Trong bất kỳ hoạt động nào của con người, từ việc học tập, lao động cho đến sáng tạo, trò chơi chỉ có thể mang lại kết qủa theo ý muốn thì đều có sự tham gia của trí tưởng tượng. Tưởng tượng không chỉ là một trong những năng lực của hoạt động nhận thức nói chung và đó cũng là năng lực đặc trưng của họat động sáng tạo. Nói đến sáng tạo trong tính cụ thể của nó, bao giờ cũng phải nói tới yếu tố cái mới, tính độc đáo của những ý tưởng và những giải pháp mà từ đó, dẫn đến hiệu qủa và chất lượng sản phẩm. Cho nên, bản thân tâm lý, hành vi và ý chí của chủ thể sáng tạo nhất thiết đòi hỏi phải có tưởng tượng phát triển - biểu tượng về mục đích, về phương thức hành động và kết qủa của hành động trong dự kiến sẽ được tiến hành. Bởi vậy, những đối tượng, những tình huống của tưởng tượng đóng vai trò là động cơ cho những hành vi và ý chí đó của chủ thể sáng tạo.
Năng lực đặc trưng của hoạt động sáng tạo biểu hiện rõ nhất trong tưởng tượng. Chủ thể “tạo ra những biểu tượng, tình huống trong ý nghĩ, tư tưởng, đồng thời dựa vào những hình tượng còn giữ lại trong ký ức từ những kinh nghiệm của cảm giác trước kia và có đổi mới, biến đổi các thứ ấy”, chính là tưởng tượng[1]. Thực ra, nói đến tư duy là đã nói đến tưởng tượng. Nhưng tưởng tượng đóng vai trò rất to lớn đối với hoạt động lý luận và sáng tạo của con người. Điều này đã được V.I. Lênin khẳng định: “Khi trí tuệ (của con người) tiếp xúc với một vật cá biệt, sao chụp hình ảnh (= một khái niệm) của nó, đó không phải là một hành vi giản đơn, cứng đờ như phản ánh trong gương, mà là một hành vi phức tạp, có hai mặt, khúc khuỷu, bao hàm của ảo tưởng bay xa khỏi cuộc sống; hơn nữa: bao hàm khả năng của một sự chuyển biến (hơn nữa, không thấy được, và người ta không có ý thức về nó) của khái niệm trừu tượng, của ý niệm thành một ảo tưởng (in letzer Instanz = Thượng đế). Bởi vì, ngay trong sự khái quát đơn giản nhất, trong tư tưởng chung sơ đẳng nhất(“cái bàn”nói chung) cũng có một phần nhất định của ảo tưởng”[2].
Trong hoạt động sáng tạo của con người khi con người biến đổi hiện thực khách quan, phải trải qua một quá trình, trong đó trí tưởng tượng có ý nghĩa to lớn; thoạt đầu mối liên quan này mới chỉ biểu hiện như giả thiết, tưởng tượng, và sau khi phân tích một cách lôgíc, kiểm tra lại bằng lý thuyết và thực tiễn thì mối liên quan đó mới được hình thành như là điều đã được chứng minh và có cơ sở khoa học.
Dưới góc độ tâm lý học, người ta có thể phân chia ra những cách phản ánh tái tạo hiện thực của trí tưởng tượng thông qua sự hình thành và cải tiến những cách thức thay đổi và biến hóa biểu tượng, đồng thời phân chia các loại tưởng tượng có ý thức và không có ý thức; tưởng tượng tái tạo và tưởng tượng sáng tạo và mơ ước của con người. Tuy nhiên, sự phân chia này chỉ mang ý nghĩa tương đối, tùy theo đặc tính của mỗi loại tưởng tượng cũng như theo tính mục đích đặt ra của hoạt động nhận thức và hoạt động sáng tạo.
Tưởng tượng sáng tạo, với đặc điểm cơ bản của nó là phải tạo ra những hình tượng mới và trên cơ sở đó nó bao gồm sự tham gia của nhiều loại tưởng tượng khác nhau với tính cách là điều kiện, tiền đề của hoạt động sáng tạo. Nhưng nó luôn tuân theo những qui luật nhất định. Đó là, sự kết hợp các yếu tố khác nhau trong quá trình tưởng tượng sáng tạo không mang tính chất máy móc, mà mang tính chất cơ cấu, tương ứng với một nhiệm vụ đã đề ra và một ý định sáng tạo nhất định. Đồng thời, các hình thái cơ cấu, trong đó có việc tưởng tượng của người nghệ sỹ, nhà sáng chế cũng không phải tự nghĩ ra, mà là sự đúc kết lại từ tri giác và quá trình nghiên cứu hiện thực. Chẳng hạn, quá trình tưởng tượng sáng tạo của nhà khoa học phải có sự tích lũy những tài liệu cần thiết cho sáng tạo; sự nảy sinh ý tưởng phát minh khoa học lúc đầu dưới dạng giả thuyết; và bằng thực nghiệm cũng như trong quá trình thử nghiệm nó để có thể làm cho những ý tưởng chung ban đầu trở thành phương pháp cụ thể để thông qua đó thể nghiệm lý thuyết được thự hiện bằng thí nghiệm chứng minh, bằng sáng chế ra máy móc cụ thể, v.v…
Tính chất cơ cấu và nhiệm vụ đã được đề ra trong ý định sáng tạo bao giờ cũng gắn liền với những ước mơ nhất định. Ước mơ là một loại tưởng tượng đặc biệt của tưởng tượng sáng tạo. Bởi vì, đặc điểm của ước mơ là dựng lên một tương lai theo mong muốn, nhưng chưa thực hiện được, và thường là qua một thời gian khá lâu trong tương lai điều đó chưa thể thực hiện được.
Trong ước mơ người ta có thể vẽ ra trước mắt những bức tranh về tương lai trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hiện tượng nhà vũ trụ học người Nga K.E. Xưôncốpxki là một thí dụ. Nếu như những điều Xưôncốpxki nêu lên trong ước mơ của mình đã bị những người đương thời coi là hão huyền và không tưởng, thì ngày nay nó đã trở thành hiện thực, khi con người đã thực hiện những chuyến bay chinh phục không gian vũ trụ trên những con tầu mà những nguyên tắc cơ bản xây dựng nó đã được Xuôncốpxki nêu lên trong mơ ước của mình. Thông thường, những ước mơ nói riêng và sự tưởng tượng nói chung không phải bao giờ cũng ăn khớp với cái hiện thực đang diễn ra cùng thời, nhưng không phải vì thế mà chúng không có tính hiện thực, có sở khoa học (tất nhiên là nói đến những ước mơ có tính hiện thực). Ngay cả trong thần thoại và truyền thuyết thì trí tưởng tượng có vai trò rất lớn với năng lực sáng tạo của con người. Khi phân tích sản xuất vật chất và nghệ thuật phát triển theo một tỷ số không đều nhau và vai trò của trí tưởng tượng trong nghệ thuật, C. Mác viết: “Người ta biết rằng thần thoại Hy lạp không những đã là cái lò phát sinh ra mà còn là mảnh đất nuôi dưỡng nghệ thuật Hy lạp nữa. Quan niệm về tự nhiên và về quan hệ xã hội, là cơ sở của trí tưởng tượng của người Hy lạp, và do đó, của nghệ thuật Hy lạp, có phù hợp được với các máy dệt tự động, đường sắt, đầu máy xe lửa và ngành điện báo không? So với hãng Rôbe và Cty, thì Unyn-canh(Vulcail - thần lửa và kim khí trong thần thoại La mã, ND) còn có nghĩa gì không, cũng như Giuypít(Jupiter - chúa của các thần trong thần thoại La mã - Thần
Vai trò của tưởng tượng được thể hiện trong tất cả các cấp độ và các hình thức của họat động sáng tạo, nhưng đối với nghệ thuật thì đặc điểm của trí tưởng tượng đã xuất hiện trong qúa trình nhà nghệ sỹ tri giác hiện thực do tính mục đích đặc biệt của sự chiếm hữu thế giới một cách thẩm mỹ. Điều đó được thể hiện thông qua hoạt động sáng tạo của người nghệ sỹ, không những nắm được mối liên hệ thực tế, hiển nhiên mà cả những quan hệ ẩn dấu mà họ sáng tạo ra chúng, dường như đã được tồn tại trên thực tế bằng cách phá vỡ ranh giới của kinh nghiệm văn hóa, làm cho trí nhớ xã hội thêm rộng lớn và phong phú hơn. Những tình cảm, những khát vọng, những mong muốn, những cố gắng và những ý nghĩ của người nghệ sỹ sau khi đã tập hợp được những kinh nghiệm có ý nghĩa xã hội, khi nhập vào qúa trình tri giác thẩm mỹ, làm lay chuyển cái sơ đồ, trật tự quen thuộc mà thông thường dùng để bó hẹp những liên tưởng của trí tưởng tượng. Cho nên, trong tri giác thẩm mỹ này làm nảy sinh những liên tưởng mới không còn phù hợp với những nguyên tắc có tính chất kinh nghiệm đã được hình thành từ trước.
Các hình tượng nghệ thuật với kết qủa trực tiếp phản ánh hiện thực trong qúa trình tri giác thẩm mỹ ở một khoảnh khắc nhất định lại kết hợp với những biểu tượng được gìn giữ ở trong trí nhớ, trong tình cảm và trong tư tưởng của chủ thể sáng tạo làm xuất hiện những tư tưởng mới. Và đến lượt nó, tư tưởng mới được nảy sinh lại kết hợp với những tư tưởng khác, tình cảm và hình tượng khác mà kết qủa tất yếu sẽ xảy ra là một chuỗi phức tạp, đa dạng có nhiều chi nhánh của những liên tưởng. Đó là kết qủa của qúa trình hư cấu được thực hiện thông qua trí tưởng tượng mà người nghệ sỹ thể hiện ra. Cũng trên cơ sở đó, và các căn cứ vào sự giống nhau, sự gần nhau, kể cả sự tương phản nhau của các liên tưởng, và với các thủ pháp nghệ thuật, chủ thể sáng tạo có khả năng sáng tạo nên hình tượng nghệ thuật với tính cách là sợi dây dẫn đường của trí tưởng tượng.
Sự cần thiết phải khắc phục tình trạng kìm hãm những tình huống mới do tính chất khuôn sáo của tri giác và tính chất máy móc ở trong kinh nghiệm, thói quen tâm lý của cuộc sống hàng ngày như một nhu cầu thực tế. Nhu cầu này bộc lộ thành nhu cầu nghệ thuật khi nó có khả năng giải phóng trí tưởng tượng khỏi tác động gò bó của những cơ chế tâm lý - thần kinh đó. Nhờ vậy mà tri giác nghệ thuật, như Vưgốtxki đã nhận xét một cách tế nhị rằng, sáng tạo nghệ thuật diễn ra trong sự kích thích tình cảm, trong việc thao tác tư duy tưởng tượng và hư cấu, khi người ngệ sỹ nhào luyện chất liệu mà mình lấy được từ cuộc sống biến chúng trở thành một cái gì đó cao hơn chất liệu vốn có, và thậm chí còn tạo ra những gì mới hơn, cao hơn bản thân chất liệu ấy. Cho nên, một trong những mục đích xã hội quan trọng nhất của sáng tạo nghệ thuật là tạo nên được những kết cấu kiến trúc, có sự thống nhất về bố cục, tạo ra một cơ chế tác động biện chứng giữa những khái niệm, hình tượng, tình cảm trong thế giới tinh thần con người. Nhờ đó, nghệ thuật có thể khắc phục được tính chất máy móc, tính khuôn sáo hàng ngày của tri giác, của hành vi và của những phản ứng tình cảm, để có thể phát triển sức mạnh của tưởng tượng trong hoạt động sáng tạo nói chung của con người. Cố nhiên, đây không phải là đặc điểm duy nhất của trí tưởng tượng nghệ thuật. Vì qúa trình này, như Frêmêép đã nói là “sự đồng hoá”, mà bản chất của của nó là diễn ra sự “ngắt và nối” thể hiện trong hình tượng nghệ thuật theo qui luật của tình cảm. Cũng như vậy, theo cách nói của nhà bác học Pháp Jacque Adamer, vấn đề xuất hiện sự kiện ấy là hoàn cảnh bao hàm vấn đề - dẫu một lý thuyết toán học, một ván cờ, một tác phẩm nghệ thuật hay trong lao động sản xuất, v.v... bao giờ cũng có một sắc thái riêng mà người ta nhận thấy tức thời nhờ ở cái biểu hiện mà chỉ nó mới có.
Như vậy, chính tác phẩm nghệ thuật với tính cách là ngôn ngữ phổ quát của văn hóa, nó có khả năng tạo nên những phương thức cảm thụ sâu sắc và giúp con người phát hiện được các yếu tố nghệ thuật đích thực, chân chính, những yếu tố mà tác dụng thẩm mỹ của nó tập trung tác động vào thế giới tinh thần con người; đó không chỉ là kinh nghiệm cuộc sống đang diễn ra, mà còn là kinh nghiệm có ý nghĩa xã hội của lịch sử phát triển văn hóa. Chính vì vậy, trí tưởng tượng và hư cấu là điều kiện hữu cơ cần thiết của bản thân sự tiếp xúc nghệ thuật. Đến lượt nó, nghệ thuật lại phát triển năng lực sáng tạo cho trí tưởng tượng, trở thành cội nguồn mạnh mẽ của qúa trình tích lũy nhưng năng lựợng xã hội. Chức năng xã hội chủ yếu của nghệ thuật chính là ở đó.
Nói đến năng lực sáng tạo của con người, ngoài sự hứng thú của những cảm xúc mạnh mẽ và của trí tưởng tượng, còn phải nói đến khả năng trực giác. Chính bằng trực giác mà nghệ thuật có khả năng tiến hành những sự đối chiếu, xác lập những trình độ cấu trúc khác nhau và gợi nên những ý tưởng, những cách kiến giải độc đáo phù hợp với “hoàn cảnh bao hàm vấn đề” cho mục đích của hoạt động sáng tạo.
[1] P. A. Ruđích, Tâm lý học đại cương, Nxb Thể dục thể thao, Hà Nội, 1986, tr. 219.
[2] V. I. Lênin, Toàn tập, tập 29, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, Hà Nội, 1981, tr. 394 – 395.
[3] C. Mác & Ph. Angghen, Về văn học nghệ thuật, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1958, tr. 100.
[4] V. I. Lênin, Toàn tập, tập 6, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr. 220.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét