-->
Về làng Quỳnh Đôi Nghệ An quê gốc của nhà thơ Tú Mỡ (tên thật Hồ Trọng Hiếu – sinh 1900 tại Hà Nội), thấy tên ông trong văn bia ngay dưới tên Hồ Xuân Hương làm ta hiểu thêm đó là cốt cách cách danh nhân văn hóa họ Hồ xứ Nghệ: Văn hóa cười. Chả thế, theo Vũ Ngọc Phan, ông có cái giọng bình dân, chân chất nhưng rất trong sáng, giọng đùa cợt với đời có âm hưởng thanh – tục lẳng lơ của Hồ Xuân Hương, giọng nhạo đời của Tú Xương, giọng thù ứng ý nhị của Nguyễn Khắc Hiếu…
Nhà thơ Tú Mỡ từ nhỏ chỉ vì cười cợt, cười giễu bị người ta ném đá sứt một răng cửa, nhưng vẫn chẳng chừa. Cũng may, nếu nhà thơ chừa thì đâu có những áng thơ bất hủ để để thiên hạ được cười, được mếu với với đời.
Tiếng cười của Tú Mỡ là tiếng cười của cái bi hài, - đó là sự phê phán những thói hư tật xấu của con người bằng thơ. Người đọc, yêu cái chất hóm hỉnh dân dã, tinh tế, nhưng sâu đậm hồn văn chương của nhân tình thế thái. Cái thế thái của sự ngang trái, éo le của sự đời. Tiếng cười trong thơ Tú Mỡ có vị cay của hương đồng gió nội, cái vị cay làm tiếng cười như se lại, rồi vỡ òa trong sự hài hước, châm biếm, đả kích là một vũ khí để cười. Và ở một phương diện nào đó tiếng cười trong thơ ông còn là tiếng cười trào lộng, dễ thương, dễ yêu có sức cuốn hút và gần gũi lạ thường. Nhưng dám trách nhà thơ?
Từ lâu trong dân gian, người đời vẫn truyền miệng nhau, khi trà dư, tửu hậu cho rằng Tú Mỡ chán cảnh lều chõng trong chốn trường thi. Ấy là khi ông thi cử nhân. Không đậu, ông thoát tục đi tu. Nên ông tự xưng là ông Tú? Điều này chắc không đúng. Do mến phục văn thơ trào phúng của Tú Xương và tự cho mình là học trò của Tú Xương nên ông lấy bút danh là Tú Mỡ. Hơn nữa, hồi nhỏ, ông học vỡ lòng chữ Hán với ông nội, sau học chữ quốc ngữ; sau đỗ bằng Thành chung, làm thư ký ở Sở Tài chính cho đến Cách mạng tháng Tám 1945. Hay người ta nhầm ông với Tú Xương? Tú Xương đậu tú tài năm 24 tuổi (Tú Xương tên thật là Trần Tế Xương sinh năm 1870 mất năm 1907), mấy năm liền ông thi cử nhân nhưng đều trượt. Rồi ông bị bệnh mất sớm…
Theo giai thoại, mà giai thoại trong văn chương xưa nay thì có gì để làm bằng để chứng minh, để khẳng định? Người ta nói ông đi tu, mà lại tu ở một ngôi chùa thuộc tỉnh Hà Nam? Sau hơn một năm Qui Y Tam Bảo, Tú Mỡ tự thấy mình không thể thành Phật, không thể siêu thoát tâm linh. Bởi ông thấy khó có thể thực hiện được năm lời răn của người tu hành. Đó là: Cấm sát sinh; cấm đạo tặc; cấm loạn ngôn; cấm tửu và cấm sắc. Nhưng khó cho Tú Mỡ, không thể tự nhiên bỏ nhà chùa, vì trót xuống tóc ăn mày nơi cửa Phật. Nên trước khi trở về với cuộc sống đời thường, để lấy vợ, ông viết bài thơ cáo lỗi để tạ từ:
Một rượu
một trà
một đàn bà,
Ba cái lăng nhăng nó hại ta.
Bỏ được thứ nào hay thứ đó,
Có chăng bỏ rượu với bỏ trà.
… Chẳng biết thật hư thế nào, âu cũng là sự yêu mến của mọi người đối với ông; yêu cái giọng bình dân, trong sáng, giọng đùa cợt, nhạo báng với đời. Nhưng với “Bà Tú”, người bạn đời hơn năm mươi năm chung sống; nhà thơ dành một tình cảm thương yêu trân trọng, tin cậy là một phần đời, là sự nghiệp văn chương của ông. Hẳn cũng lạ, nhà thơ cười đời, - để người đời được cười được khóc, được mếu. Nhưng tiếng “cười” mà ông dành cho “Bà Tú” thì nhà thơ dành một tình cảm thương yêu trân trọng, tin cậy là phần đời của ông.
Đọc bài thơ: “Khóc người vợ hiền”, ta cảm nhận được sự ngơ ngác trong ông, ông không tin “Bà Tú” đã ra đi, nhưng quá thật; có lúc lên tiếng gọi bà, chiêm bao lại thấy bà. Đó là ngày Bà Tú đột ngột qua đời. Bằng những câu thơ trữ tình, chắt lọc từ con tim đằm thắm yêu thương. Ông đã khóc:
Bà Tú ơi! Bà Tú ơi!
Té ra bà đã qua đời thực ư?
Tôi cứ tưởng giấc mơ quái ác,
Vùng dạy là tỉnh giấc chiêm bao.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét