Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2009

Ông giáo già và hai bức thư đáng nhớ

Ông giáo già và hai bức thư đáng nhớ (1)

Thầy và trò ngày xưa ( Ảnh mang tính chất minh hoạ).

Nhà tôi cách nhà thầy Phạm Phan Chẩn chỉ non một kilômet đường phố, nhưng đi bộ phải qua một ngã tư luôn tấp nập xe cộ. Nhiều năm ông là Tổ trưởng tổ Văn Trường phổ thông năng khiếu tỉnh, ngôi trường danh giá nhất tỉnh Hải Hưng những thập niên cuối thế kỷ trước, nên chúng tôi ngồi với nhau rất hợp chuyện, mải mê...

Một lần, trong câu chuyện, nhân nhắc đến tên những học trò cũ đã thành danh trên lĩnh vực văn chương nghệ thuật, ông Chẩn kể đến nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng và nhà văn trẻ Nguyễn Thị Việt Nga. Tôi liền lấy trên giá sách xuống khoe với ông cuốn "Hồ Gươm" của Hoàng Kim Đáng, một công trình nghiên cứu chuyên đề rất bề thế về thắng cảnh Hồ Gươm - Hà Nội và tập sách "Đàn bà lắm chuyện" của Nguyễn Thị Việt Nga. Hoàng Kim Đáng không chỉ là nghệ sĩ nhiếp ảnh có nhiều tác phẩm nổi tiếng được giải thưởng trong nước và quốc tế mà còn là nhà nghiên cứu văn hóa nghệ thuật, ông thường tự trình bày các ấn phẩm của mình với khuynh hướng thẩm mỹ riêng. Còn nhà văn trẻ Nguyễn Thị Việt Nga đã có mấy năm làm cô giáo, bây giờ về làm việc ở Hội Văn nghệ Hải Dương, thạc sĩ văn chương, mới được bầu làm Phó chủ tịch Hội kiêm Phó tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ Hải Dương.

Ông Chẩn tuy đã nghỉ dạy hàng chục năm nhưng vẫn biết rõ về những thành tựu, từng bước trưởng thành của học trò mình. Ông tâm sự:

- Tôi muốn kể với ông về Hoàng Kim Đáng và Nguyễn Thị Việt Nga, vì với tôi, có thể nói đó là những trường hợp đặc biệt. Hoàng Kim Đáng thuộc lớp học trò đầu tiên trong đời dạy học của mình. Còn Việt Nga thuộc lớp cuối cùng. Nói đặc biệt vì tôi còn lưu giữ những kỷ niệm. Một bức thứ của Đáng gửi cho tôi từ năm học 1956-1957, và thư Việt Nga gửi cho tôi mới đây thôi, năm 2004, khoảng cách thời gian cách nhau hơn bốn mươi năm…

- Hơn bốn mươi năm! - Tôi ngạc nhiên - Biết bao nhiêu thư học trò, nhất là những năm chiến tranh mà bác vẫn còn giữ được kia à?

- Tôi còn giữ được nhiều vì nó ấp ủ tình cảm thầy trò. Mỗi bức thư gợi nhớ về những kỷ niệm, những số phận, có vấn đề của thời cuộc, có vấn đề của sự nghiệp giáo dục, có vấn đề chiêm nghiệm về cá nhân mình…

Thế rồi câu chuyện của chúng tôi chuyển sang vấn đề không chỉ các nhà giáo, những người lớn tuổi đang quan tâm, mà còn là một đề tài được mổ xẻ trong các tác phẩm báo chí, văn nghệ, đó là tình trạng cuộc sống đang thịnh vượng lên nhưng đạo đức xã hội thì đang xuống cấp, trong đó có vấn đề đạo nghĩa thầy trò không còn được như xưa...

Rồi như để chứng minh luận điểm rằng từ trước đây và bây giờ, học trò không phải là người có lỗi, vẫn có tình cảm tốt đẹp với thầy cô giáo, tiếp nối truyền thống tôn sư trọng đạo của dân ta, biểu hiện qua hai lá thư của học trò vào hai thời điểm lịch sử khác nhau. Hôm sau thầy giáo Chẩn lại cuốc bộ băng qua cái nga tư rầm rập ôtô, xe máy đem cho tôi xem thư của hai học trò cũ.

