Nguyên lý cơ bản của của chủ nghĩa duy vật lịch sử là phương thức sản xuất vật chất xã hội qui định các qúa trình xã hội, chính trị và tinh thần của cuộc sống nói chung. C. Mác đã vận dụng nguyên lý này vào việc phân tích mọi hình thái hoạt động con ngươi kể cả nghệ thuật. Với tính cách là một hình thái ý thức xã hội đặc thù, nghệ thuật cùng với hệ tư tưởng chính trị, pháp quyền, đạo đức, triết học, v.v. đều là sự phản ánh tồn tại xã hội qua những giai đoạn lịch sử xã hội cụ thể nhất định. Giữa nghệ thuật và các hình thái của hệ tư tưởng đều có sự tác động qua lại lẫn nhau, giữa chúng lại có những đặc điểm chung giống nhau, đồng thời mỗi một hình thái ý thức xã hội lại có tính đặc thù riêng biệt.
1. Đặc điểm chung giữa các hình thái ý thức xã hội với tính cách là những bộ phận khác nhau của đời sống tinh thần.
- Trước hết, các hình thái ý thức xã hội và kể cả nghệ thuật, chúng đều là sự phản ánh đời sống vật chất của xã hội. Theo lý luận phản ánh của V.I. Lê-nin, các “cảm giác” không phải là một cái gì khác hơn là những “ bản sao”, những “hình ảnh chủ quan của con người về thế giới khách quan”. Sự phản ánh hiện thực trong ý thức con người là một qúa trình phức tạp, phát triển một cách biện chứng, diễn ra trong cuộc đấu tranh vĩnh viễn của các mâu thuẫn, các xung đột. Tính phức tạp của qúa trình này là ở chỗ “nhận thức là sự tiến gần mãi mãi và vô tận của tư duy đến khách thể. Phản ánh của giới tự nhiên trong tư tưởng con người phải được hiểu không phải một cách “chết cứng”, “trừu tượng”, không phải không vận động, không mâu thuẫn, mà là trong qúa trình vĩnh viễn của vận động, của sự nảy sinh mâu thuẫn và sự giải thích những mâu thuẫn đó”[1]. Do vậy, nhận thức của con người là “hình ảnh chủ quan” về “thế giới khách quan” được biểu đạt trong cảm giác, tri giác, biểu tượng, cảm xúc và tư tưởng của con người. Khi đề cập đến sự qui định của tồn tại xã hội đối với ý thức xã hội, điều cơ bản nhất là tồn tại xã hội được biểu hiện ra như một kết cấu của xã hội với kiến trúc thượng tầng chính trị, nhà nước, pháp luật và các yếu tố thượng tầng khác. Và ngược lại, sự phản ánh của tất cả các hình thái của ý thức xã hội, đều được thể hiện là các lĩnh vực tinh thần của xã hội và, trong xã hội có giai cấp thì ý thức xã hội mang tính giai cấp, v.v…
- Thứ hai, tiêu biểu cho mọi hình thái ý thức xã hội là tính độc lập tương đối của nó. Tính độc lập tương đối của ý thức xã hội như một đặc trưng cơ bản của cái tinh thần xã hội được thể hiện trong tất cả các hình thái ý thức xã hội, dù nó là ý thức chính trị, pháp quyền, đạo đức, v.v... Nhưng cũng phải hiểu thêm là tính độc lập tương đối của ý thức xã hội không đồng nhất với tính qui định của tồn tại xã hội đối với chính nó. Mà ngược lại tính độc lập tương đối của ý thức xã hội, thể hiện ở tính không tương ứng của nó so với sự phát triển của đời sống vật chất xã hội. Điều này đã được Ph. Angghen đặc biệt quan tâm, khi ông nói rằng tuyến hoạt động tinh thần của con người không bao giờ lặp lại chính tuyến phát triển kinh tế – xã hội của nó, mà xét đến cùng, nó chỉ bị qui định bởi đời sống vật chất xã hội. Luận điểm này là xác đáng, nhất là xem xét nó trong quan hệ đối với nghệ thuật.
Mối quan hệ giữa sản xuất vật chất và sáng tạo nghệ thuật là một qúa trình gián tiếp phức tạp, xem xét qúa trình này, nhất thiết không được giản đơn, tùy tiện. Về vấn đề này, C. Mác có cái nhìn hết sức sâu sắc : “Đối với nghệ thuật, thì có những thời kỳ phồn vinh nhất định, tuyệt nhiên không có quan hệ gì với sự phát triển chung của xã hội cả, và do đó, cũng tuyệt nhiên không có quan hệ gì với cơ sở vật chất, với cái cốt cách của tổ chức của xã hội, nếu có thể nói như thế được”. “Nếu trong lĩnh vực của ngay cả nghệ thuật, mà điều đó là đúng đối với mối quan hệ giữa các bộ môn nghệ thuật, thì cũng ít lấy làm lạ rằng nó cũng đúng với mối quan hệ của toàn bộ lĩnh vực nghệ thuật với sự phát triển chung của xã hội”[2].
- Thứ ba, đối với tất cả các hình thái ý thức xã hội, kiến trúc thượng tầng tư tưởng không chỉ là sự phản ánh đối với tồn tại xã hội, đối với cơ sở kinh tế, mà còn có ý nghĩa góp phần tích cực cải tạo tồn tại xã hội.
Cần phải nói thêm rằng, nghệ thuật cũng như tất cả các hình thái ý thức xã hội còn là một bộ phận của văn hóa tinh thần, vốn mang trong mình những giá trị và đều biểu đạt phương thức tồn tại của nó thông qua những hoạt động tinh thần và quan hệ tinh thần của con người.
2. Tính đặc thù của nghệ thuật so với tất cả các hình thái của ý thức xã hội.
Trước hết, chúng ta biết rằng, để nhận thức đầy đủ và sâu sắc thế giới khách quan, loài người đã dùng nhiều hình thức khác nhau để phản ánh. Khoa học đi sâu khám phá thế giới bằng hệ thống các khái niệm, phạm trù qui luật. Đạo đức học phản ánh thế giới bằng bằng hệ thống chuẩn mực đạo đức, các qui phạm, các tiêu chí xã hội, v.v… Nhưng các hình thức phản ánh đó không thể nào thể hiện được một cách sâu sắc các cung bậc tinh tế của thế giới tinh thần con người như trong nghệ thuật.
Hình tượng nghệ thuật là một dạng thức phản ánh khác về chất với các thức phản ánh khác của hoạt động nhận thức, - đó là sự phản ánh cô đặc tình cảm, lý trí với cách thể hiện vừa cảm tính lại vừa cụ thể, vừa nói được hiện tại và dự kiến cả tương lai, v.v… Mỗi hình thái ý thức xã hội đều có một đối tượng phản ánh nhất định. Chẳng hạn, ở triết học, đó là mối quan hệ giữa tồn tại và ý thức; ở đạo đức, là mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội, v.v… Còn ở nghệ thuật, đối tượng đó vừa là quan hệ của con người với hiện thực, vừa là chính bản thân con người và xã hội. Chính các đặc trưng này đã làm cho nghệ thuật có khả năng đặc biệt trong việc thể hiện đời sống tinh thần của con người, các khả năng mà không một loại hình phản ánh nào khác có thể đảm đương được.
Trong “Hiện tượng học tinh thần” Hêghen thật có lý, khi ông chia nhận thức của con người ra làm ba nhóm : triết học có phương thức nhận thức bằng khái niệm; tôn giáo nhận thức bằng biểu tượng, nghệ thuật nhận thức bằng hình tượng. Quan niệm này của Hêghen, thực chất đã điễn đạt đúng đặc trưng của sự phản ánh bằng hình tượng nghệ thuật đối với hiện thực. Trong thực tế mỗi một con người ở mức độ nào đó, ngoài khả năng tư duy khái niệm, kinh nghiệm, v.v., đều có khả năng tư duy bằng hình tượng và có quan điểm mỹ học nhất định. Không thế thì không thể có sự tồn tại của nghệ thuật, chứ chưa nói đến sự tồn tại của đời sống nghệ thuật. Tất nhiên, không phải ai cũng đều có thể xây dựng nên một tác phẩm nghệ thuật, vì xây dựng tác phẩm nghệ thuật là yêu cầu cao, ở đó phải có tổng hợp các yếu tố khác nhau của một chủ thể sáng tạo nghệ thuật. Đối với người nghệ sỹ, trong qúa trình hình thành tác phẩm, có thể hình tượng nghệ thuật chưa được thể hiện rõ ràng, nhưng người nghệ sỹ đã sử dụng tính hình tượng nói chung trong sự kết hợp tính hình tượng đặc thù nói riêng của nghệ tthuật.
