Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Tư, 7 tháng 10, 2009

Đánh giá nghệ thuật - hệ chuẩn phổ biến của đánh giá thẩm mỹ

Trong các quan hệ của con người đối với hiện thực, thì quan hệ thẩm mỹ thuộc về quan hệ xã hội đặc thù. Đó là quan hệ giữa chủ thể thẩm mỹ và đối tượng thẩm mỹ. C. Mác và Ph. Ăngghen đã xem xét hoạt động thẩm mỹ gắn liền với việc phân tích vai trò của phân công lao động trong những quan hệ xã hội. Ở đây C. Mác đã dùng thuật ngữ “bàn tay đã tự giải phóng” như là một qúa trình cải tạo hiện thực khách quan, quá trình dẫn đến sự hình thành, hoàn thiện và phát triển của bản thân con người [xem 50, 81]. Đồng thời, C. Mác đã khẳng định rằng chính lao động và “ chỉ nhờ có lao động, nhờ thích ứng với những động tác luôn luôn mới, nhờ sự phát triển đã đạt được… ngày càng phức tạp hơn, cho nên bàn tay con người mới đạt được trình độ hoàn thiện rất cao đó, có thể sáng tạo ra cái tuyệt diệu trong những bức tranh của Raphaen, những pho tượng của Thovanxen, những điệu nhạc của Paganini …”[1]. Như vậy, theo C. Mác, “con người thì có thể sản xuất theo thước đo của bất cứ giống nào và ở đâu cũng có thể áp dụng thước đo thích dụng cho đối tượng; do đó con người cũng chế tạo theo qui luật của cái đẹp” [2]. Bởi vì, “ Tác phẩm nghệ thuật, - và mọi sản phẩm khác cũng thế, - đều tạo ra một thứ công chúng nghệ thuật và có khả năng thưởng thức cái đẹp”[3]. Cho nên, C. Mác đã khẳng định rằng, sự đồng hóa thẩm mỹ như một khía cạnh của hoạt động thực tiễn, như một yếu tố trong quá trình cải tạo thế giới, theo những qui luật khách quan của hiện thực.

Chính vì vậy, quan niệm về “chuẩn mực” của sự đánh giá không thể phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của mỗi người mà dựa trên cơ sở thực tiễn xã hội làm tiêu chuẩn chung. Chính vì vậy, mà V.I.Lênin cho rằng: con người chứng minh bằng thực tiễn sự chính xác khách quan của những ý niệm, khái niệm, nhận thức của mình, của khoa học của mình. Sự phán xét, xác định các giá trị thẩm mỹ trong hoạt động đánh giá thẩm mỹ, về thực chất là xác định mức độ hoàn thiện và ý nghĩa thẩm mỹ của đối tượng theo một hệ chuẩn nhất định mang tính xã hội.

Cơ sở, động lực, tiêu chuẩn của hoạt động đánh giá thẩm mỹ, đều được phản ánh bởi những nhu cầu, lợi ích, lý tưởng thẩm mỹ, thể hiện ở tính mục đích, và bị quyết định bởi hoạt động thực tiễn xã hội của chủ thể đánh giá. Việc xác định mức độ hoàn thiện và ý nghĩa thẩm mỹ của đối tượng (khách thể), được thể hiện ở tính phong phú, tính đa dạng và tính toàn vẹn của hệ thống các thuộc tính, những mối liên hệ trong các hiện tượng thẩm mỹ được chủ thể đánh giá thẩm mỹ thẩm định bằng những hệ chuẩn thẩm mỹ nhất định.

Một trong những hình thức tập trung nhất của hoạt động đáng giá thẩm mỹ là hoạt động đánh giá nghệ thuật. Đánh giá nghệ thuật không chỉ thể hiện năng lực chiếm hữu và sáng tạo thẩm mỹ, mà còn hướng toàn bộ năng lực thẩm mỹ của con người vào việc đánh giá đối tượng hiện thực do chính con người sáng tạo theo qui luật của cái đẹp. Đồng thời trong đánh giá nghệ thuật, con người có đầy đủ “nhân tính” đánh giá năng lực phẩm chất thẩm mỹ và nhân cách của bản thân mình.

Trong quan hệ thẩm mỹ của con người đối với nghệ thuật, mức độ hoàn thiện về mặt thẩm mỹ của tác phẩm nghệ thuật chính là đối tượng của hoạt động đánh giá thẩm mỹ với tác phẩm nghệ thuật. Xét về hình thức, chủ thể đánh giá nghệ thuật bao gồm :

- Thứ nhất, chủ thể đánh giá - sáng tạo. Trước hết đây cũng là chủ thể đánh giá - tiếp nhận, nhưng chủ thể đánh giá - sáng tạo không đồng nhất tuyệt đối với chủ thể đánh gía - tiếp nhận với tư cách là công chúng nói chung. Tuy rằng, chủ thể đánh giá - sáng tạo không những cũng bao gồm sự hưởng thụ những giá trị thẩm mỹ, theo những nhu cầu, mục đích, lợi ích thẩm mỹ cá nhân của người nghệ sỹ, mà còn có khả năng định hướng cho công chúng đánh giá đúng ý nghĩa và những giá trị thẩm mỹ bằng chính sự sáng tạo của mình, bằng tác phẩm nghệ thuật của mình. Nói cách khác, chủ thể đánh giá - sáng tạo là chủ thể tiếp nối qúa trình sáng tạo - tiêu thụ, cũng là chủ thể tiếp nhận - thưởng thức, để chuyển sang một qúa trình mới tiếp theo, - qúa trình sáng tạo.

- Thứ hai, chủ thể - đánh giá - lý luận (nghiên cứu, phê bình). Truớc hết, đây cũng là chủ thể đánh giá - tiếp nhận, nhưng đồng thời loại chủ thể này còn là chủ thể - định hướng giá trị đối với hoạt động đánh giá thẩm mỹ, đánh giá nghệ thuật thông qua các hình thức : nghiên cứu lý luận, thông tin, phê bình tác phẩm nghệ thuật. Thông qua chủ thể đánh giá - lý luận, chỉ số giá trị thẩm mỹ của các tác phẩm nghệ thuật, thông qua cái đẹp, cái bi, cái hài,v.v… thể hiện sự xung đột giữa các lực lượng xã hội đại diện cho giá trị thẩm mỹ đích thực và phản giá trị thẩm mỹ trong hệ qui chiếu giữa chủ thể đánh giá – sáng tạo với chủ thể đánh giá – tiếp nhận. Trên cơ sở đó, chủ thể đánh giá - lý luận có thể đưa ra những dự báo, định hướng về sự vận động và phát triển của nghệ thuật, cũng như định hướng chung cho những chuẩn mực mới của hoạt động đánh giá - tiếp nhận.

- Thứ ba, chủ thể đánh giá – tiếp nhận (công chúng). Đây là loại chủ thể rộng lớn, mang tính phổ biến, đa dạng và phức tạp nhất. Về thực chất, loại chủ thể đánh giá này nhằm mục đích thỏa mãn thẩm mỹ về hưởng thụ, tiêu dùng và thưởng thức nghệ thuật. Nhưng họ là loại chủ thể có tính quyết định nhất về giá trị thẩm mỹ và vấn đề sống còn của nghệ thuật, trong đó trước hết là số phận của tác phẩm nghệ thuật.