Tôi xin mạn phép nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng và nhà văn Nguyễn Thị Việt Nga chép ra đây để cùng chia sẻ với bạn đọc. Thư của anh Đáng viết ngắn, tôi chép toàn văn, còn thư của Việt Nga thì khá dài (nhà văn nữ mà) thì trích đoạn. Ông Chẩn kể rằng, khoảng năm học 1956-1957, ông là Hiệu trưởng Trường cấp I của hai xã Lương Bằng và Chính Nghĩa (huyện Kim Động, Hưng Yên). Hàng ngày đi bộ đến lớp, ở trọ trong nhà dân, lớp học ở đình chùa, dân đói, thầy giáo cũng đói. Hồi đó một năm học chia thành bốn kỳ. Ông chỉ kiêm dạy lớp ba có học trò Hoàng Kim Đáng được hai kỳ.

Năm sau, Hoàng Kim Đáng lên lớp bốn, biết tin thầy Chẩn ốm, mang một cây mía làm quà đến thăm thầy. Dân xã Chính Nghĩa vẫn giữ tập quán trồng mía, nhưng ngày đó là giống mía bầu, cây cao, dáng mập, vỏ dày nhưng rất ngọt. Thầy giáo Chẩn nằm ở nhà trọ một mình, ốm mệt, không biết có học trò đến thăm. Chắc khi ra về rồi, cậu học trò Đáng rất băn khoăn về món quà chỉ là cây mía nên hôm sau đã viết thư gửi thầy giáo. Lá thư cũng viết vội, không ghi ngày tháng, có chỗ xóa, dập, nhưng chữ rất tháu, có vẻ người lớn, ông Chẩn không còn nhớ là thư do cậu đem đến hay gửi qua bạn bè.

“Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Kính gửi thầy giáo Chẩn

Em là Hoàng Kim Đáng 14 tuổi học kỳ I và II em là học sinh của thầy. Hiện nay em học thầy giáo Niên Chính Nghĩa. Em thấy tin thầy giáo ốm từ hôm nọ nhưng không xuống thăm được, đến hôm qua em mới tạt vào thấy thầy giáo ốm cũng mệt. Em thiết tưởng, không gì quý bằng sức lao động của loài người. Nên em đã có một cây mía do tự tay em lao động ra. Em mong thầy nhận không nên lo nghĩ, chỉ thêm yếu người. Đến đây em tạm ngừng lời chúc thầy mạnh khỏe để phục vụ công tác được kết quả.

Nay kính thư

(Ký tên)

Hoàng Kim Đáng".

Chúng tôi đều bật cười thú vị vì cái sự triết lý ngây thơ, ngộ nghĩnh của cậu học trò lớp 4 về món quà chỉ là cây mía nhưng đối với cậu nó rất quý, rất có giá trị vì do chính tay lao động làm ra. "Vì không gì quý bằng sức lao động của loài người"! Ông Chẩn bảo rằng suy nghĩ của cậu học trò mới lớn không chỉ là sự tiếp nhận giáo dục tư tưởng chính trị của nhà trường, mà còn là dấu ấn tinh thần của thời kỳ đó, vừa mới qua cải cách ruộng đất, toàn dân được phát động tư tưởng đả đảo địa chủ cường hào bóc lột "ngồi mát ăn bát vàng", đề cao người nông dân lao động, giá trị của người lao động.





Ông giáo già và hai bức thư đáng nhớ (2)

Hơn bốn mươi năm sau, bây giờ cuộc sống xã hội đã hoàn toàn khác trước, thư của Nguyễn Thị Việt Nga viết gửi thầy Chẩn khi cô đã là một người trưởng thành, có bản lĩnh, có chính kiến. Cô viết thư để tâm sự với người thầy giáo mà mình yêu kính; vừa để chia sẻ nhận thức; vừa như để khẳng định những điều đáng kính đáng trọng mà mình đã tìm thấy ở ông. Những điều này sẽ rất khó nói nếu như giáp mặt chuyện trò. Nên dù chỉ ở cách nhà thầy Chẩn vài ba dãy phố của thành phố Hải Dương mà cô đã viết cả một bức thư khá dài.

"18 tháng 11 năm 2004

Thầy kính yêu!

…Ngày 20 tháng 11 lại đến rồi… Thời gian trôi nhanh quá thầy ạ. Ở tuổi thầy bây giờ, điều ấy thấm thía hơn tuổi con nhiều lắm. Con cứ thấy hốt hoảng khi nghĩ về thời gian…

Tự dưng ngày 20 tháng 11 năm nay con muốn tâm sự với thầy thật nhiều nên con viết thư thôi ạ. Cộng cả 4 năm học đại học, là con có 16 năm "dùi mài kinh sử" cả thảy ngần ấy năm con có thấy nhiều thầy cô giáo, nhưng chỉ có thầy là thầy giáo đặc biệt nhất. Đặc biệt vì thầy chẳng dạy con ngày nào, nhưng với con thầy luôn là người thầy lớn nhất, cho dù thầy chẳng có học hàm, học vị giáo sư hay tiến sĩ như rất nhiều thầy cô giáo khác.

...Thầy ơi! Những ngày này người ta nói về nghề giáo thật nhiều, chủ yếu là ngợi ca. Thế mà con cứ day dứt mãi về những chuyện phiền lòng. Có những chuyện thật khó tin về những thầy, cô giáo bị xuống cấp về đạo đức nghề nghiệp. Chuyện thật 100% ở rất gần khiến con thấy buồn. Người ta cứ bảo học trò bây giờ hư hơn ngày xưa, không tôn sư trọng đạo bằng ngày xưa. Con nghĩ, hay tại bây giờ có nhiều thầy, cô giáo "hư" nên mới có lớp học trò không ngoan? Còn chỉ biết rất ít trong số rất nhiều học trò của thầy, nhưng con lại tin rằng tất cả học trò của thầy, dù thành đạt hay không thành đạt đều là người tốt. Con nghĩ, để phấn đấu thành giáo sư tiến sĩ, thành Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú đã khó, nhưng phấn đấu thành một nhà giáo chân chính, một nhà giáo mẫu mực để hết thảy học trò đều kính trọng thì còn khó hơn rất nhiều.

Bây giờ con không còn bé bỏng, non dại nữa, những tháng ngày cắp sách cũng đã lùi rất xa. Con đã là mẹ của hai đứa con, đã có thể tự lo liệu, tự quyết định tất cả mọi chuyện trong cuộc sống của mình. Mỗi khi có điều gì đó băn khoăn, con vẫn nghĩ tới thầy, thầy ạ. Con cảm ơn thầy thật nhiều vì những điều tốt đẹp thầy đã làm cho chúng con, và quan trọng hơn là thầy đã hướng chúng con đến những gì tốt đẹp …

Rồi một ngày kia, chúng con sẽ chẳng còn thầy (con xin lỗi vì nói điều không hay nay trong ngày vui), nhưng thầy hãy tin rằng hình ảnh thầy mãi đẹp trong ký ức của lũ học trò. Ngày 20/11 này, con muốn nói nhiều lắm, rằng con được như ngày hôm nay cũng là có sự dắt dìu, động viên của thầy, rằng con luôn nhớ bài học lớn nhất của đời người thầy dạy cho con là lòng nhân ái. Thầy ơi những điều tốt đẹp chẳng bao giờ mất đi. Con tin là như thế…

Điều con mong nhất với thầy bây giờ là chúng con còn được có thầy thật lâu, thật lâu…

Con

Việt Nga".

Khỏi phải nói ông Chẩn đã từng cảm động và sung sướng như thế nào trước những suy nghĩ và tình cảm của cô học trò đã dành cho ông. Xin nói thêm rằng, tuy ông không lên lớp giảng dạy trực tiếp Việt Nga nhưng là Tổ trưởng tổ Văn kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn học của nhà trường nên ông cũng thường xuyên gần gũi, bầu bạn với những học sinh có thiên hướng về văn học như Việt Nga. Cả khi họ đã ra trường, vào đại học, ông vẫn giữ mối quan hệ thân tình với những lớp học trò, vẫn như người thầy, người cha, người bạn…

Và cả đến bây giờ khi ông đã nghỉ hưu. Đúng vậy, tôi cũng nghĩ như Nguyễn Thị Việt Nga: "Những điều tốt đẹp tốt đẹp chẳng bao giờ mất đi!"


(CAND)Nguyễn Phúc Lai

0 nhận xét :