Thuyết trực giác chiếm một vị trí hết sức quan trọng trong lịch sử triết học trước C. Mác và ngoài mácxít, đồng thời cũng là một học thuyết có ảnh hưởng rất sâu sắc đối với nhiều nhà tư tưởng phương Tây hiện nay. Tư tưởng cơ bản của thuyết này là coi trực giác như một năng lực loại biệt của nhận thức đối lập với tư duy lôgíc khoa học. Tuy nhiên, trực giác cũng được lý giải khác nhau tùy theo lập trường thế giới quan và phương pháp luận của các nhà triết học khác nhau. Chẳng hạn, Crốtsơ coi sáng tạo nghệ thuật chỉ là trực giác, là phi lôgíc, nên ông đã hoàn toàn gạt bỏ tư duy duy lý ra khỏi nghệ thuật. Quan niệm này dẫn đến một cách hiểu tương đối phổ biến rằng, trực giác chỉ liên quan đến nghệ thuật, là độc quyền của nghệ thuật.
Thực ra, sáng tạo nghệ thuật có thể được coi là một loại tiêu biểu của năng lực trực giác, bởi tính đặc thù của bản thân nghệ thuật. Nhưng theo Bécxông thì trực giác là một kiểu riêng biệt của trí tuệ, chứ không phải là cái bản năng thuần túy, dẫu rằng ông cũng có đề cao trực giác. Quan điểm này đã được ông nhấn mạnh khi chứng minh trong qúa trình nhận thức “ có những cái chỉ riêng trí tuệ mới có khả năng tìm được, nhưng tự nó không phải lúc nào cũng tìm ra. Và chỉ bản năng mới có thể tìm thấy những cái khó tìm ấy, nhưng nó lại không bao giờ chịu tìm”[1]. Ông cho rằng đây là sự đối lập và là sự “bất hạnh” giữa quan hệ trí tuệ với bản năng. Nhưng thực ra, giữa trực giác và trí tuệ không hề có sự đối lập tuyệt đối, chúng cũng không tách khỏi qúa trình nhận thức và hoạt động sáng tạo của con người.
Mỹ học mácxít không phủ nhận năng lực sáng tạo của trực giác. Nhưng nó phê phán sự tuyệt đối hóa trực giác với lôgíc khoa học, hoặc coi trực giác chỉ là năng lực sáng tạo của nghệ thuật. Nếu về nguyên tắc khi chúng ta thừa nhận trực giác là một năng lực của hoạt động sáng tạo thì nhất định nó hiện diện trong mọi hoạt động sáng tạo của con người, dưới các hình thức và mức độ khác nhau, trong những điều kiện cụ thể nhất định.
Nếu cho rằng, năng lực trực giác của chủ thể sáng tạo nghệ thuật được xuất hiện ở giai đoạn đầu - giai đoạn mà người nghệ sỹ thể hiện “ý đồ” về một chủ đề sáng tác trong tương lai, như một nhiệm vụ nào đó đã đặt ra, thì lúc này ý đồ đó còn chưa biểu hiện thành một hình tượng xác định, nó đòi hỏi người nghệ sỹ phải có tưởng tượng tiếp theo để tìm cách giải quyết nhiệm vu, và lúc đó việc tìm tòi hình tượng biểu hiện ý đồ sẽ xảy ra trong qúa trình sáng tác lâu dài của tác phẩm là có cơ sở, nhưng tuyệt đối hóa nó sẽ là không đúng. Bởi vì, sự xuất hiện cái mới, cái hình tượng “trùng hợp” với ý đồ sáng tác thực ra là kết qủa ẩn dấu đã “bất chợt” vụt sáng ra do qúa trình lao động nghiêm túc và căng thẳng của người nghệ sỹ chứ không phải bằng con đường tưởng tượng trong ý nghĩ. Nói cách khác, sáng tạo nghệ thuật gắn liền với hứng thú do có cảm xúc mạnh mẽ về nhu cầu phải lập tức thể hiện ý đồ tư tưởng nghệ thuật, phải biến những hình tượng vừa bất chợt xuất hiện trong óc mình thành tác phẩm nghệ thuật. Trạng thái ấy tưởng như không lý giải được, hoặc vượt ra ngoài sự kiểm soát của lý trí mà chính là trực giác sáng tạo. Thực ra đó chỉ là kết qủa của toàn bộ qúa trình nghiền ngẫm, lao tâm khổ tứ của người nghệ sỹ.
Trực giác sáng tạo trong nghệ thuật làm xuất hiện các tác phẩm nghệ thuật, song đến lượt nó các tác phẩm nghệ thuật thông qua chủ thể cảm thụ lại tìm thấy ở năng lực trực giác cái độc đáo, sắc sảo và tính phong phú do nghệ thuật mang lại. Và điều này được thể hiện rất rõ trong cấu trúc của hoạt động khoa học, người ta có thể phát hiện ở nhiều giai đoạn, vị trí và chức năng của nghệ thuật như những công cụ, phương tiện ở tính điển hình hóa và khái quát hóa được vận dụng trong mỗi giai đoạn của hoạt động khoa học, kể cả sự phát triển của khoa học trong thời đại ngày nay.
Việc đặt vấn đề như vậy, không những có tính hợp lý mà còn có ý nghĩa khẳng định rẳng, chủ thể sáng tạo khoa học, tạo ra được những giá trị khoa học mới là kết qủa của sự tổng hợp toan bộ tri thức, kinh nghiệm thu được ở tất cả các giai đoạn tích lũy, nghiền ngẫm, từ đó chủ thể tổ chức, kết cấu để chuẩn bị xây dựng những quan điểm, những lý thuyết của mình. Điều đó cũng đặt ra cho chủ thể sáng tạo khoa học sự cần thiết là phải tiến hành nghiên cứu khoa học một cách có hệ thống, thực hiện qua từng bước trong đó bao gồm việc tích lũy và thử nghiệm bằng tiền đề mới, việc kiểm tra sơ bộ những vấn đề trong hệ thống những tri thức cần thiết bằng những phương pháp nhất định. Đây chính là giai đoạn thứ hai. Thông thường, ở giai đoạn này chưa mang lại kết qủa cụ thể nào phù hợp với ý đồ sáng tạo.
Tuy nhiên, trên bình diện chủ quan, giai đoạn này vẫn có những giá trị lớn, cho việc hình thành tiềm năng sáng tạo và kết qủa nhất định phải xuất hiện trong tính chu kỳ của hoạt động sáng tạo khoa học. Và cũng chính ở đây, tình cảm thẩm mỹ đã can thiệp vào như một sự cổ vũ mạnh mẽ đối với cảm hứng, liên tưởng và tưởng tưởng sáng tạo, cơ sở làm cho việc làm nảy sinh ra những ý tưởng mới. Cố nhiên, đến đây khoa học đã tìm thấy trong sáng tạo nghệ thuật hình thức thích hợp nhất là trí tưởng tượng. Bởi trí tưởng tượng xuất hiện như một hình thức nối tiếp giữa tri thức tức thời và trực giác như sự nối tiếp của trực giác thông qua sự biểu hiện trên thực tế cái tiềm năng sáng tạo có thể bất ngờ xuất hiện. Đó là một bước chuyển tiếp từ trực giác đến tư duy lôgíc, ở đó những khái niệm khoa học chưa rõ ràng chuyển thành khái niệm và ký hiệu có tính chất xác định làm xuất hiện năng lực trực giác sáng tạo mà các nhà khoa học thường dùng các thuật ngữ : “loé sáng”, nghĩa là chân lý hiện ra “một cách bất ngờ”. Xét về nguồn gốc của trực giác nhà tâm lý học Mỹ J. S. Bruner, người đã khai sinh ra thuật ngữ “ngạc nhiên có thật”, tìm thấy có 3 nguồn gốc : 1). Nguồn gốc khách quan dựa trên nhận thức của chủ thể sáng tạo về đối tượng và ở qúa trình đó tạo nên bởi sự xuất hiện khá kỳ lạ một cách “ngẫu nhiên” của đối tượng; 2). Nguồn gốc hình thức của toán học, lôgíc và nghệ thuật khi sự ngạc nhiên có thật là kết qủa của sự phát hiện ra mối liên hệ trước kia chưa biết; 3). Nguồn gốc ẩn dụ, kết qủa của sự đụng độ giữa những ngành thực tiễn và nhận thức khác nhau trên cơ sở của tưởng tượng hoặc của mối quan hệ ẩn dụ có ý thức. Với quan niệm trên theo chúng tôi J.S. Bruner có lý khi giải thích về nguồn gốc của trực giác một cách có cơ sở khoa học và khá cụ thể.