Hiển nhiên, điều phức tạp trong mối liên hệ: hiện thực - nghệ sỹ - tác phẩm - công chúng là tác phẩm nghệ thuật chỉ được thể hiện thuộc tính đối tượng của nó trong qúa trình cảm thụ và đánh giá thẩm mỹ. Nói một cách cụ thể hơn, tác phẩm nghệ thuật luôn thể hiện sự thống nhất giữa tính đối tượng cảm tính - cụ thể được vật chất hóa với tính chất đối tượng nảy sinh trên cơ sở giá trị - xã hội, đạo đức, tư tưởng thẩm mỹ, v.v... Trong đó, tính đối tượng thứ nhất thiên về mặt vật chất của tác phẩm, là cái có tính ổn định và nhờ đặc tính này mà tác phẩm nghệ thuật tồn tại trong hiện thực và qua đó đi vào công chúng. Còn tính đối tượng thứ hai thể hiện thiên hướng và ý nghĩa nghệ thuật của tác phẩm, nó năng động hơn và luôn mở ngỏ trước xã hội và nền văn hóa. Tuy nhiên, chủ thể tiếp nhận, thưởng thức và đánh giá nghệ thuật cũng được phân chia dưới nhiều góc độ và đặc trưng riêng biệt khác nhau :

+ Với tính cách là công chúng - chủ thể đánh giá nghệ thuật thì ở đây sự đánh giá với tinh thần chủ động, tự giác, mang tính tích cực và tự do. Bởi lẽ, trong qúa trình tiêu thụ những giá trị thẩm mỹ, công chúng không chỉ nhằm mục đích phát hiện ý nghĩa, giá trị thẩm mỹ của tác phẩm nghệ thuật, mà họ có quyển tự do lựa chọn tác phẩm nghệ thuật cho phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ - lý tưởng thẩm mỹ của mình, thông qua kinh nghiệm thẩm mỹ của bản thân và xã hội.

+ Chủ thể đánh giá – tiếp nhận luôn là sự đánh giá dưới sự soi sáng của tính tư tưởng theo những nhu cầu thẩm mỹ cụ thể tập trung vào một mặt nào đó theo yêu cầu về nội dung của các tư tưởng xã hội như : chính trị, đạo đức, triết học, khoa học và tôn giáo, v.v... Cho nên, trên thực tế giá trị thẩm mỹ, giá trị nghệ thuật thường được sử dụng như là cái chuyển tải hoặc như là phương tiện để thực hiện những mục đích nào đó của những tư tưởng xã hội nhất định.

+ Chủ thể đánh giá – tiếp nhận, đánh giá nghệ thuật theo nhu cầu tư tưởng ngoài thẩm mỹ với khuynh hướng có phần tuyệt đối hóa nội dung của các tư tưởng xã hội, phục vụ mục tiêu chính trị - xã hội trong các tác phẩm nghệ thuật. Ở đây ý nghĩa thẩm mỹ và giá trị thẩm mỹ của tác phẩm nghệ thuật có thể bị xem nhẹ hoặc cũng có thể bị bị gạt bỏ.

+ Chủ thể đánh giá – tiếp nhận, đánh giá nghệ thuật theo nhu cầu tâm lý là sự đòi hỏi thỏa mãn nhu cầu giải trí thẩm mỹ thông thường. Dưới hình thức này, công chúng không có khả năng tiếp nhận có hiệu qủa đích thực giá trị thẩm mỹ và giá trị nghệ thuật.

Cố nhiên, sự phân chia các loại hình đánh giá của chủ thể tiếp nhận, thưởng thức là công chúng trên đây cũng chỉ mang tính tương đối. Bởi vì, một mặt trong tiếp nhận nghệ thuật các chủ thể đánh giá không tự giới hạn mình ở một mục đích, một kiểu tiếp nhận - đánh giá thẩm mỹ nhất định, mà có sự đan xen thống nhất giữa các loại hình đánh giá nghệ thuật và với các mục đich khác nhau. Mặt khác, tác phẩm nghệ thuật thông qua các loại hình đa dạng của nó đều có khả năng bù đắp, thỏa mãn tất cả các nhu cầu thẩm mỹ và tinh thần của con người.

Tất cả các hình thức của chủ thể đánh giá nghệ thuật được trình bày ở trên đã nói lên tính phổ quát của đánh giá nghệ thuật trong hoạt động đánh giá thẩm mỹ. Nhưng đánh giá nghệ thuật với tính cách là hệ chuẩn phổ biến của hoạt động đánh giá thẩm mỹ chủ yếu và quan trọng nhất là đánh giá - tiếp nhận. Căn cứ vào hệ chuẩn đánh giá thẩm mỹ, đánh giá nghệ thuật với tính cách là hệ chuẩn phổ biến của đánh giá thẩm mỹ được thể hiện ở những nội dung cơ bản sau :

(1). Mức độ thẩm mỹ của tác phẩm nghệ thuật là chuẩn mực về sự nhận biết đầy cảm quan về cuộc sống của con người. Điều này không chỉ đúng với chủ nghĩa hiện thực mà còn phù hợp với chủ nghĩa lãng mạn và nhiều trường phái phản ánh nghệ thuật khác nữa. Bởi vì, thông qua tính đặc thù của hình tượng nghệ thuật, các chủ thể sẽ đánh giá - tiếp nhận các chuẩn mực thẩm mỹ, tìm ra ý nghĩa của nó về nhiều phương diện khác nhau của cuộc sống. Đó chính là cơ sở để chủ thể đánh giá – tiếp nhận có thể phát hiện ở đó cái khả năng mang lại sự đánh giá trực tiếp, đầy đủ, toàn vẹn về tính đa dạng, tính phong phú của quan hệ thẩm mỹ, những cái không chỉ do nhu cầu về cái đẹp, mà còn do toàn bộ những nhu cầu thẩm mỹ nói chung của con người quyết định. Đó là các nhu cầu về tư tưởng, lối sống, đạo đức, v.v… của con người trong quan hệ giai cấp, dân tộc và thời đại mang tính toàn nhân loại của nghệ thuật. Tuy nhiên, những quan hệ thẩm mỹ và bản thân hoạt động đánh giá thẩm mỹ không tự hạn chế mình trong hoạt động, đánh giá nghệ thuật, mặc dầu trong nghệ thuật biểu hiện tập trung và đầy đủ nhất nhiều phương diện của đánh giá thẩm mỹ. Bởi lẽ, trong cảm xúc thẩm mỹ và trong thái độ thẩm mỹ của chủ thể đánh giá - tiếp nhận nghệ thuật còn diễn ra sự chiếm hữu thẩm mỹ ở một phạm vi rộng lớn những đối tượng và những biến cố của thiên nhiên cũng như bản thân cuộc sống xã hội và của con người.

(2). Mức độ thẩm mỹ ở tính độc đáo - riêng biệt của tác phẩm nghệ cũng chính là tiêu chuẩn phổ biến của hoạt động đánh giá thẩm mỹ so với hệ chuẩn phổ biến của các hoạt động đánh giá khác. Bởi lẽ, nghệ thuật gắn bó một cách vừa trực tiếp, vừa gián tiếp, hoặc ít hoặc nhiều, thậm chí nó có khả năng thống nhất với các hình thái hoạt động đánh giá khác của con người như chính trị, đạo đức, triết học, khoa học, v.v...về mặt thẩm mỹ. Chẳng hạn, nghệ thuật đánh giá những chuẩn mực và hành vi đạo đức, chân lý khoa học và chuẩn mực của những lý tưởng chính trị – xã hội, v.v… Nhưng do tính đặc thù của hình tượng nghệ thuật là luôn mang trong mình sự thống nhất, toàn vẹn của khách thể cảm tính - cụ thể - sinh động - phong phú và độc đáo. Cho nên, hoạt động đánh giá thẩm mỹ bằng nghệ thuật đặc biệt quan tâm đến cái riêng, cái đơn nhất của tác phẩm nghệ thuật trong quan hệ với cái chung, cái phổ biến của hoạt động đánh giá thẩm mỹ. Bởi vậy, cái độc đáo và cái đơn nhất của hình tượng nghệ thuật đến lượt mình lại trở thành thuộc tính bên trong của toàn bộ qúa trình hoạt động đánh giá thẩm mỹ.

(3). Giá trị thẩm mỹ của tác phẩm nghệ thuật là một chuẩn mực của những giá trị văn hóa thẩm mỹ được tạo nên bởi hoạt động sáng tạo, nó có khả năng thoả mãn những mục đích, nhu cầu, lợi ích trong hoạt động thẩm mỹ của con người. Về thực chất, hoạt động đánh giá thẩm mỹ là phán đoán về giá trị, về ý nghĩa thẩm mỹ, về đối tượng của hiện thực, trên cơ sở những quan niệm về lợi ích, về sự hoàn thiện, và về cái đẹp, cái bi, cái hài, cái cao cả, cái thấp hèn..., trong cuộc sống và trong nghệ thuật. Đó cũng là sự phù hợp với nhu cầu và lý tưởng thẩm mỹ thông qua những chuẩn mực thẩm mỹ chung của xã hội. Một tác phẩm nghệ thuật chân chính, đích thực bao giờ cũng là phương tiện tốt nhất hình thành, phát triển con người không chỉ về mặt thẩm mỹ, mặt nhân cách mà còn về mặt lý tưởng xã hội theo chuẩn mực của cái đẹp, vươn tới một cuộc sống tốt hơn, đẹp hơn.

(4). Tính giá trị thẩm mỹ của đánh giá nghệ thuật còn bao hàm tính lịch sử, tính giai cấp, tính Nhân dân và tính Dân tộc. Thực ra, trong mối quan hệ chân – thiện – mỹ của đánh giá nghệ thuật đã bao hàm giá trị thẩm mỹ của của tính lịch sử, tính giai cấp, tính nhân dân và tính dân tộc dưới các hình thức và mức độ khác nhau. Nhưng việc nhấn mạnh tính giai cấp, tính nhân dân, tính dân tộc, v.v., của nghệ thuật trong đánh giá thẩm mỹ là để khẳng định rằng sự phát triển của các giá trị nghệ thuật đã diễn ra trong những điều kiện phân chia xã hội thành giai cấp cũng như sự hình thành và phát triển của các cộng đồng dân tộc khác nhau. Cho nên, ngoài mối quan hệ với giá trị chân – thiện – mỹ, đánh giá nghệ thuật với tư cách là hệ chuẩn phổ biến của đánh giá thẩm mỹ còn được thể hiện trong quan hệ với tính lịch sử, tính giai cấp, tính nhân dân và tính dân tộc.

Trong các hoạt động nhằm tìm hướng đi của con người, có hoạt động đánh giá thẩm mỹ. Khởi điểm và mục đích của hoạt động thẩm mỹ bao giờ cũng nằm trong một bối cảnh lịch sử cụ thể, nó xuất phát từ những yêu cầu thẩm mỹ cụ thể và đáp ứng những nhu cầu cụ thể của xã hội trong các mối quan hệ xã hội khác nhau. Chẳng hạn, các nhân vật như Ơlíp, Rôlăng, Hăm lét, v.v, là có mang tính nhân dân không ? Làm thế nào để dung hòa những đặc trưng của một hệ tư tưởng của một giai cấp nhất định với tính nhân dân trong những tác phẩm nghệ thuật lớn ? Lịch sử nghệ thuật cho thấy, tính nhân dân từ xưa đến nay bao giờ cũng là một giá trị thẩm mỹ của tác phẩm nghệ thuật chân chính. Điều đó không hề mâu thuẫn với một thực tế là những tác phẩm nghệ thuật luôn phản ánh những quan điểm giai cấp, dân tộc nhất định. Với tất cả những phân tích trên, vấn đề đặt ra đối với nghệ thuật Việt Nam hiện nay là không chỉ phải làm thế nào cho phong phú và đa dạng về đề tài, thể loại, phong cách,v.v, mà quan trọng hơn là làm sao cho nội dung tư tưởng của các tác phẩm nghệ thuật phải phục vụ tốt cho sự nghiệp đổi mới đất nước, phục vụ nhân dân.



[1] C. Mác & Ph. Angghen, Về văn học nghệ thuật, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1958, tr. 81.

[2] C. Mác, Bản thảo kinh tế triết học 1884, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1962, tr. 93 – 94.

[3] Sách đã dẫn, tr. 97 – 98.

0 nhận xét :