Khoa học là một hệ thống tri thức của con người về thế giới hiện thực, là sự diễn đạt những kết qủa nghiên cứu được trên con đường đi tới chân lý dưới dạng những khái niệm, phạm trù, hệ thống lý thuyết, v.v…
Luận điểm cho rằng khoa học, tự bản thân nó, có tính trung hòa về mặt thẩm mỹ, mặt nghệ thuật, điều đó không hẳn là không có lý. Nhưng nhà khoa học hoặc người ứng dụng khoa học vào thực tiễn xã hội thì dĩ nhiên không thể trung lập. Sở dĩ như vậy là vì, những thành tựu của khoa học được sử dụng có thể mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn hoặc ngược lại cho con người. Ý thức nghệ thuật cũng có tiêu chuẩn khách quan của cuộc sống, nó được đo bằng mức độ tác động của nó tới việc mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp. Và như vậy, rõ ràng là chuẩn mực nghệ thuật đích thực cũng tác động tích cực như một phương tiện tốt nhất đến sự phát triển con người. Sự tác động đó không chỉ thể hiện ở mặt thẩm mỹ, nhân cách mà còn về mặt lý tưởng xã hội theo chuẩn mực đúng đắn, theo những phán đoán đúng đắn chân lý của cái đẹp.
Chân lý là một trong những cội nguồn của tiêu chuẩn đánh giá cái thiện, cái mỹ. Con người càng phát triển về tri thức, càng hiểu sâu sắc hơn những qui luật phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy, thì thái độ thẩm mỹ của con người đối với hiện thực ngày càng mãnh liệt; và từ đó mà con người càng yêu thiên nhiên, yêu sự sống và đồng loại hơn. Nhưng nghệ thuật đánh giá khoa học bằng cách nào? Nó là sự đánh giá độc lập hay cùng tham gia vào bản thân sự đánh giá của khoa học ? Thực ra, từ lâu nghệ thuật đã biết đến một qui tắc, hay có thể nói hoạt động nghệ thuật là hoạt động theo nguyên tắc : sự đồng tham gia. Nhờ vậy mà nghệ thuật có khả năng thẩm định tổng hợp hoặc trực gíác (Jugement synthétique ou intuitif) chân lý hay “chuẩn mực chân lý”.
Chúng ta đi sâu vấn đề này bằng một nhận xét hết sức sắc sảo của Hêghen, đó là nhận xét về bản chất rung cảm của tri giác chân lý ở nghệ thuật, khi phân tích qúa trình nhận thức ngoài mối quan hệ có tính thống nhất và mâu thuẫn giữa trí tuệ và xúc cảm còn có mối quan hệ giữa lôgíc hình thức và trực gíác. Ở đây dường như Hêghen nhấn mạnh hơn mối quan hệ giữa lôgíc hình thức – trực giác, khi ông nói đến hoạt động chủ quan của người nghệ sỹ, “ song hoạt động này không phải là một công tác máy móc, không phải là khéo léo vô tình ở trong các biện pháp cảm quan hay là một hoạt động hình thức theo những qui tắc đã quy định cứng nhắc, cũng không phải là một sáng tạo khoa học đã chuyển từ cảm quan sang biểu tượng trừu tượng và những tư tưởng hay là được thực hiện hoàn toàn ở trong các yếu tố của tư duy thuần túy. Ở trong sáng tác nghệ thuật yếu tố tinh thần và yếu tố cảm quan cần phải thống nhất làm một”[1]. Theo chúng tôi, nhận xét trên của Hêghen là có cơ sở khoa học. Bởi vì nếu rút gọn nghệ thuật xuống chỉ còn là tri giác thuần túy cảm xúc, ta sẽ xóa bỏ vai trò của các nhân tố lý tính trong cái tổng thể được gọi là thức giác thẩm mỹ (apereception esthétique).
Như vậy, nói đến thẩm định trực giác là nói đến tri giác trực tiếp chân lý, tức là nhận thức những sự liên hệ khách quan giữa các sự vật, mà không dựa vào một chứng giải nào. Chúng ta có thể tìm thấy sự thẩm định trực giác theo kiểu đánh giá nghệ thuật ở các nhà bác học thực nghiệm : nhà vật lý kiểm chứng một giả thuyết, một định luật vật lý, một sự tương tác riêng biệt; nhà hóa học hay nhà sinh học thực hành sự chuẩn đoán để đưa ra những quyết định, những kết luận khoa học, v.v... Nhưng dù thể hiện dưới hình thức nào thì sự thẩm định của họ đều phải dựa vào những ước định khi hội tụ đủ mọi “bằng chứng” để có thể đưa ra quyết định và kết luận nhất định nào đó. Trên thực tế, sự quyết định và kết luận đó không hẳn có khả năng hội tụ đủ chứng cớ cần thiết và “bằng chứng”, bởi sự thẩm định ở đây đâu phải hiểu theo lôgíc hình thức. Vì theo lôgíc thông thường, để bảo đảm tính đúng đắn của một thẩm định hay một kết luận khoa học thực nghiệm luôn đòi hỏi phải hội đủ một số lượng nhất định của những “bằng chứng”. Trong qúa trình này, các nhà khoa học cũng chưa có đủ những “chứng cớ” và “bằng chứng” như vậy, họ dựa vào trực giác, đưa ra một thẩm định trực giác. Kết luận này, về mặt chân lý được gọi là tạo lập một tín niệm nội tâm, một xác tín nội tâm (une conviction inrieuve) vốn ẩn dấu trong tiềm năng của đánh giá nghệ thuật.