Phần lớn các nhà khoa học cho rằng phải tìm hiểu ý nghĩa của giai đoạn này trong nghỉ ngơi, một sự nghỉ ngơi, một sự giải phóng con người ra khỏi các ý tưởng đang ngự trị, mà vẫn chưa có khả năng tìm ra những giải pháp thích hợp để giải quyết chúng, và vào thời điểm này nghệ thuật và sự chiêm ngưỡng thẩm mỹ là phương tiện tốt nhất. Nhưng thực ra, nghệ thuật và chiêm ngưỡng thẩm mỹ không phải là sự giải trí thuần túy, mà chúng còn cung cấp phương tiện đi tới hoạt động sáng tạo, mặc dù nhà khoa học có tự giác hay không tự giác cảm nhận được điều đó. Là một hình thức của kinh nghiệm, nghệ thuật và chiêm ngưỡng thẩm mỹ có khả năng mở rộng môi trường hoạt động hiệu qủa của nhà khoa học và làm xuất hiện những phát kiến thật sự độc đáo. Người diễn đạt hay nhất về tư tưởng này là một trong những ông tổ của cơ học lượng tử là Ninxơ Bo : “Tại sao nghệ thuật có thể làm phong phú chúng ta, nguyên nhân là do chỗ nó có khả năng nhắc nhở về những sự hài hòa mà sự phân tích hệ thống không tài nào đạt đến được”. Poăngcarê cũng cho rằng, trong sáng tạo khoa học, tư tuởng chỉ là ánh chớp, nhưng ánh chớp đó lại là tất cả, thì chúng ta cũng không lấy làm ngạc nhiên những vần thơ trữ tình của đại thi hào Gớt khi nói về sự biến đổi mầu sắc của một loài hoa, và từ tư tưởng đó nó đã đặt nền móng cho cho một ngành khoa học mới - hình thái học thực vật.
Như vậy, giá trị sáng tạo của nghệ thuật đối với sáng tạo khoa học ở chỗ, tự nó làm thành một cơ chế có khả năng tiến hành những sự đối chiếu, sự xác lập những trình độ cấu trúc khác nhau và gợi nên những ý tưởng, những cách kiến giải độc đáo, phù hợp với hoàn cảnh và tính mục đích của hoạt động sáng tạo. Là một giai đoạn của họat động khoa học, thời kỳ “thai nghén” kết thúc bằng trực giác sáng tạo. Trong sáng tạo khoa học có rất nhiều phát kiến khoa học được xuất hiện trong thời kỳ này. Nhưng điều kỳ diệu ở cái “lóe sáng bất ngờ ”, về việc nhận ra chân lý “định luật vạn vật hấp dẫn” mang tính “tương đồng” với hiện tượng mà Niutơn “chiêm ngưỡng” cái rơi “tự do” của trái táo. Dưới hình thức “lóe sáng bất ngờ”, trực giác cho phép qúa trình tư duy vượt qua các giới hạn của hệ thống hiện có và “nhìn thấy” trong đám hỗn độn của những tiền đề hoặc hoặc những dự kiến, cái nguyên tắc mới có thể đem lại cho chúng một cấu trúc hài hòa và có thể đoán định được bằng cảm xúc và tri giác về một qui luật mới nào đó.
Vấn đề đặt ra là: kết cấu và cơ chế vận hành và chức năng của trực giác mà nghệ thuật có thể mang lại trong qúa trình nhận thức khoa học là gì? Có thể nói, trực giác là một loại “tư duy” đặc biệt và phức tạp, do đó cho đến nay khoa học về sáng tạo cũng đang rất khó khăn trong việc nghiên cứu và “mô tả” tính hiện thực cụ thể của nó. Dẫu vậy, khi xác định kết qủa của hoạt động trực giác, sự so sánh chức năng và vị trí của nó trong sáng tạo nghệ thuật và sáng tạo khoa học vẫn cho chúng ta đi đến những kết luận nhất định. Dưới góc độ của chủ thể sáng tạo khoa học (cá nhân hay tập thể) vẫn cần có trực giác sáng tạo như những người nghệ sỹ. Sự lóe sáng trực giác không phải là kết qủa của cái ngoài ý thức, mà là kết qủa của qúa trình sáng tạo; sự nung nấu đã đến độ chín muồi và trong khoảnh khắc, nhà sáng tạo nắm bắt được cái thần của cái mình cần nắm. Để có được cái nhìn trực giác, ngoài tài năng do năng khiếu bẩm sinh về mặt di truyền của các chủ thể sáng tạo nghệ thuật và khoa học, thì trực giác còn cần có nguồn năng lượng xã hội thường xuyên tác động. Sự phong phú của kinh nghiệm tích lũy được và những ấn tượng cảm tính của chủ thể sáng tạo nghệ thuật và khoa học – những cái đem lại kết qủa của trực giác đều do lao động cần cù, tỉ mỉ, sâu sắc, nó là nguồn gốc của trực giác sáng tạo.
Nếu xét mối tương quan giữa trực giác cảm quan và trực giác sáng tạo trong hoạt động sáng tạo của con người, thì trực giác sáng tạo chỉ là “sự đứt đoạn” của sự nối tiếp giữa diễn dịch và lôgíc, cái cho phép vượt ra ngoài “sự ngự trị” trong giới hạn của hệ thống lý thuyết hiện tại. Sự “đứt đoạn” chỉ xảy ra trong thời kỳ chuyển tiếp này, và nó có thể biểu hiện như là đỉnh cao của sự phát triển khoa học và hoạt động của bản thân nhà khoa học.
Việc phát hiện một nguyên tắc mới trong giai đoạn trực giác (thai nghén) sáng tạo thường có tính chất là những giả thuyết khoa học. Nhưng những giả thuyết ấy đã là một bước tiến tới giai đoạn phân tích lôgíc sau này của hoạt động khoa học. Bởi vì, giả thuyết vừa là sự phát kiến, đồng thời vừa là giải pháp xúc cảm - trực giác - tình huống có vấn đề, được đan xen trong qúa trình nghiên cứu khoa học. Chính ở trong qúa trình này đã xuất hiện tính mâu thuẫn giữa một bên là một phát kiến mới, một nguyên lý mới nhưng chưa thể diễn đạt được bằng những khái niệm, phạm trù của hệ thống cũ, với một bên là những khái niệm tương ứng với hệ thống mới đó thì lại chưa được xây dựng. Bởi vì, ngôn ngữ khoa học hiện có không thể cung cấp một sự miêu tả thích hợp. Cho nên, để miêu tả một cách chính xác và đầy đủ những nguyên lý mới thì những giả thuyết khoa học phải được sử dụng bằng ngôn ngữ thường ngày và các thủ pháp của ngôn ngữ nghệ thuật.
Những vấn đề phân tích trên đây không chỉ nói đến vai trò của trực giác trong sáng tạo nghệ thuật và sáng tạo khoa học, mà điều quan trọng và chủ yếu nhất là cảm thụ thẩm mỹ và cảm thụ nghệ thuật đã làm phong phú khả năng trực giác, phát hiện và sáng tạo ra cái mới ở hoạt động nghiên cứu khoa học. Nhưng sẽ là thiếu, nếu bỏ qua vai trò của nghệ thuật đối với năng lực trực giác cảm thụ và đánh giá thẩm mỹ nói chung trong đời sống tinh thần của con người.