Tính hình tượng nói chung cái mà người ta thường gọi là hình tượng ngoài nghệ thuật, thường được giải thích gần đúng và đồng nghĩa với nhận thức cảm tính, mà đặc tính chung của nó là sự phản ánh trực tiếp, cụ thể về các mặt nào đó của hiện thực bởi các giác quan của con người. Như vậy, cần phải xác định mối tương quan giữa hình tượng nghệ thuật không chỉ với tính cách hình tượng cảm tính cụ thể, mà còn hàm chứa chiều sâu và sự độc đáo nội dung tư tưởng của tác phẩm nghệ thuật. Đó là loại tư duy hình tượng đáp ứng những tiêu chuẩn thẩm mỹ và thực tiễn nghệ thuật được tạo ra trong lịch sử như trình độ khái quát cao, sự thống nhất giữa nội dung và hình thức, giữa cảm tính và lý tính. Về vấn đề này, Hêghen là người đã nhận thấy khi ông phân tích “yếu tố cảm quan” của hình tượng nghệ thuật. Ông viết : “Xét về mặt cảm quan thì nghệ thuật cố tình chỉ cấp cho chúng ta một thế giới hư ảo gồm những hình ảnh, những âm thanh, những chiêm ngưỡng, và ta không nên nghĩ rằng trong khi sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật, con người do chỗ bất lực và bị hạn chế nên chỉ ghi lại cái vỏ của sự vật, cái sơ đồ của nó mà thôi. Bởi vì các hình ảnh cảm quan, các âm thanh này xuất hiện trong nghệ thuật không những là vì bản thân và sự xuất hiện trực tiếp của chúng, mà còn nhằm mục đích dùng hình thức này để thỏa mãn các hứng thú tinh thần cao hơn, cho nên nó có khả năng thức tỉnh và lay động tất cả chiều sâu của ý thức và gây nên tiếng vọng của chúng ở trong tinh thần”[3]. Từ đó chúng ta có thể hiểu rằng hình tượng nghệ thuật không phải là cái gì khác hơn là quan hệ trừu tượng dưới hình thức cảm tính cụ thể. Quan niệm này cho phép vạch ra đặc điểm của tư duy hình tượng nghệ thuật so với các hình thức khác của hoạt động nhận thức. Và ngược lại, hình tượng nghệ thuật với tác động một cách đặc thù, nó có khả năng phát triển các hình thức khác của hoạt động nhận thức của con người. Cố nhiên, bản chất của hình tượng nghệ thuật có lẽ bộc lộ rõ nhất khi đối chiếu phương thức tư duy nghệ thuật với phương thức tư duy khoa học. Đồng thời cần phân biệt phép đối chiếu một mặt là với nhận thức nghệ thuật và nhận thức khoa học, còn mặt khác là đối chiếu giữa sáng tạo nghệ thuật với sáng tạo khoa học (vấn đề này chúng tôi sẽ phân tích kỹ ở tiết 2.1.1).
Hình tượng nghệ thuật tồn tại như một chỉnh thể thống nhất biện chứng giữa cái chung và cái riêng, trong đó cái chung đã được cá biệt hóa, cái cá biệt đã được khái quát hóa. Mỗi hình tượng nghệ thuật là một cái riêng độc đáo, là sự không lặp lại bất kỳ cái riêng nào khác được thể hiện bằng các thủ pháp nghệ thuật khác nhau : hư cấu, tưởng tượng, ước lệ, v.v…
Các cấp độ của hình tượng nghệ thuật, thông thường nó được phân tích, làm sáng tỏ ở khía cạnh phép biện chứng giữa lý tính và cảm tính, khách quan và chủ quan, điển hình và cá thể. Việc nghiên cứu các cấp độ tồn tại của hình tượng nghệ thuật là công việc hết sức quan trọng đối với việc làm rõ đặc trưng của nghệ thuật. Bởi vì là cơ sở phương pháp luận để xem xét bất cứ khía cạnh nào của hình tượng nghệ thuật, nhất là vai trò của nghệ thuật trong đời sống tinh thần con người.