Một khía cạnh khác, nếu như trong khoa học có sự phân biệt nghiêm ngặt cái lôgíc với cái trực giác thì giả thiết rằng một nhà khoa học có thể suốt đời tìm tòi trong cái giới hạn của cái lô-gích và có thể quên cái yếu tố trực giác, thì nhà khoa học đó có tìm ra được chân lý ? Trên thực tế, “sự tìm tòi”… của nhà khoa học đó dễ làm nảy sinh cái thói sùng bái đối với tư tưởng lôgích để khẳng định rằng cái gì không chứng giải được bằng lôgíc thì không phải là khoa học, hơn là sự phủ nhận vai trò của của trực giác sáng tạo. Bởi lẽ, dường như, về nguyên tắc điều đó có vẻ đúng, nhưng trong qúa trình sáng tạo khoa học không hẳn là như vậy. Bởi vì, ngày nay với tiến bộ vượt bậc của khoa học - công nghệ, sự sùng bái kỹ thuật, thì ngay cả sự lập trình cho máy tính điện tử hiện đại nhất cũng không có khả năng đưa toàn bộ lịch sử nhân loại vào chương trình, dù về mặt nguyên tắc, mọi yếu tố đều có thể ghi nhận được để cho các thẩm định đều có thể trở thành một suy lý khoa học.
Bởi vậy, ở một giới hạn rộng lớn hơn phải nói đến mỹ học, đến nghệ thuật, hoặc nói hẹp hơn là thẩm định cái đẹp của chân lý khoa học. Việc khẳng định cái gì đó là đẹp điều đó không hẳn là người ta dựa trên tiêu chuẩn thuần túy là một giá trị “truyền thống” của nghệ thuật, mà đó còn là một chuẩn mực thẩm định trực giác, đánh giá chân lý khoa học. Nhưng thật khó khăn và chẳng bao giờ có thể “chứng giải” được lôgíc sự thẩm định đối với cái đẹp trong nghệ thuật cũng như trong khoa học. Bởi trong một sự thẩm định trực giác luôn bao gồm hai tính chất cơ bản : một là ở đó có sự kết nối giữa trí tuệ và xúc cảm; hai là nó mang tính tổng hợp vô vàn các nhân tố, các thành tố để có thể thẩm định và đánh giá.
Cần nhấn mạnh rằng, tính chính xác của thẩm định cái đẹp là rất tương đối. Vì nó bị giới hạn bởi điều kiện lịch sử, về dân tộc, về thời đại. Tính tương đối đó không chỉ có trong thẩm định nghệ thuật mà cả trong thẩm định khoa học. Cho nên, vấn đề đặt ra là ở chỗ : dựa vào cái gì để nói rằng thẩm định tổng hợp của nghệ thuật đối với “chuẩn mực của chân lý” là có tính thuyết phục và là chân lý ? Cái gì khiến cho chúng ta coi thẩm định tổng hợp là một tri giác trực tiếp chân lý? Thực ra ở khoa học, khi một qui luật mới, một nguyên tắc mới, khái quát thực nghiệm được đặt ra, và khi sự “xác chứng” bằng thực hành được công nhận thì độ tin cậy về những cái đưa ra đó là đủ. Điều đó, hẳn có thể gây ra nghi ngờ khi ta quan niệm rằng, tình cảm chủ quan của cá nhân đã đóng một vai trò chuẩn mực khách quan của chân lý. Ấy thế mà điều đó vẫn có thật trong thực tế. Cantơ đã nói đến điều đó, khi ông liên kết năng lực phát biểu một thẩm định tổng hợp với năng lực cảm nhận một tình cảm “hài lòng” hoặc “bất bình”. Nhưng cái “hài lòng” hoặc cái “bất bình” mà ông cho rằng, nó là cái “phổ biến” lại có tính chất tiên nghiệm không thể hoàn toàn đúng. Bởi vì, nếu chúng ta xét đến các thẩm định về đạo lý xã hội, về tôn giáo và thẩm mỹ được tiếp nhận là đúng đắn, chân thực thì nó lại đóng một vai trò hạn chế khi nó bị qui định do những điều kiện lịch sử nhất định. Nhưng cũng không phải vì thế mà có thể phủ nhận những dữ kiện khác, những chuẩn mực của niềm thỏa mãn, của sự cảm nhận mà Cantơ có ý nói đến vai trò của cái chủ quan. Điều này, Cantơ đã nhận thấy, khi ông cho rằng, chỗ mà lý tính dừng lại thì nghệ thuật mở ra. Nghệ thuật là một loại cảm nhận, một loại “tiên nghiệm” (A priori). Sự tri giác chân lý thực sự trực tiếp, toàn vẹn, vốn gắn liền với sự nắm bắt – xúc cảm lẫn tinh thần – các tính chất, các liên hệ, gián tiếp hóa của hiện tượng gợi mở vô số các liên tưởng vốn có trong nghệ thuật và khoa học để có thể làm xuất hiện cái thẩm định bằng tri giác của chân lý khoa học.
Đánh giá bằng các phương pháp nghệ thuật là không trái ngược với đánh giá lôgíc, cũng như đánh giá trực giác là không trái ngược với đánh giá suy lý, nhưng giữa chúng có sự khác nhau. Trong đánh giá nghệ thuật ẩn chứa ở bản thân nó cái thuyết phục mạnh mẽ của tri giác cảm quan trực tiếp, chứ không cần chứng minh bằng thực nghiệm, không khái quát thành một thẩm định thực nghiệm đủ. Sự khác biệt với đánh giá tri giác suy lý là tuyệt đối, với tri giác trực giác chân lý khoa học là tương đối. Cho nên, sự liên hệ và khả năng thẩm định của nghệ thuật ở trong hai trường hợp – tri giác nghệ thuật và tri giác trực giác chân lý khoa học, đều là sự phát hiện, đều là sự thẩm định chân lý một cách tổng hợp trực tiếp.
Mục đích của nhận thức khoa học là đạt đến chân lý khách quan, là sự miêu tả đầy đủ trạng thái thực tế của hệ thống mang ý nghĩa chung trong hình thức cố định, và từ đó có thể diễn đạt và chuyển tiếp sang sử dụng trong kỹ thuật. Sự nhận thức chân lý khoa học là giai đoạn cuối cùng của hoạt động khoa học, giai đoạn mà tính chất đóng kín của khoa học sẽ bị thủ tiêu, nếu lý thuyết ấy không đi vào trong thực tiễn xã hội.
Vấn đề tái chuyền đạt chân lý khoa học trong một môi trường rộng rãi, không chỉ có ý nghĩa trong bản thân sự phát triển của khoa học (do sự chuyên môn hóa ngày càng sâu của đối tượng nghiên cứu và tính riêng biệt của ngôn ngữ khoa học, sự hiểu biết lẫn nhau của các nhà chuyên môn, các ngành khác nhau trong cùng một khoa học càng trở nên khó khăn), mà nó còn có ý nghĩa trong cả hệ thống giáo dục và cả trong “kênh thông tin đại chúng”. Bởi vậy, ngày nay chúng ta không lấy làm ngạc nhiên, trong hệ thống kiến thức khoa học đang chứng kiến chủ trương việc phi hình thức hóa của ngôn ngữ khoa học làm cho nó xích lại gần hơn với ngôn ngữ đời thường, diễn đạt bằng ngôn ngữ đời thường. Vậy thì cái ngôn ngữ “đời thường” ấy của khoa học có thể nhờ cậy vào ngôn ngữ của nghệ thuật được không?
Chúng ta biết rằng trong nghệ thuật, phương pháp thẩm định được biểu hiện trong ngôn ngữ nghệ thuật – hình tượng cảm thụ nghệ thuật. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà khoa học hiện đại muốn tự nguyện noi theo kinh nghiệm của nghệ thuật. Và cũng thật là dễ hiểu, trong qúa trình xuất hiện một loại hình ngôn ngữ khoa học mới, mà yêu cầu bởi tính phổ cập rộng rãi trong ứng dụng của nó với số đông những người không chuyên, thì các khái niệm và qui tắc khoa học, một phần phải chuyển qua thủ pháp của ngôn ngữ nghệ thuật cho nó đi vào môi trường rộng lớn và phong phú của cuộc sống bằng chất liệu “cảm tính - cụ thể “ của ngôn ngữ đời thường. Bởi vì, chân lý nghệ thuật và chân lý khoa học trong tính hệ thống của hoạt động đánh giá, chính là cái hình tượng, cái cụ thể trong tư duy như cách diễn đạt của V.I. Lênin, “Nguyên lý cơ bản của phép biện chứng : là không có chân lý trừu tượng, chân lý bao giờ cũng cụ thể…”[2].
0 nhận xét :
Đăng nhận xét