Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2009

Thực trạng đời sống tinh thần và công chúng nghệ thuật hiện nay

Đất nước ta bước vào thời kỳ xây dựng và phát triển. Những dấu hiệu đổi mới được khởi động từ những năm 80 và chuyển động mạnh mẽ từ Đại hội VI của Đảng. Đất nước trước những yêu cầu xây dựng và phát triển, là cơ sở cho sự đổi mới của nghệ thuật. Một mặt, nghệ thuật biến đổi theo những yêu cầu khách quan của cuộc sống; mặt khác, trong qũy đạo chung của sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo, nghệ thuật cũng tự vận động, tự phát triển theo những yêu cầu của chính bản thân nó. Sự gặp gỡ của những yêu cầu khách quan này, một từ phía ngoài, từ phía đời sống tinh thần của công chúng nghệ thuật, của sự nghiệp đổi mới đất nước; và từ trong, từ chính bản thân nghệ thuật, mà hiện nay thực sự là có tính thúc bách. Sự kết hợp của các yêu cầu đó chính là nét đặc trưng của sự phát triển nghệ thuật trong đời sống tinh thần hiện nay.

Trong nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trình độ dân trí và mức độ hưởng thụ nghệ thuật, thị hiếu thẩm mỹ của nhân dân ta đã cao hơn trước. Điều này có được trước hết là do“đời sống vật chất của đại bộ phận nhân dân được cải thiện”[1]. Thật vậy, từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI đến nay, đời sống tinh thần của công chúng nghệ thuật được mở rộng và phát triển. Một khối lượng lớn tác phẩm văn học cùng với các tác phẩm của các ngành nghệ thuật điện ảnh, sân khấu, âm nhạc, tạo hình, nhiếp ảnh ra đời bước đầu đáp ứng được phần nào nhu cầu thưởng thức, cảm nhận nhiều mặt của cuộc sống trong các tầng lớp công chúng. Chẳng hạn, sự khởi sắc của âm nhạc không chỉ thể hiện ở chỗ nó có những chương trình hoành tráng, những chương trình đầu tư có hiệu qủa sâu rộng như liên hoan ca múa nhạc, hội diễn văn nghệ quần chúng. Sự khởi sắc còn được thể hiện ở sự đa dạng hóa, phong phú hóa và xã hội hóa nhiều loại hình và nhiều hoạt động của âm nhạc. Nhất là đối với nhạc trẻ, công chúng của chúng ta cũng rất trẻ có bản lĩnh tiếp thu cái mới. Chính chúng ta đã tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh cho sự phát triển phong phú của âm nhạc. Một thí dụ khác minh chứng cho việc đáp ứng nhu cầu tinh thần của công chúng nghệ thuật ngày càng cao và mở rộng hơn trong mọi tầng lớp của xã hội vốn chưa quen và rất hạn hẹp trong thời kỳ trước đổi mới, - đó là mỹ thuật. Sự đổi mới trong mỹ thuật không chỉ thể hiện về thể loại, phong cách, trường phái, v.v. mà quan trọng hơn là nội dung của các tác phẩm mỹ thuật đã mang lại cho người xem những cảm xúc thẩm mỹ lạc quan, yêu cuộc sống hơn.v.v. thông qua các cuộc triển lãm mỹ thuật toàn quốc hoặc phòng tranh cá nhân. Nhiều tác phẩm mới nghệ thuật mới của các loại hình nghệ thuật ra đời mang tính hiện thực hơn, chân thật hơn với hơi thở của cuộc sống, gắn bó mật thiết hơn với đời sống nhân dân, gần gũi hơn với tâm tư nguyện vọng, tình cảm của đông đảo quần chúng. Trong khi đi sâu tìm hiểu, phát hiện và tìm cách giải quyết những vấn đề gai góc của đời sống xã hội, phản ánh cuộc đấu tranh quyết liệt giữa cái thiện – cái ác, chống cái tiêu cực, lạc hậu trái với giá trị tinh thần truyền thống tốt đẹp của dân tộc và bản chất xã hội chủ nghĩa, nhiều tác phẩm nghệ thuật làm toát lên được cảm hứng tích cực, ý thức trách nhiệm công dân góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới. Điều đáng khích lệ là tác phẩm nghệ thuật không chỉ dừng lại ở cấp độ nêu gương, cổ vũ, thông tin mà đạt đến chiều sâu tư tưởng nhất định, toát lên những cảm hứng lạc quan, tin yêu vào chính sức mạnh nội sinh của ý thức tự cường dân tộc vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, v.v…

Nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của công chúng, nhất là ở các đô thị lớn được nâng cao đáng kể. Nhờ vào những phương tiện truyền thông đại chúng như vô tuyến truyền hình nhiều kênh, nhiều đài phát thanh đã được phủ sóng rộng trên toàn quốc, các phương tiện ấn loát hiện đại, các tụ điểm văn hóa được mở rộng, đa dạng và phong phú hơn, các buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của sinh viên và thanh niên, các đêm nhạc, đêm thơ, các chuyên mục văn học, nghệ thuật, v.v. đã dân chủ hóa một bước đời sống tinh thần của công chúng nghệ thuật. Chẳng hạn, mục “ca nhạc theo yêu cầu khán giả” của đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đã thực sự trở thành một món ăn tinh thần mới, hấp dẫn và bổ ích của mọi tầng lớp công chúng nghệ thuật. Bởi vì, khán giả có thể giao lưu trực tiếp với tác giả, với nghệ sỹ biểu diễn và họ được trả lời các câu hỏi, được nghe, được xem những ca khúc mà mình ưa thích trước màn hình vô tuyến bằng hộp thư “điện thoại nóng trực tiếp”, v.v…

Nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống được gìn giữ trên cơ sở kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống của nền nghệ thuật dân tộc, phục vụ cho sự nghiệp đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Xuất hiện nhiều tác phẩm về đề tài cách mạng và kháng chiến, về công cuộc đổi mới bản thân cuộc sống hiện thực của xã hội và nghệ thuật. Cùng với nhu cầu muôn màu, muôn vẻ và cao của đời sống tinh thần của công chúng nghệ thuật, hiện nay “nhiều bộ sưu tập công phu từ kho tàng văn hóa dân gian và văn hóa bác học Việt Nam trong nhiều thế kỷ được xuất bản, tạo cơ sở cho việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị tư tưởng, học thuật, thẩm mỹ của dân tộc”[2]. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, trong mảng vấn đề này, nội dung còn phiến diện. Cho nên, để đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng, một mặt phải bảo tồn được vốn nghệ thuật cổ truyền, bao gồm cả âm nhạc, hội họa, sân khấu, múa, mặt khác, cùng với các hình thức bảo tàng khác: bảo tàng hiện vật, bảo tàng sống, v.v…

“Ở nhiều vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng kháng chiến trước đây, đời sống văn hóa còn qua nghèo nàn”[3], và việc đáp ứng nhu cầu tinh thần của công chúng nghệ thuật ở các vùng này còn thấp và chưa được các cấp chính quyền địa phương quan tâm đúng mức. Ở một phương diện khác, do những biến động chính trị hết sức phức tạp trên thế giới trong thời gian qua cũng như hiện nay đã ảnh hướng không nhỏ đến đến đời sống tinh thần của công chúng nghệ thuật. Bởi vậy, “rất ít những tác phẩm đạt đỉnh cao tương xứng với sự nghiệp cách mạng và kháng chiến vĩ đại của dân tộc và thành qủa đổi mới”[4]. Ngược lại, dưới các hình thức nhất định, có những tác phẩm, bài viết dưới dạng đòi “tự do ngôn luận” và “tự do sáng tác” đã trực tiếp hoặc gián tiếp, tiếp tay cho các thế lực phản động bên ngoài làm chiêu bài chống ta trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Một thực tế khác là, khuynh hướng thương mại hóa nghệ thuật diễn ra khá phổ biến. Trong nhiều loại hình nghệ thuật, nhất là sân khấu, điện ảnh, ca nhạc cũng xuất hiện nhiều tác phẩm chiều theo những thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng, làm cho chức năng giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống và thẩm mỹ của nghệ thuật bị suy giảm đáng kể.

Nhiều loại văn hóa phẩm độc hại vẫn còn xâm nhập và là một nguy cơ lớn trong việc làm băng hoại gía trị đạo đức, lối sống lành mạnh từ gia đình, nhà trường đến xã hội. Việc giáo dục thẩm mỹ, giáo dục thị hiếu nghệ thuật, đặc biệt đối với đối tượng công chúng là thanh thiếu niên, nhi đồng, học sinh vẫn chưa được coi trọng đúng mức. Điều đó dẫn đến việc nảy sinh những thị hiếu thẩm mỹ, nghệ thuật không lành mạnh trong một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên trong việc giao lưu văn hóa, nghệ thuật với nước ngoài.



[1] Sách đã dẫn, tr. 11.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Hội nghị lần thứ V Ban chấp hành Trung uơng Đảng (khoá VIII), về xây dựng và phát triển văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, Ban tư tưởng – văn hoá Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, 1998, tr. 3.

[3] Sánh đã dẫn, tr. 9.

[4] Sách đã dẫn, tr. 7.

0 nhận xét :