+ Cấp độ tư tưởng của hình tượng nghệ thuật giúp chúng ta nhận thức được quan niệm về nghệ thuật của các tư tưởng và trào lưu mỹ học khác nhau trong lịch sử. Nhờ vậy, nghệ thuật hiện hàm và hàm ẩn trong mình những ý nghĩa triết – mỹ sâu xa của hình tượng, cái mà hình tượng – nghệ thuật “vượt” ra khỏi giới hạn tâm lý của chủ thể dưới góc độ cá nhân, khi quan niệm nghệ thuật được nhận thức bằng toàn bộ sự phát triển của văn hóa mang tính toàn nhân loại.
+ Cấp độ tâm lý của hình tượng nghệ thuật là cấp độ tình cảm và cảm xúc nghệ thuật. Các tình cảm và cảm xúc tâm lý chứa đựng trong hình tượng nghệ thuật thể hiện là thế mạnh riêng của sự phản ánh cuộc sống hiện thực. Bởi vì, không có cảm xúc thì sẽ không có hình tượng trong bất cứ loại hình nghệ thuật nào : tạo hình, điện ảnh, kiến trúc, sân khấu, v.v...
+ Cấp độ vật chất của hình tượng nghệ thuật là cấp độ mà thiếu nó cũng không thể có sự tồn tại của hình tượng nghệ thuật. Đó là ngôn ngữ, âm thanh, mầu sắc và sự kết hợp chúng để vật chất hóa hình tượng trong nghệ thuật.
Sự phân chia các cấp độ của hình tượng nghệ thuật chỉ là ước lệ. Vì thực ra hình tượng nghệ thuật là một chỉnh thể phản ánh thế giới hết sức mền dẻo, uyển chuyển, người cảm thụ có thể cảm nhận được độ tinh tế, nông sâu của nó là tùy thuộc vào trình độ thẩm mỹ của mỗi con người. Chỉ có điều, các cấp độ đó của hình tượng nghệ thuật có ý nghĩa rất lớn trong việc đi sâu vào các cung bậc tình cảm – lý trí, chung – riêng, v.v., của đời sống tinh thần con người.
- Thứ hai, giá trị nghệ thuật – một bộ phận của của những giá trị tinh thần xã hội. Để trở thành một hiện tượng nghệ thuật, một nhân tố của văn hóa tinh thần, sự phản ánh của hình tượng nghệ thuật đều thông qua một chất liệu nhất định của của một loại hình nghệ thuật cụ thể, - đó là sân khấu, âm nhạc, hội họa, điện ảnh, v.v… Nói một cách khác, nghệ thuật bao gồm cả tư duy hình tượng và cả một hoạt động thực tiễn nhất định – sự sáng tạo nghệ thuật, sự nhào nặn thẩm mỹ một chất liệu nhằm xây dựng các giá trị nghệ thuật.
Giá trị nghệ thuật thông thường được hiểu là ý nghĩa của các tác phẩm nghệ thuật về những tính chất ích lợi nhất định nào đó đối với con người. Điều đó có nghĩa là giá trị mỗi tác phẩm nghệ thuật do mối quan hệ giữa khách quan và chủ quan quyết định, và bản chất xã hội của nó lại gắn rất chặt với các qúa trình cảm thụ của công chúng. Bởi vì, sự tác động qua lại giữa tác phẩm nghệ thuật và chủ thể cảm thụ, tiếp nhận cũng xuất hiện một quan hệ giá trị, nếu tác phẩm nghệ thuật có khả năng thỏa mãn những nhu cầu, lợi ích, mục đích thẩm mỹ nói riêng và đời sống tinh thần nói chung của con người. Nhưng cũng cần thấy rằng, trong phạm vi của quan hệ giá trị có thể có quan hệ tích cực, và cũng có thể có quan hệ tiêu cực của của khách thể (tác phẩm nghệ thuật) đối với chủ thể tiếp nhận và ngược lại. Cho nên, từng mặt lợi ích xã hội, chúng ta quan tâm đến những giá trị nghệ thuật ở ý nghĩa tích cực của tác phẩm nghệ thuật đối với đời sống tinh thần. Trong thực tế, nghệ thuật được vật chất và hiện thực hóa trong các loại hình nghệ thuật cụ thể, cho nên nghệ thuật vừa tồn tại trong ý thức của con người, vừa tồn tại trong các dạng giá trị nghệ thuật nhất định. Bằng cách đó, các giá trị nghệ thuật trở thành một bộ phận của nền văn hóa tinh thần. Xét theo nghĩa này, các tác phẩm nghệ thuật chân chính cũng là các giá trị như tất cả những giá trị tinh thần được tạo nên bởi bàn tay và khối óc của con người.
- Thứ ba, cũng như tất cả các hình thái ý thức xã hội khác nghệ thuật là một bộ phận của đời sống tinh thần. Trong tính hiện thực của nó, đời sống nghệ thuật, được thể hiện thông qua hoạt động và quan hệ tinh thần. Hoạt động nghệ thuật và quan hệ nghệ thuật không thể tồn tại, phát triển một cách cô lập đối với các lĩnh vực khác của hoạt động và quan hệ tinh thần nói chung. Có điều, sự liên hệ qua lại và tác động lẫn nhau đó bao giờ cũng thông qua hoạt động nhận thức, hoạt động đánh giá và hoạt động sáng tạo, - các lĩnh vực cơ bản của đời sống tinh thần con người xét từ phương diện hoạt động tinh thần. Trong đó, sáng tạo nghệ thuật là một loại hình hoạt động tinh thần – thực tiễn.
Đặc điểm cơ bản của hoạt động sáng tạo nghệ thuật trong qúa trình sáng tác của nghệ sỹ là nhằm tạo ra những tác phẩm nghệ thuật duy nhất (thế giới đặc thù) không giống với bất kỳ một sản phẩm tinh thần nào khác của đời sống tinh thần. Nếu như hoạt động sáng tạo khoa học, - sự phản ánh hiện thực trong những khái niệm trừu tượng đem lại những tri thức khách quan về thế giới thì sáng tạo nghệ thuật dưới dạng hình tượng sinh động không chỉ bao chứa tri thức khách quan mà còn bao chứa thế giới tình cảm. Đó là thế giới của những cảm xúc, những ước mơ, những ý chí, những nguyện vọng và những lý tưởng cao đẹp, nó không chỉ cung cấp cho con người sự hiểu biết mà còn thanh lọc tâm hồn, làm phong phú và phát triển toàn diện, hài hòa con người, làm cho đời sống tinh thần nói riêng, đời sống xã hội nói chung ngày một phong phú và đầy ý nghĩa nhân văn.
Nếu xem xét thực tiễn nghệ thuật, trong mỹ học rất phổ biến cách phân chia hình tượng nghệ thuật theo tính giai đoạn tồn tại và phát triển của nó dưới các hình thức sau đây: hình tượng ý đồ – tác phẩm nghệ thuật – hình tượng cảm thụ. Sự phân chia đó nói lên phương thức tồn tại của sự biểu đạt hình tượng nghệ thuật trong hoạt động và trong các quan hệ nghệ thuật của đời sống tinh thần. Với sự phân tích nghệ thuật theo qúa trình này, chúng ta có thể theo dõi “cuộc sống” của hình tượng nghệ thuật từ giai đoạn mới hình thành trong ý thức của người nghệ sỹ, v.v… cho đến khi người đọc, người nghe, người xem tiếp nhận và cảm thụ nó. Sự phân tích như vậy, là một cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu vai trò của nghệ thuật trong đời sống tinh thần của con người trên ba phương diện hoạt động chung nhất : hoạt động nhận thức, hoạt động đánh giá và hoạt động sáng tạo, mà tính đặc trưng bao trùm của nó là tính thẩm mỹ.
1 nhận xét :
Dạ cảm ơn bài viết này của anh/thầy, những bài viết khác trên mạng về nghệ thuật em đọc cảm thấy thật khô khan, khó hiểu thì bài viết của anh thật sự rất logic và tương quan với nhau giúp hiểu rõ về đặc thù của nghệ thuật
Đăng nhận xét