Hiển nhiên, việc cảm thụ thẩm mỹ, sự đánh giá thẩm mỹ bằng nghệ thuật thông qua năng lực trực giác có vai trò đặc biệt của những cảm xúc và những khoái cảm thẩm mỹ. Chính những cảm xúc và những khoái cảm thẩm mỹ đã giúp cho việc đánh giá các hiện tượng đa dạng của cuộc sống theo những quan điểm thẩm mỹ nhất định. Không phải ngẫu nhiên mà người ta cho rằng, tất cả những gì đáng được con người quan tâm tới trong cuộc sống, tất cả những gì mà trong hoạt động xã hội của mình, con người trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia đều có thể trở thành đối tượng thẩm mỹ của con người. Nghệ thuật có tác dụng kích thích mạnh mẽ sự phát triển quan hệ thẩm mỹ của con người đối với hiện thực bao giờ cũng bao hàm một khởi điểm chủ quan, một sự tiếp cận đối tượng qua cảm xúc. Chính trong qúa trình đó, việc phản ánh cuộc sống gắn bó mật thiết với việc biểu hiện thái độ chủ quan đối với cuộc sống; và trong thái độ này nghệ thuật thể hiện như một khúc xạ trực tiếp nhiều hoặc ít đối với lợi ích của xã hội. Nhưng mặt khác, sự phát triển năng lực trực giác trong hoạt động sáng tạo, ý nghĩa của nghệ thuật với giáo dục thị hiếu thẩm mỹ rộng lớn hơn rất nhiều so với việc đưa lại khoái cảm khi trực tiếp cảm thụ những tác phẩm nghệ thuật. Đồng thời trong hoạt động của bất cứ một con người cụ thể nào, một mặt họ đều chịu sự chi phối của nghệ thuật và đến lượt mình, họ cũng tham gia “sáng tạo nghệ thuật” dưới những hình thức và mức độ khác nhau. Bởi nhu cầu thẩm mỹ, nhu cầu nghệ thuật là tiềm năng thường trực và là khát vọng của con người vươn tới cuộc sống tốt hơn, đẹp hơn.
Tóm lại, vai trò của nghệ thuật trong đời sống tinh thần của con người không phải là một vấn đề hoàn toàn mới trong lịch sử phát triển của triết học và mỹ học. Yếu tố cái mới mà chúng tôi đã đạt được so với các công trình đã nghiên cứu trước đây và hiện nay, không chỉ là ở cách tiếp cận, mà chính là nội dung của vấn đề đã được phân tích một cách có hệ thống, thông qua việc làm rõ vai trò của nghệ thuật trong hoạt động nhận thức, hoạt động đánh giá và hoạt động sáng tạo. - tức là những lĩnh vực cơ bản nhất của đời sống tinh thần con người.
1. Sự phong phú của các hệ thống hình tượng nghệ thuật không chỉ là một phương tiện tái hiện đặc thù thế giới hiện thực, mà còn là một cơ chế tổng hợp cảm xúc – cảm nghĩ của con người về phương diện trí tuệ, đạo đức và thẩm mỹ. Mặt khác, nghệ thuật còn là một nguồn năng lượng xã hội vô tận đã đựợc tích lũy và gìn giữ qua toàn bộ kinh nghiệm xã hội, - với tính cách là một loại trí nhớ cảm quan trực tiếp của sự phát triển văn hóa.
2. Đánh giá nghệ thuật không chỉ thể hiện năng lực chiếm hữu hiện bằng thẩm mỹ và sáng tạo thẩm mỹ, mà nó còn hướng toàn bộ năng lực thẩm mỹ của con người vào việc đánh giá đối tượng của hiện thực do chính con người sáng tạo ra theo qui luật của cái đẹp. Đồng thời, trong đánh giá nghệ thuật, con người có đầy đủ “nhân tính” góp phần thực hiện chức năng đạo đức với tính cách tìm hướng đi – đánh giá chuẩn mực đạo đức và thẩm định bằng trực giác chân lý khoa học.
3. Chân lý cuộc sống và chân lý về cái đẹp luôn là mục đích, luôn là chuẩn mực của sự đánh giá và của hoạt động sáng tạo nghệ thuật cũng như mọi hoạt động sáng tạo khác. Nhờ sự gợi mở bằng sức mạnh tiềm ẩn của mình, nghệ thuật có khả năng phát triển các năng lực cảm hứng, tưởng tượng và trực giác trong hoạt động sáng tạo khoa học và hoạt động sáng tạo nói chung của con người.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét