Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Tư, 7 tháng 10, 2009

Quan hệ thẩm mỹ và các bộ phận hợp thành quan hệ thẩm mỹ

1. Cái thẩm mỹ – phạm trù nền tảng của mỹ học
Quan hệ thẩm mỹ với hiện thực thể hiện trong mọi lĩnh vực cuộc sống và hoạt hoạt động của con người. Hình thái cao nhất của mối quan hệ này là nghệ thuật. Trước khi nghiên cứu hình thái cao nhất đó, cũng như các bộ phận cấu thành quan hệ thẩm mỹ, chúng ta nghiên cứu toàn bộ mối quan hệ thẩm mỹ nói chung.
Giữa con người với hiện thực và con người quan hệ với nhau có có tính đa dạng và phong phú. Một mặt, bởi tính đa dạng của hiện thực khách quan, bởi sự tồn tại của nhiều lĩnh vực khác nhau trong thực tiễn xã hội. Mặt khác, nó còn do sự phong phú của các nhu cầu, của các năng lực hình thành trong lịch sử, của những thuộc tính chủ quan của con người.
Con người “đồng hoá[1]” thế giới bằng nhiều phương thức khác nhau. Trước hết, con người cải biến hiện thực về mặt thực tiễn nhằm thoả mãn những nhu cầu vật chất cơ bản. Có thể coi đó là đồng hoá thế giới về mặt thực tiễn, thông qua hoạt động vật chất của con người. Nhưng thông qua hoạt động thực tiễn con người có khả năng nhận thức được thế giới. Quá trình nhận thức đó cũng là một sự “đồng hoá”, nhưng là sự đồng hoá về mặt tinh thần, tức là nó diễn ra trong ý thức, tư tưởng. Sự đồng hoá về mặt tinh thần này cũng trên cơ sở hoạt động thực tiễn của xã hội, nhưng đến lượt mình nó có ý nghĩa xác định tính mục đích, phương pháp và định hướng cho hoạt động của con người.
Thực tiễn là cơ sở, động lực, mục đích và là tiêu chuẩn của sự đồng hoá tinh thần nói chung của con người về chính trị, pháp quyền, đạo đức, triết học, khoa học, tôn giáo… sự đồng hoá tinh thần về mặt thẩm mỹ nói riêng chính là sự khác nhau của sự đồng hoá tinh thần này.
Như vậy, để xác định được bản chất của quan hệ thẩm mỹ của con người với hiện thực, những đặc điểm phân biệt nó với các quan hệ chính trị, pháp quyền, đạo đức, triết học, khoa học, tôn giáo thì cần phải nghiên cứu sự nảy sinh hình thành và phát triển của nó, phân tích mặt khách thể – chủ thể của nó, đặc biệt là giải quyết vấn đề phạm trù rộng nhất và chung nhất của mỹ học.
Các phạm trù mỹ học hình thành và phát triển thông qua thực tiễn của lịch sử phát triển xã hội như: cái thẩm mỹ, quan hệ thẩm mỹ, hoạt động thẩm mỹ, đời sống thẩm mỹ, khách thể, chủ thể, nghệ thuật… đó cũng là quá trình con người đồng hoá thế giới về mặt thẩm mỹ.
Cái thẩm mỹ – phạm trù nền tảng của mỹ học. Nói một cách khác đây là phạm trù phản ánh được thuộc tính chung nhất của các quan hệ thẩm mỹ – đđó là tính thẩm mỹ. Ví dụ: Về bản chất của cái đẹp, cái bi, cái hài, cái cao cả là những thuộc tính cùng loại thể hiện là các hiện tượng thẩm mỹ khách quan. Cái thẩm mỹ (tính thẩm mỹ) là cái chung của cái đẹp, cái bi, cái hài, cái cao cả, là cái phân định sự khác nhau giữa cái đẹp, cái bi với các thuộc tính khác của hiện thực.
Trong lịch sử triết học, mỹ học có rất nhiều những quan điểm khác nhau về bản chất cái thẩm mỹ.
Mỹ học duy tâm khách quan cho rằng thuộc tính thẩm mỹ của hiện thực đều do sự vận động của “ý niệm”, “ý niệm tuyệt đối” trong quan hệ thẩm mỹ. Đó là quan điểm của Platông và Hêghen. Platông cho rằng không có cái thẩm mỹ tồn tại trong hiện thực mà nó tồn tại ở thế giới ý niệm. Đối với Hêghen, cái thẩm mỹ tồn tại tập trung trong lĩnh vực nghệ thuật nhưng xét cho cùng nó phụ thuộc sự quyết định của ý niệm tuyệt đối, cái thẩm mỹ trong nghệ thuật được hình thành bởi con người đối tượng hoá bản thân mình và chủ thể hoá cái hiện tượng thẩm mỹ bên ngoài.
Mỹ học duy tâm chủ quan của Cantơ cho rằng trong hiện thực vốn không có thuộc tính thẩm mỹ, mà nó “trùng lặp về mặt thẩm mỹ trong quan niệm thẩm mỹ của mỗi cá nhân”. “Đẹp không phải ở má hồng người thiếu nữ mà ở trong mắt những kẻ si tình”. Đối tượng thẩm mỹ, cái thẩm mỹ chỉ nảy sinh bởi sự đánh giá chủ quan, bởi tình cảm chủ quan của con người đối với hiện thực.
Trong những thập niên gần đây[2], quan điểm duy vật về cái thẩm mỹ có hai khuynh hướng trong các cuộc tranh luận về bản chất của cái thẩm mỹ, nhưng cũng chủ yếu là tranh luận về bản chất cái đẹp, cái cao cả trong tự nhiên và ý nghĩa của nó trong đời sống xã hội; chứ không phải là sự bất đồng về bản chất cái bi, cái hài.
Khuynh hướng “vị thiên nhiên”, mà thực chất là phát triển những quan điểm mỹ học duy vật trước thế kỷ XIX, họ coi những thuộc tính thẩm mỹ của hiện thực là những thuộc tính tự nhiên. Những người “vị thiên nhiên” tìm bản chất cái thẩm mỹ ở những qui luật vật lý, toán học và sinh học nào đó của thế giới vật chất. Những khái niệm thường được họ sử dụng để định nghĩa cái đẹp là sự hài hòa, sự cân đối, tính nhịp điệu, tính cấu trúc trong sự thống nhất và đa dạng.
Ngược lại, khuynh hướng “vị xã hội” giải thích bản chất cái thẩm mỹ là thuộc tính khách quan của hiện tượng thẩm mỹ trong đời sống xã hội. Theo quan điểm này, những thuộc tính thẩm mỹ của đối tượng và hiện tượng tự nhiên đều phụ thuộc vào xã hội, nảy sinh do kết quả tác động của các nhân tố xã hội. Cách tiếp cận này coi thường cơ sở khách quan của cái đẹp trong tự nhiên.
Tính chất nền tảng của phạm trù cái thẩm mỹ của mỹ học hiện đại là ở chỗ nó là phạm trù rộng nhất, bao quát nhất của mỹ học. Bởi vì, nó phản ánh toàn bộ đời sống thẩm mỹ của con người từ các hiện tượng thẩm mỹ khách quan là cái đẹp, cái bi, cái hài, cái cao cả cho đến các hoạt động thẩm mỹ là yếu tố chủ quan của con người như nhu cầu, tình cảm, thị hiếu và lý tưởng thẩm mỹ.
Để làm sáng tỏ bản chất cái thẩm mỹ cần giải đáp ba câu hỏi sau:
1. Cái thẩm mỹ có tính khách quan hay chủ quan?
2. Cái thẩm mỹ có phải là một giá trị xã hội?
3. Vai trò của thực tiễn đối với cái thẩm mỹ?
Cái thẩm mỹ có tính khách quan, không mang tính chủ quan. Tính khách quan của cái thẩm mỹ là thuộc tính thẩm mỹ tồn tại trong hiện thực, chúng tồn tại khách quan độc lập với ý thức của con người. Nhưng không có nghĩa phải thừa nhận những thuộc tính thẩm mỹ là những thuộc tính mang tính tự nhiên, vốn sẵn có trong các sự vật, hiện tượng của hiện thực, tồn tại bên ngoài xã hội, có trước xã hội loài người. Ví dụ: một bông hoa nếu đem sắc thuốc, hoặc là vật thí nghiệm nghiên cứu tính chất lý hoá thì nó vẫn có tính khách quan, nhưng không phải là bông hoa thẩm mỹ. Ngược lại, không có nghĩa phải thừa nhận những thuộc tính thẩm mỹ là những thuộc tính chỉ mang tính xã hội. Ví dụ: quan hệ sản xuất là quan hệ gắn liền với sự xuất hiện của xã hội loài người, nhưng “hàng hoá”chỉ xuất hiện trong những điều kiện lịch sử nhất định. Song, không phải vì thế mà chúng không mang tính khách quan. Hơn nữa, tính khách quan của các hiện tượng xã hội thể hiện ở sự tồn tại, sự tác động của chúng trong xã hội.
