức lý tính, nhưng khác nhau về tính chất, trình độ phản ánh hiện thực, song đều phụ thuộc vào hoạt động thực tiễn của con người.

Tính năng động và sáng tạo của nhận thức được thể hiện ngay từ khi con người xác định đối tượng, mục tiêu, phương hướng hoạt động cũng như việc lực chọn cách thức, phương pháp thực hiện mục tiêu đã đề ra, nó định hướng cho con người biết phân tích, lựa chọn những khả năng thực tế của việc vận dụng những qui luật khách quan trong hoạt động thực tiễn. Tính năng động và sáng tạo của nhận thức là quá trình cải biến các đối tượng vật chất đã được di chuyển vào bộ não con người, thành cái tinh thần, cái khách thể tinh thần, v.v... ý thức là sản phẩm lịch sử của sự phát triển xã hội. Quá trình nhận thức là quá trình thống nhất 3 mặt sau:

(1). Trao đổi thông tin giữa chủ thể và đối tượng phản ánh. Sự trao đổi này có tính hai chiều, có định hướng và chọn lọc các thông tin cần thiết.

(2). Mô hình hoá đối tượng trong tư duy dưới dạng hình ảnh tinh thần. Đây là quá trình mã hoá các đối tượng vật chất thành các ý tưởng tinh thần phi vật chất.

(3). Chuyển mô hình từ tư duy ra hiện thực khách quan, tức là quá trình hiện thực hoá tư tưởng, thông qua hoạt động thực tiễn chuyển hoá tư tưởng thành thực tại, hoặc vật chất hoá tư tưởng của con người dưới dạng vật chất ngoài hiện thực. Trong giai đoạn này con người lựa chọn những phương pháp, phương tiện, công cụ để tác động vào hiện thực khách quan nhằm thực hiện mục đích của mình.



[1] Arixtốt, Nghệ thuật thơ ca, Nxb Văn hoá – nghệ thuật, Hà Nội, 1964, tr. 60.

[2] Xem: A. N. Iliadia, Những vấn đề đạo đức và mỹ học, Tài liệu dịch, Phòng tư liệu Viện Văn hoá, Hà Nội, 1980, tr. 80.

[3] Tsecnưsépxki, Quan hệ thẩm mỹ của nghệ thuật đối với hiện thực, Nxb Văn hoá Nghệ thuật, Hà Nội, 1962, tr. 172.

[4] Xem: I. U. A. Lukin… Những nguyên lý mỹ học Mác – Lênin, Nxb Sách giáo khoa Mác – Lênin, Hà Nội, 1964, tr. 131.

0 nhận xét :