Các nhà mỹ học duy vật trong lịch sử đã có công lao gắn cái thẩm mỹ với cơ cấu vật chất, với đời sống xã hội. Song, cái thẩm mỹ không chỉ là một thuộc tính của vật chất mà nó còn là một giá trị xã hội quan hệ với con người trong quan hệ thẩm mỹ. Cái thẩm mỹ là một loại giá trị xã hội được đo bằng thước đo thẩm mỹ của xã hội. Luận điểm này dựa trên học thuyết Mác – Lênin về vai trò của thực tiễn trong quá trình nhận thức, quá trình đồng hoá thế giới về mặt thẩm mỹ.
Những giá trị được hình thành và phát minh trên cơ sở qui luật của cái đẹp, tức là những giá trị thẩm mỹ. Nói đến giá trị là nói đến cách nhìn, cách đánh giá, từ cách đánh giá của con người đối với thế giới về nhiều mối quan hệ khác nhau như kinh tế, chính trị, đạo đức, triết học, pháp quyền, khoa học. Trong đó, cái thẩm mỹ không hẳn phải đối lập với các quan hệ xã hội đó, nhưng nhất thiết phải khác về bản chất với các quan hệ đó. Bởi, cái thẩm mỹ không đặt nền tảng trên sự thoả mãn những động cơ về kinh tế, sự mưu cầu những lợi ích vật chất trực tiếp của con người.
Thực tiễn là những vòng khâu của quá trình nhận thức, trong đó thực tiễn vừa là cơ sở, động lực, mục đích và là tiêu chuẩn của nhận thức, sự tiếp nối của nó trong các vòng khâu lớn hơn, cao hơn làm cho nhận thức càng đi sâu hơn nắm bắt được các bản chất và các qui luật của hiện thực khách quan, phục vụ cho hoạt động thực tiễn cho quá trình cải tạo hiện thực khách quan của con người.
Thực tiễn lao động đã biến con người không chỉ là chủ thể xã hội, mà còn là chủ thể thẩm mỹ, biến giới tự nhiên thành khách thể thẩm mỹ.
Lao động và thông qua quá trình lao động, các giác quan của con người mới có tính thẩm mỹ, đó cũng là quá trình thành năng lực thẩm mỹ của con người, cái tai mới biết thưởng thức âm nhạc, con mắt mới biết nhận định được cái đẹp của hình thức. Các giác quan thẩm mỹ chỉ phát sinh khi có đối tượng tương ứng, “do đó con người cũng nhào nặn vật chất theo qui luật của cái đẹp”[3]. Về vấn đề này Ph. Ăngghen cũng thường nói rằng: “Chỗ khác nhau chủ yếu và cuối cùng giữa con người và các loài động vật khác” là: “động vật chỉ lợi dụng tự nhiên bên ngoài và chỉ gây ra những sự biến đổi trong tự nhiên đơn thuần bằng sự có mặt của chúng, còn con người lại do đã tạo ra những biến đổi trong tự nhiên mà bắt tự nhiên phải phục vụ cho những mục đích của mình và thống trị tự nhiên”[4].
Từ những sự phân tích ở trên, chúng ta có thể xác định bản chất của cái thẩm mỹ: Cái thẩm mỹ là quan hệ giữa chủ thể thẩm mỹ và đối tượng thẩm mỹ và là giá trị xã hội[5].
2. Các bộ phận hợp thành quan hệ thẩm mỹ
Quan hệ thẩm mỹ của con người với hiện thực mang tính đa dạng và phong phú được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Có ba bộ phận quan trọng nhất của đời sống thẩm mỹ con người, đó là chủ thể – khách thể và nghệ thuật.
Chủ thể thẩm mỹ là con người xã hội và được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Quá trình hình thành và phát triển của chủ thể thẩm mỹ gắn liền với hoạt động thực tiễn xã hội. Chính hoạt động thực tiễn làm xuất hiện năng lực, nhu cầu thẩm mỹ của con người. Đó là năng lực cảm thụ, đánh giá và sáng tạo thẩm mỹ. Và đó cũng là nhu cầu tình cảm, thị hiếu, lý tưởng thẩm mỹ của con người. Hơn nữa, chỉ có các nhu cầu về cái đẹp, tình cảm về cái đẹp – thị hiếu về cái đẹp – lý tưởng thẩm mỹ về cái đẹp là đối tượng của mỹ học, còn các nhu cầu khác trong hoạt động xã hội của con người là đối tượng nghiên cứu của các khoa học khác
Khách thể thẩm mỹ với tính cách là đối tượng thẩm mỹ. Đó là các phạm trù mỹ học cơ bản như cái đẹp, cái bi, cái hài, cái cao cả trong cuộc sống và trong nghệ thuật. Các phạm trù mỹ học cơ bản có nguồn gốc khách quan dùng để chỉ những phẩm chất, thuộc tính thẩm mỹ, - thuộc tính vốn có của các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội và nghệ thuật tồn tại độc lập với ý thức con người. Sự hình thành và phát triển của các phạm trù mỹ học cơ bản là kết quả của sự khái quát và trừu tượng hóa những phẩm chất, thuộc tính thẩm mỹ của hiện thực thẩm mỹ thông qua hoạt động thực tiễn của con người.
Trong các phạm trù mỹ học cơ bản, thì cái đẹp giữ vị trí trung tâm. Bởi vì cái bi, cái hài, cái cao cả sở dĩ mang yếu tố thẩm mỹ vì chúng là các hình thức tồn tại khác nhau của cái đẹp và được thể hiện trong mối quan hệ với cái đẹp.
Nghệ thuật ra đời nhằm thỏa mãn nhu cầu của xã hội. Sự hình thành và phát triển của nghệ thuật là một quá trình lịch sử lâu dài, gắn liền với những điều kiện kinh tế – xã hội nhất định. Là một hình thái của ý thức xã hội, nghệ thuật cũng có những đặc điểm chung giống với các hình thái ý thức xã hội khác như chính trị, pháp quyền, đạo đức, triết học, khoa học và tôn giáo; nhưng nghệ thuật là một hình thái ý thức xã hội đặc thù. Tính đặc thù của nghệ thuật được thể hiện ở hình tượng nghệ thuật trong các loại hình nghệ thuật.
Nghệ thuật với tính cách là hình thái cao nhất của quan hệ thẩm mỹ, cũng bao gồm sự hưởng thụ, đánh giá, sáng tạo nghệ thuật nhằm thoả mãn nhu cầu: tình cảm – thị hiếu – lý tưởng nghệ thuật của cá nhân và xã hội. Nói đến nghệ thuật là nói đến các qui luật của tình cảm, của cái đẹp. Sự phản ánh cái xấu trong nghệ thuật cũng phải gắn với lý tưởng về cái đẹp. Do đó, cái đẹp đã làm cho nghệ thuật thể hiện được bản chất, đặc trưng và chức năng của nó và đồng thời nghệ thuật là đối tượng nghiên cứu của mỹ học.


[1] Assimiler: Đồng hoá, biến thành giống như bản thân mình, biến cái chưa phải hoặc không phải của mình là cái thuộc về mình (theo nghĩa triết học), con người có khả năng đồng hoá thế giới (bằng lao động, bằng thực tiễn lẫn về mặt tinh thần) là nhận thức và cải tạo thế giới.
[2] Cuộc tranh luận về bản chất cái thẩm mỹ vào những thập niên 60 (thế kỷ XX)
[3] C. Mác, Bản thảo kinh tế – triết học 1844, Nxb Sự thật, Hà Nội 1962, tr. 93 – 94.
[4] Ph.Ăngghen, Biện chứng của tự nhiên, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1963, tr. 283.
[5] Giáo trình mỹ học Mác – Lênin, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Khoa Triết học. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000. tr. 137. Đã viết: “Cái thẩm mỹ là một quan hệ giữa chủ thể thẩm mỹ và đối tượng thẩm mỹ”. Theo PGS.TS Tạ Văn Thành: “Cái thẩm mỹ là giá trị xã hội khách quan, rộng rãi của các sự vật, hiện tượng cụ thể, toàn vẹn, được con người xã hội thụ cảm và đánh giá tư tưởng – tình cảm dựa trên một lý tưởng thẩm mỹ tiên tiến, phù hợp với sự phát triển tiến bộ của xã hội” (Sđd, tr. 26).

0 nhận xét :